Tuesday, August 22, 2023

VỤ KIỆN CỦA ĐẢNG CỘNG HÒA ĐE DỌA CHÍNH SÁCH DI TRÚ CỦA ÔNG BIDEN (AP)

 



Vụ kiện của đảng Cộng hòa đe dọa chính sách di trú của ông Biden

AP

22/08/2023

https://www.voatiengviet.com/a/vu-kien-cua-dang--cong-hoa-de-doa-chinh-sach-di-tru-cua-ong-biden/7234482.html

 

Bà Valerie Laveus nhớ lại khi lần đầu tiên bà nghe nói về một chương trình di trú được thiết kế để cho phép mọi người tới Mỹ từ bốn quốc gia, trong đó có quê hương Haiti của bà.

 

https://gdb.voanews.com/1f113600-421f-4759-81d5-28c900c12fcc_w650_r1_s.jpg

Di dân vượt sông Rio Bravo tên phía Mỹ là Rio Grande bị chặn bằng hàng rào kẻm gai dọc bờ sông biên giới Mỹ-Mexico ngày 10/5/2023.

 

“Tôi bảo, ‘Chà! Với chương trình này tôi có thể đưa cháu và anh tôi vào Mỹ’”, bà nói. Bà là một giáo viên ở Florida, người đã nhận được một tin nhắn WhatsApp vào tháng 1 năm nay và đã xác minh với một luật sư di trú rằng chương trình này là có thật.

 

Sau nhiều năm cố gắng để có được thẻ xanh, anh trai bà tới Mỹ cùng con trai vào đầu tháng 8 năm nay, sẵn sàng bắt đầu một cuộc sống mới. Họ là hai trong số khoảng 181.000 người đã vào Hoa Kỳ theo chương trình đặc xá nhân đạo kể từ khi Tổng thống Joe Biden đưa ra sáng kiến này.

 

Nhưng 21 tiểu bang nghiêng về Đảng Cộng hòa đe dọa chấm dứt chương trình này thông qua một vụ kiện để xác định tính hợp pháp của nó. Vụ kiện sẽ được xét xử tại tòa án Texas bắt đầu từ ngày 24/8, rồi sau đó sẽ có quyết định.

 

Nếu chính quyền Biden thua kiện, việc này sẽ ảnh hưởng một chính sách rộng lớn hơn nhằm khuyến khích di dân sử dụng các con đường ưu tiên của chính quyền Biden để vào Hoa Kỳ, nếu không sẽ phải đối mặt với những hậu quả nặng nề. Chính quyền Biden nói họ phải hành động khi Quốc hội chưa có hành động để đại tu hệ thống di dân của quốc gia.

 

Nhưng phần lớn chiến lược của chính quyền Biden có thể sụp đổ vì kiện tụng.

 

Trong phiên xử ở Texas, các tiểu bang thuộc đảng Cộng hòa dự kiến sẽ lập luận rằng chính quyền Biden về cơ bản đang chiếm đoạt quyền lực của Quốc hội bằng cách cho phép tới 360.000 người mỗi năm vào Hoa Kỳ từ Cuba, Haiti, Nicaragua và Venezuela theo chương trình đặc xá nhân đạo. Họ nói rằng chương trình này vi phạm quyền hạn đặc xá vốn chỉ được sử dụng trong từng trường hợp cụ thể vì lý do nhân đạo khẩn cấp hoặc vì lợi ích công cộng đáng kể.

 

Chính quyền lập luận rằng họ có quyền sử dụng đặc xá nhân đạo theo cách này và ghi nhận sáng kiến này giảm đáng kể chuyện các di dân từ bốn nước đó vượt biên trái phép vào Mỹ. Những người đăng ký chương trình này phải vượt qua kiểm tra lý lịch và có một nhà bảo lãnh tài chính ở Hoa Kỳ chứng nhận cho họ. Nếu được chấp thuận, họ phải bay đến một sân bay của Hoa Kỳ thay vì đi qua biên giới phía Nam. Sau đó, họ có thể ở lại Hoa Kỳ trong hai năm và nhận được giấy phép làm việc.

 

Các nhóm bảo vệ quyền của di dân đã thỉnh nguyện thành công để được tham gia tố tụng nhân danh bà Laveus và sáu người khác đang bảo lãnh cho di dân.

 

Ông Blas Nuñez-Neto, phụ tá bộ trưởng về chính sách biên giới và di trú của Bộ An ninh Nội địa Mỹ, cho biết trong một cuộc hội thoại gần đây rằng chính phủ lo lắng về phiên tòa sắp tới và sẽ kháng cáo nếu chính quyền thua kiện.

 

Vụ kiện dự kiến sẽ được xét xử bởi Thẩm phán Drew Tipton ở Victoria, Texas, một người được bổ nhiệm bởi ông Donald Trump.

 

Hoa Kỳ đã sử dụng quyền đặc xá nhân đạo để cho phép nhập cảnh hàng chục nghìn người Ukraine khi Nga xâm lược, nhưng vụ kiện của các tiểu bang Cộng hòa không thách thức quyết định đó.

 

Gần như bất kỳ ai cũng có thể là nhà bảo lãnh cho các di dân vừa kể miễn là họ điền vào các thủ tục giấy tờ. Nhiều người, như bà Laveus, đang bảo lãnh cho những người thân không có con đường nào khác để tới Mỹ.

 

Bà Laveus cho biết anh trai bà đã được chấp thuận cấp thẻ xanh vài năm trước, nhưng hạn ngạch của hệ thống di trú khiến việc nhập cư của anh bà ước tính bị trì hoãn thêm sáu năm nữa. Trong khi chờ đợi, bà hỗ trợ những người thân ở xa trong lúc họ tìm cách sống còn trong một đất nước bị ảnh hưởng bởi sự bất ổn về kinh tế và phần lớn do các băng đảng kiểm soát.

 

Một cựu lãnh đạo chính trị đối lập và là nhà hoạt động nhân quyền từ Nicaragua, từng bị bỏ tù tại quê hương vì các hoạt động của mình, được bảo lãnh bởi anh trai, một công dân Hoa Kỳ sống ở El Paso, Texas. Người đàn ông muốn giấu danh tính để bảo vệ gia đình ở Nicaragua, đã đến Mỹ vào tháng 7 năm nay và dự định làm việc trong lĩnh vực xây dựng.

 

Các thành viên của nhà thờ, giáo đường Do Thái và nhà thờ Hồi giáo đã tham gia bảo lãnh cho những người không quen biết vì muốn làm việc thiện giúp đỡ người khác.

 

Ông Eric Sype đang bảo lãnh cho một thành viên trong gia đình mà ông đã ở cùng khi sống và làm việc tại Nicaragua thời còn là sinh viên đại học. Ông Sype là một trong bảy nhà bảo lãnh do các nhóm tranh đấu cho quyền của di dân đại diện trong vụ kiện.

 

Người được ông bảo lãnh dự định sang Mỹ làm việc trong hai năm, sau đó trở về Nicaragua ở với vợ và hai con.

 

“Tôi thực sự không thể tưởng tượng được chương trình này sẽ làm gì hơn ngoài việc mang lại lợi ích cho mọi người, đưa mọi người trở lại với nhau,” ông nói.

 

Chương trình của chính quyền Biden dường như là một trong những điển hình đơn lẻ lớn nhất của thẩm quyền đặc xá nhân đạo, nhưng chắc chắn đây không phải là chính quyền duy nhất sử dụng nó.

 

Thẩm quyền này đã được sử dụng nhiều lần theo những cách lớn nhỏ bao gồm cấp phép nhập cảnh cho người Việt Nam, Campuchia và Lào vào cuối những năm 1970, người Kurd ở Iraq đã giúp đỡ Hoa Kỳ trong Chiến tranh vùng Vịnh những năm 1990 và những người Cuba chạy trốn khỏi đất nước của họ vào nhiều thời điểm khác nhau, theo dữ liệu từ Viện Cato.

Chính quyền Biden bắt đầu chương trình này dành cho người Venezuela vào tháng 10 năm 2022 và thêm người Cuba, Haiti và Nicaragua vào tháng 1 năm nay.

 

Các nhà phê bình cho rằng nhu cầu phải có một nhà bảo lãnh tài chính về cơ bản là ưu tiên những di dân giàu có hơn, có mối quan hệ tốt, đồng thời lo ngại chương trình này có thể bị lợi dụng để bóc lột di dân.

 

 Ông Muriel Sáenz, người giúp đỡ những di dân thông qua tổ chức Nicaraguas Around the World, một nhóm có trụ sở tại Texas, cho biết có thể khó tìm được người bảo lãnh cho những di dân chưa có quan hệ gia đình ở Hoa Kỳ. Bà khuyến khích công dân Hoa Kỳ bảo lãnh cho những người mà họ không quen biết, vốn có thể là điều khó thuyết phục hơn.




No comments: