Thật sự, sau những gì nghe và thấy từ phiên
tòa Chuyến bay giải cứu; giờ thì đọc kết luận điều tra vụ Việt Á, gần như nó cô
đặc đến ngu muội mọi ý nghĩ khi sự táng tận đã ở mức tận cùng.
Tôi đã và vẫn đang tin vào một số không nhiều
“đảng viên, cán bộ, lãnh đạo nhưng sạch và tử tế” mà tôi có biết. Nhưng, qua những
gì phơi bày ở các phiên tòa, bản kết luận thì, cái niềm tin “nhỏ giọt” ấy vẫn
thế; song nó đang vọng lại ngày một rõ hơn “chuông nguyện hồn” cho một chính thể,
một đất nước, một dân tộc…
Tham nhũng
đã không còn mang tính đại diện, nó tràn lan, nó xâm lấn, nó chui rúc tận hang
cùng để ăn vào cơ thể của đảng cầm quyền, của quốc gia. Những kẻ nhuộm chàm ấy chẳng cho thấy một biểu hiện “có dấu hiệu” gì cả
trước đó. Thì sau nó, cũng đừng mong đồng chí, đồng đội của nó thôi hay không
tiếp tục gặm nhấm, đục khoét.
Và cũng đừng nghĩ “thằng” ăn nhiều là thằng tội
trọng. Hẳn nhiên. Nhưng trước khi ăn hạm thì nó cũng đã ăn từng miếng, từng mẫu,
từng mảnh. Hai triệu đô cũng là ăn, hai triệu đồng cũng tìm cách ăn. Rồi một
ngày hai triệu đồng cũng leo tới hai triệu đô.
Chúng ăn như một sở thích, thói quen và dần
thành tập quán. Chúng cộng sinh lẫn nhau dưới những vỏ bọc tổ chức đảng, chính
quyền cho đến đoàn thể mà chúng đại diện, lãnh đạo.
Ngoài trông chờ vào một thứ đạo đức, luân lý
xa xỉ từ đâu đó, của ai đó thì chẳng thấy một cơ chế hay định chế nào đủ sức kiểm
soát, khống chế tham nhũng. Vì chính nó – thứ virus tham nhũng ấy đã tự tạo ra
“miễn dịch cộng đồng” cho cả tập thể, cho từng cá thể cán bộ, đảng viên mất rồi
– ít nhất là “đám” quan chức chuyến bay giải cứu, việt á.
Biết là trút sự phẫn nộ, tức giận lên… chữ thế
này thì cũng vô nghĩa. Cái không thể diễn tả, sau cùng là nghêu ngao trong sự bất
lực “buồn mỗi ngày buồn hơn”. Nó rệu rã, mục ruỗng đến thế này rồi thì sự cứu rỗi
sẽ bắt đầu từ đâu, bao giờ, bởi ai…
Đôi khi, đôi lần cũng cặm cụi, cần mẫn làm những
điều nhỏ nhặt để tự mình vá víu, đắp đổi lấy niềm tin cho chính mình.
Nhưng, sự đốn mạt, táng tận, vô nhân nó cứ mỗi
ngày vả vào mặt mình, phỉ nhổ lên sự cùng cực, khốn khổ, chịu đựng lẫn những
“le lói” tìm cách mà vươn lên của bao người.
Khi những ngày hơn hai vạn đồng bào của thành
phố này nằm xuống, có một cái phong bì 200.000 đô la đã bị… bỏ quên như một
thói quen, không cần phải nhớ, ở ngoài kia.
.
No comments:
Post a Comment