Quốc Phương, cộng tác viên RFA Tiếng Việt từ London
2023.08.09
Một bài báo trên
BBC hôm 09/8/2023 đặt câu hỏi liệu hai mỏ khí đốt trên Biển Đông của Việt Nam
có ‘phá vỡ thỏa thuận’ khí hậu Paris hay không.
Giàn khoan dầu khí ở mỏ Lan Tây ngoài khơi Vũng Tàu
hôm 29/4/2018 (minh họa). Reuters
Bình luận với Đài Á Châu Tự về vấn đề vừa nêu, nhà nghiên cứu Việt Nam về
an ninh, chủ quyền Biển Đông, ông Đinh Kim Phúc từ Sài Gòn
cho rằng đây là một việc đặt vấn đề không phù hợp, gây bất lợi cho bảo vệ chủ
quyền và khai thác nguồn lợi chính đáng của Việt Nam trên Biển Đông, mà Việt
Nam đang bị nước lớn láng giềng đe dọa.
Đồng thời, nhà nghiên cứu về lịch sử chủ quyền Biển Đông, cựu giảng viên
nhiều trường Đại học tại Việt Nam, khẳng định Việt Nam, cũng như nhiều nước
khác, luôn ứng dụng các công nghệ tốt nhất có thể trong khai thác các nguồn tài
nguyên thiên nhiên, trong đó có dầu khí, nên hoàn toàn có thể đáp ứng cân bằng
các yêu cầu giữa phát triển, kinh tế, năng lượng, khai thác năng lượng với tăng
cường cải thiện môi trường, sinh thái, bên cạnh việc bảo đảm thực thi và bảo vệ
các quyền và lợi ích hợp pháp của mình trên Biển Đông, khi khai thác tài nguyên
và nguồn lợi trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của mình.
Bài báo mà ông
Đinh Kim Phúc bình luận cho hay “Ít nhất 19 mỏ khí đốt mới, có trữ lượng ước
tính khoảng trên 540 tỷ mét khối khí, trong đó gồm hai 'siêu mỏ' của Việt Nam,
đang được coi là đe dọa phá vỡ thỏa thuận khí hậu Paris - cam kết sự nóng lên
toàn cầu dừng dưới mức 1,5 độ C. Mười chín mỏ này đã đạt hoặc dự kiến sẽ đạt
quyết định đầu tư cuối cùng (FID) trong khoảng thời gian từ năm 2022 đến 2025 ở
Đông Nam Á, theo thông tin mới nhất mà Global Energy Monitor's Global Oil và
Gas Extraction Tracker (GOGET) cung cấp…
Không chỉ các mỏ thăm dò khí đốt mới này đi ngược lại sự đồng thuận về mặt
khoa học rằng không thể khai thác thêm mỏ dầu khí mới nào trong khi vẫn muốn đảm
bảo giữ mức ấm nóng toàn cầu dưới 1,5°C, mà tuổi thọ tiềm năng của một số mỏ vượt
ra ngoài khung thời gian cam kết net-zero (phát thải bằng 0) mà nhiều quốc gia
đặt ra… Trong khi đó, nhiều dự án khí đốt dự tính khai thác tới sau 2060. Với
lượng khí thải tương thích phát ra từ mỗi dự án, việc tiếp tục sản xuất sẽ khiến
việc đạt được net zero khó khăn hơn.”
‘Con
mèo tha miếng mỡ, con cọp vác con heo’
Từ Sài Gòn, ông Đinh Kim Phúc đưa ra quan điểm phản biện của mình, ông
nói:
“Tôi nghĩ rằng nên bắt đầu bằng số liệu về trữ lượng
dầu khí ở trên Biển Đông và khu vực ở Đông Nam Á. Trong thời gian qua, rất nhiều
tin tức trên báo chí và các hãng truyền thông nước ngoài thổi phồng trữ lượng dầu
khí ở Biển Đông. Và chính khi thổi phồng như vậy, không có một nguồn tin hay một
cơ quan nào có thể xác định được trữ lượng chính xác là bao nhiêu. Điều này gây
ra một số vấn đề trong quan hệ quốc tế, cũng như tình hình an ninh khu vực Đông
Nam Á. Người ta cho rằng chính vì trữ lượng dầu khí ở Biển Đông rất kinh khủng,
rất lớn, do đó tham vọng của Trung Quốc không bao giờ dừng lại, như thế chúng
ta sẽ không đánh giá đúng thực chất nhà cầm quyền Trung Quốc hiện nay trong vấn
đề Biển Đông, trong vấn đề họ tiến tới khu vực Đông Nam Á.
Một vấn đề thứ hai nữa là có một bài viết xuất hiện
trên BBC mới đây đánh giá Việt Nam nên giữ cam kết về môi trường, về cam kết đến
năm 2050 giảm khí thải carbon xuống bằng không (zero), theo cam kết của Chính
phủ Việt Nam. Tôi đã có một mục dòng trạng thái status trên trang Facebook của
tôi, trong đó tôi cho rằng ‘khi con mèo tha miếng mỡ’ thì nhấn mạnh, còn khi
‘con cọp vác con heo’ thì mọi người lại lờ đi. Tôi cho rằng trữ lượng dầu khí ở
Biển Đông chẳng là gì so với của Nga và Trung Cận Đông. Và vấn đề ô nhiễm môi
trường, vấn đề (ấm nóng) khí hậu trên toàn cầu là vấn đề của toàn thể thế giới,
toàn thể các quốc gia, chứ không phải riêng của Việt Nam, không phải riêng của
các nước Đông Nam Á.”
‘Hoạt
động dầu khí là đồng thời đảm bảo chủ quyền’
Nhìn vào việc khai thác dầu khí của Việt Nam trên Biển Đông, tiếp tục
trên quan điểm riêng, nhà nghiên cứu Đinh Kim Phúc nói với RFA Tiếng Việt:
“Vấn đề khai thác dầu khí của Việt Nam, nếu nhìn về tổng thể, chúng ta
thấy rằng nó chiếm một phần rất lớn trong kim ngạch quốc gia, nhưng khai thác dầu
khí không phải là vấn đề an ninh năng lượng số một của Việt Nam, mà đây là vấn
đề an ninh quốc gia. Việc khai thác dầu khí của Việt Nam trên thềm lục địa của
Việt Nam, trên vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam đảm bảo vững chắc cho Việt
Nam bảo vệ an ninh biển của mình. Khi kêu gọi đầu tư quốc tế từ các nước trên
thế giới, các nước phương Tây, các nước châu Âu, thậm chí cả Nga, Ấn Độ v.v…, nếu
ai tuân thủ luật đầu tư của Việt Nam, ai tuân thủ những cam kết và pháp luật của
Việt Nam về khai thác ở trên Biển Đông, thì cứ vào đầu tư và khai thác, chia sẻ
quyền lợi chung với Việt Nam.
Còn nếu muốn nói rằng Việt Nam nên dừng các việc của
Việt Nam về khai thác dầu khí của Việt Nam trên Biển Đông, để phục vụ cho các
cam kết quốc tế tới năm 2050, thì tôi cho rằng ý kiến đó không nằm trong tổng
thể để hiểu được hoàn cảnh an ninh của Việt Nam, hiểu được môi trường chiến lược
của Việt Nam, trong hoàn cảnh an ninh khu vực ở Đông Nam Á và châu Á – Thái
Bình Dương. Chúng ta biết rằng mỗi một quốc gia, không riêng gì Việt Nam, đều
có những yêu cầu an ninh riêng của mình, yêu cầu có nền độc lập, tự chủ của
mình và mình quyết định vận mệnh của mình, khi tiến hành các khai thác về kinh
tế cũng như bang giao quốc tế về chính trị, xã hội, văn hóa v.v… Do đó, tôi
nghĩ rằng không nên đặt vấn đề Việt Nam đang khai thác dầu khí đi ngược lại vấn
đề cam kết quốc tế của Việt Nam vào năm 2050.”
Trước câu hỏi liệu hai mỏ khí đốt trên Biển Đông của Việt Nam có ‘phá vỡ’
thỏa thuận khí hậu Paris hay không như cách đặt vấn đề được nêu trên bài báo của
truyền thông quốc tế có sử dụng tiếng Việt mà ông đang đề cập, nhà nghiên cứu
Đinh Kim Phúc đáp:
“Trong tương lai, mỏ Cá Voi Xanh phải được khai thác, vì đó là chủ quyền
của Việt Nam. Việt Nam được quyền độc lập cho ai khai thác, cho ai đầu tư, đó
là quyền của Việt Nam. Và hai mỏ ở trong bài báo của BBC đề cập, tôi cho rằng
nó cũng có một tác động phần nào, góp phần vào việc môi trường, khí hậu trên
toàn thế giới, nhưng tôi xin nhắc lại rằng tính tỉ lệ việc khai thác dầu khí ở
Malaysia, ở Indonesia, ở Brunei, ở Nga, ở Trung Cận Đông, ở Trung Đông, v.v…,
thì chẳng thấm tháp vào đâu.
Do đó khi đặt vấn đề, chúng ta nên đặt vấn đề trong
tổng thể của toàn thế giới: những quốc gia nào đang phá vỡ cam kết, đang gây hại
nhiều nhất bằng gây ô nhiễm môi trường, phá hoại tầng khí quyển, như là Trung
Quốc, như là các quốc gia châu Âu và các quốc gia chậm tiến khác trên thế giới;
dù là nước giàu hay nước nghèo, thì quá trình công nghiệp hóa cũng tác động phần
nào đến sự biến đổi khí hậu, chứ không phải những nước nghèo như Việt Nam mà
đem ra làm một số liệu để mà so sánh, để mà phê phán Việt Nam, phải nhìn lại
vào vấn đề an ninh năng lượng và an ninh quốc gia của Việt Nam trong bối cảnh
quan hệ quốc tế hiện nay.”
Công nhân của liên doanh Rosneft Vietnam tại giàn
khoan dầu khí mỏ Lan Tây ngoài khơi Vũng Tàu năm 2018 (minh họa). Reuters
‘Nếu
độc chiếm Biển Đông, Trung Quốc sẽ làm điều tệ hại’
Nhân dịp này, nhà nghiên cứu Biển Đông của Việt Nam cũng đề cập những
nguy cơ và hành động trên thực tế mà Trung Quốc đang gây ra ô nhiễm môi trường,
gây tăng biến đổi khí hậu bất lợi cho thế giới từ khu vực và ngay trên Biển
Đông, ông nói với Đài Á Châu Tự Do:
“Trung Quốc chiếm bảy điểm trên quần đảo Trường Sa của Việt Nam mà biến
thành các căn cứ quân sự, và họ đã tiến hành khảo sát, thăm dò trữ lượng dầu
khí ở Biển Đông, và việc này họ đã làm hơn 20 năm qua, chứ không chỉ vài tháng
qua mà thôi. Do đó chúng ta thấy rõ rằng tác hại của những căn cứ quân sự này ở
trên Biển Đông, việc tàn phá môi trường biển, tàn phá san hô, tàn phá môi trường
sống của các loài sinh vật biển, nó quan trọng không kém gì vấn đề ô nhiễm khí
hậu do vấn đề dầu hỏa, vấn đề than đá gây ra.
Do đó, một lần nữa tôi xin nhấn mạnh, nếu muốn nhắc
đến bảo vệ môi trường toàn cầu, muốn tránh ô nhiễm tầng ozone gây tác động đến
biến đổi khí hậu trên toàn thế giới, nó không phải là một việc làm riêng của Việt
Nam, mà đây là việc làm cũng của các nước trên thế giới, mà nhất là các nước
tiên tiến, các nước có nền công nghiệp đứng hàng đầu trên thế giới. Các vị phải
làm gương, phải đi đầu, phải giữ vững cam kết mà các vị đã nói trước Liên Hợp
Quốc trong hai mươi năm qua, thì lúc đó những nước nghèo như Việt Nam sẽ lấy đó
làm bài học để điều chỉnh chính sách của mình. Chứ không thể nào mà Việt Nam là
một nước nghèo, cần phát triển kinh tế, Việt Nam cần bảo vệ an ninh của mình,
mà lại phải hy sinh quyền lợi của mình cho các nước tư bản phương Tây, cho quyền
lợi của các cường quốc khác trên thế giới.”
Theo ông Đinh Kim Phúc, nếu Trung
Quốc độc chiếm được biển đảo ở trên Biển Đông và khu vực, thì tình hình đối với
môi trường, sinh thái và khí hậu thế giới có thể rất nghiêm trọng, như ông nói
tiếp với RFA:
“Tôi nghĩ Trung Quốc sẽ làm tệ hại hơn nữa, chúng ta
nên nhớ rằng Trung Quốc đã có kế hoạch xây dựng một lò phản ứng hạt nhân nổi
trên Biển Đông, ở khu vực mà họ chiếm đóng, kế hoạch đó hiện nay đang tạm dừng
lại chứ tôi không nói là bị phá sản, và kế hoạch mà Trung Quốc sẽ khai thác ở
trên Biển Đông sau khi họ đã củng cố được tiềm lực quân sự ở trên khu vực này,
thì sẽ không ai ngăn cản được họ khai thác dầu khí ở khu vực này. Vì chúng ta
nhớ rằng Mỹ và các nước phương Tây đều kêu gọi tự do hàng hải, tự do hàng
không, và cam kết với Công ước Luật biển của LHQ năm 1982, nhưng không ai đấu
tranh về mặt chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam, của các
nước Đông Nam Á trên Biển Đông.
Và về mặt chủ quyền, có yêu cầu rằng các bên có xung
đột, có liên quan đưa ra tòa án quốc tế, do đó khi Trung Quốc lấn tới một bước
khai thác tài nguyên ở trên Biển Đông, thì không thế lực nào ngăn cản được. Nhất
là hiện nay họ đang là cường quốc số hai trên thế giới, họ có vũ khí nguyên tử,
họ có lực lượng nguyên tử hùng hậu, thì không có lực lượng nào có thể ngăn cản
được tham vọng của họ, kể cả là nước Mỹ.”
Ông Đinh Kim Phúc nhấn mạnh sự phản biện của mình, có nhắc đến một Hội
nghị về Biển Đông, mà trong ban tổ chức và đại biểu tham dự, được cho là có sự
sắp xếp, phối hợp của nhiều hội người Việt Nam có quan hệ mật thiết với các tòa
đại sứ của CHXHCN Việt Nam tại châu Âu và nước ngoài điều phối, mà vẫn theo cơ
quan truyền thông quốc tế có sử dụng tiếng Việt nói trên loan tin, diễn ra
trong hè năm nay, ông nói:
“Tôi không đồng ý với cách đặt vấn đề của bài báo, và đây không phải
là lần đầu, qua thông tin một hội nghị ở Paris về chủ quyền của Việt Nam trên
Biển Đông mà một Tiến sĩ ở Ba Lan đã phát biểu hết sức bậy bạ, truyền thông có
nhiệm vụ phải đưa tin trung thực và phải để cho các nhà nghiên cứu phản biện…
Khai thác dầu khí nói riêng và khai thác tài nguyên thiên nhiên nói chung, Việt
Nam và tất cả các nước trên thế giới bao giờ cũng áp dụng điều kiện khoa học, kỹ
thuật hiện đại để hạn chế những tác động đến đời sống kinh tế, văn hóa và xã hội
của các nước sở tại, của môi trường, trên toàn cầu. Và tôi nghĩ rằng tốt nhất
theo tôi bài báo này nên rút và nên biên tập lại, đặt vấn trở lại.”
-------------------------
Tin,
bài liên quan
THỜI SỰ
·
Thủ
thuật "dư luận chiến" trong vụ Manila Times nói Việt Nam quân sự hóa
Biển Đông
·
Biển
Đông: Xịt vòi rồng tàu Philippines, Trung Quốc muốn thử phản ứng, Việt Nam cần ứng
phó thế nào?
·
Thái
độ của giới tinh hoa chính trị và công chúng Philippines đối với Việt Nam về vấn
đề Biển Đông
·
Việt
Nam - Philippines cần ưu tiên gì để giúp nhau tốt nhất về an ninh trên Biển
Đông
No comments:
Post a Comment