Nhiều người nghĩ rằng Covid-19 đã là quá khứ,
nhưng đó là một suy nghĩ sai lầm tai hại.
Mấy lần về Việt Nam sau đại dịch tôi thấy hình
như có nhiều người nghĩ rằng Covid-19 đã là quá khứ. Có vẻ chẳng ai còn quan
tâm đến con virus đã gây cho hơn 6 triệu cái chết trên toàn cầu.
Nhưng suy nghĩ đó sai lầm một cách nguy hiểm.
Vài hôm trước, một đồng nghiệp của tôi ở UNSW
qua đời sau khi bị Covid-19. Chị ấy ở tuổi 65s, đã chống chọi với căn bệnh ung
thư mấy năm nay và ít khi nào đến trường. Chỉ một lần đi chợ, chị 'dính'
Covid-19 dù đã được tiêm chủng vaccine trước đây. Sau khi bị Covid-19, chị trở
nên yếu hơn và chỉ hai tuần sau thì qua đời để lại tiếc thương cho nhiều đồng
nghiệp.
Trường hợp của chị đồng nghiệp tôi là một nhắc
nhở rằng đại dịch Covid-19 vẫn còn diễn ra và vẫn còn là một mối đe doạ đến
chúng ta. Cần ghi nhận rằng cho đến nay Tổ chức Y tế Thế giới vẫn xem Covid-19
là một đại dịch. Chúng ta chỉ thoát ra khỏi tình trạng khẩn cấp,
nhưng chúng ta vẫn còn trong tình trạng đại dịch. Con virus vẫn còn biến hoá một cách khó lường và gây tác hại ở quy mô
lớn.
Giới dịch tễ học chia diễn tiến của đại dịch
Covid-19 qua 4 giai đoạn:
· 2020: năm của sốc, bất định, và phong toả;
· 2021: năm của giải pháp vaccine;
· 2022: năm của 'tự do' và ... mất cảnh giác;
· 2023: năm của đại dịch thầm lặng.
2023 là năm của đại dịch thầm lặng. Thật vậy, chỉ trong một tuần vào tháng 5/2023, có gần 600,000 người mắc
bệnh Covid-19 toàn cầu. Quan trọng hơn, hiện nay mỗi tuần vẫn còn hàng vạn ca tử
vong vì Covid-19 trên thế giới. Thật vậy, cho đến nay, số ca tử vong vì
Covid-19 vẫn cao hơn con số trước đại dịch khoảng 17%. Ấy vậy mà không có ai
báo động!
Một số người có nguy cơ cao
Ai là người có nguy cơ tử vong vì Covid-19? Nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng những người bị suy giảm miễn dịch không
chỉ dễ bị Covid-19 [1], nhưng khi bị thì nguy cơ tử vong tăng cao. Đặc biệt, những
bệnh nhân sau đây nằm trong nhóm suy giảm miễn dịch:
· Những bệnh nhân ung thư đang được hoá trị
hay xạ trị, vì các liệu pháp điều trị này làm suy giảm lượng tế bào máu trắng
(bạch cầu).
· Những bệnh nhân ghép tạng hay thay thế tế
bào gốc.
· Những bệnh nhân đang dùng các thuốc
corticosteroids ở liều lượng cao.
Ở những bệnh nhân trên, vaccine không có hiệu
quả cao, đặc biệt là đối với những biến thể virus mới. Thậm chí, có nghiên cứu
cho thấy những bệnh nhân trên đây (ung thư, ghép tạng, và dùng liều lượng
corticosteroids cao) cũng không được bảo vệ cho dù họ sống gần những người đã
được tiêm chủng vaccine Covod-19.
Tóm lại, đại dịch
Covid-19 vẫn còn với chúng ta. Chúng ta chỉ mới ra khỏi tình trạng khẩn cấp mà
thôi, chứ Covid-19 vẫn còn tồn tại và gây ra cho nhiều cái chết trên thế giới,
kể cả Việt Nam. Ưu tiên hiện nay là phòng ngừa Covid-19 ở những bệnh nhân có hệ
miễn dịch bị suy yếu.
TB: Có bạn hỏi những người mắc bệnh trên thì có cách nào phòng ngừa
Covid-19 vì vaccine có vẻ kém hiệu quả? Câu trả lời là có thuốc (không phải
vaccine) đã được các nhà chức trách y tế bên Mĩ, Canada, Úc, Âu châu phê chuẩn.
Nhưng ở VN thì theo tôi biết là thuốc này (Evusheld) chưa có bán trên thị trường.
.
No comments:
Post a Comment