(Nghĩ lan man)
Có ba câu chuyện liên quan đến xử án mà tôi thuộc từ thời trẻ khi đọc
sách nhưng cứ liên tục phải suy ngẫm cho đến tận bây giờ.
Chuyện thứ nhất kể vua Salomon xử kiện vụ
hai bà mẹ tranh nhau một đứa bé. Bà nào cũng khẳng định đứa trẻ là con của
mình. Không thể tìm ra bằng chứng, vua Salomon bèn đưa ra phán quyết: Sẽ chặt
đôi đứa bé, chia cho mỗi bà mẹ một nửa, thế là công bằng! Phán quyết vừa buông
ra thì một bà mẹ vội quỳ ngay xuống, khóc lóc khấu đầu van xin nhà vua tha tội
vì mình đã nói dối, bởi đứa trẻ là con của bà kia, xin nhà vua trả cho bà ta và
XIN ĐỪNG CHẶT ĐÔI đứa bé. Nhà vua bèn chỉ mặt người vừa van xin bảo: “Mụ ra mà
bế con mụ về" (Chỉ người mẹ thật mới hành xử như vậy), đồng thời lệnh tống
người đàn bà còn lại vào ngục vì tội bắt cóc trẻ con.
Chuyện thứ hai là vụ xử kiện của “quan toà”
Xantrô Panxa, nhân vật thằng hầu trong tác phẩm Donkihote của Xecvantec, khi
ông được làm thống đốc một hòn đảo. Nguyên đơn là một phụ nữ, bị đơn là gã lái
buôn. Nguyên đơn tố bị đơn đã cưỡng hiếp chị ta. Nghe xong, Xantrô đập bàn ra
ngay phán quyết là gã lái buôn phải bồi thường cho người đàn bà 30 quan tiền
vàng, một tài sản rất lớn. Gã lái buôn quỳ mọp xuống kêu oan, trong khi người
đàn bà thì vô cùng mãn nguyện, đùm tiền vào áo, cảm ơn “quan toà” sáng suốt như
trời rồi xin được về nhà ngay.
Người đàn bà đi rồi nhưng gã lái buôn vẫn một mực kêu oan. Xantrô bèn bảo
hắn đứng dậy, ghé tai nói nhỏ: “Đồ ngốc, đuổi theo mụ ta mà lấy lại tiền”. Gã
lái buôn nghe xong bèn lao vụt theo người đàn bà khi đó đã cách một quãng xa. Hắn
lao vào giằng bọc tiền. Nhưng dù đã dùng hết sức, gã lái buôn vẫn không cách
nào đoạt lại được số tiền từ tay người đàn bà. Hai bên bèn túm nhau trở lại gặp
quan toà. Xantrô nhìn thấy người đàn bà vẫn bảo vệ được số tiền, trong khi gã
lái buôn thì sắp kiệt sức, bèn đập bàn quát: “Con mụ kia, trả lại tiền cho nó!”
Người đàn bà tỏ vẻ ngạc nhiên không hiểu sao quan lại giở mặt nhanh thế. Bấy giờ
“quan toà” vốn là gã hầu kiêm dắt ngựa mới dõng dạc đáp: “Nếu nhà ngươi cũng bảo
vệ phẩm tiết như vừa bảo vệ túi tiền thì liệu hắn ta có làm gì được không?” (Ý
là nếu không vu cáo thì thể nào cũng có yếu tố thông đồng).
Người đàn bà tẽn tò trả lại tiền rồi bỏ đi trong nỗi hổ thẹn.
Chuyện thứ ba liên quan đến trí anh minh của
cả một dân tộc. Đó là từ hơn 2000 năm trước người Do Thái đã có một quy định lạ
đời-so với thế giới- trong việc xét xử tội phạm. Hội đồng xét xử gồm 100 thành
viên được lựa chọn nghiệt ngã về mặt phẩm hạnh. Ai đó bị 51 người trở lên trong
Hội đồng xét xử phán có tội, lập tức hắn ta bị tống giam hoặc đưa đi treo cổ.
Nhưng nếu cả 100 người trong Hội đồng cùng phán kẻ nào đó có tội, thì tội nhân
lại được tha bổng ngay tức khắc.
Người Do Thái cho rằng khi ai đó bị tất cả chống lại, chắc chắn anh ta
không phải là tội nhân tầm thường. Những gì anh ta làm có thể vượt ra khỏi thời
đại vì thế nằm ngoài khả năng phán xét công bằng của người đương thời. Trong
trường hợp ấy, giữa khả năng để lọt tội phạm, kể cả tội phạm nguy hiểm và khả
năng có thể giết oan một người vô tội hoặc phi thường về tài năng, thì toà án
Do Thái đã chọn thà để lọt tội phạm.
Những câu chuyện vừa kể, dù là huyền thoại, hư cấu văn học hay sự thật
đều hàm ý rằng bất cứ ai, dù là thiên tài, cũng có thể mắc sai lầm bởi khả năng
của con người là có hạn. Vì thế người thông minh chính là người nhận ra những
giới hạn của mình.
Khi một quan toà tự tin đến mức cho mình là người hoàn hảo về trí tuệ,
thì phải nghiêm cấm anh ta ngồi ghế xét xử. Nguy cơ có rất nhiều người bị kết
án oan bởi anh ta là vô cùng lớn. Bởi sẽ không còn khoảng trống của sự do dự
trong phán quyết mà anh ta đưa ra. Chính cái khoảng trống thể hiện sự thiếu tự
tin ấy, là chỗ để trái tim chen ngang và nói tiếng nói của mình. Tiếng nói ấy
mang theo toàn bộ kinh nghiệm sống, toàn bộ kinh nghiệm lịch sử về lẽ phải,
toàn bộ kinh nghiệm về cái có lý ở đời mà không ngôn ngữ nào có thể mô tả hết.
Những kinh nghiệm đó không thể thay thế các phán xét dựa trên những bằng chứng
mà lý trí tin cậy, càng không thể thay thế các nguyên tắc pháp lý là mọi sự phải
được chứng minh bằng thứ ngôn ngữ rõ ràng, có logic khoa học, theo đúng chính tả
và không bị hiểu sai…nhưng nó có giá trị như một phương tiện tiếp cận sự thật.
Nhận diện sự thật thì chỉ lý lẽ không thôi là không chắc chắn.
Nhân vật trong tiểu thuyết mang tính hồi ức Người tù khổ sai Papilon là
nhân vật có thật. Toàn bộ cuốn sách là diễn biến của hơn chục cuộc vượt ngục khủng
khiếp của người tù tên là Papilon. Có không biết bao nhiêu nguy hiểm luôn cận kề
bên anh ta với mỗi lần vượt ngục đó. Papilon hoàn toàn ý thức được rằng, anh ta
có thể phải chết, thậm chí chết một cách đau đớn như bị bắn vỡ sọ và rơi xuống
nền đá từ độ cao hàng trăm mét, bị thú rừng xé nát, bị cá mập nuốt sống, bị làm
mồi nhắm rượu cho bọn cướp biển...Ngoài ra là trùng trùng nguy hiểm không thể
nào lường hết dựng lên trước mặt anh ta. Nhưng anh ta vẫn không bỏ cuộc.
Nếu chỉ vì mục tiêu được sống, chắc chắn không ai đủ can đảm làm như vậy.
Vì trong tù anh ta cũng có thể đạt được điều đó. Động cơ lớn nhất thúc giục anh
ta hành động chính là vì sau phán quyết của toà án kết tội anh ta, sự thật vẫn
thuộc về phía anh ta. Mà nói như một nhà triết học Hy Lạp thì: “Khi có sức mạnh
của sự thật trong tay, tôi chẳng phải sợ gì hết”. Anh ta chiến đấu để đòi lại
những thứ đã bị tước mất một cách bất minh và bất lương. Khi đó sức lực của con
người là vô cùng khủng khiếp, cả ở khả năng tự vệ cũng như gây họa cho xã hội.
Xử án là dựa trên bằng chứng và lý lẽ. Nhưng có những lý lẽ cao nhất lại
chỉ có trái tim lương thiện mới minh định được. Trái tim có thể không nên can dự
vào quá trình xét xử, nhưng mọi phán quyết cuối cùng của bất cứ phiên toà nào,
nên tham khảo tiếng nói của nó.
Hình : https://www.facebook.com/photo/?fbid=10227466370142512&set=a.10214678173885598
.
No comments:
Post a Comment