Báo
chí 'bắt tay' tuyên giáo, Bộ 4T và doanh nghiệp: 'sáng kiến’ hay ‘liên kết lợi
ích’ ?
Quốc Phương, cộng tác viên RFA Tiếng
Việt từ London
2023.08.02
Công luận Việt Nam và giới quan sát báo chí,
truyền thông, thời sự Việt Nam mới đây được thu hút bởi một sự kiện ký kết giao
ước được cho là ‘tay tư’ giữa đại diện lãnh đạo giới báo chí, truyền thông
thông nhà nước Việt Nam thông qua Hội nhà báo Việt Nam, Ban tuyên giáo và Bộ
Thông tin & Truyền thông với giới doanh nghiệp Việt Nam thông qua Liên đoàn
Thương mại & Công nghiệp (VCCI), với một câu hỏi được đặt ra rằng liệu đây
đơn thuần là một ‘sáng kiến’ để giải quyết bài toán tạo thu nhập, tài chính cho
báo chí nhà nước Việt Nam trong lúc gặp khó khăn, hay còn là một ‘liên kết lợi
ích’ nào đó, và nếu như vậy thực chất và hệ lụy có thể là gì.
C ác nhà báo tại trung tâm báo
chí trong buổi lễ khai mạc Đại hội Đảng 13 tháng 1/2021 (AP)
Tường trình lễ giao ký kết ‘Chương trình phối
hợp công tác giữa bốn cơ quan’ diễn ra ở Hà Nội hôm 25/7/2023, sự kiện mà cũng
có sự hiện diện của đại diện Ban Dân vận Trung ương và nhiều cơ quan, tổ chức
khác của Đảng, Nhà nước, báo Công an Nhân dân online dẫn thông điệp của một quan chức
đại diện lãnh đạo của Ban Tuyên giáo TƯ Đảng và Trung ương Hội nhà báo Việt
Nam, cho hay:
“Bốn cơ quan, đơn vị nhận thấy cần nâng mối quan hệ
công tác lên cấp độ mới nhằm có định hướng về chương trình phối hợp cơ quan để
chương trình thực sự đi vào hiệu quả. Tuy nhiên… môi trường kinh tế thế giới và
môi trường kinh tế Việt Nam đã thay đổi, tạo ra sự chuyển biến lớn tại các cơ
quan báo chí.
Do đó, nếu các cơ quan báo chí chỉ phụ thuộc vào nguồn
thu từ quảng cáo của doanh nghiệp sẽ rất khó khăn bởi hiện nay nguồn chi quảng
cáo ở các doanh nghiệp Việt Nam cho các tờ báo chính thống đang dần bị thu hẹp.
Thay vào đó, các doanh nghiệp Việt Nam lại đang chi nhiều hơn cho hoạt động quảng
cáo của các kênh thông tin nước ngoài. Song trong số những kênh thông tin này,
có rất nhiều kênh lại lan tỏa thông tin sai lệch, không đúng đắn…”
‘Đi ngược lại phương thức hoạt động của báo chí’
Cũng tại sự kiện, một đại diện lãnh đạo Bộ
Thông tin và Truyền thông được dẫn lời, phát biểu nhận định: “Mối quan hệ gắn
bó hữu cơ, đồng hành cùng nhau giữa báo chí và doanh nghiệp qua nhiều năm tháng
luôn là mối quan hệ tốt, nhưng vẫn còn một số điều “phiền lòng” nên cả hai bên
cần giải pháp thực hiện tốt hơn.”
Đại diện lãnh đạo giới doanh nghiệp Việt Nam
thông qua Liên đoàn Thương mại & Công nghiệp VCCI, nêu quan điểm:
“Một bài báo có thể thúc đẩy thành công của
doanh nghiệp, lan tỏa khí thế, tinh thần kinh doanh trong xã hội. Nhưng một bài
báo cũng có thể làm tiêu tan một thương hiệu, một doanh nghiệp. Ở chiều ngược lại,
doanh nghiệp vừa là nguồn thông tin, vừa là đối tác, nguồn lực và khách hàng
quan trọng của báo chí. Chính vì vậy, sự đồng hành, hợp tác lành mạnh, hiệu quả
giữa báo chí và doanh nghiệp có ý nghĩa quan trọng đối với sự phát triển của mỗi
bên cũng như trong thực hiện các mục tiêu xây dựng, phát triển đất nước.”
Bình luận về sự kiện giao kết này, từ Berlin,
CHLB Đức hôm 01/8/2023, nhà báo, nhà văn Võ Thị Hảo, bình luận với Đài Á Châu Tự
Do trên quan điểm riêng của bà:
“Tất nhiên ký kết là quyền của họ thôi, họ muốn làm
gì chẳng được, với một quyền lực ngầm, cũng như quyền lực công khai như vậy,
nhưng điều ấy rõ ràng đi ngược lại phương thức hoạt động của báo chí, của tự do
báo chí. Báo chí là một lực lượng giám sát, một lực lượng để làm minh bạch hóa,
kể cả những sự minh bạch hay thiếu minh bạch, có lợi hay bất lợi cho người tiêu
dùng, tất cả những cái đó phải minh bạch.
Và những người phụ trách và định hướng ngành tuyên
giáo, ngành tư tưởng văn hóa này, đặc biệt càng phải minh bạch, và càng phải
tránh xa ‘cái bếp núc’ ấy. Còn một ký kết như vậy mang tính lệ thuộc lẫn nhau
và rõ ràng ai cũng hiểu rằng, mặc dù có chứng cứ hay không rồi đây sẽ thấy, nó
‘sặc mùi tiền’. Nhìn chung, ngành tuyên giáo, tôi nghĩ không thể làm như thế.
Doanh nghiệp bỏ ra rất nhiều tỷ đồng VN, nếu là doanh nghiệp lớn, để mua thời
lượng quảng cáo ở trên một tờ báo, để quảng bá cho cái hay, cái tốt của mình,
và giấu nhẹm đi những cái xấu, những cái ‘lừa dối’ người tiêu dùng, những sự ‘lừa
lọc’, những ‘sự phản phúc’”.
Theo bà Võ Thị Hảo, người trước đây từng là Đại
diện báo Phụ nữ TP. Hồ Chí Minh tại Hà Nội, khi ngành tuyên giáo tham gia ký kết
trực tiếp với các doanh nghiệp qua một thỏa thuận ‘tay tư’ như thế, đương nhiên
với sự can thiệp của ngành quyền lực này, báo chí Nhà nước sẽ chịu một số tác động
và thay đổi, theo bà cụ thể là:
“Tất nhiên, khi đã có sự can thiệp của ngành tuyên
giáo, báo chí sẽ không dám viết những phóng sự điều tra, hay những tin tức mà
làm minh bạch hóa cái doanh nghiệp ấy, về những cái xấu chẳng hạn, tôi nghĩ, điều
đó rất ảnh hưởng đến tự do báo chí và người tiêu dùng sẽ bị thiệt thòi trước một
sự ký kết như vậy, xã hội sẽ bị thiệt thòi.
Nhiều năm qua, chúng tay thấy sự ‘lừa đảo’ khủng khiếp
của nhiều doanh nghiệp ‘lợi ích nhóm’, kể cả nhiều ngân hàng cũng dùng mọi thủ
đoạn để ‘cướp đoạt’ của người gửi tiền, và chúng ta thấy những người khốn khổ,
sống dở, chết dở, vì bị ngân hàng ‘cướp đoạt’ tiền. Thế nếu bây giờ đến cả
tuyên giáo cũng (tham gia) ký kết với các doanh nghiệp như thế thì sẽ ra sao?”
‘Mâu thuẫn và khó thực hiện’
Từ Hà Nội, cùng ngày, với tư cách một độc giả
của báo chí Việt Nam, nhà quan sát thời sự, chính trị Việt Nam từ Đại học Quốc
gia Hà Nội, nhà nghiên cứu Lê Văn Sinh nói với RFA:
“Tôi chúc họ đạt được một thành công trong việc kết
hợp giữa báo chí truyền thông và các doanh nghiệp để quảng bá doanh nghiệp và đồng
thời nâng cao vị thế của báo chí nước nhà (Việt Nam). Nhưng tôi e rằng điều đó
khó thực hiện, lý do là vì sao các doanh nghiệp ở Việt Nam ít quảng cáo trên
các tờ báo của truyền thông Việt Nam? Rõ ràng là có vấn đề, với những tờ báo
đó, lượng độc giả không có nhiều. Mà các doanh nghiệp làm ăn kinh tế, người ta
phải tìm đến các cơ quan truyền thông, các tờ báo mà số lượng người đọc lớn,
người ta mới làm quảng cáo.
Việc đầu tiên, theo tôi nghĩ nếu báo chí và ngành
truyền thông Việt Nam muốn lấy được các hợp đồng quảng cáo của các doanh nghiệp
Việt Nam, chính họ phải thay đổi. Họ phải có nhiều độc giả.
Nhưng họ lại vướng vào một mâu thuẫn là họ không thể
nói được những gì họ muốn nói, bởi vì đối với người dân, trong đó có tôi, chúng
tôi cần thông tin trung thực và nhiều chiều. Việc định hướng thông tin và chỉ
đưa tin một chiều làm mất đi độc giả.
Những tờ báo lớn ở Việt Nam trước đây, nhất là trong
thời kỳ đổi mới, có những tờ như là tờ ‘Thanh Niên’, tờ ‘Tuần Tin Tức’, tờ ‘Tuổi
Trẻ’…, là những tờ mà có số lượng độc giả rất lớn và những phóng viên của tờ
báo thời đó có một cuộc sống tốt, có thu nhập tốt, là vì có lượng này (người đọc-PV)
lớn.”
Theo ông Lê Văn Sinh, gần đây chính báo chí
Nhà nước cho hay những tờ báo đó hiện nay đã phải ‘phát miễn phí’, nhà quan sát
thời sự này lý giải tiếp:
“Lý do vì độc giả đã quay lưng với những tờ báo đó.
Thành ra mới có chuyện các ông hợp tác với nhau, doanh nghiệp và các tờ báo, để
làm sao quảng bá cho các doanh nghiệp, nhưng như tôi nói, bản thân các tờ báo
đó phải thay đổi trước, các tờ báo đó phải đưa tin trung thực và phải khách
quan trong việc đưa tin, thì mới có độc giả.
Cho nên việc họp hành với nhau để kết hợp lại phản
ánh một tình hình như vậy, và tình hình đó là các doanh nghiệp đã không mặn mà
với những tờ báo của Việt Nam.”
‘Số lượng đông mà ngân sách hạn hẹp’
Cũng từ Hà Nội, cùng ngày, Tiến sĩ Khoa học
Nguyễn Quang A, nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu, phản biện chính sách độc lập
IDS (đã tự giải thể), nói với Đài Á Châu Tự Do:
“Thực sự tôi không lạ gì về chuyện này vì một mặt Việt
Nam nói rằng có rất nhiều báo chí, khoảng 700-800 cơ quan báo chí, một mặt các
cơ quan báo chí đều là cánh tay nối dài của bộ máy ‘cảnh sát tư tưởng’.
Báo chí của Việt Nam không phải là báo chí theo đúng
nghĩa của nó, tức là đưa tin, chỉ đưa tin một cách khách quan và có những bình
luận riêng về ý kiến của các chuyên gia, nó cũng có những khía cạnh ấy, nhưng
thực chất của nó vẫn là nằm trong bộ máy tuyên truyền. Tức là nó là những đội
quân của ‘cảnh sát tư tưởng’ theo một nghĩa nào đó. Và bây giờ số lượng ấy ngày
càng đông, mà ngân sách thì hạn hẹp.
Cho nên không lạ gì là họ phải ‘hợp tác’, họp với
Liên đoàn Công nghiệp & Thương mại Việt Nam, làm sao để khuyến khích các
doanh nghiệp Việt Nam quảng cáo để nuôi đội quân ấy. Nếu mà các doanh nghiệp
trước kia toàn là quốc doanh, thì chẳng cần họp gì cả, họ chỉ cần ra một mệnh lệnh
là các doanh nghiệp quốc doanh này phải mua quảng cáo của các báo ngay.
Nhưng bây giờ thì không như thế nữa, cho nên với
YouTube, với Facebook, với các mạng xã hội, các doanh nghiệp quảng cáo trên các
phương tiện mạng xã hội như vậy rất nhiều. Và như thế thì mất ‘nồi cơm’ của bộ
máy tuyên truyền, do đó bây giờ họ phải muốn hợp tác và phải muốn kêu các doanh
nghiệp, nhất là các doanh nghiệp tư nhân phải mua quảng cáo của các báo, để tạo
nguồn vật chất, tức là thực sự là tiền cho nó hoạt động.”
Theo ông Nguyễn Quang A, ngoài việc ký kết
giao ước ‘tay tư’ này, chính quyền cũng có thể có những cách khác để gây áp lực
với các doanh nghiệp nhằm đạt được mục đích của mình, trái lại về phía doanh
nghiệp, cơ chế trên cũng tạo điều kiện cho một số doanh nghiệp qua liên kết ‘lợi
ích’ với báo chí, đã ‘lũng đoạn’ truyền thông, công luận, ông nói tiếp:
“Nhiều doanh nghiệp từ trước đến nay cũng đã thậm
chí lũng đoạn cả báo chí, tức là đã mua cả báo chí, có bất cứ một vụ gì liên
quan đến doanh nghiệp đó, một bài báo vừa ra, thậm chí bị dập ngay lập tức. Thế
thì đấy là một sự phát triển mà tôi cho rằng rất đáng lo ngại. Nó giống như là
các nhà tài phiệt ở nước Nga lũng đoạn chính trị và lũng đoạn cả báo chí, đó là
một ‘điềm rất không hay’ đối với sự hoạt động của báo chí, cũng như là sự hoạt
động của các doanh nghiệp ở Việt Nam.”
Vẫn theo TSKH Nguyễn Quang A, các hình thức
‘quảng cáo, PR’ được cho là ‘trá hình’ của báo chí dựa trên các liên kết doanh
nghiệp – báo chí, truyền thông, kể cả dưới các hình thức ‘tinh vi’ hơn, không
có gì mới, song điều đáng được chỉ ra theo ông qua đó là có vấn đề mà ông tin
là ‘lách luật’, thậm chí ‘vi phạm pháp luật’, như ông phân tích thêm trên quan
điểm cá nhân:
“Những chuyện đó cũ như là ‘chuyện thường ngày ở huyện’,
việc các báo giả vờ viết bài, đưa tin về doanh nghiệp, mà thực sự bài đó là bài
quảng cáo, đã diễn ra hàng chục năm nay rồi. Và các bài viết ấy được doanh nghiệp
trả một cách rất hậu hĩnh, bởi vì thực sự nó là quảng cáo, nhưng mà là ‘quảng
cáo núp bóng’. Và nếu thực hành này được khuyến khích, tôi nghĩ nó càng gây
thêm tai họa cho nền báo chí và cũng là một tai họa cho các doanh nghiệp, bởi
vì thực sự mà nói đó là một sự ‘lách luật’, một sự vi phạm luật pháp. Quảng cáo
phải ra quảng cáo, nhưng đằng này trên danh nghĩa không phải là quảng cáo, song
thực chất lại là quảng cáo, điều đó khuyến khích những sự ‘dối trá’ mà thôi.
Và tôi nghĩ tất cả những người đã làm việc trong các
báo hiểu điều này rõ lắm, nhiều khi những người viết những bài như thế có thể
có những quan hệ rất thân thiện với doanh nghiệp: mua nhà có thể được mua rẻ
hơn, được doanh nghiệp mời đi nơi này, nơi kia nghỉ v.v… và v.v… Tức là, nó làm
cho sự hoạt động minh bạch tử tế của một nền báo chí bị hoen ố đi và tôi nghĩ đấy
là một dấu hiệu rất đáng báo động.”
Đối với một số nhà lãnh đạo, quản lý cấp cao
thuộc thế hệ mới của các cơ quan trung ương của ngành Tuyên giáo của ĐCSVN,
trung ương Hội nhà báo, Bộ Thông tin & Truyền thông tại Việt Nam, vốn được
cho là những ‘người trẻ, có học, giỏi ngoại ngữ, đi đây đi đó nước ngoài nhiều,
rất nhạy bén công nghệ v.v…), mà nay tham gia vào các ‘sáng kiến’ liên kết như
trên, nhân dịp này, TSKH Nguyễn Quang A đưa ra một chia sẻ riêng trên quan điểm
cá nhân, xuất phát từ điều mà công luận tin rằng những ngành này rất quan trọng
đối với việc tác động vào chất lượng của báo chí, truyền thông ở Việt Nam, cũng
như qua đó tác động vào công luận, đời sống của người dân, trong đó có giới độc
giả của báo chí và những người tiêu thụ, khách hàng của các doanh nghiệp tại Việt
Nam, nên rất cần có những nhà quản lý đạt được những phẩm chất, chuẩn mực nhất
định nào đấy, ông phát biểu:
“Tôi chỉ có thể nói rằng tôi buồn, bởi vì tôi có biết
một vài người. Thời mà họ còn làm nho nhỏ, làm phóng viên chẳng hạn, thì họ là
những người rất năng nổ, rất có đầu óc đổi mới, nhưng mà khi họ có quyền, chúng
ta thấy quyền lực tha hóa con người đến như thế nào, thì rất khó lường. Và có
thể nói, tôi có thể nói thế này, khi mà ta đã nghiện quyền lực, thì quyền lực
đó kinh khủng hơn ma túy một triệu lần, hoặc là vài triệu lần. Cho nên là từ những
người trẻ, những người rất là có năng lực, rất có triển vọng, nhưng mà khi họ
có quyền lực, thì họ có thể tha hóa đi một cách không thể, tưởng tượng nổi,” nguyên Viện trưởng Viện IDS nói với Đài Á Châu Tự Do trên quan điểm
riêng.
Còn theo Tạp chí Thị trường ‘Tài chính &
Tiền tệ’, trong các nội dung của chương trình phối hợp công tác giữa bốn cơ
quan Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Ban Tuyên giáo Trung
ương, Bộ Thông tin và Truyền thông, Hội Nhà báo Việt Nam, có các nội dung đáng
chú ý như:
Tổ chức Diễn đàn thường niên ‘Báo chí và doanh
nghiệp đồng hành vì Việt Nam phồn vinh, hạnh phúc’, ‘Chương trình bình chọn các
tác giả, tác phẩm báo chí viết về kinh tế, doanh nghiệp, doanh nhân và môi trường
kinh doanh (mang tên Bút Vàng kinh tế),’ thiết lập cơ chế phối hợp giữa 4 cơ
quan để tiếp nhận và xử lý các quan hệ báo chí, truyền thông và doanh nghiệp, tạo
lập môi trường truyền thông báo chí lành mạnh, công bằng, thúc đẩy phát triển
doanh nghiệp. Các hoạt động phù hợp khác theo sáng kiến, đề xuất và sự đồng thuận
của các bên.
---------------------------
Tin, bài liên quan
THỜI SỰ
Tuyên
giáo Việt Nam 93 năm: Ngày càng khó khăn trong thuyết phục lòng tin nhân dân
Đánh
dấu 98 năm 'Báo chí Cách mạng': Việt Nam đã có tự do báo chí?
Chuyên
gia: Ấn Độ tặng tàu hộ vệ cho Việt Nam như ‘cái gai trong mắt’ Trung Quốc
Biển
Đông: Việt Nam chuẩn bị tâm thế ra sao nếu kiện Trung Quốc ra Tòa Trọng tài
quốc tế?
Việt
Nam nên cứu xét đứng đơn kiện đơn lẻ, bên cạnh kiện tập thể Trung Quốc về xâm phạm
chủ quyền ra Tòa án quốc tế[GH1]
No comments:
Post a Comment