Thursday, August 3, 2023

BÀI HỌC ĐẰNG SAU MỘT CÁI CHẾT (J.B Nguyễn Hữu Vinh)

 



Bài học đằng sau một cái chết

J.B Nguyễn Hữu Vinh  

Thứ Hai, 07/31/2023 - 04:44 — nguyenhuuvinh

https://www.rfavietnam.com/node/7722        

 

Như vậy là ngày hôm nay, Hoàng Phủ Ngọc Tường, một nhà giáo, một nhà văn nghệ đã được đưa về Huế để tổ chức tưởng nhớ và sẽ an táng tại Huế.

 

https://jbnguyenhuuvinh1962.files.wordpress.com/2023/07/hoang-phu-ngoc-tuong.png?resize=438%2C438

Hoàng Phủ Ngọc Tường

 

Đến dự buổi tưởng niệm Hoàng Phủ Ngọc Tường, Nguyễn Khoa Điềm, một quan chức cộng sản chuyên về văn nghệ, từng là Ủy viên Bộ Chính trị, trưởng ban Văn hóa – Tư tưởng Trung ương của Đảng CSVN đã viết vào sổ tang: “… Hơn 50 năm, cứ thế đi mãi / Người Nam kẻ Bắc / Bây giờ anh chị lại về / nghỉ lại trên những dãy đồi ngày xưa / Ôm mãi giấc mơ thanh bình cho Huế / Khi lòng mình còn xót xa".

 

Sở dĩ phải sau hơn 50 năm, chỉ đến khi đã chết, đã thiêu chỉ còn nắm tro thì Hoàng Phủ Ngọc Tường mới trở lại Huế được, mặc dù ông ta được coi là một người xuất thân từ Huế, mặn mà nặng lòng với Huế xưa nay.

 

Và vì sao Nguyễn Khoa Điềm lại viết rằng kể cả cho đến khi đã trở về bằng một nắm tro, thì Hoàng Phủ Ngọc Tường vẫn “Ôm mãi giấc mơ thanh bình cho Huế’ và “Khi lòng mình còn xót xa"?

 

Đó là một câu chuyện khá dài mà những ngày gần đây, sau cái chết của ông ta, cộng đồng mạng mới dậy lên những lời khen, chê, bình phẩm và đủ mọi loại từ ngữ để nói đến ông: Hoàng Phủ Ngọc Tường

 

Cái chết và nhiều tranh cãi

 

Nghe tin nhà thơ Lâm Thị Mỹ Dạ mất sau một thời gian dài vào tình trạng thiếu minh mẫn và không tự chủ được bên cạnh ông chồng Hoàng Phủ Ngọc Tường cũng đã bị tai biến hai mươi lăm năm, ngồi xe lăn rồi nằm liệt giường, tin này được mạng xã hội chú ý.

 

Người ta chú ý đến Lâm Thị Mỹ Dạ là một nhà thơ thì đã đành, nhưng họ chú ý bởi bà là vợ của một nhà văn, một người gây tranh cãi suốt mấy chục năm nay có liên quan đến cuộc chiến và những tội ác. Và sự chú ý đến nữ nhà thơ này của dư luận xã hội, rồi cũng dần chuyển sang nhân vật chính là Hoàng Phủ Ngọc Tường, phu nhân của bà.

 

Thậm chí, người ta còn chú ý và tỏ ra ngạc nhiên hoặc giả vờ ngạc nhiên khi được biết rằng có cả con gái út từ Mỹ về dự lễ tang của bà. Chỉ riêng chi tiết con gái của một nhà thơ chống Mỹ, con của nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường nổi tiếng “Chống Mỹ đến cùng” lại đi định cư ở Mỹ, đất nước của bọn Thực dân mới” – Theo lời Hoàng Phủ Ngọc Tường – cũng đã là một đề tài để người ta nhắc đến mấy hôm nay.

 

Thế rồi đến khi cái chết của Hoàng Phủ Ngọc Tường được loan báo, thì mạng xã hội lại có dịp sôi sục.

 

Ngoài những báo chí nhà nước đưa tin, viết bài ca ngợi một Hoàng Phủ Ngọc Tường đã suốt đời theo đảng, làm chiến sĩ trên mặt trận văn nghệ của đảng một cách xuất sắc với những thành tích nọ kia, chức vụ này khác… Thì cũng có nhiều tiếng nói ngược lại, có lắm tiếng nói căm hờn, có nhiều tư liệu được đưa lên bàn cãi, mổ xẻ.

 

Trước hết, có thể nói rằng thế hệ chúng tôi sinh ra rồi lớn lên ở Miền Bắc Việt Nam với hệ thống tuyên truyền hùng hậu và phương thức tuyên truyền hiếm có: Bịt tai, bịt mắt người dân lại để buộc nghe, buộc phải tin.

 

Vì thế, cuộc chiến Nam – Bắc chúng tôi chỉ được chứng kiến bom rơi, đạn nổ, nhà cháy, người chết và mọi sự khốc liệt, bạo tàn của chiến tranh. Cộng với đó, sự tàn bạo của Mỹ - Ngụy, sự bất lương của chính quyền miền Nam, sự tài tình của đảng và sự sáng suốt của Hồ Chí Minh… Tất cả những điều đó đến với chúng tôi qua hệ thống tuyên truyền cộng sản.  Chừng đó, cũng đủ cho người dân Miền Bắc Việt Nam lớn lên, sống và cuồng tín với đảng bằng mọi cách, mù quáng bằng mọi giá.

 

Thế nên, với chúng tôi, Mậu Thân 1968 là chiến thắng, đồng bào Miền Nam thì rên xiết dưới ách kìm kẹp của đế quốc Mỹ là thực dân mới, là kẻ xâm lược.

 

Và cũng vì thế những nhân vật như Hoàng Phủ Ngọc Tường là những lãnh đạo, là những nhà văn tài tình…

 

Cuốn phim tài liệu “Việt Nam – Một thiên lịch sử truyền hình” được cho là có nhiều nhân chứng, nhiều tư liệu về cuộc chiến Việt Nam. Ở đó có nhân vật Hoàng Phủ Ngọc Tường trả lời một phóng viên nước ngoài về cuộc chiến với tư cách là một nhân chứng sống.

 

Những tư liệu và những dẫn chứng, kết luận của Hoàng Phủ Ngọc Tường về tội ác của chế độ thực dân mới đã gây ra cho đồng bào Miền Nam, nhất là tội ác của Mỹ trong việc đã giết người tập thể trong Tết Mậu Thân, rằng anh ta đã đi trên những đoạn đường mà tưởng rằng bùn lầy dưới đất nhưng khi bấm đèn pin lên thì mới biết đó là máu của 200 đồng bào Huế bị Mỹ giết hại. Rằng thì là Ngô Đình Diệm là một độc tài phát xít… đủ cả mọi tội lỗi và đáng ghê tởm.

 

Và với Hoàng Phủ Ngọc Tường thì không hề có chuyện thảm sát ở Mậu Thân do quân đội Cộng sản tiến hành. Ở đó chỉ là người dân tự trừng trị một số tên ác ôn đã giết gia đình họ, mà con số bị dân trừng trị đó chưa xứng với những người thân của họ bị giết – nghĩa là theo Hoàng Phủ Ngọc Tường thì lẽ ra dân số của Huế phải chết nhiều hơn mới tương xứng với việc người Huế đã giết Việt Cộng.

 

Cũng theo đoạn video đó, Hoàng Phủ Ngọc Tường đã cho rằng: Hàng loạt người bị chôn tập thể là do Mỹ - ngụy gây ra. Chúng giết xong chôn tập thể rồi đổ tội cho cách mạng. Bởi trong số người bị chôn tập thể đó còn có nhiều người mang mũ tai bèo. Cái nguy hiểm của thực dân mới khác với thực dân cũ là nó làm xong rồi đổ cho Việt Cộng.

 

Điều đáng nói ở đây, là Hoàng Phủ Ngọc Tường nói và tạo cho người nghe một cảm giác rằng anh ta đã đứng ở đó, đã tham gia ở đó và những điều anh ta nói, chỉ có thể là sự thật. Anh ta nói rất rành rọt, rất trơn tru và không hề có bất cứ một điều gì tỏ ra bối rối. Nói theo cách nói của dân gian, thì anh ta nói “trơn như chó liếm thớt”.    

 

Và chẳng ai nghi ngờ gì về vai trò của anh ta ở Huế lúc bấy giờ khi anh ta tính công với cách mạng, với chính quyền cộng sản khi mới chiếm được miền Nam.

 

Và có lẽ với những chiến công ấy, thì anh ta đã có được những chức vụ quan trọng trong lĩnh vực văn nghệ. Ông ta đã là Tổng thư ký Hội Văn học nghệ thuật Bình Trị Thiên-Huế, Chủ tịch Hội Văn học nghệ thuật Bình Trị Thiên, Tổng biên tập tạp chí Cửa Việt. Năm 2007, ông ta được trao Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật và trước đó được nhiều giải thưởng khác.

 

Nếu không có những hoạt động, những công lao kia như ông đã kể lại, thì thử hỏi ông ta có leo lên được những chức vụ đó thời bấy giờ không?

 

Hình : https://jbnguyenhuuvinh1962.files.wordpress.com/2023/07/hoang-phu-ngoc-tuong-va-lien-thanh.jpg?resize=438%2C438

 

Thế rồi hàng loạt các bài viết, các tư liệu đã nói về Mậu Thân và những tội ác của quân Cộng sản đối với đồng bào Huế lúc bấy giờ. Và ở đó, những tài liệu, nhân chứng nói rất rành rọt, với những người làm chứng rõ ràng, thì Hoàng Phủ Ngọc Tường đã trở thành một nhân vật không chỉ quan trọng mà bàn tay anh ta vấy máu đồng bào mình như một tội phạm chiến tranh.

 

Trên mạng lưu truyền bức thư của một học trò cũ Hoàng Phủ Ngọc Tường, nói về tội ác của ông ta đối với đồng bào Huế, về những vụ “xử án”, về những tội ác tầy trời của ông ta qua vụ Mậu Thân.

 

Có lẽ đến khi đó, Hoàng Phủ Ngọc Tường cũng hoảng với những tư liệu được đưa ra.

 

Thế rồi, người ta đọc ở trên mạng xã hội một bản văn. Bài viết tự xưng là của Hoàng Phủ Ngọc Tường đọc cho con gái viết vào năm 2018. Có nội dung làm nhiều người sửng sốt. Nội dung đó lại phủ nhận chính những điều Hoàng Phủ Ngọc Tường đã nói rõ ràng trong bộ phim nói trên.

 

Rằng ông ta không có mặt ở Huế tết năm Mậu Thân đó.

 

Rằng ông ta đã bịa, đã tự nhân vơ khi trả lời phóng viên nước ngoài quay phim cứ như chính mình trong cuộc. Rằng anh ta đã đổ “những tang tóc thê thảm mà nhiều gia đình người Huế đã phải gánh chịu, do hành động giết oan của quân nổi dậy trên mặt trận Huế năm Mậu Thân” sang cho Đế Quốc Mỹ.

 

Và ông ta tự đánh giá rằng: “Đó là sự nguỵ biện. Không thể lấy tội ác của Mỹ để che đậy những sai lầm đã xảy ra ở Mậu Thân 1968”.

 

Điều ngạc nhiên của nhiều người, khi đọc bức thư này, lại là sự tráo trở nhanh chóng của Hoàng Phủ Ngọc Tường nếu những lời trong bản văn này là đúng, là sự thật. Sự tráo trở này cũng trơn tru như khi ông ta trả lời truyền hình trước đây vậy.

 

Liệu lần này, lời ông ta nói lại có đáng tin?

 

Ông ta đổ tại bởi “sự hăng hái bảo vệ cách mạng” đã làm nên sự dối trá của ông ta? Điều đó, đồng nghĩa rằng những lời lẽ, những tư liệu, những bài viết và những nhân chứng đang hăng hái bảo vệ cách mạng” là những kẻ, những điều không đáng tin, là dối trá?

 

Ông ta chửi bới, nguyền rủa Mỹ là đế quốc thực dân mới tàn ác và bẩn thỉu, là đáng ghê tởm, nhưng con ông ta lại định cư ở chính hang ổ của bọn đế quốc thực dân mới thì điều đó có ý nghĩa gì?

 

Người ta nói rằng: Cái gọi là sám hối, là bức thư nhận lỗi của ông ta sở dĩ nó có, bởi ông ta thấy rằng mình không đủ sức để gánh chịu những tội ác mà các nhân chứng đã đưa ra bằng các tư liệu, chứng cứ cho ông ta trong vụ Mậu Thân 1968.

 

Người ta cũng có thể nghĩ rằng: Những điều ông ta nói bây giờ, bởi cái thời ông ta cần có công với cách mạng để được lên chức, có quyền thì đã qua. Giờ về hưu nằm một chỗ thì cái tâng công, cái thành tích kia chẳng còn tác dụng.

 

Bởi ở Huế chuyện bịa thành tích, dối trá để nhận thưởng, để lên chức đã thành chuyện thường. Tay Hồ Xuân Mãn, Chủ tịch Tỉnh Thừa Thiên – Huế bị tước danh hiệu Anh Hùng lực lượng vũ trang là một ví dụ điển hình. Ở đó, câu chuyện anh ta ném lựu đạn vào đám cưới trong xóm, giết chết cả chục hàng xóm đang dự tiệc cưới, đã bị anh ta biến thành chiến công giết giặc, giết tay sai Mỹ - Ngụy, để anh ta tiến thân đã bị đồng đội anh ta vạch trần đấy thôi.

 

Thế nên, chuyện Hoàng Phủ Ngọc Tường có nói lại, có thanh minh, thanh nga, có bỏ hết mọi công sức, mọi thành tích với đảng, với cách mạng thì cũng chẳng có gì là lạ. Bởi những chuyện đó đã không còn tác dụng cho đến khi đã nghỉ hưu.

 

Dù là nói dối trước đây hay sau này, thì Hoàng Phủ Ngọc Tường vẫn là nhân vật dính líu rất sâu trong câu chuyện Mậu Thân.

 

Có thể có nhiều giả thiết mà chỉ có các nhân vật trong cuộc mới có thể lý giải. Nhưng, có một điều có thể khẳng định, rằng ông ta nhận thức được rằng với những sự dối trá của ông ta, cái gánh nặng với thế gian, với cuộc đời này của ông ta không dễ gì đền trả, không dễ gì gột rửa.

 

Và tôi tin rằng, điều đó sẽ ám ảnh ông ta không chỉ có 25 năm nằm trên giường bệnh sau khi đột quỵ, mà sẽ là cả cuộc đời còn lại của ông ta sau Mậu Thân, nghĩa là đã hơn nửa thế kỷ nay.

 

Và có lẽ câu chuyện vẫn chưa kết thúc, dù Hoàng Phủ Ngọc Tường đã nằm dưới đất.

 

Bài học nào cho hôm nay?

 

Câu chuyện Hoàng Phủ Ngọc Tường chỉ là một trong muôn vàn ví dụ, muôn vàn câu chuyện của những người đứng trên chiếc ghế quyền lực, trong tay lăm lăm khẩu súng thì bất chấp mọi điều ác đức, mọi sự bất nhân với đồng loại, với con người, với lương tâm.

 

Trong cuộc sống, chúng ta đã chứng kiến những điều mà không như người xưa nói rằng: “Đời cha ăn mặn, đời con khát nước”. Ngày nay, kẻ nào ăn mặn thì cũng khát nước nhãn tiền.

 

Chỉ riêng trong ngành quyền lực nhất hiện nay trong chế độ Công an trị, đã có biết bao tấm gương tày liếp đấy thôi.

 

Người ta còn nhắc đến một Phạm Quý Ngọ, Trần Đại Quang đã kết thúc bằng cái chết bất đắc kỳ tử. Hay như Nguyễn Bá Thanh một thời hung bạo, to mồm, để rồi sau đó, không chỉ thân bại danh liệt mà con cái cũng theo gió bay đi.

 

Người ta còn nhớ đến tướng Nguyễn Đức Nhanh, đã nhận được những hậu quả nhãn tiền sau khi huy động quân cán cướp đất tôn giáo, phá thánh giá, hoặc tướng Đỗ Hữu Ca, đại tá Dương Tự Trọng sau khi huy động quân cán tấn công nhà dân Đoàn Văn Vươn rồi tống họ vào tù.

 

Những cán bộ Công an mới đứng trước vành móng ngựa hôm nay trong vụ “Chuyến bay Giải cứu” đã cho thấy rõ hơn điều đó. Người ta đặt câu hỏi rằng trong cuộc đời công an đến hàm Thiếu tướng Phó Giám đốc Công an Hà Nội, thì Nguyễn Anh Tuấn đã gây ra bao nhiêu tội ác với các nạn nhân của ông ta? Kể cả Trung tá Trưởng phòng 05 Hoàng Văn Hưng, bao nhiêu vụ án anh ta phụ trách đã kết án những người mà anh ta không đủ chứng cứ như Tòa đang kết tội anh ta hiện tại.

 

Và điều rõ nhất, gây xúc động nhất và nhiều lời nguyền rủa nhất, gây tội ác lớn nhất thời gian qua, đó là lời quan chức Bộ Công an: “Lê Đình Kính là cường hào, ác bá”. Liệu điều gì, tương lai nào đang chờ những kẻ gây ra tội ác ở Đồng Tâm?

 

Người xưa vẫn nói: Con người ta khi ở thế “Thượng phong” chẳng mấy ai nghĩ đến ngày “Hạ mạt”.

 

Và, “Lưới trời lồng lộng, tuy thưa mà khó thoát”.

 

30.07.2023

J.B Nguyễn Hữu Vinh

 

nguyenhuuvinh's blog 





No comments: