Trung Quốc hợp tác với Châu Âu để chống Mỹ?
Hiếu Chân/Người Việt
April 7, 2023
https://www.nguoi-viet.com/binh-luan/trung-quoc-hop-tac-voi-chau-au-de-chong-my/
Để phá thế
bị cô lập ở Châu Á, Chủ Tịch Tập Cận Bình của Trung Quốc tìm cách cải thiện
quan hệ với Châu Âu, kéo lục địa này ra khỏi ảnh hưởng của Mỹ. Nỗ lực đó của
ông Tập có được đồng cảm của một số nước lớn trong Liên Âu (EU), đặc biệt là Tổng
Thống Emmanuel Macron của Pháp – người vừa có chuyến công du quan trọng tới Bắc
Kinh. Liệu Trung Quốc có thành công?
https://www.nguoi-viet.com/wp-content/uploads/2023/04/BL-Tap-Va-Lien-Au-1536x1025.jpg
Từ trái, Tổng Thống Emmanuel Macron của Pháp, Chủ Tịch
Tập Cận Bình của Trung Quốc, và bà Ursula von der Leyen, chủ tịch EU, tại Bắc
Kinh hôm 6 Tháng Tư. (Hình: Ludovic Marin/Pool/AFP via Getty Images)
Cuộc xâm lược của Nga ở Ukraine đã thúc đẩy sự
hồi sinh của NATO và củng cố mối quan hệ gắn bó giữa Mỹ và EU trong phản ứng
chung hỗ trợ Ukraine và cấm vận kinh tế Nga. Các nhà lãnh đạo Trung Quốc nhìn
vào thực tế đó mà lo ngại, một mai nếu Bắc Kinh xua quân đánh Đài Loan thì
Trung Quốc có thể rơi vào tình thế của Nga bây giờ. Do vậy, bằng mọi giá, Trung
Quốc phải nối lại quan hệ với Châu Âu, chia rẽ liên minh Mỹ – EU mà việc đón tiếp
trọng thị các nhà lãnh đạo Châu Âu là một phần của kế hoạch.
Quan hệ Trung Quốc – EU từng có thời kỳ nồng
thắm khi hai bên là đối tác thương mại hàng đầu của nhau, dẫn tới việc ký kết
Hiệp Định Đầu Tư Toàn Diện Trung Quốc – EU, gọi tắt là CAI (Comprehensive
Agreement on Investment) vào ngày cuối năm 2020, bất chấp can ngăn của chính
quyền chuyển tiếp của Tổng Thống Joe Biden, lúc đó đang chuẩn bị đăng quang ở
Washington DC. Nhưng suốt năm 2021, những hành động hung hăng của Bắc Kinh như
lên án chính sách COVID-19 của EU, xóa cam kết về quyền tự trị của Hồng Kông, cấm
vận các nghị sĩ EU lên tiếng phản đối Trung Quốc vi phạm nhân quyền ở Tân
Cương… khiến hiệp định CAI bị nghị viện các nước thành viên đình hoãn phê chuẩn.
Sự kiện Trung Quốc đứng về phía Nga trong cuộc xâm lược Ukraine năm 2022 làm
cho mọi người nghĩ rằng, CAI thực sự đã chết và quan hệ Trung Quốc – EU rơi xuống
một mức thấp.
Cuối năm 2022 Trung Quốc lại bị một đòn hiểm
khi Washington ra lệnh cấm bán hoặc chuyển giao cho Trung Quốc những thiết bị
và công nghệ tân tiến nhất có thể phục vụ chương trình sản xuất vũ khí và canh
tân quân đội Trung Quốc.
Trong tình thế ngặt nghèo đó, ông Tập mời Thủ
Tướng Olaf Scholz của Đức đến Bắc Kinh trong một chuyến thăm ngắn ngủi, chỉ 11
tiếng đồng hồ, vào đầu Tháng Mười Một năm ngoái. Hội đàm với ông Scholz, ông Tập
nhấn mạnh yêu cầu Đức không tham gia cùng Mỹ trong chính sách bao vây Trung Quốc,
muốn dòng chảy công nghệ và đầu tư của Đức tiếp tục đổ vào và cam kết sẽ bảo đảm
môi trường ổn định và nhất quán cho các công ty Đức ở Trung Quốc.
Yêu cầu đầu tiên của ông Tập là Đức hỗ trợ việc
phê chuẩn hiệp định CAI, bảo đảm các công ty Trung Quốc đầu tư làm ăn ở Châu Âu
được thuận lợi. Giới phân tích Trung Quốc tin rằng, “Nếu Đức tăng cường quan hệ
với Trung Quốc thì phần còn lại của EU cũng sẽ làm theo” và con bài chủ của họ
là các tập đoàn công nghệ Đức như xe hơi phụ thuộc nặng nề vào thị trường Trung
Quốc, có thể bị biến thành “con tin” cho các chính sách của Bắc Kinh.
Rồi đầu tuần này, ông Tập đã tiếp đón trọng thị
Tổng Thống Emmanuel Macron và bà Ursula von der Leyen, chủ tịch EU, vào lúc Chủ
Tịch Hạ Viện Kevin McCarthy của Mỹ tiếp đón Tổng Thống Thái Anh Văn của Đài
Loan. Hai cuộc tiếp xúc ở hai bờ Thái Bình Dương chứng tỏ Mỹ và EU có những ưu
tiên khác nhau trong chính sách đối xử với Trung Quốc.
Hoa Kỳ và các đồng minh Châu Âu có chung quan
điểm về nhiều vấn đề toàn cầu, và cuộc xâm lược Ukraine của Nga đã đưa
Washington và Brussels xích lại gần nhau hơn nhưng vẫn còn những sự khác biệt
sâu sắc. Trong khi Mỹ lên án mối liên kết Trung Quốc – Nga và coi nỗ lực của Bắc
Kinh muốn làm nhà trung gian hòa giải chỉ là bức màn khói để ông Putin tiếp tục
tàn sát, thì EU lại đề cao vai trò của Bắc Kinh.
“Cuộc xâm lược của Nga ở Ukraine đã giáng một
đòn nặng vào sự ổn định quốc tế. Tôi biết tôi có thể tin tưởng vào ông để đưa
Nga trở lại bình thường và mọi người trở lại bàn đàm phán,” ông Macron nói với
ông Tập tại Bắc Kinh hôm Thứ Năm, và vận động nhà lãnh đạo Trung Quốc sử dụng ảnh
hưởng của ông để đưa các bên vào bàn đàm phán, tìm một con đường để kết thúc cuộc
chiến. Bà von der Leyen đưa ra những tuyên bố gay gắt hơn về Trung Quốc so với
ông Macron, nhưng cũng tỏ ra sẵn sàng cho ông Tập một cơ hội.
Về phía Trung Quốc, ông Tập nhắc lại rằng Bắc
Kinh muốn hợp tác với Pháp và kêu gọi cộng đồng quốc tế “tránh những hành động
làm cho cuộc khủng hoảng thêm tồi tệ hoặc làm cho nó vượt ra ngoài tầm kiểm
soát.” Tuy không đề cập trực tiếp tới Hoa Kỳ, nhưng ông Tập nhắn nhủ rằng quan
hệ Trung Quốc-EU “không nhằm vào, không phụ thuộc vào, và không bị bên thứ ba
kiểm soát,” hàm ý chê bai EU bị Mỹ “kiểm soát” trong chính sách đối xử với
Trung Quốc.
Đây không phải là lần đầu tiên tổng thống Pháp
có thái độ mềm dẻo với Bắc Kinh. Trong chính sách Trung Quốc, Mỹ và Pháp cũng
không hoàn toàn có tiếng nói chung. Pháp – cùng với Đức, được coi là những nhà
lãnh đạo thực tế (de facto) của EU – có xu hướng nghiêng về phía Trung Quốc, phản
đối những chính sách cứng rắn của Washington.
Tháng Mười Một năm ngoái, tại Diễn Dàn Kinh Tế
Châu Á-Thái Bình Dương (APEC) ở Bangkok, Thái Lan, ông Macron đã kêu gọi EU can
dự mật thiết hơn với Trung Quốc, chống lại những nỗ lực chia thế giới thành các
khối cạnh tranh. Ông gọi Mỹ và Trung Quốc là “hai con voi lớn” đang tạo ra “một
vấn đề lớn cho phần còn lại của rừng già” và đánh giá đó là một sai lầm rất lớn
đối với cả Mỹ và Trung Quốc. Ông không nhận ra, chính tham vọng của ông Tập Cận
Bình lập ra một trật tự thế giới mới lấy Bắc Kinh làm trung tâm, chống lại cái
trật tự do Phương Tây dẫn dắt là nguyên nhân dẫn tới sự chia rẽ của thế giới hiện
tại.
Quan điểm thân thiện với Bắc Kinh của các nhà
lãnh đạo Châu Âu có phần do Trung Quốc là thị trường lớn của các công ty hàng đầu,
từ phi cơ, xe hơi, tàu điện, hàng xa xỉ phẩm, rượu vang… Khi đến Trung Quốc, cả
ông Scholz của Đức và ông Macron của Pháp đều dẫn theo những phái đoàn doanh
nghiệp hùng hậu. Phái đoàn ông Macron chẳng hạn, có các nhà lãnh đạo của tập
đoàn hàng không Airbus, công ty sản xuất tàu điện cao tốc Alstom, và tập đoàn
điện lực EDP. Riêng Airbus trong chuyến đi này đã cam kết tăng gấp đôi sản lượng
dòng phi cơ thương mại thân hẹp A320 mà tập đoàn này đang lắp ráp ở Trung Quốc.
Biện hộ cho lập trường “kinh tế trên hết,” ông
Macron còn tuyên bố: “Chúng ta không được tách rời (decouple with) Trung Quốc”
– khác hẳn với lập trường cứng rắn của Washington.
Chuyến thăm viếng cùng những phát biểu “thân
thiện” của hai nhà lãnh đạo cao nhất Châu Âu làm gia tăng đáng kể tài sản ngoại
giao của ông Tập vào lúc ông đang nỗ lực xây dựng các liên minh đối phó với những
chính sách ngày càng quyết đoán của Mỹ. Không phải vô cớ mà một nhà bình luận chính trị Trung Quốc nhận định
rằng, Bắc Kinh bây giờ là một “phòng chờ của thế giới,” nơi các nguyên thủ quốc
gia chầu chực để được “hoàng đế” Trung Quốc tiếp kiến!
Ông Tống Lộ Chính (Song Luzheng), nhà nghiên cứu
của Đại Học Phúc Đán ở Thượng Hải, nói thẳng về ý đồ của Bắc Kinh khi tiếp đón
trọng thị các lãnh đạo EU: “Trung
Quốc bây giờ rất cần Châu Âu nhưng Châu Âu cũng rất cần Trung Quốc. Mỹ đã nói
rõ rằng Trung Quốc là đối thủ số một và Trung Quốc cần mọi sức mạnh để cân bằng
với Mỹ. Với Châu Âu, chúng tôi chỉ cần họ không tách rời Trung Quốc, chỉ cần họ
tin Nga mới là mối đe dọa số một, không phải Trung Quốc.”
Nhưng kế hoạch giành lại Châu Âu của ông Tập
không dễ thực hiện trót lọt. Nhiều quốc gia EU vẫn nghi ngờ sâu sắc thiện chí của
Trung Quốc và đã có kinh nghiệm xương máu trong việc “kết giao” với Bắc Kinh.
Người Đức thời nữ Thủ Tướng Angela Merkel chẳng hạn tin rằng Trung Quốc sẽ thay
đổi thông qua hợp tác với thế giới, đã đầu tư mạnh vốn liếng và công nghệ vào
Trung Quốc để rồi cuối cùng nhận ra rằng mô hình kinh tế tự do và mở của Đức
đang bị “nền kinh tế do nhà nước kiểm soát” của Bắc Kinh nuốt chửng. Dư luận Đức
đòi hỏi Berlin phải thay đổi.
Một vũ điệu tango đòi hỏi
hai vũ công phải gắn bó nhịp nhàng để tạo ra vẻ đẹp huyền ảo, nhưng giữa hai bờ
Đại Tây Dương chưa có sự gắn bó như vậy. Ông Macron muốn để lại dấu ấn riêng
như là người đưa Châu Âu thành một cực quyền lực của thế giới và không đi theo
bước chân của Hoa Kỳ. Từ Bắc Kinh, ông Tập nhận ra sự lạc nhịp đó. Ông cho bắn
21 phát đại bác và mở quốc yến đón tiếp ông Macron nhưng từ chối nói chuyện với
ông Joe Biden, dù chỉ qua điện thoại. Ý đồ của ông Tập quá rõ. [đ.d.]
==============================================
XEM THÊM
Trung Quốc
học Nga để chuẩn bị đánh Đài Loan
April 4, 2023
Cuộc chiến tranh đang diễn ra ở Ukraine đem lại
cho Trung Quốc những bài học kinh nghiệm quý giá để thâu tóm Đài Loan.
No comments:
Post a Comment