Saturday, September 10, 2022

THÁCH THỨC ĐỐI VỚI TÂN VƯƠNG CHARLES III : ĐƯA NƯỚC ANH VÀO THỜI ĐẠI MỚI (Thanh Hà / RFI)

 



Thách thức đối với tân vương Charles III : Đưa nước Anh vào một thời đại mới

Thanh Hà  -  RFI

Đăng ngày: 09/09/2022 - 15:30

https://www.rfi.fr/vi/ph%C3%A2n-t%C3%ADch/20220909-th%C3%A1ch-th%E1%BB%A9c-%C4%91%E1%BB%91i-v%E1%BB%9Bi-t%C3%A2n-v%C6%B0%C6%A1ng-charles-iii-%C4%91%C6%B0a-n%C6%B0%E1%BB%9Bc-anh-v%C3%A0o-m%E1%BB%99t-th%E1%BB%9Di-%C4%91%E1%BA%A1i-m%E1%BB%9Bi

 

Trong chưa đầy hai tuần lễ, hai gương mặt lịch sử của thế kỷ XX, cố lãnh tụ Liên Xô Mikhail Gorbatchev và nữ hoàng Elizabeth Đệ Nhị đã vĩnh viễn ra đi. Thái tử Anh Charles lên ngôi vào thời điểm nhiễu nhương : chiến tranh Ukraina tác động trực tiếp đến kinh tế, đến đời sống của người dân Anh. Brexit và dịch Covid-19 vẫn để lại nhiều vết hằn trên chính trường Luân Đôn.

 

https://s.rfi.fr/media/display/48671a40-3040-11ed-9ddf-005056bf30b7/w:1024/p:16x9/2022-09-08T173723Z_261829499_RC2AQC96B8EY_RTRMADP_3_BRITAIN-ROYALS-QUEEN.webp

Nữ hoàng Anh Elizabeth II cùng với thái tử Charles đến lễ Khai mạc Nghị Viện, Luân Đôn, Anh, ngày 14/10/2019. REUTERS - Toby Melville

 

Làm thế nào để tân vương Charles III thoát khỏi cái bóng quá lớn của người mẹ và nhất là duy trì được một sự gắn bó giữa những vùng lãnh thổ của vương quốc Anh ?

 

Không dễ cho thái tử Charles để ngồi vào chiếc ngai vàng mà nữ hoàng Elizabeth để lại sau 70 năm trị vì. Nữ hoàng Anh thăng hà đúng vào lúc Nghị Viện thảo luận về kế hoạch khẩn cấp cứu nguy kinh tế, khắc phục hậu quả khủng hoảng năng lượng, lạm phát tăng hơn 10 % trong một năm, riêng giá tiền điện tăng 80 % kể từ tháng 10 sắp tới.   

 

Về mặt xã hội, từ những thập niên 1980 đến nay, lần đầu tiên nhân viên ồ ạt bãi công, từ ngành giao thông vận tải đến ngành bưu điện… đòi tăng lương vào lúc đời sống đã trở nên quá đắt đỏ. Phong trào bãi công có nguy cơ làm tê liệt kinh tế Anh. Brexit và tác động dây chuyền từ chiến tranh Ukraina lại càng đè nặng lên đời sống của hàng chục triệu dân Anh.   

 

Thái tử Charles lên ngôi vào lúc chính trường Luân Đôn đi từ khủng hoảng này đến khủng hoảng khác : Thủ tướng Boris Johnson đã phải từ chức vì những bê bối trong việc giải quyết khủng hoảng y tế Covid. Vẫn trong lĩnh vực chính trị, từ 2016 khi đại đa số cử tri đòi ra khỏi Liên Âu, Scotland liên tục đòi tách rời khỏi vương quốc Anh. Tranh cãi về đường biên giới giữa Bắc Ireland với Cộng Hòa Ireland, một quốc gia độc lập và là thành viên trong Liên Hiệp Châu Âu luôn là một cái gai trong quan hệ giữa Luân Đôn với Bruxelles, với cả Dublin lẫn Belfast. Gần đây nhất, chính quyền Belfast đòi thống nhất hai phần lãnh thổ của Ireland. Trong hoàn cảnh đó làm thế nào để các phần lãnh thổ trên vương quốc Anh gắn bó với nhau sẽ là một thách thức lớn chờ đợi Charles Đệ Tam. 

 

Nhìn rộng ra hơn, về quan hệ quốc tế, giới quan sát thấy rõ, hào quang của Luân Đôn giờ đây không còn được như 70 năm về trước khi công chúa Elizabeth lên kế vị cha. Khối Thịnh Vượng Chung đã thu hẹp lại và càng lúc càng có nhiều nước nhỏ muốn khép lại thời kỳ từng là thuộc địa của Anh. Ngay cả tại Úc, thế hệ trẻ cũng không còn gắn bó với hình ảnh của nữ hoàng, dù chỉ là một cách tượng trưng.   

 

Trên trường ngoại giao, nước Anh tương đối trong thế cô lập : ngay trong khối Tây phương, từ sau Brexit, liên hệ giữa Luân Đôn với các thành viên trong Liên Âu không mấy thuận thảo. Điển hình là trong cuộc vận động tranh ghế thủ tướng, bà Liz Truss đã tránh né trả lời câu hỏi Pháp là bạn hay là thù của nước Anh. Bà và người tiền nhiệm tìm cách đổ lỗi cho Pháp, cho Liên Âu về những khó khăn mà nước Anh đang phải đối mặt. Điểm tựa vững chắc nhất của Anh là Mỹ, nhưng nhiều nhà quan sát cho rằng, ngay cả với Washington, Luân Đôn cũng không thực sự thoải mái, khi mà ảnh hưởng của Anh bị thu hẹp dần ngay cả tại một số quốc gia như Úc hay New Zealand vốn thuộc khối Thịnh Vượng Chung. 

 

Nước Anh trước đây cũng đã kỳ vọng nhiều vào quan hệ đối tác với Trung Quốc, nhất là về thương mại, để phần nào lấp vào chỗ trống một khi ra khỏi Liên Âu. Nhưng từ 2016 đến nay, tham vọng của Trung Quốc ở Ấn Độ-Thái Bình Dương, luật an ninh quốc gia Bắc Kinh áp đặt với Hồng Kông, thuộc địa cũ của Anh không tạo điều kiện để Bắc Kinh và Luân Đôn xích lại gần nhau. Với nước Nga của tổng thống Vladimir Putin, âm mưu đầu độc cha con cựu điệp viên Skripal đã đẩy bang giao song phương đến bờ vực thẳm. Chiến tranh Ukraina là giọt nước làm tràn ly. Anh Quốc đã vĩnh viễn chọn phe, thậm chí còn mạnh tay hơn cả nhiều nước châu Âu đòi trừng phạt Kremlin xâm chiếm Ukraina.   

 

Cả thế giới chia buồn với nước Anh sau tin nữ hoàng thăng hà. Đối với công luận Anh, Elizabeth II là ngọn « hải đăng ». Để tỏ lòng tôn kính với người vừa khuất, các công đoàn đồng loạt thông báo tạm ngừng phong trào bãi công. Các đảng phái chính trị cũng ngừng mọi tranh cãi về ngân sách, về dự án trưng cầu dân ý đòi tách rời khỏi vương quốc Anh.

 

Nhưng câu hỏi đặt ra là liệu rằng sự đồng thuận đồng lòng đó của dân Anh sẽ kéo dài được bao lâu ? Nhất là tân vương nay đã ngoại thất tuần, nhiều người cho rằng, Charles Đệ Tam có thể sẽ chỉ là nhịp cầu giữa Elizabeth Đệ Nhị với người con trai của ông là hoàng tử William vừa tròn 40 tuổi. Tương lai của triều đại Anh như đã được đặt trong tay thái tử William.  

 

---------------------------------

CÁC NỘI DUNG LIÊN QUAN

ANH QUỐC - NỮ HOÀNG

Nữ hoàng Elizabeth II thăng hà: Dân Anh đau buồn vô hạn

NỮ HOÀNG ELIZABETH II

Thế giới tiếc thương và ca ngợi Nữ hoàng Elizabeth II





No comments: