Thursday, August 4, 2022

TRUNG QUỐC LAO ĐAO VÌ NẠN THẤT NGHIỆP CỦA THANH NIÊN (Hiếu Chân / Saigon Nhỏ)

 



Trung Quốc lao đao vì nạn thất nghiệp của thanh niên

Hiếu Chân  -  Saigon Nhỏ

2 tháng 8, 2022

https://saigonnhonews.com/thoi-su/the-gioi/trung-quoc-lao-dao-vi-nan-that-nghiep-cua-thanh-nien/

 

Trung Quốc đang phải đối mặt với một bài toán khó: Tình trạng thất nghiệp của thanh niên.

 

https://saigonnhonews.com/wp-content/uploads/2022/08/GettyImages-1241605549.jpg

Người xin việc xếp hàng dài hơn 100 mét bên ngoài một trung tâm việc làm ở Thượng Hải hôm 29 Tháng Sáu 2022 để kiểm tra thể lực theo yêu cầu của nhà tuyển dụng. Theo Tổng cục Thống kê TQ, tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên trong độ tuổi 16-24 là 18.4% trong Tháng Năm, tăng lên 19.6% trong Tháng Sáu – mức cao nhất từ trước đến nay. Ảnh CFOTO/Future Publishing via Getty Images.

 

Ngoài những vấn đề về nợ nần, thị trường bất động sản ảm đạm, Trung Quốc còn đang phải đối mặt với một bài toán khó: Tình trạng thất nghiệp của thanh niên. Các chuyên gia cho rằng đây mới là thách thức lâu dài của đảng Cộng sản Trung Quốc mà đổ ra nhiều tiền chưa chắc đã giải quyết được.

 

Tình trạng bất mãn trong thế hệ trẻ Trung Quốc tăng cao trong thời gian gần đây và điều đó không khó hiểu. Sinh viên học sinh Trung Quốc phải cạnh tranh với nhau quyết liệt trong những năm đi học nhưng điều tệ hại là sau cuộc cạnh tranh đó họ lại không tìm được việc làm và thu nhập.

 

Tổng cục Thống kê Trung Quốc vừa công bố dữ liệu cho thấy, tỷ lệ thất nghiệp trong thanh niên đã lên tới 19.3% trong Tháng Sáu; khi các dữ liệu này bắt đầu được được thu thập cách đây bốn năm, con số đó chỉ là 9.6%.

 

Mùa Hè năm nay có 11 triệu sinh viên Trung Quốc tốt nghiệp đại học, những tân cử nhân, sẽ tham gia vào thị trường việc làm chật chội đó. Chen Huizhi, tốt nghiệp năm ngoái ngành truyền thông ở London và trở về nhà ở Bắc Kinh nhưng suốt năm qua vẫn không tìm được việc. “Tìm việc thật khó, đặc biệt là tìm được việc làm phù hợp và vừa ý… Thậm chí còn khó hơn tìm bạn trai,” cô Chen nói. 

 

Sau khi hồi phục khá thành công trong giai đoạn đầu của đại dịch, kinh tế Trung Quốc đã chậm lại đáng kể do chính sách “zero-Covid” buộc phong tỏa nhiều đô thị trong cả nước. Đến cuối Quý 2 vừa qua, kinh tế Trung Quốc chỉ tăng 0.4%/năm, rất chậm so với mục tiêu 5.5%/năm mà chính phủ nước này đề ra. Các chuyên gia cho rằng, để tạo đủ công ăn việc làm cho số lượng khổng lồ thanh niên Trung Quốc gia nhập thị trường lao động hằng năm, nền kinh tế nước này phải tăng bình quân 7%/năm.

 

Nhưng Covid chỉ là một trong những nguyên nhân gây ra thất nghiệp, bên cạnh những vấn đề là căn bệnh kinh niên của nền kinh tế-xã hội nước này. Đó là nền giáo dục mất cân đối, thừa thầy thiếu thợ, nỗi ám ảnh về bình đẳng trong đường lối của đảng Cộng sản cai trị và cuối cùng mới đến tác động của chính sách “Zero-Covid”. Những căn bệnh này cũng thấy ở Việt Nam, ở mức độ tương tự.

 

Thừa thầy thiếu thợ

 

https://saigonnhonews.com/wp-content/uploads/2022/08/GettyImages-1238285522.jpg

Người tìm việc tại một hội chợ việc làm ở thành phố Nantong, tỉnh Giang Tô Trung Quốc hôm 8 Tháng Hai 2022. Ảnh Costfoto/Future Publishing via Getty Images.

 

Ở vấn đề thứ nhất, nền giáo dục Trung Quốc tạo ra quá nhiều ông cử bà cử mà nền kinh tế không hấp thụ hết được. Ngày nay, số người trẻ Trung Quốc học đại học đã tăng cao gấp nhiều lần so với các năm trước: Năm 1998 cả nước Trung Quốc có một triệu sinh viên được tuyển vào các trường đại học, năm nay con số sinh viên tốt nghiệp đã là 11 triệu người.

 

Sinh viên có bằng cử nhân hoặc cao hơn chỉ muốn làm những công việc “cổ cồn trắng” ở các tòa nhà văn phòng bóng loáng; nhưng không có nhiều việc làm như vậy. Theo Zhaopin, một trang web giới thiệu việc làm cho thanh niên Trung Quốc, cứ mỗi 100 sinh viên tốt nghiệp thì chỉ có 71 người có thể tìm được việc làm trong năm đầu tiên sau ngày ra trường.

 

Ở cực bên kia của thị trường lao động, Trung Quốc lại không có đủ công nhân được đào tạo có tay nghề và kỹ năng cần thiết cho các ngành công nghiệp chế tạo tân tiến hơn.

 

Thừa thầy và thiếu thợ là căn bệnh trầm kha mà Trung Quốc đang tìm cách chữa chạy. Gần đây, Bắc Kinh cố gắng phát triển một con đường thứ ba, đầu tư rất nhiều vào các chương trình đào tạo nghề và thu hút hàng triệu thanh niên vào các trung tâm dạy nghề kể từ năm 2019. Trung Quốc hiểu rằng, đào tạo thêm nhiều người trẻ làm việc trong các ngành công nghệ như vật liệu bán dẫn hoặc động cơ máy bay là hết sức cần thiết cho tương lai của nền kinh tế.

 

Nhưng độ vênh giữa thị trường việc làm với những công việc có sẵn và việc đào tạo sinh viên của các trung tâm, các trường đại học vẫn còn rất lớn. Và không thể giải quyết một sớm một chiều.

 

“Thịnh vượng chung” kiểu Tập Cận Bình?

 

Ở vấn đề thứ hai, từ năm ngoái thị trường việc làm Trung Quốc bị giáng một đòn mạnh sau khi đảng Cộng sản Trung Quốc ban hành hàng loạt chính sách mới về kiểm soát các công ty phát triển nhanh để thực hiện cái gọi là sự bình đẳng xã hội, nói theo ngôn ngữ của ông Tập Cận Bình, Chủ tịch Trung Quốc, là xây dựng “sự thịnh vượng chung”. Đây là quan điểm cốt lõi trong chính sách đối nội của Trung Quốc, theo đó các tập đoàn lớn và tăng trưởng nhanh – nhất là các công ty tư nhân trong lĩnh vực công nghệ điện toán và internet – bị nhìn bằng con mắt nghi ngờ như là những kẻ quá tham lam, đi ngược lại đường lối kinh tế xã hội chủ nghĩa của đảng Cộng sản.

 

Các tập đoàn lớn như Alibaba, Tencent, Didi Chunxing… bị phạt hàng tỷ đô la Mỹ vì bị cáo buộc độc quyền. Động tác trấn áp đó đã gây tổn hại rất nhiều cho thị trường lao động. Sau các chiến dịch trấn áp của nhà cầm quyền, đà tăng trưởng rất ấn tượng của các công ty công nghệ Trung Quốc bị dập tắt. “Nhiều công ty Internet tư nhân đã sa thải nhân viên nhiều hơn là tuyển mới”, ông Tianlei Huang, nhà nghiên cứu của Viện Peterson về Kinh tế Quốc tế, cho biết.

 

https://saigonnhonews.com/wp-content/uploads/2022/08/GettyImages-1238485142.jpg

Gian hàng triển lãm của Didi Chunxing – một công ty vận tải hành khách theo mô hình của Uber ở Trung Quốc. Hồi Tháng Hai năm nay, Didi Chunxing thông báo sa thải 20% lượng tài xế chạy xe cho công ty sau khi bị nhà nước Trung Quốc trừng phạt. Ảnh Costfoto/Future Publishing via Getty Images.

 

Một lĩnh vực bị tác động nặng nề bởi chính sách kiểm soát mới của Bắc Kinh là ngành dạy tư, dạy kèm (tutoring). Người dân Trung Quốc than phiền chỉ những gia đình giàu có mới có tiền cho con đi học thêm, thường chi phí rất cao, tạo ra tình trạng bất bình đẳng trong thụ hưởng giáo dục. Và thế là đảng Cộng sản ra tay, hoạt động dạy kèm dạy thêm có thu tiền lập tức bị dẹp trong cả nước. Hàng ngàn trung tâm dạy kèm, dạy thêm – từ dạy ngoại ngữ đến toán lý hóa – là chỗ làm việc tốt của các sinh viên sau ngày tốt nghiệp trong khi chờ đợi những công việc phù hợp hơn. Việc đóng cửa các cơ sở dạy học này đã làm mất đi khoảng 3 triệu việc làm của các tân cử nhân Trung Quốc.

 

Trong thời buổi nhiễu nhương, nhiều thanh niên Trung Quốc đã xin vào làm việc trong các cơ quan chính quyền và doanh nghiệp nhà nước, tiền lương thấp hơn khu vực tư nhân nhưng ổn định hơn và có thể có thêm bổng lộc. Nhưng số chỗ làm trong nhà nước thường không nhiều, và không phải ai cũng chen chân vào được nếu không có người đỡ đầu hay có tiền đút lót. Truyền thông Trung Quốc nói hồi Tháng Mười Hai năm ngoái có tới 2 triệu người dự thi làm công chức nhưng không cho biết trong số đó có bao nhiêu người được nhận vào làm việc. 

 

Cô Chen Huizhi ở đầu bài nói trong hai năm đại dịch, công việc kinh doanh trở nên bấp bênh nên nhiều người muốn vào làm việc trong nhà nước. Nhưng những người như cô, trẻ và được đào tạo ở nước ngoài, thì không thích cuộc sống công chức từ 9 giờ sáng tới 5 giờ chiều, và cũng không “hội nhập” được với lề lối làm việc, đành phải tìm những công việc ít ổn định hơn.

 

Cái giá của “Zero-COVID”

 

Cuối cùng, đại dịch COVID và chính sách “Zero-COVID” của chính phủ Trung Quốc đã gây hại rất nhiều cho kinh tế Trung Quốc vì buộc hàng trăm ngàn doanh nghiệp phải đóng cửa. Thành phố Thượng Hải chẳng hạn, bị phong tỏa suốt 60 ngày, tất cả nhà máy, công ty, tiệm buôn, thậm chí quán cà-phê đều phải đóng cửa. Các doanh nghiệp nhỏ – nguồn chủ yếu cung cấp việc làm cho người trẻ – bị giáng một đòn nặng.

 

Ông Huang của Viện Peterson nhận xét: “Nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa đã chết. Số doanh nghiệp còn sống thì gặp vấn đề nghiêm trọng về dòng tiền, ưu tiên hàng đầu của họ là tìm cách sống sót. Vì thế đừng ngạc nhiên khi các doanh nghiệp này phải ngừng tuyển dụng, sa thải bớt nhân viên để chờ khi nào tình hình thuận lợi hơn”.

 

Chính phủ trung ương Trung Quốc cũng cảm nhận được sức nóng của vấn đề thất nghiệp. Trong một hội nghị trực tuyến với 100,000 cán bộ phụ trách kinh tế của các tỉnh thành, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường (Li Keqiang) thừa nhận các chỉ số kinh tế có xu hướng ngày càng tệ hơn năm 2020 và yêu cầu các địa phương tạo thêm nhiều cơ hội việc làm cho thanh niên.

 

Thành phố Thượng Hải đã yêu cầu các công ty quốc doanh trong thành phố phải dành một nửa số chỗ làm mới cho các sinh viên tốt nghiệp trong năm nay. Chính quyền tỉnh Vân Nam thưởng $7,500 cho sinh viên mới tốt nghiệp nào nhận công việc làm ở các vùng nông thôn.

 

Nhưng những biện pháp tạm thời này không giải quyết được nhiều. Khi nền kinh tế tăng trưởng với tốc độ rùa bò, khi đảng và chính phủ vẫn kiềm chế việc phát triển các tập đoàn công nghệ tư nhân và kiên trì thực hiện chiến lược “Zero-COVID” thì triển vọng tìm được việc làm của thanh niên Trung Quốc chưa thể sáng sủa được.

 

---------------------

Đọc thêm:

·         “Vắt chanh bỏ vỏ”, sự tráo trở mang tên… Trung Quốc

·         Quả bom nợ của Trung Quốc có thể sắp phát nổ?

·         Trung Quốc đàn áp cuộc biểu tình của người gửi tiền ngân hàng

 

 

 



No comments: