Tuesday, August 2, 2022

NHÀ NƯỚC TRƯỚC THÔNG TIN TRÊN MẠNG XÃ HỘI : KHÔNG THỂ 'LẤP LIẾM' MÃI! (Diễm Thi, RFA)

 



Nhà nước trước thông tin trên mạng xã hội: không thể 'lấp liếm' mãi!

Diễm Thi, RFA
2022.08.02

https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/the-state-must-speak-up-after-social-media-reported-it-dt-08022022144051.html

 

https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/the-state-must-speak-up-after-social-media-reported-it-dt-08022022144051.html/@@images/64c8f149-094e-4bde-82c6-e1b83d4188f7.jpeg

Ảnh minh họa các bạn trẻ ở Hà Nội sử dụng smart phone. AFP

 

Mạng xã hội được chứng tỏ có tác dụng khi ngày càng có thêm vụ việc Nhà nước phải lên tiếng sau khi thông tin lan truyền trên mạng xã hội. Tuy vậy, mạng xã hội cũng có mặt hạn chế khi đội ngũ dư luận viên cũng hoạt động mạnh mẽ trên cùng một sân.

 

Mấy hôm nay, mạng xã hội Facebook lan truyền video clip về vụ tai nạn giao thông khiến một nữ sinh trung học phổ thông tử nạn từ ngày 28 tháng 6 năm 2022. Người dân cho rằng, lỗi thuộc về người lái xe ô tô nhưng người này vẫn bình an vô sự. Nhiều phân tích của những chuyên gia thuộc các lĩnh vực khác nhau cũng được viết trên mạng xã hội cho mọi người tham khảo.

 

Đến sáng 2 tháng 8, Công an và Sở Thông tin- Truyền thông tỉnh Ninh Thuận tổ chức một cuộc họp báo. Tại cuộc họp báo, Thượng tá Hà Công Sơn - Phó Trưởng Công an Thành phố Phan Rang- Tháp Chàm cho hay, điều tra ban đầu cho thấy người gây ra tai nạn chết người là ông Hoàng Văn Minh - cán bộ của Trung đoàn Không quân 937. Ông Hoàng Văn Minh đã chuyển hướng ô tô không an toàn dẫn đến tai nạn làm chết nữ sinh Hồ Hoàng Anh đang đi xe máy đúng làn đường và tốc độ cho phép. Theo ông Hà Công Sơn, vụ việc đã đủ yếu tố để khởi tố vụ án nhằm xử lý theo quy định của pháp luật.

 

Đây không phải vụ việc đầu tiên mà phía Nhà nước lên tiếng khi thông tin được lan truyền trên mạng xã hội. Với sức lan tỏa của mạng xã hội, dường như không có việc gì có thể được che giấu.

 

Từ nhiều năm qua, rất nhiều thông tin bị cho là ‘thất thiệt’ được các mạng xã hội hoặc các trang blog loan tải biến thành tin thật khi báo chí Nhà nước đăng lại sau đó. Dù trước khi đăng chỉ vài ngày, truyền thông nhà nước vẫn khăng khăng đây là tin đồn thất thiệt. Từ tin đổi tiền mấy chục năm trước đến cái chết của ông Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Bá Thanh năm 2015; cái chết của Chủ tịch Việt Nam Trần Đại Quang năm 2018; thông tin về dịch bệnh hai năm qua….

 

Ông Nguyễn Văn Quang, một người quan tâm đến tình hình xã hội trong nước, nhận định với RFA về sức mạnh của mạng xã hội:

 

“Tôi thấy trong điều kiện ngày nay mạng internet phủ sóng toàn cầu thì mỗi người đều có thể mua cho mình một cái smartphone để đọc tất cả các cái thông tin từ mọi nguồn ở các quốc gia trên thế giới .Tuy nhiên, tất cả các nguồn thông tin đó thì cũng phải cần có người có trình độ nhận thức, có chọn lọc chứ không phải tất cả đều là đúng hết.

 

Đi vào từng trường hợp cụ thể thì phải nói rằng mạng xã hội có một cái sức mạnh ghê gớm chứ không chỉ là phương tiện giải trí. Nó phản ảnh tất cả mọi mặt của đời sống xã hội, đặc biệt những gì thuộc về dối trá không trung thực thì qua mạng xã hội nó sẽ phơi bày ra hết.

 

Mà bản chất của chính quyền độc tài là chỉ đưa lên những cái gì tốt đẹp, còn những cái gì bất lợi hay nói đến bản chất không hay của họ thì họ giấu đi. Câu chuyện tai nạn giao thông ở Phan Rang vừa rồi không thể nào lấp liếm được và đều có cơ sở pháp lý. Điều đó buộc chính quyền phải vào cuộc chứ không thể phớt lờ. Và khi vào cuộc thì phải điều tra cho rõ ràng và trả lời trước công luận, trả lời trước người dân cho dù sự việc trước đó được ai đó cố tình bao che lấp liếm. Một bàn tay không che nổi mặt trời!”

 

Từ xưa đến nay, mỗi khi có sự kiện gì được cho là ‘nhạy cảm’ xảy ra, chính quyền Việt Nam luôn ra văn bản yêu cầu xử phạt những người đưa ‘tin đồn thất thiệt’, dù những tin đó sau này lại được báo chí chính thống loan tải. 

 

Có thể nêu một ví dụ cách đây vài tháng liên quan tới trường hợp ông Trịnh Văn Quyết: Tháng 5 năm 2021, một thanh niên ở Hà Tĩnh bị phạt 7,5 triệu đồng do trước đó vài tháng đã dùng tài khoản Tiktok của mình loan tin ông Trịnh Văn Quyết bị bắt. Theo truyền thông Nhà nước, thanh niên này bị phạt tiền do có hành vi đưa tin sai sự thật, xuyên tạc, xúc phạm uy tín tổ chức, danh dự nhân phẩm cá nhân khi đăng tải đoạn video kèm thông tin: “Biến căng, tỷ phú Trịnh Văn Quyết (Quyết nổ) đã bị bắt tạm giam về tội lừa đảo, chiếm đoạt tài sản”.

 

Cuối tháng 3 năm 2022, Chủ tịch tập đoàn FLC Trịnh Văn Quyết bị khởi tố, bị bắt giam về tội Thao túng thị trường chứng khoán, theo Điều 211 Bộ luật Hình sự.


https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/the-state-must-speak-up-after-social-media-reported-it-dt-08022022144051.html/eaa7131f-cfb3-4b83-8856-53f34a57e488.jpeg/@@images/62523c14-d2d5-4c75-a9df-eb060c59d321.jpeg

Biểu tượng của mạng xã hội Facebook. AFP

 

Dường như để ngăn chặn những đồn đoán từ cộng đồng mạng, sau khi ông Trịnh Văn Quyết bị bắt, Bộ Công an chỉ đạo các lực lượng chức năng thu thập, củng cố tài liệu chứng cứ để xử lý tất cả những “đối tượng có hoạt động đăng tải thông tin thất thiệt, chưa được kiểm chứng, góp phần tạo môi trường kinh doanh ổn định, lành mạnh”.

 

Với Trung tá Vũ Minh Trí, từng là cán bộ Tổng Cục 2, mạng xã hội rõ ràng có lợi cho người dân sống trong chế độ độc tài che giấu thông tin, nhưng cũng có điểm bất lợi khi hàng vạn dư luận viên cùng lúc hoạt động trên mạng xã hội. Ông nói:

 

“Ở Việt Nam bây giờ có một tình trạng khá là phổ biến, đó là quyền lợi của Nhà nước không thống nhất với quyền lợi của người dân, thậm chí còn mâu thuẫn hoặc đi ngược lại quyền lợi của người dân. Chính vì vậy, khi người dân lên ý kiến thì đôi khi nhà nước sẽ rơi vào thế bất lợi nên Nhà nước tìm mọi cách ngăn chặn.

 

Thứ hai nữa, một cái điều nguy hiểm tôi cảm thấy là trình độ sử dụng mạng xã hội để hiểu biết thông tin của người dân Việt Nam chúng tôi không được như ở các nước có truyền thống tự do, dân chủ lâu đời. Do đó, trong không ít trường hợp người dân lại bị những thế lực không đại diện cho người dân dẫn dắt người dân đi sa đà vào những chuyện đâu đâu, không chú trọng vào điểm chính.

 

Chúng ta không có sự liên kết, không có tổ chức. Ý kiến của người dân chúng ta là công khai nhưng là ý kiến cá nhân, không có dẫn dắt, không có bài bản lớp lang. Trong khi đó, Nhà nước có hàng ngàn, hàng vạn dư luận viên được đào tạo, được bồi dưỡng, được huấn luyện, được đạo diễn để hùa theo một giọng nói thì việc họ dẫn dắt được dư luận là hoàn toàn có thể xảy ra.”

 

Nhà báo Trần Ngọc Tuấn ở Cộng hòa Séc nhận định với RFA:

 

“Từ trước đến nay, những thông tin vỉa hè mà Nhà nước gọi là thất thiệt nó lại rất trung thực, rất đúng, đúng đến 90%, đi trước cả báo chí chính thống. Theo suy nghĩ của họ thì những thông tin như thế sẽ làm uy tín của nhà nước, mất uy tín của chính quyền, mất uy tín của những cơ quan hành pháp. Người dân có câu nói vui là muốn nghe thông tin đúng thì lên mạng, muốn nghe lời không thật thì xem VTV hoặc đọc báo Nhân Dân.”

 

Đầu năm nay, cuốn “Nghiên cứu về sự kiểm soát của Việt Nam đối với các nội dung chống Nhà nước trực tuyến” của tác giả, nghiên cứu viên Chương trình Truyền thông, Công nghệ và Xã hội Lương Nguyễn An Điền được ra mắt. Theo tác giả, trong hai thập kỷ qua, sự chú trọng vào các nội dung chống Nhà nước đã định hình cách mà các cơ quan chức năng Việt Nam triển khai nhiều chiến lược kiểm duyệt khác nhau với mục tiêu kép là tạo ra sự cởi mở ở bề ngoài nhưng vẫn duy trì kiểm soát chặt chẽ các cuộc thảo luận trên mạng.

 

Với những thông tin trên mạng xã hội được đánh giá là đúng nhiều hơn sai bị lan truyền nhanh chóng, phía Nhà nước mới đây lại đưa ra thêm biện pháp siết chặt khi Sở Công an và Sở Thông tin-Truyền thông Thành phố Hồ Chí Minh cùng bắt tay phối hợp trong công tác được nói để ‘bảo vệ an ninh quốc gia, đảm bảo trật tự, an toàn xã hội, đấu tranh phòng chống tội phạm thuộc lĩnh vực thông tin truyền thông’.

 

-------------------

Tin, bài liên quan

 

Đàn áp và kiểm duyệt nội dung mạng bị cho "chống Nhà nước" sẽ tiếp diễn

Lại đề xuất sử dụng danh tính thực khi dùng mạng xã hội!

Quan ngại về đề xuất phải đăng ký với Bộ TT&TT mới được livestream

Xử lý tin giả hay ‘bịt miệng’ đối lập?

Việt Nam tăng kiểm duyệt thông tin khi yêu cầu Google chặn quảng cáo trên YouTube?





No comments: