Vũ
khí hạng nặng rất cần cho Ukraina trong trận chiến quyết định Donbass
Thụy
My -
RFI
Đăng ngày: 23/04/2022 - 19:33
Phương Tây cần
cung ứng cho Ukraina nhiều vũ khí hạng nặng loại mới, vì trận đánh Donbass quan
trọng không kém trận Kiev.
https://s.rfi.fr/media/display/fb2ee7f8-c32a-11ec-aeb8-005056a97e36/w:1024/p:16x9/nlaw_01.webp
Một quân nhân
Ukraina sử dụng hỏa tiễn chống tăng NLAW trong một cuộc tập trận tại Donetsk,
ngày 25/02/2022. AP - Vadim Ghirda
L'Obs ra số báo thứ 3.000 sau
60 năm hiện diện, nhân dịp này tuần báo điểm qua « 60 năm đã thay đổi
nước Pháp ». Trang bìa L'Express là hình vẽ bà Marine Le
Pen như một con rối đang bị một bàn tay cầm ngôi sao đỏ giựt dây, với tựa nhỏ «
Marine Le Pen và châu Âu, NATO, Nga ...» và dòng tít lớn « Một
ứng cử viên dưới ảnh hưởng ». Le Point đăng ảnh hai ông
Vladimir Putin và Tập Cận Bình, chạy tựa trang nhất « Những mối đe dọa
mới theo cách nhìn của CIA », giới thiệu bản báo cáo của tình báo Mỹ.
Bìa báo Courrier International thể
hiện hai chủ đề chính tuần này. Phía trên là hàng tít lớn trên nền đỏ «
Marine Le Pen, cơn ác mộng của châu Âu ». Phần dưới, hai hàng xác người
nằm dọc theo lối đi của chiếc xe tăng mang chữ Z, với dòng chữ « Làm thế
nào xét xử tội ác chiến tranh ? ». Tuy là tuần lễ quyết định của cuộc bầu cử
tổng thống Pháp, tình hình Ukraina vẫn chiếm phần lớn số trang các tuần báo.
Trận đánh Donbass
quan trọng không kém trận Kiev
The Economist kêu gọi « Phương Tây cần gởi cho Ukraina vũ khí nhiều hơn và tốt
hơn », vì giai đoạn tiếp theo của cuộc chiến được cho là rất khó khăn.
Trận đánh Kiev có thể đã kết thúc, ít nhất là vào lúc này, nhưng trận đánh
Donbass đang dữ dội, trên chiến tuyến trải dài 400 km. Vladimir Putin muốn chiếm
phần còn lại của Donbass và những vùng đất khác ở miền đông, miền nam Ukraina.
Thoạt nhìn có vẻ như không quan trọng bằng Kiev, nhưng hậu quả nếu Nga chiến thắng
không kém phần trầm trọng.
Cho đến nay, ông Putin chẳng chứng tỏ được gì
qua cuộc chiến của ông ta, chỉ thành công trong việc giết hại thường dân, tiêu
diệt lực lượng của chính mình, biến phần lớn miền đông Ukraina thành bình địa.
Việc mất đi một số lượng lính không kể xiết (trên 20.000, theo phía Ukraina),
tám tướng lãnh tử trận và soái hạm Moskva chìm xuống Hắc Hải thật là nhục nhã.
Nếu đợt tấn công Donbass có kết quả, nhà độc
tài Nga có thể biện minh cho cuộc chiến tranh, trong khi Ukraina bị chia rẽ và
thất vọng. Tiếp đến Nga có thể chọn lựa hoặc dấn lên, hoặc đơn giản là « đóng
băng » cuộc xung đột, để lại phía sau một Ukraina bị tàn phá, rối loạn. Dù gì
đi nữa, Putin cũng ngáng được chân để Ukraina không thể trở thành một quốc gia
thịnh vượng thân phương Tây mà ông ta hằng lo ngại.
Vũ khí thời Liên
Xô dần cạn kiệt, cần NATO tiếp sức
Sẽ là vội vã nếu nghĩ rằng Nga cũng sẽ tệ hại
như trận đánh Kiev ở miền bắc. Lần này quân Nga tấn công từ đất nhà, không phải
mượn đường Belarus với cớ « tập trận » nữa, đường tiếp tế rất gần. Họ tìm cách
đánh trên những địa hình tương đối thoáng, trái với những khu rừng xung quanh
Kiev, quân kháng chiến khó phục kích hơn.
Cho đến nay, trợ giúp của phương Tây đặc biệt
là Mỹ rất đáng kể. Một lượng vũ khí, đặc biệt là hỏa tiễn chống tăng và hỏa tiễn
phòng không vác vai đã tạo ra sự khác biệt lớn. Nhưng để chặn quân Nga trên một
tuyến phòng thủ dài, chưa nói đến việc buộc Nga rút khỏi những vùng đất đã chiếm
từ ngày 24/02, Ukraina cần vũ khí hạng nặng : xe tăng, máy bay, pháo và đạn dược
kèm theo.
Điều này không đơn giản. Lực lượng Ukraina chủ
yếu sử dụng vũ khí từ thời Liên Xô. Trước mắt, Kiev cần thêm nhiều chiến đấu cơ
Mig, xe tăng T-72, hỏa tiễn S-300, pháo tự hành Gvordika...Các nước NATO vốn là
vệ tinh của Liên Xô cũ như Cộng hòa Sec, Ba Lan, Slovakia đã chuyển cho Ukraina
một phần, cần phải nhiều hơn nữa, nhưng những vũ khí loại này sẽ cạn dần và
không thể bổ sung. Phương Tây nên cung cấp những vũ khí hiện đại hơn và huấn
luyện cách sử dụng.
Tuần này, Mỹ, Anh, Canada cho biết bắt đầu
giao vũ khí hạng nặng. Tin vui là đường vận chuyển chủ yếu từ Ba Lan hoạt động
tốt, Nga chưa tìm ra cách phá rối. Nếu vũ khí tiếp tục đổ sang và cuộc chiến tiếp
diễn, nền kinh tế của Nga vốn chỉ tương đương với Tây Ban Nha cộng thêm các biện
pháp trừng phạt, không thể cung ứng vũ khí với tầm mức như NATO. Muốn Putin bị
đánh bại và Ukraina có thể tự quyết định tương lai của mình, không chỉ những
người lính Ukraina ở Donbass - đang bị tấn công ồ ạt bằng máy bay, hỏa tiễn và
đại pháo Nga - phải bình tĩnh, mà NATO cũng phải kiên định.
Ba kịch bản cho trận
Donbass
L’Express đưa ra « Ba kịch
bản cho cuộc tấn công mới của Putin ». Kịch
bản thứ nhất : Quân Nga tiến
được đến Dnipro, tức là chọc thủng phòng tuyến của Ukraina đến tận sông Dniepr,
chiếm được những lãnh thổ rộng lớn ở phía tây của hai tỉnh vùng Donbass. Như vậy
Putin thực hiện được một phần giấc mộng « Tân Nga », chỉ thiếu
Kharkov, Odessa và Mykolaiev ; có thể khoe khoang thành công của
« chiến dịch đặc biệt ». Theo cựu đại tá Pháp Michel Goya, như vậy
Nga phải tập trung nhiều phương tiện cho nơi yếu nhất là phía nam Zaporijia. Có
điều nếu chiếm được vẫn khó thể giữ.
Kịch bản thứ hai là chiếm trọn vùng Donbass. Tướng Pháp Dominique Trinquand cho rằng mục
đích này khả thi hơn. Quân Nga phải phối hợp hai cánh quân từ Izium ở phía bắc
và Donetsk ở phía nam để bao vây quân Ukraina, cắt đứt tuyến sau. Đồng thời phải
tấn công từ đông sang tây, buộc Ukraina đối mặt với ba trục của Nga, bắt đầu một
cuộc vây hãm mới - nhưng khó khăn hơn cả Mariupol vì có nhiều lực lượng Ukraina
gần đó. Hiện thời quân Nga đã phối hợp tốt hơn và hậu cần cũng được chuẩn bị kỹ
hơn so với đợt đầu.
Khả năng thứ ba là đợt tấn công lần
này thất bại. Lực lượng Ukraina có thể được phương Tây
tăng cường thêm nhiều vũ khí, trong đó có những vũ khí hạng nặng. Nếu cuộc phản
công ở Kharkov giúp phá vỡ thế bao vây của Nga, sẽ là thất bại lớn cho Matxcơva
sau trận Kiev. Còn lại là việc Mariupol thất thủ, như Putin đã tuyên bố hôm thứ
Năm, coi như chiến công trước lễ mừng chiến thắng phát-xít Đức 09/05. Sẽ có một
giai đoạn tạm nghỉ ngơi hoặc ngưng bắn nếu Nga không tiến được thêm, nhưng
Matxcơva sẽ lại cho tấn công vài tháng sau khi củng cố được lực lượng.
Thảm sát thường
dân : Tiền lệ Srebrenica
Sau khi quân Nga rút khỏi Kiev, báo chí quốc tế
tố cáo tội ác chiến tranh ở quy mô lớn : thảm sát thường dân, hãm hiếp...và
đặt câu hỏi liệu một ngày nào đó đưa được Vladimir Putin ra trước tòa án hay
không. Đây cũng là hồ sơ của Courrier International. Tuần báo đăng
lời kể của một phụ nữ trẻ Ukraina thuật lại với Times : quân Nga bắn
chết người chồng và cưỡng hiếp cô nhiều lần. Đây có thể là ca đầu tiên được đưa
ra Tòa án Hình sự Quốc tế.
Những hố chôn tập thể, những xác thường dân bị
trói tay ở Bucha gây sốc cho cả thế giới, trước sự tàn sát dã man diễn ra ngay
tại châu Âu tưởng chừng đã là dĩ vãng. Phó thủ tướng Anh Dominic Raab thông báo
tặng 1 triệu bảng Anh cho Tòa án Hình sự Quốc tế La Haye, chưởng lý Suella
Braverman phối hợp với đồng nhiệm Iryna Venediktova của Ukraina để nhận dạng và
khởi tố những người Nga đã gây tội ác ở Mariupol và những nơi khác.
Vụ thảm sát Bucha là vụ tồi tệ nhất kể từ sau
Srebrenica năm 1995, khi 8.000 người Bosnia bị Serbia giết hại. Khoảng 6.800
trong số đó đã được nhận dạng nhờ ADN, nhưng vào thời đó, ít ai nghĩ có thể khởi
tố các quản giáo, chưa nói đến Radovan Karadzic, kẻ đã ra lệnh vây hãm Sarajevo
và giám sát Srebrenica. Nhưng rốt cuộc Karadzic bị bắt năm 2008 và bị tù chung
thân, còn tổng thống Slobodan Milosevic đã chết vì đau tim trong khi chờ đợi
xét xử.
Putin đối mặt với
công lý quốc tế ? Ngày đó còn xa !
Trước Liên Hiệp Quốc cách đây hai tuần, tổng
thống Volodymyr Zelensky đã trình ra những hình ảnh xác thường dân ở Motyjine,
Irpin, Mariupol và Bucha, nhưng khó thể hữu ích trước tòa án, các video trên mạng
cũng vậy. Cần phải có chứng cứ pháp y và nhân chứng. Bộ Tư Pháp Anh đề nghị
giúp điều tra, đơn vị SO15 của cảnh sát Anh đã thu thập được nhiều lời chứng
giá trị. Một công việc khổng lồ : trong số 3,6 triệu video về tội ác chiến
tranh ở Syria, chỉ 600.000 được phân tích và chỉ có 8.000 được coi là bằng chứng.
Nhiệm vụ này vượt quá sức của một chính quyền Ukraina đang phải tiếp tục chiến
đấu để sống còn. Sir Howard Morrison, thẩm phán đã kết án Karadzic được Luân
Đôn điều đến hỗ trợ cho Kiev.
Nếu việc xâm lăng Ukraina bị coi là tội ác chiến
tranh, có thể những nước như Ấn Độ, Nam Phi sẽ từ bỏ thái độ trung lập. Còn với
Putin ? Các nước vẫn muốn chừa cho ông ta một đường lui : một tên tội phạm
chiến tranh không thể tham dự một hội nghị thượng đỉnh quốc tế vì rời khỏi nước
sẽ bị bắt giữ. Cũng khó đưa được Putin ra trước công lý, vì Tòa án Hình sự Quốc
tế La Haye không được cả Nga lẫn Hoa Kỳ công nhận thẩm quyền.
Hãy còn Tòa án Công lý Quốc tế cũng ở La Haye,
nhưng mọi quyết định phải được Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc thông qua và Nga
lại có quyền phủ quyết. Theo The Spectator và Die
Zeit được Courrier International dịch lại, vấn đề là
phải nhanh chóng thu thập nhiều bằng chứng để thay đổi cán cân ngoại giao,
trong lúc cuộc chiến vẫn ác liệt. Human Rights Watch, Hồng thập tự Quốc tế và
các tổ chức phi chính phủ khác đang góp sức một cách công tâm.
Các bài học cho
Đài Loan từ Ukraina
« Trông người lại nghĩ đến ta », người Đài
Loan có lẽ quan tâm theo dõi diễn biến ở Ukraina chặt chẽ nhất. The
Economist phân tích về những gì Đài Loan có thể học hỏi được từ cuộc
kháng chiến chống xâm lăng của Ukraina.
Nếu bị Trung Quốc chiếm, nền dân chủ Đài Loan
bị bóp nghẹt; kinh tế thế giới chao đảo vì đảo quốc này là nơi sản xuất chip điện
tử tân tiến nhất. « Chuỗi đảo thứ nhất » bị phá vỡ, đặt Nhật Bản vào vòng nguy
hiểm và đảo lộn trật tự tại Ấn Độ-Thái Bình Dương. Bài học lớn nhất cho Đài
Loan, Hoa Kỳ và các đồng minh từ cuộc xâm lược của Nga : mối đe dọa là có thật,
tốt nhất là chuẩn bị ngay từ bây giờ thay vì lúng túng đối phó khi ngọn lửa chiến
tranh đã dấy lên.
Ukraina đã chứng tỏ rằng tinh thần chiến đấu
kiên cường, lãnh đạo can đảm, dân chúng đồng tâm kháng chiến - cộng với vũ khí
phương Tây có thể chống lại kẻ thù mạnh hơn như thế nào. Thế nên Đài Loan cần
chuẩn bị chu đáo, từ huấn luyện quân sự cho mọi người trong tuổi quân dịch, lập
lực lượng phòng vệ lãnh thổ cho đến tăng ngân sách quốc phòng. Hiện nay ngân
sách này chỉ chiếm 2% GDP, quá thấp đối với một đất nước đang bị nguy hiểm
(Israel chi 5,6%). Chủ yếu tập trung cho các loại vũ khí cơ động như hỏa tiễn
chống hạm, hỏa tiễn phòng không, thay vì các loại phi cơ, chiến hạm, tàu ngầm đắt
tiền.
Là đảo quốc, Đài Loan khó xâm lăng hơn Ukraina
nhưng ngược lại, cũng khó tiếp vận. Đài Bắc có thể phải đơn độc chiến đấu nhiều
tuần, thậm chí nhiều tháng : không biết Mỹ có đến tiếp cứu hay không và bao giờ.
Vấn đề là cầm cự được càng lâu càng tốt. Hãy nhìn Ukraina : càng trụ được lâu
dài, Kiev càng nhận được nhiều sự giúp đỡ. The Economist lưu ý là không
có tổ chức nào tương đương NATO tại châu Á. Mỹ có các hiệp định song phương với
Úc, Nhật Bản, Hàn Quốc…nhưng những nước này không có nghĩa vụ gì với nhau,
không có bộ chỉ huy quân sự thống nhất như NATO.
Omicron hạ gục Tập
hoàng đế
Cũng liên quan đến Trung Quốc, Le
Point nhận định « Hoàng đế đỏ bị Covid đánh bại ». Thất bại của chính sách zero
Covid đi ngược lại với tuyên truyền về « sự ưu việt » của mô hình toàn trị so với
dân chủ. Tên tuổi trên trường quốc tế bị vấy bẩn vì ủng hộ Nga xâm lăng
Ukraina. Kinh tế chậm lại làm giảm đi cơ hội đuổi kịp Hoa Kỳ từ nay đến 2030.
Đó là ba mối nguy cho Tập Cận Bình, vào lúc chỉ vài tháng nữa đến đại hội đảng.
Trung Quốc (không kể Hồng Kông) tuyên bố chỉ
có chưa đến 5.000 trường hợp tử vong do con virus từ Vũ Hán, một trong những tỉ
lệ thấp nhất thế giới. Nhưng biến thể Omicron lây lan nhanh hơn đã khiến chính
quyền áp đặt phong tỏa mạnh mẽ, nhưng lại kém hiệu quả. Tại Thượng Hải, 26 triệu
dân bị buộc ở trong nhà, các siêu thị đóng cửa, thực phẩm được phân phối. Các
drone và những đội bảo vệ mặc đồ bảo hộ trắng đe dọa những ai dám ra khỏi nhà
hoặc phản đối từ balcon. Hàng mấy chục ngàn người nhiễm bệnh bị đưa đến các
trung tâm cách ly kém vệ sinh, trẻ em bị tách rời khỏi cha mẹ.
Đến giữa tháng Tư, 1/5 dân số Hoa lục bị phong
tỏa, vào lúc thế giới đã dỡ bỏ hầu hết các biện pháp dịch tễ. Các nhà đầu tư nản
chí, tỉ lệ tăng trưởng khó đạt nổi, nhưng nếu từ bỏ zero Covid chẳng khác nào
nhìn nhận Tập Cận Bình đã sai lầm. Tuần báo phân tích, nguyên nhân sâu xa là sự
cạnh tranh với Mỹ. Dân Hồng Kông bị đè bẹp năm 2020 vì ủng hộ Washington. Mọi
chỉ trích Vladimir Putin bị cấm tiệt vì mang lại lợi ích cho Mỹ. Dù đại dịch
lan tràn, Bắc Kinh vẫn không muốn mua vac-xin ARN thông tin, vì như vậy là nhìn
nhận vac-xin nội địa không hiệu quả bằng tư bản.
Bầu cử tổng thống
Pháp : Bộ mặt thật của cực hữu
Tại Pháp, thời sự nóng nhất tất nhiên là cuộc
bầu cử tổng thống ngày Chủ nhật 24/04/2022. Đây là hồ sơ chính của L'Express,
tuần báo nhận định nếu Marine Le Pen đắc cử, nước Pháp sẽ yếu đi và bị cô lập,
đồng thời nhấn mạnh đến mối liên hệ nguy hiểm của ứng cử viên cực hữu với Nga.
Trong bài « Khuôn mặt thật của Marine
Le Pen », L’Express đặt câu hỏi, làm thế nào giao chìa khóa điện
Élysée cho một người hồi năm 2017 từng tuyên bố « ngưỡng mộ » Vladimir Putin
trong khi tự do liên tục bị bóp nghẹt ở Nga ? Ba năm trước đó, bà nói rằng
« không có việc xâm lăng Crimée », và cùng năm 2014 đó, đảng của bà
vay hai món tín dụng 2 triệu và 9 triệu euro từ một ngân hàng Nga. Nhiều nhân vật
trong đảng đến Donbass để ủng hộ phe ly khai, sang thăm Crimée nhằm tạo tính
chính danh cho cuộc trưng cầu dân ý do Matxcơva tổ chức. Và mới nhất hồi tháng
Hai năm nay, Le Pen tung ra những tờ truyền đơn có ảnh bà hãnh diện đứng cạnh
nhà độc tài Nga để chứng tỏ « vị thế quốc tế ».
Tờ báo nhắc lại, suốt mười năm qua, quan điểm
của đảng Tập hợp Dân tộc (RN) đều tương đồng với Matxcơva, và trong chương trình
hành động 2012 đã đề nghị « một liên minh Pháp-Đức-Nga ». Chuyên gia Bruno
Tertrais của Quỹ nghiên cứu Chiến lược nhận xét, thật là nghịch lý khi một đảng
nói rằng bảo vệ chủ quyền nước Pháp nhưng lại duy trì liên hệ về tài chánh và
thân thiết với một cường quốc độc tài.
Cử tri Pháp mau quên thế sao ? Theo L’Express,
đó là nhờ những tuyên bố thân Nga của một ứng cử viên cực hữu khác là Eric
Zemmour đã thu hút mọi chỉ trích. Còn Marine Le Pen khôn khéo nhấn mạnh đến sức
mua – mối quan tâm lớn của người dân, thậm chí còn tìm cách đổ lỗi cho ông
Emmanuel Macron về cuộc chiến Ukraina. Nhưng khi tiếp tục khẳng định muốn xây dựng
một « liên minh » với Nga, chiếc mặt nạ của bà đã rơi.
Kịch bản đen tối nếu
Le Pen cầm quyền
Trả lời phỏng vấn Le Point, triết gia Đức
Peter Sloterdijk than phiền « Người Pháp không bỏ phiếu bằng bộ óc ».
Pháp là một nước mà vòng một cuộc bầu cử tổng thống cứ mỗi năm năm là dịp để
« biểu hiện quan điểm » : chống lại giới tinh hoa, trừng phạt
chính phủ, phản đối sức mua giảm… Trong khi theo các nhà kinh tế, sức mua của
người Pháp đã tăng trung bình khoảng 300 euro/năm từ năm 2017 đến năm 2021.
L’Obs hình dung ra « Kịch
bản đen 100 ngày đầu cầm quyền của Le Pen ». Nội các của thủ lãnh đảng
cực hữu gồm bộ máy xưa nay, những người trung thành chưa bao giờ có kinh nghiệm
tham chính để có thể lãnh đạo những bộ quan trọng. Có thể bổ sung một số khuôn
mặt cánh hữu nhưng chỉ những ai không bầu cho Emmanuel Macron trong vòng hai.
Le Pen cho trưng cầu dân ý về nhập cư, một cuộc « đảo chánh Hiến pháp »,
dành việc làm và phúc lợi cho người Pháp gốc, người nước ngoài thất nghiệp quá
một năm sẽ bị trục xuất.
Sau đó là thương lượng với Bruxelles về nhiều
nguyên tắc châu Âu, nhưng trước mắt là phủ quyết việc trừng phạt Nga, rút khỏi
bộ chỉ huy NATO…Nhiều chủ trương gây tranh cãi khác, chẳng hạn bỏ thuế thu nhập
cho tất cả những ai dưới 30 tuổi. Như vậy cầu thủ Kylian Mbappé, 23 tuổi, lương
26,5 triệu euro/năm khỏi phải đóng thuế. Marine Le Pen sẽ trở thành « tổng
thống của người giàu », một « danh hiệu » vẫn được gán cho
Emmanuel Macron. Về đối ngoại, Élysée sẽ đồng hành với Kremlin của Putin, và giấc
mơ làm phương Tây yếu đi của ông ta.
No comments:
Post a Comment