TBT
Nguyễn Phú Trọng không phải là người nêu vấn đề
04/04/2022
https://gdb.voanews.com/02870000-0aff-0242-d84e-08da13d15735_w650_r1_s.png
Ngày 31/3 vừa qua,
TBT ĐCSVN Nguyễn Phú Trọng chỉ gọi xung đột Nga – Ukraine hiện nay là “tình
hình căng thẳng” và có ý thanh minh, ông không phải là người chủ động nêu vấn đề
ra, mà chính “Thủ tướng Scholz mới là người đề cập trước chủ đề này”.
Trong trường hợp ấy, ông Trọng có mở miệng hay
không, cũng thế thôi. Việt Nam, một lần nữa lại sẽ nhỡ con tàu của thời đại.
Ngày 31/3/2022, lần đầu tiên sau hơn cả tháng trời
quân Nga tàn sát dân thường ở Ukraine, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng mới chịu mở
miệng, hàm ý không ủng hộ cuộc xâm lăng của Nga đối với đất nước hoa Hướng
dương. Cũng chỉ là “hàm ý” thôi và tuy ông Trọng có mở miệng thật, nhưng ĐCSVN
vẫn kiên định lập trường bảo vệ Nga ở Liên hợp quốc. Trong nước vẫn tìm mọi
cách ngăn chặn các hoạt động của trí thức và dân chúng ủng hộ người dân và
chính phủ Ukraine.
Cả thế giới kinh tởm
và lên án Nga
Sự phẫn nộ của thế giới đang gia tăng đối với
bằng chứng về các vụ hành quyết đã xảy ra và các hành động tàn bạo khác của
quân Nga ở Ukraine, tuy nhiên Nga phủ nhận và cho rằng đây là sự dàn dựng. Bộ trưởng Quốc phòng Đức
đã phản ứng với bằng chứng mới khi nói rằng châu Âu phải xem xét tăng cường các
hình phạt đối với Máxcơva bằng cách tẩy chay hoạt động xuất khẩu khí đốt của nước
này, bước đi gây đau đớn về kinh tế mà các nhà lãnh đạo châu Âu trước đây đã
tránh. Thủ tướng New
Zealand Jacinda Ardern gọi các báo cáo về hành vi cưỡng hiếp và các hành
động tàn bạo khác của binh lính Nga là “đáng tố cáo”. Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida hôm 4/4
cho biết, Nhật Bản “cực kỳ lên án các cuộc tấn công nhằm vào dân thường” sau
báo cáo về các thi thể được tìm thấy có
dấu hiệu bị tra tấn tại các khu vực mà quân Nga đã rút lui.
Các quan chức Ukraine cho biết thi thể của 410 thường
dân đã được tìm thấy ở các thị trấn xung quanh thủ đô Kyiv, sau khi đánh bật
binh lính Nga ra khỏi đây. Tại thị trấn Bucha, phía
tây bắc thủ đô Kyiv, các nhà báo của AP đã nhìn thấy 21 thi thể. Một nhóm chín
người, tất cả đều mặc quần áo dân sự, nằm rải rác xung quanh một địa điểm mà
người dân cho rằng quân đội Nga đã sử dụng làm căn cứ. Họ dường như đã bị bắn ở
cự ly gần. Ít nhất hai người bị trói tay sau lưng. Trong khi đó, ngày 31/3 vừa
qua, TBT ĐCSVN Nguyễn Phú
Trọng chỉ gọi xung đột Nga – Ukraine hiện
nay là “tình hình căng thẳng” và có ý thanh minh, ông không phải là người chủ động
nêu vấn đề ra, mà chính “Thủ tướng Scholz mới là người đề cập trước chủ
đề này”. Các nhà quan sát cảm thấy khó hiểu, tại sao tất cả mọi
tờ báo ở Việt Nam khi đưa mẩu tin này đều nhấn mạnh vế ai là người nêu vấn đề đầu
tiên. Có gì đâu mà không hiểu! Ông Trọng muốn thanh minh rằng, Việt Nam không
phải là bên chủ động nêu vấn đề Nga và Ukraine ra đâu nhé! Cuộc diệt chủng của
Nga ở Ukraine bước sang tháng thứ hai, và ông Trọng vẫn chưa hề coi là “cuộc
chiến tranh xâm lược” tàn khốc như 140 – 141 nước trên thế giới đã
hai lần công khai bỏ phiếu tại LHQ để lên án.
VN chặn dân bày tỏ
tình đoàn kết
Cuối
tuần qua, ngày 2/4/2022, một quả bom truyền thông vừa nổ ra giữa lòng Hà Nội. Lãnh đạo Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (Vusta) đã bộc
lộ thái độ thật “đáng chê trách” và “thiếu văn hoá” đối với cuộc toạ đàm được
lên kế hoạch từ hai tuần trước. “Đáng chê trách” và “thiếu văn hoá” là
những cụm từ được tập thể các Giáo sư dùng để phản đối công khai. Mà đấy cũng
chưa phải là cụm từ nặng nề nhất được sử dụng trong cuộc đấu lý gay gắt sáng thứ
Bảy. Các Giáo sư, Tiến sỹ được mời đến tham dự toạ đàm còn dùng nhiều cụm từ
chát chúa hơn thế trong cuộc khẩu chiến tay đôi, tay ba với một người được cho
là Chánh Văn phòng
Vusta Lê Công Lương đứng ra ngăn chặn cuộc họp. Sai lầm của Lương là đã tỏ thái độ
xấc xược và bề trên đối với các trưởng thượng ngoài 70, thậm chí nhiều cụ trên
cả 80, như với Giáo sư – Viện trưởng Tô Duy Hợp, GS. Đặng Quốc Bảo và nhiều vị
cao niên khác. Cho dù cuộc toạ đàm về Ukraine bị “bức
tử”, nhưng vừa qua là dịp để bàn dân thiên hạ thấy rõ hơn bản chất độc tài, phi
dân chủ của một cơ quan có chức năng tập hợp, đoàn kết đội ngũ trí thức, lại ứng xử một cách thiếu văn hoá đối với một sinh hoạt khoa
học rất đỗi bình thường.
Trước sự cố kể trên hơn tuần lễ, một cuộc gây
quỹ thiện nguyện nhằm giúp đỡ người dân Ukraine đang trong chiến tranh, do cộng
đồng người Ukraine ở Hà Nội tổ chức, cũng bị chính quyền đình chỉ. Sự kiện từng
dự kiến diễn ra ngày 19/3/2022 tại một địa điểm ở phường Nhật Tân, Hà Nội. Một
nhóm công dân Ukraine, sinh sống ở Hà Nội, định tổ chức một hội chợ nhằm kêu gọi
sự chú ý, gây quỹ từ thiện để ủng hộ nạn nhân cuộc xâm lược của Nga tại
Ukraine. Tuy nhiên, chỉ một ngày trước khi diễn ra, ban tổ chức thông báo sự kiện
đã buộc phải huỷ bỏ, do có hành động can thiệp từ phía chính quyền địa phương.
Trước đó nữa, ngày 5/3/2022, một hội chợ từ
thiện quyên góp cho Ukraine định tổ chức ngay bên trong khuôn viên Đại sứ quán
Ukraine tại Hà Nội cũng bị chính quyền Hà Nội cản trở. Về sự việc cuộc quyên
góp theo sáng kiến của cộng đồng Ukraine bị đình chỉ, Đại biện lâm thời Cộng
hòa Ukraine tại Việt Nam, bà Nataliya Zhinkina, cho truyền thông quốc tế
biết sở dĩ phải hủy bỏ là do buổi quyên góp “chưa đáp ứng các quy định”
của chính quyền thành phố Hà Nội. Là nhà ngoại giao chuyên nghiệp, bà Đại
biện chắc không tiện công khai phê phán lập trường “cuồng Nga” của chính quyền
Việt Nam, nên mới đưa ra một tuyên bố trung tính như vậy. Tuy nhiên, lần Việt
Nam bỏ phiếu trắng tại LHQ, bà buộc đã phải bày tỏ thái độ công khai: “Việt
Nam ơi, quê hương thứ hai của tôi ơi, tôi rất thất vọng!"
Và theo Bí thư thứ nhất Đại sứ quán Ukraine tại
Hà Nội Ihor Velko, Ukraine chỉ nhận được viện trợ nhân đạo từ chính phủ Việt
Nam trong thời kỳ đại dịch Covid thôi. Nhưng đấy là chuyện của hai năm trước.
Giờ đây, chính phủ Ukraine chưa nhận được bất cứ sự hỗ trợ nào từ Việt Nam, nơi
chúng tôi đang công tác, kể cả viện trợ nhân đạo. Thế mới thấy cái “bóng đè” của chủ nghĩa chuyên chế
và độc tài kéo dài ghê gớm, từ Máxcơva qua Bắc Kinh, kéo xuống tận Hà Nội.
Thậm chí, Việt Nam còn “bảo hoàng hơn cả vua”. Bởi vì, từ ngày 11/3, khi phát
biểu tại cuộc họp báo sau phiên bế mạc kỳ họp Quốc hội, Thủ tướng Trung Quốc Lý
Khắc Cường đã bày tỏ lo ngại, “đau xót” trước tình hình Ukraine và tuyên
bố Trung Quốc sẽ tiếp tục viện trợ nhân đạo cho Ukraine.
“Thắng lợi” của Đảng,
đại bại của dân
Nhờ chủ trương “cuồng Nga” và “ghét Mỹ” của Đảng,
một loại virus “phản Ukraine” đang lan tràn khắp cả một xã hội “đang chết lâm
sàng về chính trị” ở Việt Nam. “Nga nó đánh Ukraine là đúng. Ai bảo nghe Mỹ
xui, mua vũ khí chất đầy kho, chỉa sang sân nhà nó…”. Tôi hỏi lại cậu lái taxi:
“Thế chú mày không nhìn ra Biển Đông, nhìn sang Lào, Camphuchia, nhìn lên biên
giới phía Bắc, Trung Quốc xây dựng bao nhiêu căn cứ quân sự chìm nổi, chỉa thẳng
vào tứ bề của Việt Nam, thậm chí có cả các căn cứ ngay trên đất Việt Nam như ở
Formosa, Tây Nguyên… không nhẽ mình cũng vác quân sang Quảng Đông, Quảng Tây,
tiến hành ‘chiến dịch quân sự đặc biệt’ à”? Cậu lái xe vẫn lý sự: “Dân mình bây
giờ chả quan tâm gì đến ‘chính chị chính em’ đâu chú ơi. Mà chính quyền cũng muốn
thế. Ở cơ quan cháu, thủ trưởng bảo, mọi chuyện
đã có Đảng/Nhà nước lo…”
Thấy tôi im lặng, cậu lái xe vẫn say sưa:
“Nhưng cháu thấy quân Nga giỏi thật, cả đoàn xe quân sự dài hơn 60km không tiến
không lùi chỉ là ‘hình nộm’ để câu tên lửa Ukraine đấy bác ạ. Tên lửa bắn ra từ
đâu là quân Nga diệt các ổ kháng cự đến đấy. Nga sắp giải phóng Kiev đến nơi rồi
bác ơi… Thằng hề địch thế nào nổi sỹ quan KGB chuyên nghiệp bác. Cái ông tướng
gì nói trọ trẹ mà đúng đấy bác ơi”. Tôi chuyển làn: “Thế bây giờ Trung Quốc
đánh ta như Nga đánh Ukraine, chú mày có lên biên giới hay ra hải đảo không?”
Trả lời: “Ồi, ai dại gì mà đi đánh nhau thời nay bác ơi. Cháu chẳng ra đâu!
Mình chiến đấu, bảo vệ đất đai và hải đảo cho Vượng Vin và Quyết còi chiếm đoạt
hả bác? Cháu chả dại…”. Tôi bỗng muốn hô to cho vỡ ngực: “ĐCSVN quang vinh muôn
năm!” Đảng đã thắng lợi tuyệt đối! Chỉ có dân tộc, quốc gia này là đại bại!!!
Nhưng sau cuộc chiến tranh xâm lược của Nga ở
Ukraine thế giới sẽ khác xưa lắm, chú lái xe ơi! “Nghiệp chướng” đang chờ đợi
ĐCSVN ở phía trước nếu như cho đến khi kết thúc cuộc chiến tàn khốc này, Việt
Nam vẫn đứng trước ngã ba đường. Bao nhiêu lời khuyên đầy trí tuệ xuất phát từ
kinh nghiệm lịch sử cận và hiện đại đều bị bỏ ngoài tai. Việt Nam nằm cạnh
Trung Quốc hệt như Ukraine nằm cạnh Nga. Nguy cơ bị láng giềng khống
chế, thậm chí tấn công luôn luôn tồn tại. Toàn bộ tài liệu của Bộ Quốc
phòng “United States – Vietnam Relations” dài 7.000 trang được giải mật ngày
13/6/2011 đã đề cập rõ ràng tới khả năng này. Mỹ đã tái khởi động “bốn lá chắn”
qua chiến lược Ấn Độ – Thái Bình Dương (FOIP). Trong tình hình hiện nay trên
chiến trường Ukraine, dự trù ngân sách quốc phòng của Mỹ gần 900 tỷ USD cho năm
2023 có phần để giúp Kiev, nhưng mục tiêu dài hạn là nhằm đối phó với Bắc Kinh.
Nhưng Việt Nam sẽ có nguy cơ tuột khỏi cơ hội
nương vào sức mạnh kinh tế, khoa học và công nghệ của Mỹ và phương Tây để đưa đất
nước trở thành quốc gia đã phát triển. Con đường khả dĩ và ít nguy hiểm nhất để
giữ được quyền tự quyết dân tộc và nền độc lập cho đất nước, Việt Nam khó bước
lên được. Cứ “ù lì”, “đông cứng” và tiến hành chính sách ngu dân như hiện nay,
ĐCSVN sẽ không bao giờ đặt chân lên được con đường ấy. Hồng phúc dân tộc cạn kiệt
dần, liệu có còn hy vọng trong hàng ngũ những người CSVN hiện nay, còn sót lại
một bộ phận nào đấy biết lo toan để thúc đẩy dân chủ hoá xã hội, thông qua xây
dựng nhà nước pháp quyền? Thế
giới khi đã phân định rõ ràng thành hai khối, chuyên chế và dân chủ, mà Việt Nam
vẫn chập chờn, với “dân trí” như cậu lái xe, “quan trí” như ông
Chánh Văn phòng Vusta, thậm chí “đảng trí” bị lực hút quán tính của Nga và
Trung Quốc kéo vào, thì tai hoạ sẽ ập đến là cái chắc. Trong trường hợp ấy, ông
Trọng có mở miệng hay không, cũng thế thôi. Việt Nam, một lần nữa lại
sẽ nhỡ con tàu của thời đại.
No comments:
Post a Comment