Tường
An cùng với Trinh
Huu Long.
CĂN BỆNH THỜI ĐẠI
Trên Luật Khoa Tạp Chí có một bài phân tích rất
thực tế mang tên : "Rơi vãi tập trung: Căn
bệnh của thời đại" dựa theo quyển “Deep work: Rules for focused
success in a distracted world” của tác giả Cal Newport
Rơi vãi tập trung ??? cái tựa đề nghe hơi lạ
tai, Có vẻ như tác giả là người trong nước nên trong bài, dùng nhiều từ ngữ mà
những người hải ngoại có thể chưa quen . Một số người hải ngoại có thể vội vàng
la lên "từ việt cộng !!" hihihi
Xin đừng vội.... Hãy đọc hết bài phân tích này
và cố làm quen với những từ ngữ mới đó vì đây là một bài phân tích rất có giá
trị. Bài có nhiều nhận xét rất chính xác và tác giả cũng đưa ra một vài giải
pháp cho những ai sử dụng mạng xã hội với một quỹ thời gian ít ỏi
Theo tôi nghĩ, giải pháp tác giả đưa ra là một
hình thức "thiền" (tập trung) nhưng là một loại "thiền động"
? tức là tập trung để làm một việc gì đó, chứ không như cách "thiền tỉnh"
tức là "ngồi thiền" (tập trung tư tưởng) Hay nói một cách khác, nó
cũng là một phương pháp tương đương với phương pháp "chánh niệm" của
Thiền sư Thích Nhất Hạnh. Tuy nhiên, ở đây, tác giả đưa ra giải pháp chọn lựa
việc để tập trung nhiều hơn là làm thế nào để tập trung !
Dù sao chăng nữa, tác giả đã nhìn thấy một vấn
đề khá phổ biến ở thời đại mà "mạng xã hội" phát triển quá nhanh
chóng, trong khi một ngày thì vẫn chỉ là 24 giờ
---------------------------------------------------------------------------
.
.
Rơi
vãi tập trung: Căn bệnh của thời đại
Y CHAN - Luật
Khoa
29/03/2022
https://www.luatkhoa.org/2022/03/roi-vai-tap-trung-can-benh-cua-thoi-dai/
Bạn là ai tùy thuộc
vào việc bạn quan tâm và tập trung vào điều gì.
Bìa sách: Amazon. Minh họa: Luật Khoa
Nếu bạn đang đọc những dòng chữ này vào thời
điểm năm 2022, khả năng cao là bạn có ít nhất một tài khoản mạng xã hội và dành
thời gian kha khá cho nó mỗi ngày.
Thống kê cho thấy một người dùng dành ra trung bình gần 2,5 giờ đồng hồ mỗi ngày cho
các hoạt động trên mạng xã hội. [1]
Bạn có thể nghĩ con số này là nhỏ – dù sao thì
nó cũng chỉ chiếm 1/10 thời gian của một ngày.
Tuy vậy, thời gian bạn tiêu tốn vào mạng xã hội
nói riêng và các thông tin vô bổ nói chung nhiều gấp mấy lần mọi con số thống
kê.
Đó là vì đi kèm với thời gian còn có một thứ
quan trọng khác: sự tập trung.
Ai cũng biết thời gian là một thứ có giới hạn
và chỉ ngày càng ít đi chứ không tăng thêm. Nhưng ít ai nghĩ điều tương tự cũng
xảy ra với khả năng tập trung.
Hầu hết chúng ta đều nghĩ “tập trung” (attention/
focus) là một hành động, giống như việc nghe, nhìn, nói, đi, chạy, nhảy, v.v. Nếu
muốn tập trung vào việc gì, ta chỉ cần đơn giản… tập trung vào việc đó, tương tự
như việc muốn rẽ trái hay rẽ phải khi lái xe. Thậm chí, giống như tai có thể
cùng lúc thu nhận nhiều loại âm thanh, rất nhiều người cho rằng họ có thể cùng
lúc tập trung làm nhiều việc khác nhau cùng lúc, tức đa nhiệm hay
“multi-tasking”.
Trên thực tế, sự tập trung có nhiều đặc tính
liên hệ với thời gian hơn là một kỹ năng đơn thuần.
Nhiều nghiên cứu đã cho thấy ý tưởng về một
người đa nhiệm – có thể tập trung làm nhiều việc khác nhau trong cùng một thời
điểm – là một “huyền thoại” (myth). Thứ mà người đó làm thực chất là nhảy qua nhảy lại giữa các tác vụ. Khi họ tập trung
làm việc này, họ tắt đi sự tập trung dành cho những việc khác. Một người có vẻ
giỏi đa nhiệm đơn giản là một người nhảy qua nhảy lại rất nhanh giữa các công
việc khác nhau. [2]
Nhưng ngay cả với những người có khả năng
“siêu nhảy”, họ cũng sẽ gặp phải rất nhiều khó khăn khi đối diện với một tác vụ
phức tạp, đòi hỏi sự tập trung cao độ.
Đó là vì sự tập trung, giống như thời gian, là
một thứ có giới hạn và chỉ mất đi chứ không tăng thêm.
Trong quyển sách “Deep work: Rules for focused success in a distracted world”,
tác giả Cal Newport dành rất nhiều thời lượng để nói về năng lực tập trung. [3]
Cuốn sách “Deep
work” đã được dịch và xuất bản tại Việt Nam. Ảnh: AlphaBooks.
Một trong những khái niệm trung tâm được đưa
ra trong sách là “attention residue” – tạm dịch là “rơi vãi tập trung”.
Theo đó, khi chuyển từ tác vụ này sang tác vụ
khác, bạn không thể bưng toàn bộ sự tập trung sang tác vụ mới. Một phần tập
trung của bạn đã bị rơi rớt ở tác vụ cũ. Nếu tác vụ cũ là một thứ lộn xộn,
không được tổ chức tốt và còn dở dang chưa hoàn thành, nó sẽ khiến mức độ tập
trung của bạn bị rơi vãi nhiều hơn.
Vì vậy, càng dính tới nhiều tác vụ – đặc biệt
là những thứ vụn vặt, lộn xộn, vô tổ chức – bạn càng tiêu tốn nhiều sự tập
trung. Và vì kho dự trữ tập trung là một thứ có giới hạn, giống như thời gian của
một ngày, càng rơi vãi bạn sẽ càng thấy mình hụt hơi, không còn đủ năng lực tập
trung cho những công việc phức tạp.
Từ đó, bạn càng lúc càng cảm thấy hiệu quả
công việc, tri thức về thế giới và mức độ hài lòng về cuộc sống không những trì
trệ mà còn luôn ở mức cạn kiệt.
Quyển sách “Deep work” giúp người đọc tránh khỏi
viễn cảnh, hoặc thoát khỏi thực tại trên.
Tác giả Cal Newport, phó giáo sư chuyên ngành
khoa học máy tính thuộc Đại học Georgetown (Mỹ), chia sẻ khá nhiều phương thức
để mỗi người có thể tự sắp xếp lại cuộc sống nhằm bảo toàn “kho tập trung” quý
giá, để dành nó cho những thứ thực sự quan trọng.
Các cách thức mà Newport trình bày khá đa dạng
– từ việc cắt đứt hoàn toàn hoặc giảm đến mức tối thiểu các hoạt động lãng phí
thời gian như lướt mạng xã hội hay trả lời email, cho đến cách sắp xếp phân bổ
các “block” thời gian dành riêng cho những mục tiêu đòi hỏi sự tập trung cao độ
và những việc còn lại.
Tuy đối tượng của quyển sách là các “knowledge
workers”, những người làm các công việc đòi hỏi tri thức sáng tạo, hay “công việc
sâu” (deep work) như tựa đề của sách, ý tưởng về một “cuộc sống sâu sắc” (deep
life) lại là thứ mà tất cả mọi người đều có thể liên hệ đến.
Một cuộc sống sâu sắc, hay một cuộc đời tốt (a
good life) như lời của tác giả, khó có thể là một cuộc đời mà phần nhiều thời
gian và tâm trí được tiêu tốn cho những tác vụ và thông tin vô thưởng vô phạt.
Không khó hiểu khi một trong những quy tắc mà
tác giả đặt ra để sắp xếp lại cuộc sống là việc từ bỏ mạng xã hội – một nguồn
lãng phí phần lớn thời gian và năng lực tập trung.
Đối với nhiều người Việt Nam, điều này dường
như là bất khả. Chưa kể việc sống ở một nơi vốn thiếu tự do báo chí, mạng xã hội
với nhiều người từ lâu đã đóng vai trò là kênh tin tức đáng tin cậy, đặc biệt
là so với loa phường độc thoại của chính quyền.
Tuy vậy, quan niệm về một cuộc đời sâu sắc như
trong sách đưa ra vẫn đáng để tham khảo và có thể áp dụng mọi lúc mọi nơi.
Đó là việc ghi nhớ rằng ngoài thời gian, sự tập
trung của mỗi người cũng là thứ hữu hạn. Một cuộc đời sâu sắc chỉ khả dĩ khi
chúng ta dành đủ sự tập trung cho những thứ quan trọng. Và sự tập trung sẽ
không thể nào có đủ nếu ta liên tục để mình bị cuốn vào những vòng xoáy ngập ngụa
thông tin.
Tiêu tốn thời gian trong những tin tức vô bổ,
hăng hái vung vãi sự tập trung của mình cho việc chia sẻ những thứ đó, hay dành
thời gian và tâm trí để đào sâu một vấn đề nghiêm túc – đó là lựa chọn tạo nên
mọi sự khác biệt.
Bài viết nằm trong mục Đọc sách cùng Đoan Trang,
đăng vào tối thứ Ba hàng tuần. Bài cộng tác xin gửi cho chúng tôi tại đây.
Ban biên tập Luật Khoa tạp chí, bao gồm Đoan Trang,
rất mong chờ bài viết của bạn.
Chú thích
1. Statista. (2022, March 21). Daily
social media usage worldwide 2012–2022.
https://www.statista.com/statistics/433871/daily-social-media-usage-worldwide/
2. Nancy K. Napier. (2014, May
12). The Myth of Multitasking.
https://www.psychologytoday.com/us/blog/creativity-without-borders/201405/the-myth-multitasking
3. Deep Work: Rules for Focused
Success in a Distracted World: Newport, Cal: 9781455586691: Amazon.com: Books.
(2016). Amazon.
https://www.amazon.com/Deep-Work-Focused-Success-Distracted/dp/1455586692
No comments:
Post a Comment