Monday, April 18, 2022

QUÁ KHỨ và HIỆN TẠI CỦA UKRAINE ĐAN XEN KHI MỘT SỬ GIA VỀ CHIẾN TRANH TÌM NƠI ẨN NÁU (Mari Saito)

 



Quá khứ và hiện tại của Ukraine đan xen khi một sử gia về chiến tranh tìm nơi ẩn náu

Mari Saito

Trà Mi dịch thuật

POSTED ON APRIL 18, 2022

https://dcvonline.net/2022/04/18/qua-khu-va-hien-tai-cua-ukraine-dan-xen-khi-mot-su-gia-ve-chien-tranh-tim-noi-an-nau/

 

OSWIECIM, Ba Lan, ngày 14 tháng 4 (Reuters) — Vào cuối tháng Hai, vào một đêm lạnh giá ở Kharkiv, Viktoria Naumenko bắt xe buýt đến một quán bar nơi hai người bạn thân nhất của cô đang đợi để nói với cô về lễ đính hôn của họ. Bên ngoài, cô đốt một điếu thuốc để xoa dịu tinh thần trước khi bước vào quán cà phê ồn ào. Cô nhắn tin cho một người bạn ở Canada: “Tôi cảm thấy đây có thể là lần cuối cùng tôi nhìn thấy những người bạn của mình còn sống.”

 

https://www.reuters.com/resizer/GNIKGsTVg6QPOy9UHbHwUqpSPZ0=/1200x0/filters:quality(80)/cloudfront-us-east-2.images.arcpublishing.com/reuters/NSBPTVQRLBMK7PDIRAHZERTQPA.jpg

Viktoria Naumenko, một sử gia về chiến tranh 39 tuổi, dân Kharkiv, Ukraine ngồi trên bãi cỏ Lustgarten trước Bảo tàng Cũ (Bảo tàng Altes), ở Berlin, Đức ngày 28 tháng 3 năm 2022. Ảnh chụp ngày 28 tháng 3 năm 2022. REUTERS/Fabrizio Bensch

 

Naumenko, 39 tuổi, đã cảnh cáo những người xung quanh cô từ đầu tháng 12 rằng chiến tranh sắp xảy ra. Một sử gia về chiến tranh đã dành 20 năm để phỏng vấn những người sống sót sau các cuộc xung đột ở châu Âu trong quá khứ, cô ấy nghĩ rằng cô ấy biết điều gì sẽ đến. Cô tích trữ thực phẩm, kêu gọi bạn bè có con rời khỏi thành phố phía đông Ukraine và gửi tất cả nghiên cứu của mình cho sếp của cô ở Mỹ để giữ trong trường hợp có chuyện gì đó xảy ra với cô ấy.

 

Hầu hết những người cô biết đều kiên nhẫn lắng nghe, nhưng bác bỏ việc có thể xảy ra một cuộc xâm lăng toàn diện của Nga. Để cho cô nguôi ngoai, một số người đã đặt vé đi khỏi Kharkiv và sau đó nhanh chóng bỏ chúng. Sếp của Naumenko khẳng định chiến tranh là điều không thể tưởng tượng được — nhưng thấy cô lo lắng như thế, ông ta đã trả cho cô hai tháng lương để cô thoải mái. Naumenko nói :

 

“Không ai tin tôi. Ngay cả bố mẹ tôi cũng cười.”

 

Buổi sáng sau tiệc rượu đính hôn, 24 tháng 2  Naumenko giật mình tỉnh giấc vì một cuộc gọi từ một người bạn khác. Lúc đó là 5:30 sáng. “Vita, chiến tranh đang bắt đầu, chúng ta sẽ làm gì?”

 

Kharkiv, cách biên giới Nga chưa đầy 50 km, là một trong những thành phố đầu tiên của Ukraine nằm trong lằn đạn của đội quân xâm lăng. Trong vòng ba tuần kể từ đêm lạnh giá đó tại quán bar, ngôi nhà trẻ trung và sôi động của Naumenko đã biến thành một đống đổ nát. Vài ngày sau khi tổ chức lễ đính hôn của anh ấy, bạn của cô, Viacheslav Saienko, đã qua đời.

 

Thành phố lớn thứ hai của Ukraine đã bị pháo kích gần như liên tục kể từ khi bắt đầu một cuộc xung đột mà Điện Kremlin gọi là một “cuộc hành quân đặc biệt”  nhằm phi quân sự hóa và “phi quốc xã hóa” Ukraine. Mặc dù rất khó để biết được số người chết chính xác, nhưng các nhà xác của Kharkiv vẫn tràn ngập và hàng trăm cư dân của thành phố là những người trong số các nạn nhân. Điện Kremlin phủ nhận việc họ nhắm mục tiêu vào dân thường.

 

Đối với những người ở lại, mối nguy đang trở nên nghiêm trọng hơn bao giờ hết: Nga đã tăng gấp đôi nỗ lực để chiếm miền đông Ukraine kể từ khi lực lượng của họ rút khỏi khu vực gần Kyiv vào cuối tháng Ba.

 

Saienko, 34 tuổi, đang làm tình nguyện viên trong Lực lượng Phòng vệ Lãnh thổ ở trung tâm Kharkiv thì anh mất tích. Trong hơn một tuần, bạn bè và gia đình của anh đã cố gắng đi tìm anh, gọi đến các bệnh viện và đăng những lời kêu cứu trên Instagram, thậm chí tìm kiếm trong số hơn 2,5 triệu người tị nạn Ukraine chạy sang Ba Lan. Cuối cùng người ta cũng tìm được thi hài của Saienko, anh bị chôn vùi dưới đống đổ nát.

 

Mặc dù Naumenko đã dành hai mươi năm để nghiên cứu các cuộc xung đột ở châu Âu, nhưng thực tế về chiến tranh dường như luôn ở rất xa — điều chỉ xảy ra với những người khác. Là một sử gia, cô đã phỏng vấn hàng trăm người sống sót sau cuộc xâm lăng của Đức Quốc xã và sự chiếm đóng của Liên Xô. Nhưng nghe họ mô tả những điều kinh hoàng mà họ đã trải qua, cô chưa bao giờ hiểu hết cảm giác của những cuộc bắn phá trên không. Cô không ngờ rằng những vụ nổ lại lớn đến vậy — bao trùm đến nỗi có cảm giác như người ta đang chết đi sống lại ở trung tâm của vụ nổ. Cô nói :

 

“Tôi tin rằng nếu ai đó chết ở chiến trường, nó sẽ kết thúc trong một giây và người ta không thể cảm nhận được gì. Nhưng bây giờ tôi hiểu: người có thể cảm nhận được điều đó. Và một giây có thể giống như một giờ.”

 

Khi quyết định rời Kharkiv, vào đầu tháng 3, cô đã mất 28 giờ để đến thành phố Lviv ở phía tây, phần lớn nằm ngoài tầm đạn bắn phá của Nga.

 

Xuống xe lửa ở Lviv có cảm giác như quay ngược thời gian. Nhà ga, với trần nhà bằng kính hình vòm và hàng dài các bà mẹ có con xếp hàng để lên các chuyến tàu khởi hành, giống như những bức ảnh đen trắng về những người tị nạn trong Thế chiến thứ hai. Trong những hình ảnh đó, những khuôn mặt bị mờ và không rõ ràng. Bây giờ, Naumenko cũng đang ở trong một đám đông tương tự, một khuôn mặt vô danh trong một đám đông tất cả đều khao khát thoát ra.

 

Cô ấy là một trong 10 triệu người Ukraine phải di tản mà cuộc sống của họ đã bị cuộc xâm lăng của Nga hủy hoại. Cô có cảm giác xa lạ với tình trạng mới tìm thấy, một thứ gì đó thuộc về những người già sống sót sau cuộc chiến mà cô đã phỏng vấn về các cuộc chiến cách đây hàng nhiều chục năm.

 

Bị kẹt trong một biển người tị nạn ở biên giới Ba Lan-Ukraine, Naumenko không biết phải đi đâu tiếp theo. Cô đã gặp gia đình của chị gái mình, những người đã chạy trốn khỏi Zaporizhzhia ở phía đông nam của Ukraine sau khi lực lượng Nga tấn công nhà máy hạch tâm ở đó. Các tình nguyện viên cuối cùng đã đưa Naumenko và người thân của cô đến một trung tâm dành cho thanh thiếu niên, dành để lưu giữ ký ức về Holocaust, hoạt động cách trại tử thần của Đức Quốc xã trước đây, Auschwitz-Birkenau, 2 km. Khoảng 1,1 triệu người, đa số họ là người Do Thái, bị sát hại ở trại Auschwitz trong Thế chiến thứ hai.

 

Khi những cành bạch dương đong đưa trong sân nhỏ, Naumenko hít một hơi thuốc lá bạc hà và nhìn lên những con chim. Ngạc nhiên trước con đường thoát khỏi chiến tranh của chính mình, cô nói :

 

“Tôi chạy trốn khỏi Kharkiv và đang cố gắng sống còn ở Auschwitz. Tôi chưa bao giờ thực sự muốn di tản. Tôi nhìn thấy những vấn đề mà đất nước tôi gặp phải nhưng tôi không thấy có lý do gì để không sống ở đất nước mà tôi yêu mến.”

 

TỪNG LÀ MỘT THÀNH PHỐ NĂNG ĐỘNG

 

https://www.reuters.com/resizer/ouo9NB06IJAFwnp0-cYswbZS_EU=/1200x0/filters:quality(80)/cloudfront-us-east-2.images.arcpublishing.com/reuters/LH6CIDHW4JNNBGXNJ5AE6DLRVE.jpg

Viktoria Naumenko, 39 tuổi, một sử gia về chiến tranh ở Kharkiv, Ukraine chạm vào một lỗ thủng do mảnh bom gây ra trong trận Berlin trong Thế chiến thứ hai trên mặt tiền của Trường Kinh doanh và Kinh tế Đại học Humboldt Berlin, ở Berlin, Đức Tháng Ba 28, 2022. Hình chụp ngày 28 tháng 3 năm 2022. REUTERS / Fabrizio Bensch

 

Sinh ra trong những năm suy tàn của Liên bang Xô Viết, Naumenko lớn lên ở Zaporizhzhya, một thành phố kỹ nghệ được biết đến như một trung tâm sản xuất. Một trong những ký ức đầu tiên của cô là về cha cô, một hiệu trưởng trường học và là người tin tưởng trung thành vào nền độc lập của Ukraina, dạy cô phiên bản của riêng ông về một câu thơ châm biếm phổ biến thời bấy giờ chế nhạo giới lãnh đạo Liên Xô trong quá khứ và hiện tại. Naumenko mỉm cười, nói : “Nó đại khái như thế này: Tôi là một cô bé, tôi không đi học, tôi chưa gặp Lenin và tôi không bao giờ muốn gặp.

 

Cô rời nhà năm 17 tuổi để theo học lịch sử tại Đại học Quốc gia Karazin Kharkiv, sau đó hoàn thành luận án Tiến sĩ về Chính sách Kinh tế ở Ukraine thời Đức Quốc xã chiếm đóng và dành hơn một năm ở Freiburg và Berlin để nghiên cứu kho tài liệu lưu trữ.

 

Đồng thời, Kharkiv, thủ đô cũ của Ukraine được biết đến với kiến trúc Xô Viết kiến tạo hùng vĩ, đang trải qua quá trình tái sinh của chính nó.

 

Trong những năm gần đây, thành phố đã trở thành một thỏi nam châm thu hút những doanh nhân trẻ và là trung tâm của giới học thuật và nghệ thuật. Thay vì rời đi sau khi tốt nghiệp đại học, thanh niên Ukraine và người nước ngoài đã ở lại Kharkiv để mở các doanh nghiệp nhỏ, quán bar cocktail và quán cà phê — tất cả đều nằm trên thành phố từng được biết đến với ngành kỹ nghệ nặng.

 

Vào 24 tháng Hai, vài  giờ sau khi Tổng thống Nga Vladimir Putin tuyên bố “cuộc hành quân đặc biệt”  chống lại Ukraine, Naumenko đứng trên ban công căn apt ở tầng 9 của mình khi lửa bùng lên ở phía xa. Bên dưới, còi báo động về cuộc không kích rú lên dọc theo những con đường rộng và vắng của thành phố.

 

Vào ngày 2 tháng 3, một máy bay Nga bay thấp trên tòa nhà của cô ấy để ném bom một khu chung cư cách đó 200 m. Căn phòng của cô rung chuyển dữ dội vì bom nổ.

 

Trong hai ngày sau đó, Naumenko sống dưới lòng đất, run rẩy dưới chiếc chăn lông vịt có hoa văn ở tầng hầm ẩm thấp của một tòa nhà lân cận. Các cuộc pháo kích tiếp tục cả ngày và đến khuya. Mặc dù nhà có đầy đủ thức ăn mà cô đã dự trữ trước khi chiến tranh bắt đầu, nhưng cô thấy mình không thể ăn được. Cuối cùng, vào ngày 3 tháng 3, Naumenko  đã quyết định ra đi. Một tuần sau đó, khi ngồi trong phòng ăn ồn ào của trung tâm thanh thiếu niên ở Oswiecim, cô nói :

 

“Tôi cảm thấy mình như một kẻ phản bội. Nhưng tôi hiểu rằng mình không thể giúp gì cho đất nước khi ở trong mái ấm này, không làm gì cả.”

 

Cô hất một lọn tóc vàng ra khỏi mắt và thở ra thật dài :

 

“Mỗi buổi sáng, tôi có một phút này khi tôi không nhớ gì cả. Chỉ một phút thôi. Sau đó, thực tế ập đến.”

 

Trước cuộc xâm lăng, Naumenko là điều hợp viên của một hội nghị học thuật hàng năm ở nhiều thành phố khác nhau trên khắp châu Âu với học bổng từ Belarus, Nga, Đức và Ukraine. Trong những cuộc họp mặt này, các sử gia sẽ so sánh các quan điểm về Thế chiến thứ hai và giữ liên lạc sau đó.

 

Khi Điện Kremlin tiến hành cuộc xâm lăng, một số đồng nghiệp của cô ở Nga đã liên hệ với cô trên Facebook, nói với cô rằng họ cảm thấy rất tội lỗi về cuộc xung đột. Một đồng nghiệp cũ nói với cô rằng anh ta không biết phải làm gì để giúp đỡ người Ukraine, thêm vào đó là điều “không thể tin được” khi hai nước đang đánh nhau khi họ có quá nhiều điểm chung: ngôn ngữ, văn hóa, lịch sử.

 

Đối với Naumenko, quan điểm cho rằng Nga và Ukraine có mối liên hệ chặt chẽ với nhau và người Ukraine là một phần của toàn bộ nước Nga chính xác là quan niệm sai lầm và đọc sai lịch sử mà cô và các đồng nghiệp của mình đã cố gắng xóa bỏ. Đồng nghiệp người Nga của cô ấy có ý tốt. Naumenko cảm thấy cô không còn sức để tranh luận với anh ta.

 

Qua hàng trăm năm, ngôn ngữ Ukraine và bất kỳ biểu hiện nào của văn hóa Ukraine và bản sắc độc lập đã bị dập tắt, đầu tiên là dưới đế chế Nga và sau đó là do Liên Xô. Hàng triệu người Ukraine đã thiệt mạng trong Holodomor, hoặc chết vì đói, vào những năm 1930 do những hành động của Joseph Stalin nhằm tập thể hóa nông nghiệp và diệt trừ phong trào dân tộc chủ nghĩa còn non trẻ của Ukraine. Putin đã nói rằng Ukraine hiện đại “hoàn toàn do Nga tạo ra” và Ukraine không có truyền thống trở thành nhà nước thực sự. Naumenko nói với đồng nghiệp người Nga của cô :

 

“Đó là lý do tại sao chúng ta có cuộc chiến này. Bởi vì bạn vẫn chưa hiểu rằng chúng ta không giống nhau. Chúng ta là hai quốc gia khác nhau với hai bản sắc khác nhau.”

 

Lướt qua mạng xã hội trên điện thoại của ở Ba Lan, cô ấy thấy thông tin và tuyên truyền sai lệch về cuộc chiến ở Ukraine phát tán qua các bài đăng bằng tiếng Nga. Những cái chết của dân thường ở các thành phố như Kharkiv và Mariupol đã bị bác bỏ hoặc thậm chí đổ lỗi cho chính người dân Ukraine. Cô nói :

 

“Là một sử gia, 10 năm trước, 20 năm trước, tôi chưa bao giờ nghĩ rằng có internet, có thông tin liên lạc mới, người ta lại có thể bị ảnh hưởng vì tuyên truyền như vậy.”

 

Một cuộc thăm dò do Trung tâm Levada của Nga thực hiện cho thấy sự ủng hộ của công chúng đối với Putin là 83% vào tháng 3, tăng từ 71% vào tháng 2. Cuộc thăm dò tương tự cho thấy 81% người được hỏi ủng hộ cuộc chiến ở Ukraine.

 

Trước khi xảy ra vụ Nga oanh tạc và pháo kích, Naumenko và sếp của cô, Jochen Hellbeck, giáo sư lịch sử tại Đại học Rutgers, đang viết một cuốn sách dựa trên lời khai của những người Liên Xô sống sót sau cuộc chiếm đóng của Đức Quốc xã. Bây giờ, cô ấy tự hỏi liệu những tài liệu lịch sử khẩu thuật như vậy có giúp ích gì không khi ngay cả video trực tiếp về các cuộc tấn công bằng hỏa tiễn và những bức ảnh xác của dân thường chết trên đường phố như không thể thay đổi quan điểm của những người ủng hộ cuộc xâm lăng dữ dội của Nga.

Về cuốn sách sẽ được xuất bản vào năm tới, cô nói :

 

“Lẽ ra chúng tôi nên làm điều đó trước chiến tranh. Có lẽ một số người sau khi đọc nó, có thể đã thay đổi suy nghĩ.”

 

Giờ đây, cô cảm thấy tuyệt vọng khi tiếp xúc với những người bị ảnh hưởng do sự tuyên truyền đến mức họ không còn có thể “nghe thấy” bất cứ điều gì khác.

 

“Thực sự, với tư cách là một sử gia, tôi cảm thấy như mình đã thua.”

 

Sau hơn một tuần ở nơi ở nơi tạm trú ở Oswiecim, đã đến lúc phải tiếp tục. Một đồng nghiệp cũ ở Đức đã tìm được những căn phố mà Naumenko và gia đình chị gái cô có thể ở. Một lần nữa mang theo hai chiếc ba lô nhỏ và những con mèo của mình, Naumenko lên một chuyến xe buýt đường dài, lần này là đến Berlin.

 

https://www.reuters.com/resizer/39I1bpwc3Rr_Ku5omuGBk1ntoVA=/1200x0/filters:quality(80)/cloudfront-us-east-2.images.arcpublishing.com/reuters/ZHGHUR7HCZIPZALETD75KW7GMU.jpg

Viktoria Naumenko, 39 tuổi, một sử gia về chiến tranh ở Kharkiv, Ukraine ngồi trên giường tại Trung tâm Gặp gỡ Thanh niên Quốc tế, cách trại tử thần Auschwitz-Birkenau cũ khoảng hai km, nơi cô được cấp chỗ ở tạm thời tạiOswiecim, Ba Lan, ngày 13 tháng 3 năm 2022. Hình chụp ngày 13 tháng 3 năm 2022. REUTERS / Fabrizio Bensch

 

Berlin đẹp nhất vào mùa xuân, nhưng Naumenko không thấy thành phố nào khi cô trải qua những ngày đầu tiên phải mặc cả với giới chức chính phủ địa phương, những người muốn có thêm tài liệu để chứng minh cô đã là người thường trú ở Berlin.

 

Cô đã mất hai ngày ghi danh để được bảo vệ tạm thời tại trung tâm tị nạn tạm thời mới thiết lập tại sân bay cũ ở Tegel, nơi một tình nguyện viên có thiện chí liên tục nhấn mạnh rằng cô sẽ không bao giờ trở về nhà. Naumenko nói :

 

“Cô ấy nói: ‘Được rồi, rồi bạn sẽ làm gì ở đó? Bởi vì trong ít nhất 20, 30 năm nữa sẽ không có gì ở Ukraine’, v.v.. Thật sự rất khó mà nghe những điều như vậy.”

 

Theo chỉ thị của Liên minh châu Âu, những người Ukraine tị nạn chiến tranh có đủ điều kiện để được hưởng quy chế bảo vệ tạm thời, cấp cho họ giấy phép cư trú cũng như được nhận  dịch vụ của nhà nước, gồm cả phúc lợi xã hội.

 

Sau nhiều ngày di chuyển liên tục, sự tĩnh lặng của căn phòng rộng lớn thật đáng kinh ngạc. Cô bỏ thuốc lá và đi dạo quanh khu phố mới của mình gần Bersarinplatz, một quảng trường được đặt theo tên của sĩ quan Liên Xô mà quân đội đầu tiên đến Berlin vào cuối Thế chiến thứ hai.

 

Bất cứ khi nào có một chút thời gian để dừng lại, Naumenko đều nghĩ đến Kharkiv.

 

Nhưng nhìn qua những bức ảnh về thành phố được những người dân còn ở lại đăng trên Facebook hay Instagram, Naumenko không còn biết đến thành phố của cô nữa. Đường phố vắng tanh và trung tâm sầm uất một thời của nó đã trở thành những đống đổ nát. Các khu chung cư trông giống như những ngôi nhà búp bê, mặt tiền của chúng bị xé toạc để lộ cuộc sống bình thường bị đình trệ theo thời gian: bàn bếp lộn xộn, chiếc ghế cao của một đứa trẻ bị lật tung, những tấm rèm bị xé rách, tung bay trong gió. Cô nói :

 

“Tôi nghe tên đường đã biết rất rõ nhưng tôi không thể nhận ra nữa.”

 

Gần một nửa trong số 1,5 triệu dân của Kharkiv đã bỏ trốn, kể cả hôn thê của Saienko, Anastasiia Hriaznova, hiện đang sống ở Ba Lan. Khoảng 100.000 người đang ẩn náu dưới lòng đất, ngủ trong các ga tàu điện ngầm của Kharkiv để tránh các cuộc pháo kích không ngừng. Nga phủ nhận việc nhắm mục tiêu vào dân thường.

 

Tính đến ngày 8 tháng 4, Cao ủy Nhân quyền của Liên Hiệp Quốc xác nhận có khoảng 3.800 thương vong dân sự ở Ukraine, nhưng con số chính thức có thể sẽ tăng lên trong những tuần tới. Chỉ riêng tại thành phố cảng Mariupol đang bị bao vây, thị trưởng địa phương cho biết 5.000 người được cho là đã chết và được chôn cất vội vàng trong các ngôi mộ tập thể.

 

Naumenko đã dành cả đời để nghiên cứu quá khứ, không chắc liệu mình có thể gọi mình là một sử gia hay không. Liệu Ukraine có cần các sử gia sau chiến tranh không, cô tự hỏi. Chắc chắn, nó ít quan trọng hơn nhiều so với những ngành nghề thiết thực hơn cần thiết để tái thiết đất nước. Khuôn mặt bừng sáng bởi ánh ban mai dịu nhẹ chiếu qua cửa sổ ở Berlin, cô nói :

 

“Tôi không thương hại những tòa nhà bị phá hủy bởi vì tôi hiểu rằng chúng tôi sẽ xây dựng lại tất cả mọi thứ.

Nhưng ước mơ của tôi là dân của tôi sẽ sống còn.”

 

Ngồi giữa đồ đạc của người khác ở một đất nước không phải của mình, Naumenko chỉ cảm thấy chắc chắn một điều. Nước mắt lăn dài trên khuôn mặt, cô nói :

 

“Tôi đã bỏ tất cả. Và tôi có bao giờ gặp lại nó cũng không quan trọng. Điều quan trọng nhất là có khả năng này để quay trở lại và tôi rất muốn trở lại. Trở về, đó là giấc mơ của tôi.”

Hình : https://pbs.twimg.com/media/FQUt60JXsAopQLU?format=jpg&name=900×900

 

Chúng tôi đưa tin về câu chuyện này như thế nào

 

Bản tin này dựa trên nhiều cuộc phỏng vấn với Naumenko, chị gái của cô, và nửa tá người tị nạn khác từ Kharkiv. Reuters cũng đã nói chuyện với các tình nguyện viên làm việc ở biên giới Ba Lan-Ukraine và đại diện của trung tâm thanh thiếu niên ở Oswiecim, nơi đang tiếp đón Naumenko.  Bản tin cũng phản ảnh tin tức thực tế từ Kharkiv, nơi một nhiếp ảnh gia Reuters đã đến thăm các khu phố cũ mà Naumenko từng đến thăm. Lời kể của Naumenko về những ngày đầu Nga tấn công Kharkiv đúng với những bản tin về giao tranh trong khu vực từ thời điểm đó.

 

© 2022 DCVOnline

Nếu đăng lại, xin ghi nguồn và đọc “Thể lệ trích đăng lại bài từ DCVOnline.net


 

Nguồn: 

Ukraine’s past and present intertwine as a war historian seeks refuge | Mari Saito Reuters | 14 Apr 2022. ((Mari Saito viết tin, Fabrizio Bensch ở Berlin và Thomas Peter ở Kharkiv viết tin bổ túc; Janet McBride biên tập.))





No comments: