Sau
gần nửa tháng giao tranh, tại sao lính Nga chết như ngả rạ?
Mạnh Kim
- Saigon Nhỏ
8 tháng 3, 2022
https://saigonnhonews.com/wp-content/uploads/2022/03/GettyImages-1377902945-1-1024x683.jpg
“Chào mừng đến địa ngục” – hàng chữ được dân Ukraine sơn trên
một phương tiện quân sự của Nga; Irpin, Ukraine, ngày 3 Tháng Ba (ảnh: Chris
McGrath/Getty Images)
Đến hôm
nay, dù tăng hỏa lực, chiến cuộc Ukraine đối với quân đội Nga vẫn bế tắc. Thêm
một tướng Nga nữa vừa thiệt mạng trong cuộc giao tranh xung quanh Kharkiv, trở
thành viên tướng thứ hai bỏ xác tại chiến trường Ukraine trong một tuần (người
đầu tiên là Thiếu tướng Andrei Sukhovetsky, 47 tuổi, chỉ huy trưởng Sư đoàn Dù
số 7 của Nga và là Phó tư lệnh Quân đoàn vũ trang liên hợp số 41).
Một đội quân khổng lồ nhưng không quá lớn
Ngày 7
Tháng Ba, Cơ quan tình báo thuộc Bộ Quốc phòng Ukraine cho biết thiếu tướng
Vitaly Gerasimov, tham mưu trưởng Quân đoàn 41 của Nga, đã bị giết bên ngoài
thành phố Kharkiv ở Đông Ukraine cùng các sĩ quan cao cấp khác. Bộ Quốc phòng
Ukraine đã hack và nghe trộm được nội dung mà họ cho biết đó là cuộc trò chuyện
giữa hai sĩ quan tình báo (FSB) nói về cái chết của Vitaly Gerasimov. Tướng
Gerasimov từng tham gia cuộc chiến Chechnya lần thứ hai, chiến dịch ở Syria và
chiến dịch Crimea – theo The Guardian.
Gần hai tuần
sau cuộc xâm lược của Vladimir Putin vào Ukraine – cuộc chiến tranh trên bộ lớn
nhất châu Âu kể từ năm 1945, diện mạo quân đội Nga ngày càng phơi bày nhiều điểm
yếu. Theo ước tính thận trọng của giới chức Mỹ, Ukraine đã giết chết hơn 3,000
lính Nga. Sự xoay chuyển cục diện chiến sự không chỉ gặp khó khăn vì tinh thần
kém của binh lính mà còn là tình trạng thiếu nhiên liệu và lương thực. Giới chức
quân đội Mỹ và phương Tây cho biết binh lính Nga đã vào đất “địch” với những hộp
thức ăn MRE (meals ready to eat) hết hạn vào năm 2002. Nhiều tay súng đã buông
vũ khí đầu hàng và một số người khác tự phá hoại phương tiện để tránh giao
tranh.
https://saigonnhonews.com/wp-content/uploads/2022/03/GettyImages-1238951463-1024x683.jpg
Xác
lính Nga tại Sytniaky, Ukraine; ngày 5 Tháng Ba (ảnh: Anastasia Vlasova/Getty
Images)
Vài ngày
qua, tại một số khu vực, nhiều vụ xả súng giết thường dân đã được ghi nhận. Chiến
lược xâm nhập bằng phương án đánh nhanh đã thất bại và đang được thay bằng chiến
thuật tàn bạo hơn. Điều này có thể áp đảo hệ thống phòng thủ đối phương nhưng
chắc chắn sẽ đưa đến một cuộc trường chiến đẫm máu khiến Nga sa lầy nhiều tháng
đến thậm chí nhiều năm. Điều đang được chú ý nhiều là Nga đã phơi bày cho các
nước láng giềng châu Âu và đối thủ Mỹ những lỗ hổng trong chiến lược quân sự có
thể được khai thác trong các trận đọ sức tương lai.
Trong cuộc
họp báo tại căn cứ không quân ở Bắc Estonia với Tướng Mark A. Milley (Chủ tịch
Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Hoa Kỳ), Trung tướng Martin Herem, Bộ trưởng
Quốc phòng Estonia, nói: “Những gì tôi thấy là một đội quân khổng lồ nhưng xem
ra không quá lớn”. Trong cuộc phỏng vấn với một tờ báo địa phương, tướng Không
quân Rauno Sirk của Estonia thậm chí thẳng thừng khi đánh giá lực lượng không
quân Nga: “Nếu nhìn những gì ở phía bên kia (Nga), sẽ thấy rằng nó không thực sự
đáng là đối thủ”.
ĐỌC
THÊM: |
Vài mổ xẻ về hiệu suất của quân đội Nga
Thành phố
phía Đông Bắc Ukraine – Kharkiv – từng tưởng chừng bị “nướng” rụi trong vài giờ
sau khi quân Nga kéo quân vào Ukraine nhưng cuối cùng vẫn đứng vững. Thận trọng
và chừng mực, khi được hỏi về việc tại sao quân đội Nga lại thể hiện sự nhếch
nhác lẫn lúng túng, Tướng Mỹ Mark A. Milley nói: “Chúng ta đang chứng kiến một
cuộc xâm lược qui mô với vũ khí hỗn hợp được thực hiện với các mũi tấn công đa
trục nhằm vào quốc gia lớn thứ nhì châu Âu – Ukraine. Nga sử dụng tổng lực, từ
không quân, bộ binh, lực lượng đặc biệt đến tình báo… Còn hơi sớm để rút ra bất
kỳ bài học nào nhưng một trong những bài học hiển nhiên là ý chí của người dân
Ukraine, tầm quan trọng của vai trò lãnh đạo quốc gia và kỹ năng chiến đấu của
quân đội Ukraine”.
Một cách tổng
quát, cuộc mổ xẻ về hiệu suất của quân đội Nga – tính đến thời điểm này, được tổng
hợp từ các cuộc phỏng vấn với hai chục quan chức Mỹ, NATO và Ukraine (dẫn lại từ The
New York Times) – đã vẽ nên chân dung “sức mạnh quân sự” Nga: Đó là một
quân đội gồm những tay súng trẻ gia nhập quân đội vì chính sách nghĩa vụ quân sự
và hoàn toàn thiếu kinh nghiệm chiến trường; trong khi sĩ quan không được trao
quyền quyết định tại chỗ…
Ban lãnh đạo
quân sự, với Tướng tổng tham mưu trưởng Valery Gerasimov đứng đầu, muốn kiểm
soát tất cả. Nhất cử nhất động, sĩ quan thuộc cấp phải xin phép Valery
Gerasimov (với quyền lực chỉ sau Bộ trưởng Quốc phòng Sergei Shoigu). Quan trọng
hơn nữa là các sĩ quan chỉ huy không dám mạo hiểm vì luôn sợ bị qui trách nhiệm.
https://saigonnhonews.com/wp-content/uploads/2022/03/GettyImages-1238806637-1024x682.jpg
Tướng
Valery Gerasimov (trái) và Bộ trưởng Quốc phòng Sergei Shoigu (ảnh: Alexei
NikolskyTASS via Getty Images)
Sự “dè dặt”
đã phải trả giá. Đối mặt thời tiết xấu ở Bắc Ukraine, để an toàn, các chỉ huy
ban lệnh hạ cánh một số chiến đấu cơ và trực thăng, đồng thời yêu cầu những chiếc
khác bay thấp hơn. Thế là chúng trở thành mồi ngon của hỏa lực Ukraine. Nhiều
đơn vị xe tăng thậm chí ít binh sĩ đến mức không đủ xoay trở để thực hiện các
mũi tấn công và kết quả là họ trở thành bia tập bắn cho hỏa tiễn Javelin của
Ukraine. Những xác xe tăng chất ụ dồn đống trên đường kéo về Kyiv là hình ảnh đầy
“ấn tượng”. Một số chuyên gia quân sự, khi xem xét những đoàn xe quân sự nằm ụ
và kéo dài hàng chục kilomet, cho thấy thêm rằng chúng không chỉ thiếu nhiên liệu
(chính xác hơn là hậu cần kém, không thể tiếp liệu đúng kế hoạch) mà còn cho thấy
chúng – trước đó – không được bảo quản và bảo trì tốt, khi chúng nằm trong bãi
quá lâu đến mức lốp xe bị giòn và rất dễ bị thủng (dẫn lại từ The
Guardian).
Tiếp vận – một lỗi đặc biệt nghiêm trọng
Thomas
Bullock, nhà phân tích mã nguồn mở của hãng tình báo quốc phòng Janes, chỉ ra
thêm: Khi thâm nhập vào Ukraine, để tránh những tuyến đường sình lầy, lính Nga
chọn các trục đường chính. Thế là họ đưa cả hai be sườn cho địch nã đạn. Những
cuộc đổ bộ của lính dù cũng thất bại nặng nề. Với quân đội Nga, lính dù gần như
là đại diện của tinh thần binh sĩ. Lính dù có mặt ở đâu thì cầm chắc chiến thắng
ở đó.
Cho nên,
hình ảnh lính dù bị tiêu diệt gây ra những “chấn thương” lớn đối với tinh thần
binh sĩ Nga. Ngoài ra, hầu hết cuộc tấn công ban đầu đều được thực hiện tương đối
nhỏ, với nhiều nhất hai hoặc ba tiểu đoàn. Điều này cho thấy sự thất bại trong
việc phối hợp các đơn vị trên chiến trường và không tận dụng được tổng lực – nhận
xét của Frederick W. Kagan, chuyên gia quân sự Nga, người đứng đầu nhóm nghiên
cứu Critical Threats Project thuộc American Enterprise Institute.
https://saigonnhonews.com/wp-content/uploads/2022/03/GettyImages-1238951260-1-1024x683.jpg
Những
gì còn lại của một cỗ đại bác; Sytniaky, Ukraine, ngày 5 Tháng Ba (ảnh:
Anastasia Vlasova/Getty Images)
Điều không thể không nhắc nữa là kế hoạch
logistics (“tiếp vận”). So với những gì quân đội Mỹ thể hiện ở cuộc chiến Vùng
Vịnh 1991 và 2003, cuộc ra quân của Nga khác biệt một trời một vực về tiếp vận.
Thế giới ngày nay không ai không biết dịch vụ phát chuyển nhanh FedEx. Người đẻ
ra FedEx là Frederick Wallace Smith, vốn là thủy quân lục chiến Mỹ từng tham
chiến tại Việt Nam từ 1966-1969. Hai năm sau khi Frederick trở về Mỹ, FedEx ra
đời.
Nó là mô
hình dân sự của logistics quân sự mà Frederick học được từ những năm trong quân
ngũ. Chi tiết này cho thấy hệ thống tiếp vận quân đội Mỹ như thế nào và nó là yếu
tố quan trọng như thế nào cho bất kỳ chiến dịch động binh qui mô nào. Đó là
chưa nói đến yếu tố quân số. Cần nhấn mạnh, năm 1939, nước Pháp có dân số tương
tự Ukraine hiện nay (hơn 40 triệu). Và khi tấn công Pháp, Đức Quốc Xã huy động
đến ba triệu quân, chứ không phải khoảng 190,000 lính Nga trong cuộc chiến
Ukraine.
Và nghiêm trọng nhất: Lỗi hệ thống
Không phải
là tất cả của mọi lý do và là nguyên cớ duy nhất nhưng phần lớn những gì đang
diễn ra cho thấy hình ảnh có phần nhếch nhác của quân đội Nga như đang chứng kiến
là kết quả tất yếu của “tiến trình” tham nhũng qui mô và kéo dài. Chỉ số Liêm
chính Quốc phòng của Tổ chức Minh bạch Quốc tế năm 2020 cho thấy Nga là một
trong những quốc gia hàng đầu về tham nhũng quốc phòng (dẫn lại từ Politico).
Năm 2012, một công ty vũ khí Nga được cấp khoảng $26 triệu để phát triển hệ thống
phòng không dùng đánh chặn hỏa tiễn phi chiến thuật (nonstrategic missile)
nhưng dự án này không bao giờ thành hiện thực. Công ty trên luồn lách bằng cách
ký các hợp đồng bịp với những công ty trá hình mà vài trong số có “hồ sơ doanh
nghiệp” với địa chỉ là các nhà vệ sinh công cộng ở vùng Samara thuộc Nga!
Trong một
vụ khác vào năm 2016, một công ty chịu trách nhiệm cung cấp thiết bị định vị vô
tuyến và hệ thống điều khiển phi đạn chính xác cao, đã bày vẽ ra các dự án
nghiên cứu và phát triển cốt để ăn cắp tiền thông qua những hợp đồng ma. Tham
nhũng trong lĩnh vực quốc phòng Nga không chỉ giới hạn ở công nghiệp quân sự mà
còn thâm nhập sâu vào hệ thống chính trị, với những vụ mua quan bán tước…
Hai tuần
chiến sự là thời gian có lẽ đủ để quân đội Nga rút ra nhiều điều và điều chỉnh
chiến lược. Tuy nhiên, chiến thắng hay không hoàn toàn không có ý nghĩa gì nữa,
khi mà Kremlin đang đối mặt một trận chiến không tiếng súng lớn hơn và nguy hiểm
hơn rất nhiều lần: trận chiến kinh tế và trận chiến trên mặt trận chính trị quốc
tế – chắc chắn sẽ kéo dài rất lâu và hậu quả khốc liệt hơn nhiều so với những tổn
thất chiến trường.
_______
ĐỌC
THÊM:
Ký
tự “Z” sơn trên xe tăng Nga có nghĩa là gì?
Thua
cuộc chiến, chế độ Putin được tính từng ngày?
No comments:
Post a Comment