Thursday, March 17, 2022

UKRAINE "THỪA HƯỞNG" SỰ THỊNH VƯỢNG TỪ LIÊN XÔ và NGA? HOÀN TOÀN NGỘ NHẬN (Bùi Công Trực - Luật Khoa)

 



 

Ukraine “thừa hưởng” sự thịnh vượng từ Liên Xô và Nga? Hoàn toàn ngộ nhận.

BÙI CÔNG TRỰC  -  Luật Khoa

15/03/2022

https://www.luatkhoa.org/2022/03/ukraine-thua-huong-su-thinh-vuong-tu-lien-xo-va-nga-hoan-toan-ngo-nhan/

 

Nếu nói về lợi ích quốc gia, con đường để Ukraine phát triển cần vắng bóng Nga.

 

https://2xjs7y10oiyz26vqxu2hok6y-wpengine.netdna-ssl.com/wp-content/uploads/2022/03/PWIP-1024x576.jpg

Ảnh nền: Người biểu tình tại Kyiv, Ukraine vào năm 2015, kỷ niệm một năm cuộc Cách mạng Euromaidan. Nguồn: Valentyn Ogirenko/ Reuters. Minh họa chân dung Stalin và Putin. Nguồn: Anthony Gerace/ New Statesman. Ghép ảnh: Luật Khoa

 

Trên các trang mạng xã hội và diễn đàn của Việt Nam, khi nói về việc Nga xâm lược Ukraine, vấn đề kinh tế là một trong những thảo luận thường xuyên được nhiều người nhắc đến.

 

“Kinh tế Ukraine khi tách khỏi Soviet vào năm 1991 vượt trội hơn so với kinh tế Việt Nam hàng chục lần.”

 

“Kinh tế Ukraine thừa hưởng nền công nghiệp nặng mạnh mẽ từ Soviet.”

 

“Kinh tế Ukraine không phát triển là vì không tập trung thân Nga, lo đi đêm với phương Tây nên gặp trở ngại.”

 

Những nhận định kiểu này xuất hiện hằng hà sa số, gợi ý rằng sự vô ơn của chính quyền Ukraine là lý do khiến họ tuột dốc như ngày nay.

 

Đây có thể nói là những diễn ngôn “ngược tâm” nhất mà các sử gia, các kinh tế gia cũng như những người có tìm hiểu về lịch sử phát triển và tan rã của Soviet từng nghe thấy.

Dưới đây là vài sự thật bạn cần biết về nền kinh tế Ukraine trong thời đại Soviet và dưới sự ảnh hưởng của Nga cho đến tận năm 2014.

 

1. Năm 1991 – “Tay trắng” rời Liên Xô

 

Một điều cần khẳng định trước tiên là không chỉ có Việt Nam mới bị chiến tranh tàn phá. Nếu xét theo sự tàn phá về nhân lực và vật lực, những gì mà người dân Ukraine gánh chịu có thể nói tồi tệ không kém gì, hay thậm chí là tồi tệ hơn cả những thiệt hại mà người dân Việt Nam phải gánh chịu.

 

Theo nhận định của tác giả Pekka Sutela trong bản nghiên cứu về Ukraine vào năm 2012 của Carnegie Endowment, nền tảng kinh tế và con người của Ukraine cho đến tận thập niên 1960 gần như tiệm cận con số không. [1]

 

Chính sách chiếm đóng và bóc lột của Đức Quốc xã khiến nền kinh tế nông nghiệp của Ukraine kiệt quệ, và chính sách diệt chủng người Do Thái (holocaust) tước đoạt đi lực lượng dân cư Do Thái quan trọng lên đến hàng trăm nghìn người của Ukraine.

 

Ngay cả sau Đệ nhị Thế chiến, quốc gia này cũng không được yên thân. Chính sách tập thể hóa nông nghiệp của Stalin, mô hình quản lý quan liêu, nạn đói kinh hoàng Holodomor cướp đi sinh mạng của hàng triệu người Ukraine, v.v. đều để lại những di chứng tồi tệ và lâu dài.

 

https://2xjs7y10oiyz26vqxu2hok6y-wpengine.netdna-ssl.com/wp-content/uploads/2022/03/BN-VL380_bkrvfa_GR_20171005153914-1024x668.jpg

Trẻ em Ukraine trong nạn đói vào năm 1933. Ảnh: Granger Collection/ WSJ.

 

Những luận điểm cho rằng Ukraine kế thừa một nền kinh tế thịnh vượng từ Liên Xô không chỉ sai, chúng còn có thể được xem là tráo trở nếu xem xét lịch sử phát triển của quốc gia này.

 

Trước tiên, Liên Xô từ cuối thập niên 1980 đến đầu thập niên 1990 là một nền kinh tế rệu rã, không đủ ăn, phân bổ của cải lệch lạc. Vào thời điểm đó, người dân Liên Xô cảm thấy ghen tị với những sản phẩm tầm thường nhất của tư bản phương Tây như thức ăn nhanh McDonald’s. Đó là lý do nền tảng tạo bước đà cho những bất bình trong các nền cộng hòa thành viên Liên Xô. Việc cho rằng một nền kinh tế nào đó là tốt chỉ vì nó khá khẩm hơn so với Việt Nam ở thời điểm thập niên 1990 rõ ràng là một so sánh tồi.

 

Mặt khác, cũng theo nghiên cứu của Carnegie Endowment nói trên, vào năm 1991, di sản mà Liên Xô để lại cho Ukraine là một trong những nền kinh tế nghèo nàn nhất trong các nền cộng hòa Liên Xô. Chỉ số GDP trên đầu người ước tính tại Ukraine ở thời điểm này chỉ đạt mức 1.307 Mỹ Kim.

 

Người dân Ukraine chỉ giàu hơn một chút so với người dân của Azerbaijan, Georgia, Kyrgyzstan, Tajikistan, và Uzbekistan. Song họ có thu nhập thấp hơn cả Moldova và Turkmenistan, hai nền cộng hòa vốn vẫn được xem là “nhà nghèo” trong khối, và “nhà rất nghèo” so với thế giới.

 

Đó là chưa kể đến mô hình phát triển kinh tế theo kế hoạch và phân công khiến cho thị trường lao động, thị trường tiêu dùng và tầm nhìn kinh tế của người Ukraine bị biến dạng vô cùng nghiêm trọng.

 

Hiển nhiên, nói rằng Ukraine “tay trắng” như tiêu đề của tiểu mục này  là hơi quá lời, nhưng như vậy mới đối trọng lại được với những nhận xét cho rằng Ukraine “rất giàu có và phát triển” nhờ vào Liên Xô.

 

2. Kinh tế trong kỷ nguyên “thân Nga” có tiến bộ?

 

Đặc biệt hơn, những quan điểm cho rằng Ukraine sẽ yên ổn phát triển nhờ “thân Nga” cũng là một luận điểm lệch pha với những gì thật sự xảy ra.

 

Trong khi kinh tế Nga tiếp tục bị các nhóm đầu sỏ về kinh tế và chính trị chi phối, kinh tế Ukraine cũng không có đường hướng phát triển cấp tiến hơn là bao nhiêu bởi sự liên kết và lệ thuộc kinh tế – chính trị – xã hội vào Nga.

 

Ví dụ, nhóm tác giả của nghiên cứu “The Transition of Ukraine’s Economy” cho biết: học theo mô hình tư hữu hóa Nga, phương pháp tư hữu hóa của Ukraine không tạo ra được sự ổn định của hệ thống tư hữu tài sản, không tạo ra được tầng lớp trung lưu chủ đạo cho quốc gia, không có một hệ thống quản lý doanh nghiệp vững chắc. Từ đó, nó tạo nên một mô hình kinh tế trì trệ, thiếu sức sống và thiếu sức sáng tạo không khác gì Nga. [2]

 

Chính vì lý do này, dù được ghi nhận là có không gian dân sự năng động hơn nước Nga, dù có một lực lượng lao động được đào tạo và có tri thức hơn hẳn các quốc gia đang phát triển khác, Ukraine không thể nào thoát khỏi chiếc bẫy “đầu sỏ chính trị” (oligarchy) mà hầu hết các quốc gia còn thân với Nga trong khu vực mắc phải.

 

Các nhà tài phiệt kinh tế chiếm lấy các khoảng trống kinh tế mà nhà nước để lại, thâu tóm hàng loạt các nhóm tài sản trước đó thuộc quốc hữu, và cuối cùng là ngăn chặn sự phát triển của tầng lớp trung lưu tại Ukraine – cột sống của mọi nền kinh tế.

 

Ví dụ cụ thể nhất chính là nền kinh tế Ukraine dưới thời vị Tổng thống thân Nga Viktor Yanukovych (2010-2014).

 

https://2xjs7y10oiyz26vqxu2hok6y-wpengine.netdna-ssl.com/wp-content/uploads/2022/03/kiev_protest_rtr_img_3-1024x700.jpg

Biểu tình tại thủ đô Kyiv, Ukraine vào tháng 12/2013, một phần trong cuộc Cách mạng Euromaidan vào năm 2014 lật đổ chính phủ của Tổng thống Viktor Yanukovich. Nguồn: Gleb Garanich/ Reuters.

 

Khách quan mà nói, Yanukovych nắm quyền trong giai đoạn kinh tế thế giới đang khủng hoảng. Tuy nhiên, bản thân chính phủ của ông không có bất kỳ chính sách nào cải thiện được tình hình.

 

Thất vọng hơn, Yanukovych được cho là đã thao túng nền chính trị, cưỡng bức và tranh chấp lợi ích với hàng loạt các nhóm đầu sỏ chính trị khác, từ đó xây dựng lên một hệ thống tư bản thân hữu đặc thù, một không gian chính trị tham nhũng và một nền kinh tế kém phát triển bậc nhất châu Âu. [3] Lợi ích của Yanukovych càng ngày càng đi ngược lại với lợi ích đại chúng và dẫn đến xung đột đỉnh điểm vào năm 2014 trong cuộc Cách mạng Euromaidan.

 

Vậy nên ngoại trừ “ưu điểm” thân Nga, chính quyền Yanukovych là hiện thân của tất cả những di sản tồi tệ nhất mà Liên Xô và Nga còn để lại cho người dân Ukraine.

 

Mô tả việc Yanukovych bị lật đổ như là một mất mát của người Ukraine và nền kinh tế Ukraine là dạng hoang tưởng chính trị buồn cười nhất mà một người có thể tự vẽ ra trong đầu mình.

 

                                                       *** 

Sau 15 năm “thân Nga” trong vô vọng, không có gì quá khó hiểu khi một lực lượng đông đảo người dân Ukraine mong muốn tìm cho họ một con đường mới, những cải cách mới và những cơ hội mới bên trong lòng của Liên minh Châu Âu.

 

Nếu nói về lợi ích quốc gia, từ bỏ sự gắn kết độc hại với chính trị Nga mới là con đường phát triển thật sự của Ukraine.


 

Chú thích

 

1.  Pekka Sutela, The Underachiever Ukraine’s economy Since 1991, The Carnegie Paper, 2012. 

 

2.   Leonid M. Grigoriev, Eugenia V. Buryak & Alexander V. Golyashev (2016) The Transition of Ukraine’s Economy, Problems of Economic Transition, 58:3, 256-283, DOI: 10.1080/10611991.2016.1200394

 

3.  Why Is Ukraine’s Economy Such a Mess? (2014, November 2). Harvard Business Review. https://hbr.org/2014/03/why-is-ukraines-economy-such-a-mess





No comments: