Saturday, January 1, 2022

'NƯỚC CỘNG SẢN TRUNG HOA MỚI' CHÍNH LÀ SẢN PHẨM CỦA TƯ BẢN MỸ (Vann Pham / Người Việt)

 


‘Nước Cộng Sản Trung Hoa mới’ chính là sản phẩm của tư bản Mỹ

Vann Phan/Người Việt

January 1, 2022

https://www.nguoi-viet.com/cuu-chien-binh/nuoc-cong-san-trung-hoa-moi-chinh-la-san-pham-cua-tu-ban-my/

 

SANTA ANA, California (NV) – Ngày 1 Tháng Bảy, 2021, nhân kỷ niệm 100 năm thành lập đảng Cộng Sản Trung Quốc, ông Tập Cận Bình, chủ tịch nhà nước, không ngớt khoe rằng nước Cộng Sản Trung Hoa có được ngày huy hoàng hôm nay khiến thế giới phải nễ sợ là nhờ công lao của đảng Cộng Sản Trung Quốc.

 

https://www.nguoi-viet.com/wp-content/uploads/2022/01/CCB-Tu-ban-My-Trung-Quoc-1-1068x802.jpg

Bản đồ Đường Chín Đoạn do Trung Quốc vẽ ra để thâu tóm toàn thể vùng Biển Đông. (Hình: sites.tufts.edu)

 

Tuy nhiên, thực tế cho thấy, sự thành công lớn lao của quốc gia có dân số đông nhất thế giới này không chỉ nhờ vào công lao của đảng Cộng Sản cầm quyền mà còn nhờ vào sự hà hơi, tiếp sức của giới tư bản thế giới, đứng đầu là Hoa Kỳ, hay nói khác đi, “nước Cộng Sản Trung Hoa mới” chính là sản phẩm của tư bản Mỹ.

 

Cụm từ “nước Cộng Sản Trung Hoa mới” được dùng ở đây là nhằm cho thấy chủ nghĩa Cộng Sản ngày nay tại Hoa Lục – hay tại Việt Nam cũng thế – trong thực chất, đã bị lai căng quá mức. Bắt đầu từ khi cố lãnh tụ Đặng Tiểu Bình, hồi năm 1979, khởi sự đưa nền kinh tế thị trường của tư bản Tây phương vào thay thế nền kinh tế xã hội chủ nghĩa đã lỗi thời sau gần ba thập niên áp dụng tại Hoa Lục, nhằm vực dậy nền kinh tế đang bị bế tắc của Trung Quốc.

 

Những cải cách theo hướng tư bản chủ nghĩa để chóng giàu, mạnh lên tiếp theo sau đó cho thấy chủ nghĩa Cộng Sản tại Hoa Lục ngày nay chỉ là cái vỏ bề ngoài để bảo vệ cho chủ trương độc tài, độc đảng của một tập đoàn cầm quyền luôn có quyết tâm cao là cai trị suốt đời.

 

Các chính quyền và giới tư bản Mỹ giúp Cộng Sản Trung Quốc ngày càng giàu, mạnh

 

Phải thẳng thắn mà nhìn nhận rằng các chính quyền kế tiếp nhau tại Washington cùng giới tư bản Mỹ đã giúp cho Cộng Sản Trung Quốc ngày càng giàu, mạnh như ngày nay. Khởi đi từ ngày 1 Tháng Giêng, 1979, khi Hoa Kỳ cùng các các nước đồng minh Tây phương hất cẳng Trung Hoa Dân Quốc (Đài Loan) ra để chính thức nhìn nhận nước Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa tại Hoa Lục.

 

Một nước Cộng Sản Trung Hoa mới coi như là đã ra đời với những cải cách kinh tế sâu rộng theo chiều hướng tư bản chủ nghĩa, mặc dù Trung Quốc vẫn bám víu lấy ý thức hệ Cộng Sản để dễ dàng nắm quyền cai trị đất nước và mặc tình làm ngơ trước những vấn đề như tôn trọng nhân quyền và bảo vệ các quyền tự do căn bản của người dân trong nước.

Hồi năm 1979, Tổng Thống Mỹ Jimmy Carter có công nhìn nhận Cộng Sản Trung Quốc là chính quyền hợp pháp duy nhất tại Hoa Lục và đưa Trung Quốc vào nắm giữ ghế thành viên vĩnh viễn của Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc thay cho Trung Hoa Dân Quốc.

 

Ngoài việc mở Tòa Đại Sứ Mỹ đầu tiên tại Bắc Kinh, chính quyền Carter còn cho phép các nhà tư bản Mỹ cùng các tập đoàn kỹ nghệ và thương mại Mỹ ký các giao kèo hợp tác làm ăn, buôn bán với Trung Quốc.

 

Những sự cộng tác trên các lãnh vực từ chính trị và kinh tế cho tới giáo dục và khoa học-kỹ thuật giữa hai nước tiếp tục diễn tiến tốt đẹp dưới hai chính quyền Reagan và Geroge W. H. Bush (Bush Cha), từ 1981 tới 1993, tạo điều kiện thuận lợi cho các công ty kinh doanh và các cơ sở thương mại Mỹ có dịp thu nhiều lợi nhuận nhờ khai thác sức mua của một thị trường lớn nhất thế giới gồm hơn 1 tỷ người.

 

Nhưng phải đợi đến khi Tổng Thống Bill Clinton lên cầm quyền (1993-2001) thì các mối quan hệ về kinh tế và thương mại của Mỹ cà Trung Quốc mới lên đỉnh cao mới, khi chính quyền Clinton cho các sản phẩm Trung Quốc được tiếp tục hưởng mức lãi suất thấp ban đầu, mặc dù lúc này nền kinh tế Trung Quốc đã chắp cánh bay cao trên thị trường thế giới.

Trên thực tế, chính quyền Clinton đã tạo nên tình trạng “hai bên đều có lợi” (“win-win situation”) cho cả hai nền kinh tế Mỹ và Trung Quốc, và điều này có nghĩa là Trung Quốc hưởng lợi nhiều hơn Hoa Kỳ khi nền kinh tế của họ đang cần một sức đẩy mạnh mẽ từ thị trường thế giới, nhất là thị trường Hoa Kỳ.

 

Với tám năm cai trị của Tổng Thống Mỹ George W. Bush (2001-2009), nền kinh tế Trung Quốc lại tiếp tục tiến triển mạnh trong niềm hân hoan của giới tài phiệt Mỹ. Trong khi đó, chính quyền Bush, vì mải mê theo đuổi hai cuộc chiến tranh tốn kém tại Afghanistan và Iraq, đã không mấy quan tâm tới sức giàu, mạnh đang lên của Cộng Sản Trung Quốc.

 

Nhưng phải nói rằng nền kinh tế Trung Quốc đã khởi sự bước đi bằng đôi hia bảy dặm để dần dà đuổi kịp hoặc bỏ xa Hoa Kỳ trong lãnh vực sản xuất là khi họ chính thức được Hoa Kỳ đề bạt để gia nhập Tổ Chức Thương Mại Thế Giới (WTO) vào năm 2001. Trung Quốc đã gia nhập WTO với quy chế biệt đãi dành cho một quốc gia đang mở mang để hàng hóa của họ được hưởng thuế suất thấp bất chấp sự thể là, vào lúc này, Trung Quốc đã là một quốc gia kỹ nghệ hóa hoàn toàn và cũng là một cường quốc quân sự với khả năng đe dọa nghiêm trọng các quốc gia láng giềng.

 

Thời Tổng Thống Barack Obama (2009-2017) chứng kiến mức thâm hụt gây bất lợi cho Mỹ trong cán cân thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc, mà cao điểm là vào năm 2015, khiến Hoa Kỳ mất đi 3.4 triệu công ăn việc làm, đó là theo một thống kê do viện nghiên cứu Economic Policy Institute của Mỹ đưa ra vào ngày 31 Tháng Giêng, 2017, chỉ vài tuần sau khi Tổng Thống Donald Trump lên kế vị ông Obama.

 

Vào năm 2010, ngay dưới thời Obama, Trung Quốc đã hất cẳng Nhật Bản để trở thành cường quốc kinh tế lớn hàng thứ nhì thế giới chỉ sau Hoa Kỳ mà thôi.

 

Tổng Thống Donald Trump (2017-2021), vì ý thức được mối hiểm nguy cả về kinh tế lẫn quân sự từ một nước Cộng Sản Trung Quốc đang lên, đã khởi sự chính sách trừng phạt các công ty và xí nghiệp Trung Quốc can tội đánh cắp kỹ thuật thương mại của Mỹ. Đồng thời, Tổng Thống Trump đánh vào các vụ vi phạm nhân quyền – trong đó có việc cưỡng ép tù nhân làm việc không lương tại các cơ sở sản xuất ở Hoa Lục – bằng cách nâng cao thuế suất đối với các mặt hàng Trung Quốc xuất cảng vào Hoa Kỳ, thực tế là gây ra một cuộc chiến tranh thương mại giữa hai đại cường kình địch nhau về mọi mặt.

 

Tổng Thống Joe Biden, lên nhậm chức từ Tháng Giêng, 2021 đến nay, tuy không muốn tiếp tục cuộc chiến tranh thương mại do vị tiền nhiệm của mình khởi sự, có vẻ như cũng cảm thấy sự cần thiết phải kiềm chế sức cạnh tranh ngày một dữ dội về cả hai mặt kinh tế và quân sự từ phía Trung Quốc nhắm vào Hoa Kỳ.

 

https://www.nguoi-viet.com/wp-content/uploads/2022/01/CCB-Tu-ban-My-Trung-Quoc-2-1068x844.jpg

Hồi năm 1979, Tổng Thống Mỹ Jimmy Carter có công nhìn nhận Cộng Sản Trung Quốc là chính quyền hợp pháp duy nhất tại Hoa Lục. Đứng kế ông là lãnh tụ Trung Quốc Đặng Tiểu Bình. (Hình: Howard Sachs/Getty Images)

 

Cần phải nói thêm rằng, không những chỉ có Hoa Kỳ mới phải chịu trách nhiệm về chuyện giúp cho Cộng Sản Trung Hoa ngày càng giàu, mạnh với công cuộc kinh doanh kiếm lời tại Hoa Lục của các đại công ty như Apple, Intel, Boeing, Ford Motor, Nike, HJ Heinz, Gap, KFC, Starbucks, Coca Cola, Pepsi… nhiều quốc gia tân tiến ở Âu Châu cũng tiếp tay với Mỹ trong công cuộc khai thác thị trường béo bở hơn 1 tỷ người này nữa, với các đại công ty như Glencore, Royal Dutch Shell, BP, Daimler, Allianz, Rio Tinto, Airbus SE, Peugeot, Volkswagen… đó là chỉ kể ra một số mà thôi.

 

Hậu quả của việc Hoa Kỳ giúp Trung Quốc trở nên giàu, mạnh

 

Nỗ lực của các chính quyền và giới tư bản Mỹ, dù là vô tình hay hữu ý, giúp cho Cộng Sản Trung Quốc ngày càng giàu có về mặt kinh tế và hùng mạnh về mặt quân sự như thế giới đang chứng kiến đã đem lại những hậu quả không mấy tốt đẹp, nếu không nói là tai hại, cho thế giới, biến hành tinh này thành một nơi chốn còn bất an hơn cả thời Chiến Tranh Lạnh giữa hai phe Cộng Sản và Thế Giới Tự Do (1947-1991) nữa.

 

Hành động đầu tiên của Cộng Sản Trung Quốc sau khi được Hoa Kỳ cùng các nước Tây phương và thế giới nhìn nhận là đem quân đánh sáu tỉnh biên giới của Cộng Sản Việt Nam, khởi đầu cho cuộc chiến tranh Trung-Việt, từ năm 1979 cho tới năm 1991 mới yên.

 

Kế đó, nước Cộng Sản Trung Hoa mới khởi sự áp đặt bản đồ Đường Chín Đoạn (Nine-Dash Line) lên Biển Đông (South China Sea) để giành lấy gần 9/10 diện tích của vùng biển này, bất chấp sự phản kháng mạnh mẽ của các quốc gia cùng tuyên bố chủ quyền trên các đảo và bãi đá trong vùng, như Việt Nam, Philippines, Indonesia, Malaysia, và Brunei cũng như của cộng đồng quốc tế.

 

Kế đó, vào năm 1988, Trung Quốc lại xua quân đánh chiếm nhóm đảo Gạc Ma trên Quần Đảo Trường Sa của Việt Nam. Đến năm 2019, Trung Quốc lại lấn chiếm Bãi Cạn Scarborough, nơi Philippines từng tuyên bố có chủ quyền, mặc dù hồi Tháng Bảy, 2016, tiếp theo đơn kiện của Manila, Tòa Trọng Tài Quốc Tế tại The Hague (Hòa Lan) đã bác bỏ tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc trên hầu hết vùng Biển Đông, trong đó có các đảo và bãi đá tại hai quần đảo Hòang Sa và Trường Sa.

 

Bất chấp công luận quốc tế, nước Cộng Sản Trung Hoa mới lại tiếp tục dùng sự giàu có về kinh tế và hùng mạnh về quân sự để dàn trải các lực lượng Hải và Không Quân của họ, được trang bị và tiếp tế dồi dào bằng máy bay, tàu chiến và hỏa tiễn, trên khắp Biển Đông, mà thực tế là quân sự hóa vùng biển này, đe dọa nghiêm trọng quyền tự do hàng hải quốc tế trên thủy lộ huyết mạch đi từ Tây Thái Bình Dương qua Ấn Độ Dương.

 

Thêm vào đó, Trung Quốc còn cho tàu chiến và máy bay xâm phạm hải phận và không phận của quần đảo Senkaku (Trung Quốc gọi là Điếu Ngư) mà Nhật Bản đang có chủ quyền với mưu đồ giành giật quần đảo này khỏi tay Tokyo, mặc dù Hiệp Ước Phòng Thủ Chung giữa Mỹ và Nhật Bản có khoản nói Hoa Kỳ cam kết giúp người bạn đồng minh của mình bảo vệ chủ quyền trên quần đảo đó.

 

Tại Hồng Kông, một thuộc địa từng được Anh Quốc trao trả lại cho Trung Quốc hồi năm 1997 -với thỏa thuận cho phép nơi này được tiếp tục quyền tự trị về hành chánh và kinh tế trong 50 năm, tức là cho tới năm 2047 – Cộng Sản Trung Quốc đã đột ngột dùng Luật An Ninh Quốc Gia mà thu hồi quyền tự trị của đặc khu này vào ngày 30 Tháng Sáu, 2020, sau gần hai năm trời nổi lên các cuộc biểu tình của dân chúng địa phương phản đối sự can thiệp thô bạo của Bắc Kinh vào nội tình Hồng Kông.

 

Kể tư đầu năm 2021, Trung Quốc khởi sự đe dọa dùng vũ lực sáp nhập Đài Loan vào Hoa Lục, bởi vì họ vẫn coi đảo quốc tự trị này là lãnh thổ ly khai của Trung Quốc từ năm 1949 cho tới nay, trong khi chính Hoa Kỳ và hầu hết các quốc gia trên thế giới cũng thừa nhận điều này. Hàng trăm máy bay quân sự của Trung Quốc đã vượt Eo Biển Đài Loan bay vào vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) của Đài Loan để khiêu khích, trong khi Hải và Không Quân Trung Quốc liên tiếp tập trận đổ bộ xâm chiếm đảo quốc này, khiến cho chính quyền và quân đội Đài Loan luôn ở trong tình trạng căng thẳng và lo âu trước một đại họa sắp giáng xuống đầu họ.

 

Thay lời kết

 

Giữa một thế giới đầy những nghịch lý này, trong đó Ác dường như đang thắng Thiện trên nhiều mặt trận, từ Biển Đông cho tới Afghanistan, chuyện một nước Cộng Sản Trung Hoa mới trở thành bá chủ hoàn cầu là điều có thể xảy ra lắm trong nay mai.





No comments: