VN nói 'giải cứu công
dân' nhưng 'chặt chém' ai muốn bay về quê hương
Trần
Quốc Quân
Gửi bài cho BBC từ Warsaw, Ba Lan
7 tháng 12 2021
https://www.bbc.com/vietnamese/forum-59554242
https://ichef.bbci.co.uk/news/800/cpsprodpb/3D7C/production/_99904751_gettyimages-521290978.jpg
Nhiều người xếp
hàng mua vé máy bay Vietnam Airlines trong một dịp giảm giá hồi tháng 4/2016
Tôi có hai người bạn định cư ở châu Âu đã lâu nhưng
vẫn giữ quốc tịch Việt Nam.
Năm 2020 khi nhận được tin bố mẹ ở trong nước
mắc bạo bệnh sắp từ giã cõi đời, hai anh đành phải gạt nước mắt bái vọng vong hồn
các cụ từ xa.
Một người vì không đủ tiền mua vé máy bay và
trả phí dịch vụ "giải cứu" để về nhìn thấy bố lần cuối. Một người
đăng ký khẩn cấp vào danh sách "giải cứu công dân" của Đại sứ quán,
và chờ trong nước phê duyệt phải mất hàng tuần nên không kịp về để vuốt mắt mẹ.
Tôi có một người bạn, con của chị du học tại Mỹ
thuộc diện được cấp học bổng. Cháu vừa tốt nghiệp xong thì dịch Covid-19 ập đến.
Không còn chuyến máy bay thương mại nào được vào Việt Nam, chỉ còn những chuyến
bay độc quyền "giải cứu công dân" của Vietnam Airlines với giá trên
trời. Muốn về nước, cháu phải lọt vào danh sách đề cử "giải cứu" của
Đại sứ quán và được trong nước phê duyệt.
Bạn tôi kể trong nước mắt:
"Em chạy đâu ra 10 nghìn đô la trả trọn
gói cả vé máy bay, cả dịch vụ "giải cứu" để lo cho con về nước. Cháu
đành phải ở lại tá túc tại nhà một người quen. Lúc đỉnh dịch cả gia đình đó và
cháu đều bị nhiễm Covid-19, may cháu trẻ khỏe nên vượt qua được bạo bệnh."
Ảnh chụp tác giả
trên máy bay "giải cứu" của Vietnam Airlines về nước tháng 9/2020.
Tôi có đứa cháu họ xa đi lao động xuất khẩu ở
Hàn Quốc. Đầu năm 2021 cháu hết hạn hợp đồng phải về nước. Nhưng do Covid-19,
không còn chuyến máy bay thương mại nào về Việt Nam, lại tiếc số tiền quá lớn
(so với thu nhập 3 năm lao động kiệt lực ở xứ người) để mua vé máy bay và trả
chi phí dịch vụ "giải cứu", cháu đành vật vờ ở lại Hàn Quốc bất hợp
pháp, phải làm chui để đắp đỗi qua ngày.
Tôi có một người bạn đi nghiên cứu sinh cùng
năm tại một nước châu Âu. Tuy về hẳn trong nước đã lâu nhưng vợ chồng anh vẫn
giữ thẻ định cư của nước đó. Cuối năm 2019, vợ anh sang chơi rồi kẹt lại hơn nửa
năm trời bởi dịch Covid-19 bùng phát, Việt Nam đóng cửa với thế giới, ngoại trừ
công dân trong diện "giải cứu".
Tiền mang theo cạn kiệt, chị phải nhờ người
thân giúp đỡ. Theo hướng dẫn của bạn bè, chị đăng ký online trong trang website
của Đại sứ quán Việt Nam xin về nước theo chương trình "giải cứu công
dân". Chờ hơn nửa năm không thấy phản hồi, chị phải cầu cứu người thân
trong nước can thiệp. Sáu ngày sau, chị nhận được thông báo từ Đại sứ quán cho
phép về nước trong đợt gần nhất.
Tuy không mất phí dịch vụ "giải cứu"
nhưng chị phải trả 2000 USD để mua vé máy bay "giải cứu" một chiều của
Vietnam Airlines.
Trước dịch Covid-19, giá vé máy bay hai chiều
của hãng chỉ khoảng 1000 USD.
Như vậy giá vé máy bay "giải cứu" đắt
gấp bốn lần giá vé máy bay thông thường trước dịch.
Đoạn trường cơ chế xin - cho và vai
trò 'trông trẻ' của các sứ quán
Tác giả trong khu
cách ly Covid-19 tại Trường Quân sự Vĩnh Yên thuộc Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh Vĩnh
Phúc
Covid-19 ập đến, các Đại sứ quán Việt Nam trên
khắp thế giới bỗng dưng phải (hay được) ôm thêm việc "cấp phép" cho
công dân được hồi hương. Thế là sau gần nửa thế kỷ "tranh đấu" để bỏ
chế độ cấp thị thực cho công dân mình được phép về chính tổ quốc của mình, các
Đại sứ quán Việt Nam lại được thực thi "cơ chế xin - cho".
Thế là họ "phải" đảm nhiệm thêm chức
năng không giống bất cứ ĐSQ quốc gia nào là trở thành "trại trẻ" chăm
sóc, xét duyệt cho công dân hồi hương. Có cầu ắt có cung, thế là lại sinh ra những
đám dịch vụ cộng sinh, ăn theo "cơ chế xin - cho" này.
"Cơ chế xin - cho" chỉ có một cửa, lại
là cửa hẹp. Rất ít người lọt qua khe cửa hẹp, được duyệt về nước mà không mất
chi phí "dịch vụ". Số đông còn lại phải trả khoản này với giá trên trời
mới leo lên được máy bay "giải cứu công dân".
Hãy đọc những dòng trải lòng đau xót của các nạn
nhân trên mạng xã hội:
"Chính phủ nên bỏ quy định ngặt nghèo phê duyệt
từng trường hợp nhập cảnh thì giá vé máy bay "giải cứu" mới bình thường
như máy bay thương mại - (Facebooker PTH).
"Mẹ tôi K giai đoạn cuối mà hơn 1 năm nay chưa
về được. Trước "Zero Covid" đã đành, giờ trong nước, ngoài nước như
nhau mà vẫn cứ phong tỏa. Chống dịch phải đảm bảo, nhưng sao giá cho Ta lại
trên trời, không như Tây dù cùng vào VN - (Facebooker QĐT).
"Nước mắt thành sông đây ạ. Tổng chi phí về nước
gần 70 triệu đồng. Em phải trả test Covid 5 lần mỗi lần 720k nữa. Ở trong nhà
mái tôn, trời mưa thì nước cống tràn vào cùng rắn, rết. Nằm trên giường sắt
nhìn nước mưa ngập gần ngang ổ điện mà sợ chết khiếp - (Facebooker MM).
"Từ Philippines về Việt Nam quãng đường ngang
Sài Gòn - Hà Nội mà tôi phải trả 43 triệu đồng. Khi chưa Dịch vé chỉ từ 2-5 triệu
đồng, giờ đắt hơn 10 lần. - (Facebooker HL).
"Mình từ Na Uy về Nội Bài phải đi cách ly cách
sân bay chừng 100km mà giá vận chuyển 5,5 triệu/người, thêm tiền ăn uống
300k/ngày, hết cách ly xe của nhà nước chở về Nha Trang lại thêm 7 triệu/người.
Ngất - (Facebooker TN).
Những máy chém thời đại dịch nhân
danh 'cứu đồng bào'
Còn dưới đây là thông báo của các hãng Dịch vụ
bán vé máy bay "giải cứu công dân" về Việt Nam mà tôi vừa vào xem:
"Phòng vé Biển Đông xin giới thiệu chuyến bay của
Hãng Hàng không Bamboo ngày 18/12/2021 dành cho người Việt. Giá vé hạng phổ
thông 1 chiều Frankfurt - Đà Nẵng: 2500 EUR (tương đương 67 triệu VND) bao gồm
cả chi phí cách ly 7 ngày, chi phí 2 lần test Covid, và chi phí đón đưa về khu
cách ly.
"Phòng vé An Bình xin giới thiệu chuyến bay của
Hãng Hàng không Vietnam Airline ngày 06/1/2022 dành cho người Việt. Giá vé hạng
phổ thông 1 chiều Warszawa - Đà Nẵng: 64 triệu VND/người (cách ly 2 người/phòng)
hoặc 72 triệu VND (cách ly 1 người/phòng).
"Bamboo Airways thông báo chuyến bay Charter số
hiệu QH9453 bay ngày 13/1/2022 Frankfurt (Đức) - Đà Nẵng giá 3900 EURO - 4300
EURO (tương đương 100 triệu - 111 triệu đồng)"
Thời điểm nhiều công dân hoặc Việt Kiều về
quê thăm thân, ăn Tết là dịp tốt để các hãng hàng không, nhà nước cũng như tư
nhân trở thành 'máy chặt chém'. Điều này theo tôi biết không xảy ra với các nước
khác, và công dân của họ.
Để đối phó với tình trạng chặt chém quá nặng
tay của các tổ chức và cơ quan hữu quan Việt Nam đối với công dân Việt Nam về
nước trong Dịch Covid-19, bạn Jessie Nguyen đã chia sẻ trên Facebook kinh nghiệm
tự do về Việt Nam qua ngả Cambodia vào cửa khẩu Mộc Bài, Tây Ninh, không cần Cơ
quan đại diện Việt Nam tại nước ngoài xét duyệt, với giá rất rẻ.
https://ichef.bbci.co.uk/news/800/cpsprodpb/143CD/production/_121339828_asc_1788.jpg
Máy bay của Bamboo
Airways tại sân bay Heathrow. Nhà văn Trần Quốc Quân cho rằng cả Vietnam
Airlines và Bamboo Airlines đều 'chặt chém' hành khách nhân đại dịch Covid
Nếu tiêm đủ 2 mũi (không phải cách ly tại
Cambodia) thì tổng chi phí (cả cách ly ở Việt Nam) chỉ khoảng 20 triệu đồng cho
chặng đường từ Singapore về đến tận nhà, cộng với chặng bay từ châu Âu đến
Singapore khoảng 16 triệu đồng nữa. Vị chi tất cả là 36 triệu đồng.
Còn với người viết bài này, chuyến bay về
Việt Nam ngày 15/9/2020, tôi phải mua vé máy bay độc quyền "giải cứu"
của Vietnam Airlines chặng Frankfurt - Nội Bài với giá hơn 1500 USD, chưa tính
chi phí cách ly.
Để so sánh, chuyến bay sang Ba Lan ngày
18/11/2021 tôi được tự do lựa chọn máy bay thương mại của Hàng không Qatar chỉ
với giá 510 USD. Như thế, giá vé về đắt gấp ba giá đi.
Đúng là đi dễ, về khó!
Câu hỏi đặt ra là ai, và thế lực nào đang tạo
ra tình trạng duyệt danh sách, độc quyền chuyến bay và cách ly để kiếm tiền từ
nước mắt đồng bào ở nước ngoài hồi hương trong Đại dịch Covid-19?
Bài
viết thể hiện quan điểm riêng của nhà văn, doanh nhân Trần Quốc Quân ở Warsaw.
Ông vừa từ Hà Nội bay trở về Ba Lan sau hơn một năm ở Việt Nam.
***
TIN LIÊN QUAN
Chủ tịch Bamboo Airways
'tự tin về đường bay thẳng Việt - Anh'
3 tháng 11 năm 2021
Người
Việt ở nước ngoài: ‘Xuân này con không về’ vì Covid?
14 tháng 11 năm 2021
Covid: Dữ liệu đầu tiên
cho thấy Omicron có nguy cơ tái nhiễm cao
3 tháng 12 năm 2021
No comments:
Post a Comment