Tuesday, December 21, 2021

JEROME POWELL, OMICRON, và LẠM PHÁT (Ngô Nhân Dụng)

 


Jerome Powell, Omicron, và Lạm phát

Ngô Nhân Dụng

20/12/2021

https://www.voatiengviet.com/a/jerome-powell-omicron-lam-phat-fed/6361945.html

 

https://gdb.voanews.com/5C2C7039-A0FB-432C-81B2-D5850D7F264C_w1023_r1_s.jpg

Một vị tổ sư kinh tế học, John Maynard Keynes, từng nói rằng, “Khi các dữ kiện thay đổi, tôi cũng đổi ý kiến. Làm cách nào khác được?” Các dữ kiện thay đổi ai cũng trông thấy, ông Powell phải thay đổi.

 

Vi khuẩn Omicron xuất hiện gây thêm rắc rối, trong khi mọi người tưởng bệnh dịch Covid-19 bắt đầu thuyên giảm. Gây rắc rối cho kinh tế Mỹ, lạm phát có thể sẽ kéo dài hơn. Và gây rắc rối cho ông Jerome Powell, người chịu trách nhiệm vừa ngăn ngừa lạm phát vừa lo giúp kinh tế phục hồi.

 

Mấy tháng trước, ông Powell đã biết giá sinh hoạt ở nước Mỹ (và khắp thế giới) đang tăng. Khi bệnh dịch giảm bớt giá cả phải lên. Cả năm trời nhịn thèm, dân Mỹ đã dể dành được hàng ngàn tỷ đô la, bắt đầu đi mua sắm! Họ không thể tiêu tiền cho các dịch vụ như cũ, vì tiệm ăn, rạp hát, sân banh cho đến các khu du lịch vẫn chưa sống lại. Họ đem tiền đi “mua đồ.” Trong khi đó, các nhà sản xuất chưa thể mở cửa hoàn toàn, vì công nhân còn sợ bệnh, chưa muốn đi làm. Nhiều người mua, ít hàng bán, thế là lạm phát.

 

Nhưng ông Powell nghĩ rằng lạm phát sẽ chỉ một thoáng qua mau, không kéo dài. Nó giống như sau một cơn bão lụt. Bão đi qua thì mọi người lại sinh hoạt như trước. Khi bệnh dịch êm rồi, dân đi làm trở lại, hàng hóa được tung ra, lạm phát sẽ nguội.

 

Kinh nghiệm kinh tế Mỹ sau Đại Chiến Thứ Hai cũng giống như thế. Trong hai năm từ 1946 đến 1948, lạm phát tăng nhức đầu, 20% một năm. Cũng vì bao nhiêu người dân phải “nhịn” tiêu thụ trong thời chiến tranh, lúc đó đổ tiền ra mua sắm. Nhưng các hãng, xưởng đang chế tạo vũ khí mới mở cửa lại sản xuất những hàng tiêu dùng chưa kịp cung cấp các máy giặt, xe hơi. Giá cả phải lên cao; rồi hai năm sau tự ngưng.

 

Nhưng cơn bão Covid-19 chưa chịu đi qua. Vào tháng Năm, biến thái Delta đã làm kinh tế chậm phục hồi. Sống với Delta quen rồi, bắt đầu hy vọng, lại đụng Omicron. Lạm phát sẽ kéo dài, không hy vọng ngưng sớm.

 

Thế giới đang chứng kiến cảnh lạm phát ở Thổ Nhĩ Kỳ. Ông tổng thống Thổ Tayyip Erdogan đã ép Ngân Hàng Trung Ương phải cắt giảm lãi suất để thúc kinh tế lên, trước một năm dân bỏ phiếu. Hậu quả là trong tháng 11 vừa qua giá cả đã tăng hơn 20%. Đồng tiền Lira mất giá 40% so với đô la Mỹ.

 

Cho nên Ngân Hàng Trung Ương các nước phải lo đắp đê ngăn lụt. Ngân hàng Anh (BoE), ngày 16 tháng 12, đi bước trước, tăng lãi suất từ 0.1% lên 0.25%. Ngân hàng Mỹ (Fed) tuyên bố sang năm 2022 sẽ tăng lãi suất ba lần. Hồi đầu năm ông Powell nói chắc đến năm 2024 mới cần đưa lãi suất lên! Bây giờ, ông phải đổi ý. Vì các tin tức mới, nhiều tin rất khó hiểu không thể giải thích bằng sách vở kinh tế học.

 

Xưa nay, lạm phát và thất nghiệp thường đi ngược chiều với nhau. Trước cơn bệnh dịch Covid-19, kinh tế Mỹ đã chạy không đúng sách vở: Tỷ lệ thất nghiệp xuống mà lạm phát không lên. Ngân Hàng Trung Ương Mỹ (Fed) chỉ ngồi yên “tọa hưởng” không cần can thiệp. Năm nay, khi lạm phát bắt đầu lên, Fed không hành động, chỉ chờ coi bao giờ nó xuống. Trong khi kinh tế còn lụi xụi vì bệnh dịch, tương lai bấp bênh chưa biết bao giờ phục hồi, tăng lãi suất sẽ đẩy lùi kinh tế lại không cho kinh tế tiến lên. Ngồi yên là đúng phép!

 

Ngày 5 tháng 11, tỷ lệ thất nghiệp xuống rất thấp. Thường khi thất nghiệp xuống tức là nhiều người đang làm việc. Nhưng điều kỳ quặc bây giờ là số người Mỹ đi làm lại thấp hơn, giảm 5 triệu người so với trước bệnh dịch. Một hiện tượng khó hiểu khác là lương bổng đang tăng nhanh, nhưng vẫn ít người đi làm hơn.

 

Đến ngày 10 tháng 11, tỷ lệ lạm phát tăng vọt lên 6.8%, mức cao nhất kể từ năm 1983. Ông Powell chịu thua, bắt đầu ngưng mua các trái khoán, không bơm tiền vào nền kinh tế nữa. Và cẩn thận hơn, ông chặn không cho dân Mỹ nuôi ý nghĩ rằng lạm phát sẽ còn tăng lên không nghỉ. Tâm lý đó nguy hiểm. Khi người ta tin rằng sẽ lạm phát dài dài thì ai cũng lo đi mua sắm trước khiến giá cả tăng lên nhanh hơn. Ông Powell hứa sang năm sẽ tăng lãi suất để dân Mỹ yên lòng.

 

Một vị tổ sư kinh tế học, John Maynard Keynes, từng nói rằng, “Khi các dữ kiện thay đổi, tôi cũng đổi ý kiến. Làm cách nào khác được?” Các dữ kiện thay đổi ai cũng trông thấy, ông Powell phải thay đổi. Tất cả chỉ vì các “anh chị” Delta và Omicron!

 

Chúng ta có thể hiểu thế tiến thoái lưỡng nan (dilemma) của ông Powell. Bệnh dịch làm kinh tế đi xuống nhưng ai cũng biết cuối cùng nó cũng sẽ đi qua. Tưởng Covid-19 nó qua lẹ lẹ, không ngờ nó ở lì lâu quá! Loài người có thể thích ứng, sống bên cạnh bệnh dịch lâu hơn cũng được. Nhưng không thể sống quá lâu với cái “bệnh lạm phát!” Cho nên, phải chặn cái anh lạm phát lại, dù biết rằng làm như thế sẽ khiến cho kinh tế hồi phục chậm hơn.

 

Nhưng kinh tế khó lòng chạy nhanh hơn khi mạng lưới chuyển vận hàng hóa còn ngưng trệ. Các hải cảng chật cứng các tàu chở hàng. Các nhà kho thiếu nhân công và hết chỗ chứa thêm đồ. Các công ty vận tải thiếu tài xế và thiếu cả xe cộ. Các hãng xưởng ngưng chạy không thể làm xe hơi vì thiếu một thứ nhỏ li ti khác là những con chip bằng silicon, cũng đang nằm chờ trong các tàu chưa thể bốc rỡ ở Thượng Hải, Hồng Kông hay Los Angles và Long Beach. Ngân hàng Quốc tế Bank for International Settlements ở Basel, Thụy Sĩ, ước tính rằng riêng tình trạng tắc nghẽn trên đường dây cung cấp đã khiến lạm phát ở Mỹ tăng thêm 2.8%, chưa kể còn các lý do khác.

 

Một trong các lý do khác là nhiều người Mỹ còn lo bệnh dịch chưa muốn đi làm. Hàng chục triệu người Mỹ chưa chịu trở lại làm việc. Hơn 4, 5 triệu người mới bỏ “job” để tìm việc làm khác, thích hợp hơn hoặc lương bổng cao hơn. Các công ty tăng lương để giữ công nhân, họ sẽ phải tăng giá hàng bán.

 

Kinh tế gia Kristin Forbes, ở Đại học MIT nhận xét: Khi bị Covid-19 tấn công, Mỹ và các nước Âu châu lo bảo vệ giới lao động theo hai cách khác nhau.

 

Ở Âu châu, chính phủ trợ cấp các xí nghiệp để họ tiếp tục trả lương cho nhân viên dù cho nghỉ hoặc giảm bớt việc làm. Các công nhân dù ngồi ở nhà, vẫn thấy mình còn quan hệ với xí nghiệp vì vẫn được “lãnh lương.” Khi các công ty mở cửa lại, công nhân cũng quay trở lại làm như cũ.

 

Ở Mỹ thì khác. Cơ xưởng đóng cửa thì người làm mất việc. Họ hưởng tiền bảo hiểm thất nghiệp, do chính phủ liên bang phụ trách; không quan hệ với chủ nhân nào nữa. Vì thế, họ không tự động quay về khi sở cũ mở cửa. Công xưởng thiếu người.

 

Bà Forbes nhìn thấy một ưu điểm. Hiện nay nhiều người Mỹ có cơ hội đổi sở làm. Hơn nữa, đổi luôn cả công việc làm. Họ đổi sở vì được làm những việc thích hạp hơn trước!

 

Covid-19 đã gây xáo trộn tất cả, làm khổ rất nhiều người nhưng sẽ tạo ra các xí nghiệp mới, những cách làm việc mới, và cả các công nghiệp mới, dùng robotic nhiều hơn trước. Nước Mỹ sẽ thay đổi nhiều, và nhanh hơn các nước Âu châu.

 

Đây là một bài học về đức khiêm tốn. Loài người nghĩ rằng mình đang trên đường chế ngự được thiên nhiên. Nhưng các biến thái bất ngờ trong một thứ vi khuẩn nhỏ li ti có thể thay đổi cuộc sống hàng ngày của tất cả mọi người trên thế giới! Không ai có thể đoán trước các biến thái của loài vi rút corona, cho nên không nên trách ông chủ tịch Ngân Hàng Trung Ương Mỹ nay nói thế này mai lại nói khác!




No comments: