Tuesday, November 2, 2021

THỜI BÌNH NHƯNG VẪN GIỮ TƯ DUY, NGÔN NGỮ THỜI CHIẾN (Song Chi)

 


Thời bình nhưng vẫn giữ tư duy, ngôn ngữ thời chiến

Song Chi  

Chủ Nhật, 10/31/2021 - 12:32 — songchi

https://www.rfavietnam.com/node/7009

 

VNCH, VNDCCH, cùng là tiếng Việt nhưng cách sử dụng ngôn ngữ vẫn rất khác nhau.

 

Trước khi cuộc chiến tranh VN kết thúc vào ngày 30.4.1975, VNCH và VNDCCH đi theo hai con đường, hai mô hình thể chế chính trị khác nhau, nên cũng khác nhau trong mọi lĩnh vực, kể cả ngôn ngữ, tuy cùng là…tiếng Việt.

 

Cùng trong giai đoạn chiến tranh bom đạn khói lửa hàng ngày, nhưng ngôn ngữ ở miền Bắc XHCN đậm đặc tuyên truyền, hừng hực tinh thần “cách mạng”, tinh thần Mác xít, nhìn ở góc độ khác thì là rất hiếu chiến, so với ngôn ngữ ở miền Nam dưới chế độ VNCH. Trong đời sống xã hội ở miền Bắc lúc bấy giờ, nhà cầm quyền luôn luôn đề ra những phong trào, mục tiêu để kích thích tinh thần con người, nào “Tăng gia sản xuất”, “Hũ gạo cứu đói”, “Hai tốt” trong giáo dục, “Ba nhất” trong quân đội...; nào “Ba sẵn sàng”, “Ba đảm đang”, “Ba quyết tâm” ở miền bắc, “Năm xung phong”, “Ba xung kích”... ở miền nam v.v…

 

Việc tuyên truyền giáo dục nâng cao ý thức chiến đấu, ý thức cách mạng là nhiệm vụ hàng đầu nên từ các cấp chính quyền, báo chí truyền thông cho tới giáo dục thường xuyên sử dụng một thứ ngôn ngữ đậm tính tuyên truyền, trực diện như vậy, chống lại tất cả mọi thứ ngôn ngữ bị cho là "cải lương", phong kiến, ủy mị, màu mè kiểu cách của giai cấp phong kiến, tiểu tư sản…

 

Về triết học thì chỉ có một thứ triết học duy nhất là triết học duy vật Mác Lênin, về văn học thì chỉ đề cao duy nhất một thứ văn học hiện thực xã hội chủ nghĩa, nên ngôn ngữ cũng vậy, phải phù hợp với nền triết học đó, văn chương đó. Không có một thứ văn chương triết học ngoại lai nào của thế giới được phép du nhập vào, nếu không phải là những tác phẩm hoặc được chọn lọc kỹ hoặc được trích dẫn từng phần để chỉ trích, phê phán; cộng với ý chí sắt thép máu lửa của chủ nghĩa cộng sản thời chiến không cho phép bất cứ cái gì được đi chệch ra ngoài, hay có những biểu hiện yếm thế, hoài nghi, xét lại… Tất cả đã tạo thành sự đơn nhất, phiến diện, thể hiện sự “một chiều” trong tư duy.

 

Ngược lại ở miền Nam VNCH, 20 năm đó không chỉ là sự tiếp nhận, cập nhật mọi xu hướng triết học, thi ca, văn học trên thế giới, những lý tưởng và trào lưu thời đại, đồng thời tìm tòi, thể nghiệm tự làm mới mình từ báo chí cho tới văn học, mà còn là 20 năm của một xã hội phức tạp, bị phân cực với nhiều xu hướng khác nhau, thậm chí đối kháng nhau, từ tôn giáo cho tới chính trị, văn hóa, đã tạo nên những phong cách đa dạng, và một thứ ngôn ngữ hết sức mới mẻ, hiện đại, phong phú. Cứ nhìn lại ngôn ngữ trên báo chí, tạp chí, nguyệt san, bán nguyệt san, thi ca, truyện ngắn, tiểu thuyết, tiểu luận, biên khảo, ca từ trong các ca khúc của những khuôn mặt âm nhạc đa diện khác nhau, thì rõ.

 

Nhưng bài viết này không định đi sâu vào lĩnh vực văn chương hay di sản của văn học miền Nam mà chủ yếu chỉ muốn nói lên sự khác nhau trong cách sử dụng tiếng Việt giữa miền Bắc XHCN và miền Nam VNCH trước 30.4.1975.

 

Sau 30.4.1975, ngôn ngữ của miền Bắc, của “phe thắng cuộc” áp đảo cả nước

 

Sau khi cuộc chiến VN kết thúc, có rất nhiều điều mà người miền Nam phải tập làm quen khi sống dưới chế độ mới, trong đó có vấn đề về ngôn ngữ.

 

Đối với người miền Nam lúc bấy giờ, ngôn ngữ từ miền Bắc XHCN đưa vào và nhanh chóng được áp đặt trên mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, là một thứ ngôn ngữ rất lạ tai. Người miền Nam hồi đó hay truyền miệng nhau chế diễu lối nói có phần lên gân, và vẫn đầy tinh thần chiến đấu đó, nào “báo cáo đồng chí”, “báo cáo thủ trưởng”, nào “khẩn trương”, “quyết liệt”, “nhất trí”, “đồng ý”, “triển khai”…

 

Nhưng rồi theo năm tháng, dưới sự thống nhất áp đặt từ các cấp chính quyền, báo chí truyền thông cho tới trường lớp, sách giáo khoa, người miền Nam cũng quen dần. Đến bây giờ, gần nửa thế kỷ qua đi, đã kịp thời cho hai thế hệ lớn lên sau cuộc chiến, ngôn ngữ, cách dùng từ của miền Nam VNCH cũ dần dần bị biến mất, chỉ còn lại trên báo chí truyền thông của người Việt lưu vong ở hải ngoại, nhường chỗ cho ngôn ngữ, cách dùng từ dưới chế độ do đảng cộng sản lãnh đạo.

 

Song, dù ngôn ngữ bây giờ có phần nào được mềm hóa đi so với thời kỳ ở ngoài Bắc hay giai đoạn đầu sau khi thống nhất, người ta nhận thấy trong cách dùng từ của báo chí cho tới các cấp chính quyền, quan chức cộng sản vẫn là thứ ngôn ngữ của thời chiến.

 

Chiến tranh kết thúc gần nửa thế kỷ, vẫn giữ lối tư duy, ngôn ngữ thời chiến

 

Không khó để nhặt ra vô số ví dụ về điều này.

 

Tư duy, ngôn ngữ thời chiến thể hiện trước hết trong lĩnh vực báo chí truyền thông, bởi đối với nhà nước cộng sản, “Báo chí là một mặt trận; Cán bộ báo chí là chiến sĩ cách mạng; cây bút, trang giấy là vũ khí sắc bén của họ; bài báo là tờ lịch cách mạng...”, Hồ Chí Minh viết trong Thư gửi lớp học viết báo Huỳnh Thúc Kháng (1949), phát biểu tại Ðại hội II (1959) và Ðại hội III (1962) Hội Nhà báo Việt Nam.(bài “Báo chí là mặt trận, nhà báo là chiến sĩ”, báo Nhân Dân), Và cho đến bây giờ thì nhà cầm quyền vẫn công khai khẳng định báo chí là công cụ tuyên truyền, là “mặt trận” của đảng, nhà báo vẫn là những “chiến sĩ cách mạng”.

 

Mới đây, tại hội thảo khoa học "Báo chí với nhiệm vụ bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng" do Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam phối hợp với Vụ Báo chí - Xuất bản, Ban Tuyên giáo Trung ương tổ chức, ông Nguyễn Trọng Nghĩa, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương nói “mỗi cơ quan báo chí phải là “pháo đài” chính trị tư tưởng vững chắc trong đấu tranh, phản bác quan điểm sai trái, thù địch” (bai “Báo chí phải là 'pháo đài' vững chắc trong phản bác quan điểm sai trái” (báo Chính phủ)

 

Một ví dụ gần đây nhất là trong đại dịch COVID-19.

 

Thay vì chống dịch bằng tư duy khoa học như nhiều quốc gia dân chủ phát triển, thì nhà cầm quyền VN lại chống dịch bằng tư duy thời chiến, bằng tinh thần duy ý chí, bằng những khẩu hiệu, chẳng hạn một khẩu hiệu được lặp đi lặp lại khắp nơi suốt thời gian qua là “chống dịch như chống giặc”, rồi nào suốt ngày "thần tốc" với "quyết thắng", đưa sinh viên, thầy giáo Hải Dương vào hỗ trợ Sài Gòn chống dịch thì hô hào "giải phóng miền Nam"…

 

Hãy thử đọc ngôn ngữ trên báo chí nhà nước thời dịch:

 

“Chiến lược chống dịch của TPHCM chuyển từ “đánh chặn” sang “2 mũi giáp công, trong đánh ra, ngoài đánh vào”. Mỗi người dân là một chiến sĩ, mỗi gia đình, khu phố là một “pháo đài”. Thi đua giữ chặt “vùng xanh”, quyết liệt cắt đứt chuỗi lây nhiễm ở “vùng đỏ”, làm sạch địa bàn, từng bước mở rộng khu vực an toàn…” (bài “Quyết liệt cắt chuỗi lây nhiễm, làm sạch địa bàn, mở rộng vùng xanh vững chắc”, báo Dân tộc &Phát triển)

 

Ngôn ngữ của quan chức:

 

“Từ thực tế chống dịch của TP HCM, Phó Giám đốc Sở Y tế TP HCM nêu ra 10 bài học kinh nghiệm.

 

Thứ nhất, huy động cả hệ thống chính trị, phối hợp chặt chẽ thực hiện hiệu quả chiến lược "mỗi phường, xã, thị trấn là pháo đài, mỗi người dân là một chiến sĩ" (bài “10 bài học từ những hạn chế trong chống dịch của TP HCM", báo VNExpress)

 

“Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam: Thực tế virus COVID-19 đã xâm nhập vào nước ta, “đang âm thầm mai phục”. Nếu chúng ta không làm tốt sẽ gặp tình huống “trong đánh ra, ngoài đánh vào” (ông Vũ Đức Đam phát biểu khi còn là Trưởng ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng chống dịch COVID-19, bài “Cuộc chiến” chống COVID-19: Bắt đầu chiến dịch mới", báo Công An Nhân dân)

 

Ông Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn: “Mỗi trường học, mỗi cơ sở giáo dục là một pháo đài chống dịch; mỗi giáo viên, giảng viên, nhân viên, học sinh, sinh viên là một chiến sĩ”… Những nội dung này được Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn nhấn mạnh trong lễ phát động phong trào thi đua đặc biệt của ngành Giáo dục được tổ chức chiều 1.9”, bài "Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn: Mỗi trường học là một pháo đài chống dịch", báo Lao động).

 

Sơ sơ vài ví dụ như thế để thấy chiến tranh đã kết thúc từ lâu nhưng từ trong tư duy, ngôn ngữ của quan chức cộng sản vẫn là cái tư duy, ngôn ngữ thời chiến, hơn thế nữa, nhìn đâu cũng chỉ thấy thù địch: “Nhận diện thủ đoạn “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch trên lĩnh vực tư tưởng – văn hóa”, Học viện Lục quân), “Các thế lực thù địch đang lợi dụng dịch Covid-19 để chống phá Đảng, Nhà nước”, VOV, “Các thế lực thù địch sử dụng công nghệ mới chống phá rất tinh vi”, trang thông tin điện tử Hội đồng Lý luận Trung ương) …

 

Trong cái nhìn của họ, nhân dân cũng là những kẻ thù tiềm tàng cần phải được kiểm soát chặt chẽ, hở ra câu nào không vừa ý đảng hay chỉ trích đảng, nhà nước là phải bắt nhốt ngay, và kết án nặng nề để phòng ngừa mọi sự phản kháng.

 

Nếu đất nước đang có chiến tranh mà nhà cầm quyền cho tới báo chí, sách vở có tư duy, ngôn ngữ thời chiến thì còn có thể hiểu được, nhưng thời bình mà họ vẫn không từ bỏ được cái lối tư duy, ngôn ngữ, hành xử như vậy. Sự thực là chỉ có một đảng cầm quyền thiếu tự tin vì không có tính chính danh, không do dân bầu lên, được xây dựng và tồn tại không phải bằng một mô hình, học thuyết, lý tưởng... thuyết phục nhân tâm mà chỉ bằng bạo lực và dối trá, mới có cái lối tư duy, ngôn ngữ cho tới từng chủ trương, chính sách hung hăng, hiếu chiến như thế. Thứ hai, ngôn ngữ bộc lộ bản chất của chế độ. Và đó là thứ ngôn ngữ của một chế độ độc tài, hoàn toàn thiếu vắng tính nhân bản. 

 

songchi's blog




No comments: