“GIẤY
PHÉP KINH DOANH CÓ ĐIỀU KIỆN” KHÔNG PHẢI LÀ THUỐC CHỮA BỆNH DẠY THÊM CHO NGÀNH
GIÁO DỤC
https://www.facebook.com/chu.nguyenngoc/posts/2500575630075852
Không trực tiếp nghe Bộ trưởng Bộ GD&ĐT
Nguyễn Kim Sơn trả lời chất vấn của ĐBQH hôm 11/11/2021, nhưng được biết từ
truyền thông về đề xuất “Đưa
dạy thêm vào danh mục ngành nghề kinh doanh có điều kiện”. Vậy nên xin
nêu vài lưu ý như dưới đây.
1. SỢ LÀ CẤM
Đã hơn nữa thế kỷ người Việt Nam quen với các
biện pháp “không quản được thì cấm”, “sợ là cấm”. Sợ nghe đài nước ngoài là cấm
(tháo cả băng sóng ngắn). Sợ làm giả dấu đỏ thì cấm nhập máy in laser màu. Có
người toan tính cấm cả cả internet lẫn mạng xã hội.
Bắt cứ hiện tượng gì cũng có hai mặt. Không hiểu
đúng quy luật phát triển của tự nhiên, không nắm được tính biện chứng của sự việc
- thì mọi sự cấm đoán không chỉ thất bại mà trở thành rào cản của tiến bộ, để
cuối cùng bị tiến bộ loại bỏ.
Từ ngàn xưa, về cơ bản, sự dạy và học xa lạ với
buôn bán. Nay lấy sự dạy học thêm làm nghề kinh doanh đặc biệt, có điều kiện với
mục đích để hạn chế sự dạy thêm, học thêm - một biểu hiện của sự cấm, thì thật
ngỡ ngàng.
2. HỌC THÊM, DẠY
THÊM LÀ NHU CẦU KHÁCH QUAN
Ai cũng phải mở rộng kiến thức. Vì thế không
ngừng học thêm. Có người học thêm thì có người dạy thêm. Học thêm, dạy thêm là
nhu cầu khách quan. Không thể cấm. Không thể loại bỏ.
Vì thế từ xưa, người đi học phải tìm học hết
trường này sang trường khác, học hết sách này sang sách khác, học hết thầy này
sang thầy khác. Tìm thêm sách hay mà học. Tìm thêm trường tốt mà học. Tìm thêm
thầy giỏi mà học. “Tầm sư học đạo” đã trở thành một phương châm hiển nhiên của
sự học và sự dạy. Nhờ khát khao học thêm là một nhu cầu tất yếu mà xuất hiện
các trường học danh tiếng, các bộ sách danh tiếng và những người thầy danh tiếng.
Và hệ quả là xuất hiện những học trò xuất sắc với tài năng lỗi lạc làm thay đổi
xã hội, có các phát minh sáng chế vĩ đại đưa đến những tiến bộ vượt bậc cho
nhân loại. Thí dụ thì rất nhiều. Chỉ điểm qua một số trường hợp.
Ở nước ta những người thầy nổi danh như Lê Văn
Hưu, Chu Văn An, Trần Ích Phát, Nguyễn Bỉnh Khiêm, Trương Văn Hiến … đều có nhiều
học trò xuất sắc theo học. Trong đó thầy Trần Ích Phát có đến 74 học trò đỗ tiến
sĩ (3 người là trạng nguyên), thầy Trương Văn Hiến có 3 học trò là hoàng đế và
vương là Nguyễn Nhạc, Nguyễn Huệ, Nguyễn Lữ.
Ở bên Tầu xa xưa, Khổng Tử có 3000 học trò
theo học. Tôn Tẫn, Bàng Quyên, Tô Tần, Trương Nghi tìm đến theo học Quỷ Cốc
tiên sinh.
Ở phương Tây, các nhà bác học vĩ đại gần đây
như Henri Poincaré, Neils Bohr, Albert Einstein, Max Planck, Dmitri Mendeleev,
Marie Curie, Ivan Pavlov, Kurchatov, Cergei Korolev, … nổi danh đều nhờ được
theo học thầy giỏi, làm việc nơi có nhiều người giỏi, và đều có nhiều học trò
giỏi.
Trong điều kiện cạnh tranh việc làm trên toàn
cầu mỗi ngày một khốc liệt như trong thời đại ngày nay, thì phải học thêm mới
có cơ hội tranh giành được việc làm. Không phải cấm đoán học thêm, mà ngược lại
phải khuyến khích học thêm. Vậy học thêm như thế nào? Và trường hợp nào thì phải
cấm học thêm, dạy thêm?
3. CẤM DẠY THÊM
TRONG TRƯỜNG HỢP NÀO?
Giáo dục Việt Nam hiện nay đang đối mặt với
tình trạng trong đó tồn tại các trường hợp mà sự học thêm và dạy thêm gây ra hậu
quả tai hại. Không phải bản chất của sự học thêm và dạy thêm có hại mà cách thức
tiến hành sự học thêm dạy thêm có hại. Vì thế phải định nghĩa và khoanh vùng
cách thức học thêm và dạy thêm có hại này. Chứ không phải vì những trường hợp
này mà cấm đoán sự học thêm và dạy thêm trong toàn ngành giáo dục.
Xin chỉ ra vài trường hợp mà dạy thêm mang đến
hậu quả có hại.
1. Dạy thêm chỉ vì mục đích để giáo viên có
thêm thu nhập.
2. Dạy thêm vì lợi ích nhóm.
3. Dạy thêm dẫn đến xếp hạng sai năng lực học
sinh và kéo theo các hệ quả xấu.
4. Dạy thêm đưa đến sự lãng phí thời gian,
công sức và tiền bạc của một bộ phận học sinh và của toàn xã hội.
5. Dạy thêm làm lệch hướng mục đích giáo dục
và làm lựa chọn sai nghề nghiệp.
4. “GIẤY PHÉP KINH
DOANH CÓ ĐIỀU KIỆN” CÓ GIÚP CHẤM DỨT TÌNH TRẠNG DẠY THÊM CÓ HẠI?
Những trường hợp dạy thêm trong mục 3 vừa nêu
tạm gọi chung là các trường hợp dạy thêm có hại. Vậy thì đưa dạy thêm vào danh
mục “ngành nghề kinh doanh có điều kiện” có giúp chấm dứt được các trường hợp dạy
thêm có hại? Câu trả lời dứt khoát là không. “Ngành nghề kinh doanh có điều kiện”
hoàn toàn không chống được các trường hợp dạy thêm có hại.
Phải nhìn vào thực tế, ở Việt Nam hiện nay,
“ngành nghề kinh doanh có điều kiện” nào cũng có thể lấy được giấy phép kinh
doanh. Vấn đề là mất bao nhiêu tiền, bao nhiêu quan hệ và bao nhiêu công sức. Ở
phương diện này thì đưa dạy thêm vào “ngành nghề kinh doanh có điều kiện” nhất
định sẽ thúc đẩy tiêu cực trong cấp phép kinh doanh, trong thanh tra dạy thêm.
Nhưng tai hại hơn, nó sẽ cản trở sự học thêm và dạy thêm chính đáng trên toàn
quốc.
Cũng cần nhắc lại trường hợp buôn thuốc giả ở
Bộ Y tế để thấy được “giấy phép kinh doanh có điều kiện “ không phải là phép
màu.
5. HỌC THÊM NHƯ THẾ
NÀO?
Chương trình giáo dục phổ thông, tuy nói là phổ
thông, nhưng lại phục vụ cho các đối tượng có nhu cầu kiến thức khác nhau. Để
đáp ứng được các nhu cầu kiến thức khác nhau thì phải có chương trình khác
nhau. Học thêm chính là cách thức thay đổi chương trình để đáp ứng nhu cầu kiến
thức khác nhau.
Lấy thí dụ về môn toán. Vai trò quan trọng của
toán không phải bàn cãi. Ai cũng cần đến toán. Nhưng mức độ cần toán của mỗi
người cho cuộc đời mình lại khác nhau. Thế mà từ lớp 1 đến lớp 12 chúng ta dạy
toán cho mọi học sinh theo một chương trình. Chấm điểm và đánh giá theo một
thang bậc như nhau. Thi tốt nghiệp THPT quốc gia cùng một đề. Đó là tai biến
(catastrophe).
Người đi theo nghiệp văn, thanh nhạc, thể
thao… không cần đến những phương trình lượng giác ngoằn nghèo, cả đời không bao
giờ dùng đến. Nếu khi cần đến thì cũng dễ dàng có được sau vài lần chạm tay
trên máy tính bảng. Thế mà bắt những học sinh cả đời sau này không cần dùng đến
các phương trình lượng giác phải hao tâm tổn lực vì nó. Một sự lãng phí trí óc,
thời gian, tiền bạc to lớn xót xa.
Tai hoạ không chỉ vậy. Cùng một đề toán thì em
học sinh theo nghiệp toán được điểm 10, em học sinh không cần toán bị điểm 1.
Phụ huynh của em học sinh bị điểm 1 toán có cảm giác con mình không có khả năng
học tập hay lười học - vừa thất vọng, quát mắng con và bắt con học thêm. Học
thêm không cần thiết bắt đầu từ đó. Bản thân em học sinh không thích toán,
không cần toán, lại tự ti về năng lực toán của mình, càng học thêm càng chán
toán. Tương tự như vậy là đối với các môn học khác.
Cùng một chương trình, cùng một mặt bằng thang
điểm, cùng thước đo, cùng một đề thi cho toàn bộ hơn 1 triệu học sinh THPT trên
toàn quốc, với hơn 1 triệu nghề nghiệp và số phận cùng năng lực khác nhau là một
sai lầm lớn.
Vậy giải quyết vấn đề vừa nêu như thế nào?
Người thầy giỏi là mỗi học sinh một giáo án, đề
thi riêng, thang điểm đánh giá riêng. Điều này không xa lạ với những ai đào tạo
các ngành chuyên nghiệp, trong đó có khoa học, thể thao, thanh nhạc… Cùng được
điểm 7 môn toán, nhưng chương trình dạy toán và đề thi toán của em theo nghiệp
toán khác với em theo nghiệp thanh nhạc.
Đó là cách tiếp cận khoa học. Các em toán và
thanh nhạc ở khác đấu trường, và không cạnh tranh với nhau. Cách dạy học và thi
cử của chúng ta hiện nay biến toàn bộ học sinh phổ thông trên toàn quốc cùng cạnh
tranh nhau trong một đấu trường. Điều này là không công bằng, không khoa học và
dẫn đến sai lầm trầm trọng trong đánh giá năng lực, dẫn đến sai lầm trong xác định
nghề nghiệp.
Từ xa xưa cha ông đã dạy: “nhất nghệ tinh, nhất
thân vinh”. Nghề nào cũng phải “nhà nghề”, “chuyên nghiệp”. Chuyên nghiệp từ
bé. Bởi thế, bắt đầu từ trung học cơ sở, một bộ phận học sinh phải được đăng ký
học thêm một số môn tự chọn theo sở trường. Còn từ trung học phổ thông thì hoàn
toàn phải chia theo sở trường.
Quay lại vấn đề dạy thêm. Ở nhiều nước tiên tiến,
ngay từ trung học cơ sở, các em thích học toán được đăng ký học với thầy giáo
toán riêng. Việc học toán của các em thích học toán không ảnh hưởng đến toàn bộ
số học sinh còn lại, bao gồm cả xếp hạng năng lực học sinh trong lớp. Đến trung
học phổ thông, khi các thầy giáo toán không còn đủ khả năng truyền đạt kiến thức,
các em thích học toán có thể đăng ký học thêm toán ở các chương trình toán của
các đại học. Bởi thế có các em chưa tốt nghiệp THPT mà kiến thức toán thì đã tốt
nghiệp đại học. Không phải bây giờ mà cả thế kỷ trước đã như vậy. Với toán có rất
nhiều ví dụ, như trường hợp của nhà toán học Gelfand của Liên Xô trước đây chẳng
hạn.
Các môn học khác cũng tương tự. Đó là cách dạy
thêm. Đó là cách dạy chuyên. Chứ không phải cứ tập trung thành trường chuyên mới
là dạy chuyên. Bởi thế, ở nhiều nước có nền giáo dục tiên tiến, tuy không thấy
trường chuyên tập trung mà lại có trường chuyên khắp mọi nơi, không dạy thêm mà
được dạy thêm mọi lúc.
6. BIỆN PHÁP NÀO ĐỂ
CHỐNG CÁC TRƯỜNG HỢP DẠY THÊM CÓ HẠI?
Từ cách dạy thêm nêu ở mục 5 cũng đã có thể
nhìn thấy một số biện pháp chống các trường hợp dạy thêm có hại. Ngoài ra, còn
các biện pháp khác nữa. Rất muốn đề xuất thêm các biện pháp chống các trường hợp
dạy thêm có hại, nhưng e rằng lại thêm một lần thất vọng, nên khất lại chờ một
dịp phù hợp hơn.
Bạn chỉ có thể đưa ra tư vấn cho người thực sự
muốn nghe bạn tư vấn. Điều đó vẫn chưa đủ. Bạn chỉ đưa ra tư vấn cho ai đánh
giá được giá trị tư vấn của bạn thì điều bạn tư vấn mới có ý nghĩa. Các bậc
minh chủ có nhiều mưu sĩ giỏi là bởi vì họ giỏi hơn các mưu sĩ.
Tục ngữ Việt Nam có câu “ngứa một nơi, gãi một
chốn”. “Đưa dạy thêm vào danh mục ngành nghề kinh doanh có điều kiện” không phải
là giải pháp để chống lại các trường hợp dạy thêm có hại. Giáo dục Việt Nam mỗi
ngày càng thêm nhiều bệnh trầm trọng, là bởi suốt mấy chục năm qua chỉ chữa bệnh
ngoài da mà không chữa bệnh tâm can
https://www.facebook.com/photo/?fbid=2500575570075858&set=a.500203700113065
Đề xuất đưa dạy thêm vào danh mục ngành nghề
kinh doanh có điều kiện (Công An Nhân
Dân)
.
No comments:
Post a Comment