Sài Gòn ngày phong tỏa thứ năm
mươi tám
04/09/2021
https://baotiengdan.com/2021/09/04/sai-gon-ngay-phong-toa-thu-nam-muoi-tam/
Tiếp theo phần 1 — phần 2 — phần 3 — phần 4 — phần 5 — phần 6 — phần 7 — phần 8 — phần 9 — phần 10 — phần 11 — phần 12 — phần 13 — phần 14 — phần 15 — phần 16 — phần 17 — phần 18 — phần 19 — phần 20 — phần 21 — phần 22 — phần 23 — phần 24 — phần 25 — phần 26 — phần 27 — phần 28 — phần 29 — phần 30 — phần 31 — phần 32 — phần 33 — phần 34 — phần 35 — phần 36 — phần 37 — phần 38 — phần 39 — phần 40 — phần 41 — phần 42 — phần 43 — phần 44 — phần 45 — phần 46 — phần 47 — phần 48 — phần 49 — phần 50 — phần 51 — phần 52 — phần 53 — phần 54 — phần 55 — phần 56 — phần 57
*
Mấy hôm nay, nhiều bạn già nhắn tin, điện thoại
hỏi tôi về mũi vaccine thứ 2. Tất cả đều quá ngày hạn định đã một hoặc hai tuần.
Tôi cũng nằm trong hoàn cảnh đó, đã quá một tuần rồi. Đau khớp dữ dội không ngồi
dậy được mà không dám uống thuốc vì trong quy định chích vaccine là không được
uống thuốc có Corticoid, mà thuốc kháng viêm, giảm đau hiệu quả nhanh nhất mà
tôi thường dùng là Medrol 16mg lại chứa đầy corticoid nên dùng dằng mãi mà chưa
uống vì đợi được gọi chích mũi 2 Moderna.
Tôi trả lời với các bạn là thành phố đang có kế
hoạch tiêm mũi 2 nhưng hiện thời Moderna CHƯA CÓ THUỐC đành chờ. Sáng nay đọc
báo thì thấy báo cáo của Sở Y tế TP.HCM đến ngày 3.9, tổng số liều vắc xin mà
thành phố nhận được từ phân bổ là 10.349.200 liều, trong đó có 4.456.490 liều vắc
xin AstraZeneca, 571.200 liều vắc xin Moderna, 312.510 liều Pfizer và 5.009.000
liều Vero-cell.
“Trong khi các loại vắc xin AstraZeneca,
Pfizer, Vero-cell về khá nhiều đợt thì vắc xin Moderna hiện mới chỉ về vài đợt
với 571.200 liều. Số vắc xin này đã được phân bổ cho các địa phương và các bệnh
viện tiêm mũi 1, một số người may mắn đủ điều kiện tiêm mũi 2”.
Như vậy có nghĩa là trong đợt này thành phố
không được phân bổ Moderna. Và trong điều kiện chưa xác định nguồn vắc xin Moderna
có thể cung ứng, TS Nguyễn Huy Luân cho rằng ngành y tế có thể cân nhắc chuyển
qua tiêm mũi 2 bằng một loại vắc xin khác, có thể là Pfizer. Kiểu này thì trước
đây theo khuyến cáo của WHO và Bộ Y tế chỉ cho phép áp dụng tiêm trộn vắc xin
AstraZeneca và Pfizer, chứ không được phép chích Moderna với loại vaccine khác.
Bây giờ thiếu thuốc lại cho rằng có thể chích mũi 2 bằng Pfizer.
Trước đó Bộ Y tế khuyến cáo chích mũi 1 là
Moderna thì mũi 2 phải là Moderna, không được chích loại nào khác. Giờ thì bảo
là được. Các ông kiểu nào nói cũng được tuỳ tình hình. Thế giới chưa ai trộn
Moderna với thứ vaccine khác. Việt Nam lại định đem mấy người già ra làm chuột
bạch thử nghiệm à?
Nếu chết thì im còn nếu tốt thì ngạo nghễ chứ
gì. Theo WHO, vaccine Moderna được khuyến cáo ưu tiên tiêm cho những người trên
65 tuổi mắc các bệnh nền, gồm phổi mãn tính, tim, béo phì nặng, đái tháo đường,
gan và nhiễm virus gây suy giảm miễn dịch ở người nhiễm HIV. Những người này được
đánh giá tăng nguy cơ mắc virus Vũ Hán nặng. Nhưng cho đến nay, thực tế là
KHÔNG CÒN THUỐC Moderna ở Việt Nam.
Theo Sở Y tế TP.HCM, Mũi 2 được tiêm cho những
người đã được tiêm mũi 1 khi đủ thời gian theo từng loại vaccine. Cụ thể:
* Những người đã tiêm mũi 1 bằng vaccine
AstraZeneca trong khoảng thời gian từ ngày 20/6 đến ngày 15/7 (8-12 tuần).
* Những người đã tiêm mũi 1 bằng vaccine
Moderna trong khoảng thời gian từ ngày 1/8 đến ngày 15/8 (4 tuần).
*Những người đã tiêm mũi 1 bằng vaccine Pfizer
trong khoảng thời gian từ ngày 11/8 đến ngày 25/8 (3 tuần).
*Những người đã tiêm mũi 1 bằng vaccine Vero
Cell trong khoảng thời gian từ ngày 13/8 đến ngày 25/8 (3-4 tuần).
Bộ Y tế cũng đã đề nghị các tỉnh, thành tiếp tục
đẩy nhanh tốc độ tiêm chủng, tổ chức tiêm tại nhiều cơ sở tiêm chủng cố định và
lưu động. Đồng thời, khẩn trương rà soát các đối tượng đã tiêm mũi 1 và lập kế
hoạch tiêm mũi 2 vắc-xin Covid-19 cho các đối tượng đã được tiêm mũi 1 đủ thời
gian tại đơn vị mình để chủ động tổ chức tiêm chủng ngay khi tiếp nhận từng đợt
vắc-xin Covid-19.
Nhưng xin hỏi thuốc Moderna hết sạch rồi thì lấy
đâu mà tiêm với chích cho những người già đã chích mũi 1?
Rõ ràng là Bộ Y tế Việt Nam chẳng có một kế hoạch
nào trong việc tiêm chủng vaccine. Chính phủ và nhân dân ai cũng biết để ngăn
chận được dịch bệnh thì phải có vaccine, thế nhưng các quan chức lại bị động và
lúng túng trong việc này. Hiện giờ thì vaccine Pfizer và Astra Zeneca và cả
Sinopharm tương đối có đủ trong thời gian ngắn tới tuy không có thể đầy đủ để
phủ 70% dân số theo yêu cầu nhưng cũng có thể tạm thời cung ứng cho đến cuối
năm. Nhưng Moderna thì thiếu trầm trọng.
Theo nguyên tắc khi chích mũi 1, người ta đã
phải chuẩn bị đủ mũi 2, nếu không có được mũi 2, mũi 1 quá hạn định thì tiêm chủng
sẽ trở thành vô ích. Thống kê dân số đã có sẵn, ghi rõ Việt Nam trong năm này
có bao nhiêu người trên 65 tuổi. Người có tầm, có kế hoạch cụ thể sẽ định được
cần có bao nhiêu liều vaccine để đáp ứng cho lứa tuổi này. Còn ở ta thì có bao
nhiêu chích bấy nhiêu, mọi chuyện tính sau. Vẫn biết vaccine ở ta phần lớn là
đi xin chứ không chủ động được.
Nhưng người có trách nhiệm phải tính để loại
nào không xin được thì bỏ tiền ra mua để cung ứng kịp thời và đúng hạn chứ. Xin
thì người ta cho gì lấy nấy nhưng thứ gì thiếu thì tự mình tìm cách để mua cho
có chứ không lẽ nằm đợi người ta mang tới à? Thật là khó hiểu. Trong khi thế giới
người ta chuẩn bị chích mũi thứ 3, ở ta đang trong tình trạng không có thuốc để
chích mũi thứ 2.
Lúng túng, việc gì cũng lúng túng. Chung quy
cũng do thiếu quy hoạch, thiếu chiến lược, thiếu chuẩn bị và thiếu cả tầm nhìn.
Trong kế hoạch chích mũi 1, thành phố được cấp 571.200 liều vắc xin Moderna và
ưu tiên cho người trên 65 tuổi, đó quyết định hợp lý. Tuy nhiên trong đợt chích
này, người ta thấy nhiều người ở lứa tuổi 50 cũng được tiêm Moderna, có phải vì
lý do đó mà người trên 65 tuổi bị thiếu thuốc chích mũi 2 chăng?
Theo kết quả nghiên cứu, nguy cơ nhiễm dịch
sau khi tiêm chủng sẽ cao hơn ở những người sống ở các khu vực kém phát triển
và những người có bệnh nền hoặc người già yếu. Do đó, các nhà nghiên cứu nhấn mạnh
cần phải nhắm vào các nhóm có nguy cơ cao để từ đó đề xuất các chiến lược như
chương trình tiêm liều tăng cường kịp thời và các biện pháp kiểm soát lây nhiễm.
Tờ Science Daily dẫn lời Trưởng nhóm nghiên cứu,
Tiến sĩ Claire Steves từ Đại học King’s College London: “Tiêm đầy đủ 2 mũi
vaccine làm giảm đáng kể nguy cơ nhiễm virus và giảm phát triển các triệu chứng
lâu dài nếu bạn mắc bệnh. Tuy nhiên, trong số những người già yếu và những người
sống ở các khu vực kém phát triển, nguy cơ vẫn còn đáng kể và họ cần được ưu
tiên gấp để tiêm vaccine liều thứ 2 và tiêm mũi tăng cường”. Nhưng người Việt
chờ mãi mà không được mũi thứ 2 nên đành sống trong âu lo. Tiêm được mũi 1 mà
không có mũi 2 thì xem như là chưa tiêm mũi nào.
Ông Phan Văn Mãi, tân chủ tịch thành phố vừa
phát biểu thành phố đặt mục tiêu tới 15.9 sẽ kiểm soát được dịch nhưng không phải
“tới đó là hết dịch bệnh” và sẽ sớm thành lập bộ phận xây dựng kế hoạch cụ thể
để bổ sung các biện pháp từ đây đến 15.9 và sau đó, tham khảo ý kiến của cơ
quan chức năng, các chuyên gia trong và ngoài nước. Cũng có tin sau ngày 15.9
khi thành phố trở lại các hoạt động kinh tế thì chỉ có những người đã tiêm chủng
đủ 2 liều vaccine mới được đi làm, có thể bao gồm cả việc tham gia các hoạt động
xã hội khác. Không biết tin này có thật không nhưng nếu đúng như thế thì xem
như trên tuổi 65 đã bị ra rìa rồi, đành tiếp tục nằm nhà chờ thôi.
Hôm trước cũng đã nghe ông Nguyễn Văn Nên, Bí
thư thành phố bảo: “Không thể để TP cứ phải thực hiện Chỉ thị 16 mãi được.
Nhưng, cũng không thể nới rộng, khi chúng ta chưa đủ điều kiện. Phải đủ điều kiện
cần và đủ ở mức tương đối mới có thể nới rộng các giải pháp”. Đọc phần đầu thì
mừng và hi vọng nhưng phần sau lại thấy ông đi kiểu hàng hai. Ông bảo không thể
giãn cách mãi nhưng cũng không thể nới rộng vì chưa đủ điều kiện. Thôi thì cũng
đành chờ như chờ vaccine vậy thôi.
Mới đây, Hội đồng Tư vấn Du lịch (TAB) đã đề
nghị Chính phủ cấp miễn phí thẻ thông hành xanh để chứng nhận an toàn dịch bệnh.
Đây là chìa khóa để mở cửa lại nền kinh tế.
Theo TAB, “Thẻ thông hành xanh Việt Nam” thay
cho cách gọi “Hộ chiếu vaccine” sẽ được sử dụng cho cả đi lại trong và ngoài nước.
Loại thẻ này sẽ tích hợp 3 loại thông tin là: định danh cá nhân; hộ chiếu (nếu
có) và thông tin phòng dịch gồm: Chứng nhận chích ngừa vaccine, chứng nhận xét
nghiệm, chứng nhận phục hồi (âm tính) sau khi nhiễm.
Hiện nay, số người nhiễm ở Việt Nam vì virus
Vũ Hán đã lên đến 501,649 ca, trong đó, riêng đợt dịch thứ 4 (từ ngày 27.4) đến
nay là 497,391 ca. Như vậy tỷ lệ tử vong toàn quốc trên số ca nhiễm là 2,45%.
Riêng thành phố là 4,4%. Con số này cao hơn Thái Lan (0.94%), Mã Lai (0.93%),
Phi Luật Tân (1.71%), Campuchea (2.03%), và cả Ấn Độ (1.34%). Và đứng thứ 3 chỉ
sau Trung Quốc và Indonesia.
Dù không còn quan tâm đến số ca nhiễm nhưng
báo cáo thống kê ngày hôm qua 3.9 cũng làm giật mình nhiều người. Hôm qua Việt
Nam ghi nhận 14,922 ca mắc mới, tăng 1,708 ca so với ngày 2.9, trong đó, riêng
TP.HCM ghi nhận số ca nhiễm kỷ lục tính từ đầu dịch đến nay với 8,499 ca.
Số người nhiễm bệnh và tử vong ở thành phố đã
cho thấy y tế ở Việt Nam dù trải qua bùng phát dịch lần thứ tư vẫn không chuẩn
bị gì cho trường hợp dịch bùng phát. Lý do dễ thấy nhất là nhà nước ta chủ quan
với những thắng lợi bước đầu. Ngạo nghễ với những thành tích ban đầu nên không
quan tâm đến việc chuẩn bị phòng dịch và đối phó với dịch bệnh. Vì chủ quan nên
ngay từ đầu chính quyền không đồng ý cho các bệnh viện tư nhân tham gia. Đến
khi bùng nổ dịch, không chịu thấu nên chấp nhận và đề nghi sự tham dự của tư
nhân.
Nhưng sức của hệ thống bệnh viện tư có hạn, dịch
bệnh kéo dài nhưng không được hỗ trợ của chính quyền, không cho phép thu phí, hệ
thống này đuối sức, không kham nổi. Bóc tách người F0, xét nghiệm lung tung tốn
sức, tốn tiền mà không hiệu quả. Chăng dây, cách ly, giãn cách cũng không mang
lại kết quả như mong đợi, càng giãn cách, phong toả, số người nhiễm, tử vong
càng cao. Và cuối cùng phải chấp nhận sống chung với con virus.
Nhưng điều kiện cơ bản khi sống chung được với
nó mà khống chế số tử vong thì phải đủ liều vaccine. Đây lại là vấn nạn của nước
ta. Vui mừng vì chích được mũi 1 nhưng âu lo vì không được chích mũi 2 và không
biết chờ đến bao giờ.
Thời buổi chống dịch mà rất nhiều quan chức và
cả rất nhiều ban ngành mang tư duy, phong cách, ngôn từ của thời chiến tranh.
Con virus hoàn toàn khác với địch quân. Chống dịch không có chiến trường vì nó
có mặt khắp nơi và vô hình, vô ảnh. Cho nên rất buồn cười khi nghe PGS.TS, nhạc
sĩ Đỗ Hồng Quân Chủ tịch Hội Nhạc sĩ Việt Nam chủ trương “lấy âm nhạc làm vũ
khí chống dịch”.
Hướng tới chào mừng Ngày Âm nhạc Việt Nam năm
nay, với truyền thống Âm nhạc đồng hành cùng dân tộc, Hội nhạc sĩ Việt Nam tổ
chức series Chương trình với tiêu đề: “Tiếng hát át Covid”. He..he con virus
không sợ âm nhạc đâu mà ông đòi át tiếng của nó. Thời chiến, tiếng hát át tiếng
bom là để lên dây cót cho chiến sĩ quên đi những chết chóc, hi sinh để cầm súng
xông lên. Nó cỗ vũ tinh thần chiến đấu.
Còn bây giờ người bệnh thì thở không ra hơi,
người chết chỉ còn nắm tro, người sống thì đang lo méo mặt vì sợ dính bệnh, vì
lo đói đến nơi, hồn phách đâu, thời gian đâu mà nằm thưởng thức nhạc của các
ông cỗ cũ với động viên. Làm chuyện tào lao chỉ tốn tiền thuế của dân thôi. Các
cuộc thi được phát động mấy lâu nay thấy đã nản rồi giờ còn bày thêm “Tiếng hát
át Covid” nghe buồn cười bỏ mẹ, cười mà chảy nước mắt vì ngân sách quốc gia phải
nuôi những hội đoàn, những “tinh hoa” chỉ làm chuyện ruồi bu.
Đã tự nhủ lòng là không xem các clip thực trạng
đau buồn đang diễn ra ở thành phố này bởi muốn cho mình có năng lượng tích cực
để tiếp tục tồn tại. Nhưng rồi cũng tìm xem hoặc vô tình xem những cảnh quấn tử
thi vào bao liệm xác mang thiêu của nhóm Mai táng 0 đồng, hình ảnh ấy ám ảnh
mãi.
Hôm qua xem một clip một cậu bé khoảng 10 tuổi
đi xe đạp ra đường, công an hỏi đi đâu, biết là cấm ra đường không? Cậu bé trả
lời là mang đồ ăn cho bà ngoại. Lại hỏi mẹ đâu không mang mà bắt con đi? Cậu bé
mếu máo, rơm rớm nước mắt: Mẹ vừa chết rồi. Chú công an cũng một chút sững sờ
và tôi bỗng nhiên nằm khóc. Thương quá! Trong cơn đại dịch này có biết bao đứa
trẻ phải mất mẹ, mất cha như thế?
Biết bao gia đình phải chia lìa như thế. Biết
bao con người phải chết oan ức. Nói oan ức vì đáng lẽ ra họ không phải chết,
đáng lẽ ra sẽ không có những đứa bé mồ côi. Đáng lẽ ra sẽ không có cảnh cả gia
đình tám người chết hết cả tám, căn nhà trống người với 8 hủ cốt xếp hàng. Họ
chết oan vì hệ thống y tế quá tệ, họ chết vì thiếu máy thở, thiếu thuốc, thiếu
được chăm sóc kịp thời. Họ chết oan vì không được chích vaccine đúng lúc khi mới
bùng phát dịch. Họ chết oan vì dính bệnh lúc bị tập trung lây nhiễm chéo.
Những oan hồn của họ vẫn còn lang thang, luẩn
quẩn đâu đây. Và nước mắt vẫn lặng lẽ rơi từ trong những căn nhà trong xóm nhỏ
cho đến những căn biệt thự xa hoa. Con virus chẳng phân biệt ai, chẳng từ một
ai nếu không biết giữ cũng như không được chữa trị tận tình. Nặng như hai cha
con người Trung Quốc hay anh chàng người Anh khi mới chớm dịch, các bác sĩ Việt
Nam cứu sống vì lúc đó chẳng mấy người nhiễm bệnh, máy móc, thiết bị tập trung
dồn vào cứu chữa.
Còn bây giờ thiết bị thiếu, nhân lực thiếu,
giường nằm cũng chẳng còn nên cứ trở nặng là chết. Đến độ lứa tuổi 20,30,40
cũng liên tục tử vong chứ đừng nói đến người già trên tuổi 65. Từ cuối tháng
tư, Sài Gòn nhuốm bệnh, Sài Gòn đau thương và bây giờ Sài Gòn đã thấm mệt trong
những thời gian cuối cùng. Sài Gòn đang hấp hối. Ai hát được những nỗi đau này
không. Ai vẽ hết những tang thương này không.
Ai viết được những nỗi buồn và oan trái của những
cái chết oan ức. Hay chỉ là những lời cỗ vũ quyết tâm thắng giặc. Hay những lời
ca tụng một chiều. Hay chỉ viết về ánh sáng mà bỏ quên bóng tối. Bóng tối của
bi thương, tù hãm với tang tóc của một Sài Gòn đầy nước mắt.
4.9.2021
Sài Gòn lockdown ngày thứ năm mươi tám.
DODUYNGOC
No comments:
Post a Comment