Sài Gòn ngày phong tỏa thứ năm
mươi sáu
02/09/2021
https://baotiengdan.com/2021/09/02/sai-gon-ngay-phong-toa-thu-nam-muoi-sau/
Tiếp theo phần 1 — phần 2 — phần 3 — phần 4 — phần 5 — phần 6 — phần 7 — phần 8 — phần 9 — phần 10 — phần 11 — phần 12 — phần 13 — phần 14 — phần 15 — phần 16 — phần 17 — phần 18 — phần 19 — phần 20 — phần 21 — phần 22 — phần 23 — phần 24 — phần 25 — phần 26 — phần 27 — phần 28 — phần 29 — phần 30 — phần 31 — phần 32 — phần 33 — phần 34 — phần 35 — phần 36 — phần 37 — phần 38 — phần 39 — phần 40 — phần 41 — phần 42 — phần 43 — phần 44 — phần 45 — phần 46 — phần 47 — phần 48 — phần 49 — phần 50 — phần 51 — phần 52 — phần 53 — phần 54 — phần 55
*
Lại tiếp tục một ngày đi vào đi ra, đi lên đi
xuống và trông mong ngày giải toả giãn cách, giã từ giới nghiêm. Nhưng sáng nay
đọc tin TS-BS Nguyễn Tri Thức, Giám đốc BV Chợ Rẫy cho biết do hiện tại số ca F0
chưa giảm nên ước tính đến cuối tháng 10, đầu tháng 11 số ca bệnh nặng mới bắt
đầu giảm và khi đó, các trung tâm hồi sức mới giảm tải được. Như thế thì
ngày mong đợi vẫn còn hai tháng nữa.
Riêng mình thì chỉ cảm thấy tù túng thôi,
nhưng nghĩ đến người lao động thì xót cho họ quá. Và những chủ quán, chủ tiệm,
những người buôn bán nữa. Đã gần nửa năm nay, giới lao động thất nghiệp, người
bán buôn ế khách rồi bị đóng cửa, tiền mặt bằng không kham nổi đành chia tay.
Nhiều người mới khởi nghiệp đành ôm nợ. Ngay những quán tạp hoá nhỏ trong những
xóm nghèo cũng trở thành người không còn phương sinh kế. Nhiều doanh nghiệp vừa
và nhỏ đành thúc thủ trước thời cuộc và tuyên bố phá sản.
Chỉ tính từ đầu năm 2021, TP.HCM với hơn
13.000 doanh nghiệp tạm ngưng kinh doanh trong 11 tháng. Song song đó, số doanh
nghiệp đã hoàn tất các thủ tục giải thể trong 11 tháng, theo thống kê của Sở
KH-ĐT lên gần 5.200 doanh nghiệp. Còn theo Tổng cục
Thống kê, tính chung 11 tháng cả nước có gần 93.500 doanh nghiệp tạm ngừng kinh
doanh có thời hạn, ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể và hoàn tất thủ tục
giải thể.
Trong đó, có hơn 44.400 doanh nghiệp tạm ngừng
kinh doanh có thời hạn. Có 33.600 doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ làm thủ tục
giải thể và hơn 15.400 doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể. Trung bình mỗi
tháng có 8.500 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường. Đó chỉ là con số cuối năm
2020 đầu năm 2021. Trong 7 tháng đầu năm 2021, có
79.673 doanh nghiệp rút khỏi thị trường Việt Nam. Chỉ riêng thành phố, trong 8
tháng đầu năm, đã có 24.000 doanh nghiệp dẹp tiệm.
Trong đợt bùng phát dịch từ cuối tháng 4.2021
đến nay, giãn cách, phong toả, giới nghiêm như hiện nay, con số rồi sẽ còn tăng
nhiều hơn nữa. Doanh nghiệp lớn chấm dứt hoạt động kéo theo hàng ngàn công nhân
thất nghiệp, doanh nghiệp nhỏ giải thể cũng có vài trăm, vài chục người. Biết
bao gia đình đành phải gặp biết bao nhiêu thiếu thốn trong đời sống.
Tình hình dịch ở thành phố vẫn còn căng thẳng,
theo Cổng thông tin Covid-19 TP.HCM khuya 1.9, trong ngày TP.HCM ghi nhận 5.330
ca nhiễm, có 2.699 trường hợp xuất viện và 303 ca tử vong.
Như thế so với con số từ ngày 20.8.2021 có
3.375 ca đến ngày 25.8.2021 có 5.294 ca và 30.8.2021 có 5.889 ca, 1.9.2021 có
5.368 ca nhiễm. Con số tử vong vẫn từ 250 đến trên dưới 400 ca một ngày, có
ngày lên trên 500 ca. Ngày 31.8 và 1.9 có 658 ca tử vong. Với những con số so
sánh sơ lược như thế, chúng ta thấy rằng tuy siết chặt giãn cách, số người nhiễm
bệnh và tử vong vẫn không hề giảm, đó là chưa có thống kê F0 khi xét nghiệm mở
rộng và số tử vong tại nhà.
Cho nên, rất đồng tình với Thủ tướng Phạm Minh
Chính khi ông cho rằng: “Chúng ta không thể sử dụng biện pháp cách ly, phong tỏa
mãi được vì khó khăn cho nhân dân và nền kinh tế là rất lớn. Việc ứng dụng khoa
học y khoa trong phòng chống dịch là chìa khóa cốt lõi của thành công, để chiến
thắng dịch bệnh”.
Cũng rất đồng ý với ông Nguyễn Văn Nên, Bí thư
thành phố khi ông nói “TP.HCM không thể thực hiện Chỉ thị 16 mãi”. Thật ra
phong toả ngắn hạn là biện pháp để ngăn chận lây lan dịch bệnh. Nhưng phong toả
kéo dài mà thiếu những biện pháp an sinh xã hội cũng như không đủ giường cho
người nhiễm bệnh, không đủ thiết bị để điều trị, không đủ nhân lực để chữa trị
cũng như không thể ngăn người dân đi lại mãi được vì cuộc sống cần có nhiều việc,
nhiều lúc phải ra đường để giải quyết vì đã bị cách ly thời gian dài thì giãn
cách không mang lại hiệu quả. Tỷ lệ tử vong của Việt Nam đã lên đến trên 4%
trên số người mắc bệnh.
Một con số rất cao so với thế giới cũng như
các nước đang cao trào dịch như Thái Lan, Ấn Độ… Khi không thể diệt hết dịch,
phải tìm cách để sống chung với nó và có những kế hoạch để thích nghi.
Trước hết, nhà máy, cơ quan, xí nghiệp, công
ty cho phép hoạt động trở lại. Công nhân, công chức, nhân viên đi làm phải có
chứng minh đã được chích vaccine ít nhất một mũi. Sau đấy, tiệm ăn, hàng quán,
các cửa tiệm, nhà hàng, khách sạn được mở cửa, có thể thời gian ngắn ban đầu
các nhà hàng, tiệm ăn có thể bán online hoặc mua về. Chợ lớn, chợ nhỏ được buôn
bán và người đi chợ bị hạn chế trong một khu vực nhất định. Những người trên 65
tuổi, có bệnh nền không khuyến khích di chuyển và nên hạn chế đi lại ngoài phố.
Người buôn bán rong, bán vé số, kiếm ăn ở đường
phố được tiếp tục hành nghề sau khi đã được tiêm chủng. Đến lúc đấy cứ xem như
virus Vũ Hán là một bệnh truyền nhiễm bình thường như các căn bệnh khác và xem
đã tiêm chủng vaccine như thẻ thông hành để tham gia các cuộc hoạt động đông
người và vào ra nơi công cộng như các nước hiện nay đã làm và có được thành
công nhất định. Được như thế, chúng ta sẽ từ biệt với giãn cách, với phong toả,
giới nghiêm và cuộc sống dần dần sẽ trở lại bình thường.
Quái đản và não rỗng nhất là trên đài VTV của
nhà nước vào ngày 18-8-2021 trong chương trình Đối diện với chủ đề “Chống Virus
tin độc”, anh chàng dẫn chương trình Quang Anh của VTV phát ngôn rằng những người
chủ trương “Sống chung với COVID-19 là luận điệu của những kẻ rắp tâm chống
phá!”. He… he giờ ông Thủ tướng rồi ông Bí thư thành phố HCM tuyên bố như thế
thì có phải là chống phá không? Hỡi đài truyền hình nhà nước? Dân ta thường bảo
“Biết thì thưa thốt, không biết thì dựa cột mà nghe”. Đã thiếu suy nghĩ lại phê
phán, chụp mũ lung tung.
Hôm qua, cũng tin trên báo nhà nước, PGS Phạm
Duệ, nguyên Giám đốc Trung tâm Chống độc BV Bạch Mai, cho biết để thực hiện mục
tiêu giảm tỷ lệ tử vong ở bệnh nhân nhiễm dịch, song song với hướng dẫn điều trị
của Bộ Y Tế ban hành thì cần chú ý về vấn đề chăm sóc bệnh nhân. BS Duệ cho rằng
việc điều trị bệnh nhân nhiễm dịch tầng 3 tại thành phố do thiếu nhân lực nên người
bệnh chưa được chăm sóc chu đáo nhất là về dinh dưỡng, tâm lý đưa đến con số tử
vong cao. Tình trạng khó khăn nhất hiện nay thiếu nhất là điều dưỡng, người trực
tiếp chăm sóc người bệnh.
Nếu bác sĩ hiện nay đã làm 200% công suất thì
điều dưỡng đang làm 300% sức lực, không biết sẽ gục ngã lúc nào.
Nhiều bệnh nhân SpO2 tụt nhưng chỉ cần kiên
trì cho ăn từng miếng thì SpO2 tăng lên, điều đó cho thấy người bệnh có thể bị
suy kiệt vì thiếu dinh dưỡng. Những người nặng đã có thể ăn bằng xông, hoặc nặng
hơn truyền tĩnh mạch nhưng bệnh nhân thở oxy qua mask khó ăn, uống hơn.
Vì vậy, PGS Duệ đã gửi kiến nghị các biện pháp
giảm số ca tử vong trong số đó cần ngay là tăng số người chăm sóc bệnh nhân.
Giải pháp đưa ra là gì? Bộ trưởng Y tế kêu gọi
những bệnh nhân F0 đã được chữa trị hoặc khỏi bệnh nên trở thành tình nguyện
viên ở lại các bệnh viện để giúp đỡ người bệnh. Việc này cũng là một giải pháp
tốt. Đồng thời các bệnh viện cũng nên nghiên cứu cho phép người nhà được trực
tiếp chăm sóc bệnh nhân, nhất là những bệnh nhân nặng.
Thông thường, trong gia đình có người nhiễm sẽ
đưa đến cả nhà nhiễm. Nhưng mỗi người có mỗi tình trạng khác nhau. Có người
dương tính nhưng không triệu chứng, có người nhiễm nhưng triệu chứng nhẹ và có
người, thường là ông bà, cha mẹ lớn tuổi, có bệnh nền dễ chuyển biến nặng. Khi
đó, người F0 bị nhẹ sẽ có thể vào bệnh viện chăm sóc cho thân nhân bệnh nặng.
Là con cháu thân thuộc, chỉ phục vụ một người nên sẽ theo dõi, chăm lo tốt hơn
và kịp thời giúp người bệnh qua được cơn sinh tử. Có người thân bên cạnh, người
bệnh an tâm hơn, lạc quan hơn, được sự giúp đỡ tốt hơn.
Lỡ như có mất cũng thấy mặt người thân lần cuối,
còn có người thân liên lạc được với gia đình, ghi được rõ ngày giờ qua đời, một
chi tiết rất quan trọng đối với người Việt. Người chăm sóc đã là F0 nên việc
lây nhiễm cũng không là vấn đề phải lo ngại. Tin rằng nếu được chăm sóc kịp thời,
tỷ lệ tử vong sẽ giảm đi phần nào. Đồng thời cho phép người nhà trực tiếp chăm
sóc bệnh nhân cũng là một giải pháp mang tính nhân đạo và nhân văn. Thu xếp ăn ở
cho người chăm sóc cũng là vấn đề phải bàn tuỳ cơ sở có sẵn của bệnh viện hoặc
có sự đóng góp của gia đình bệnh nhân.
Vấn đề lưu thông hàng hoá trong thành phố cũng
đã từng bước được cải thiện. Sau khi shipper được hoạt động trở lại, tốc độ
giao hàng của hệ thống cung ứng nhanh hơn và nhu cầu đơn hàng “đi chợ hộ” của
người dân TP.HCM giảm.
Theo ông Nguyễn Nguyên Phương, Phó giám đốc Sở
Công Thương TP.HCM, cho biết từ 30.8 đến nay, 22.124 người giao hàng công nghệ
(shipper) của 33 đơn vị đã đăng ký hoạt động trở lại tại 21 quận, huyện và TP
Thủ Đức.
Cụ thể, ngày 30.8, 7.481 shipper đã đáp ứng
các yêu cầu và đi giao nhận 138.101 đơn hàng. Ngày 31.8, 8.942 shipper đã giao,
nhận 163.332 đơn hàng. Tình hình nhu cầu về đơn hàng “đi chợ hộ” của người dân
có dấu hiệu giảm. Như vậy, áp lực cho hệ thống phân phối giảm nên tốc độ chuẩn
bị đơn hàng cũng nhanh hơn. Vấn đề bây giờ là các ban ngành liên quan của thành
phố phải thống nhất một phương án lâu dài, thuận tiện cho đội ngũ shipper. Bởi
sau nhiều chỉ thị và văn bản, ai cũng thấy rằng không lực lượng nào có thể thay
thế được đội ngũ chuyên nghiệp có tổ chức này. Do đó nên có một quy chế rõ
ràng, nhất quán và lâu dài để mạch máu lưu thông hàng hoá của thành phố được chạy
một cách trơn tru và kịp thời.
Những dòng cuối của nhật ký hôm nay nhắc đến
những cuộc thi do Sở Văn hoá và Thể thao, Hội Nhạc sĩ, Tổng Liên đoàn Lao động
Việt Nam phát động bấy lâu nay. Nào thi thơ, viết văn, kể chuyện, chụp hình,
sáng tác tranh… nói chung là các loại hình nghệ thuật nhằm để động viên, khích
lệ tinh thần đoàn kết, vượt mọi khó khăn, nhường cơm, sẻ áo, góp công, góp sức,
quyết tâm chiến thắng dịch bệnh của các lực lượng tuyến đầu chống dịch.
Nói tóm lại là một hình thức để cổ vũ phong
trào, tuyên truyền. Cuộc thi của Tổng LĐLĐVN mang tên “Giai điệu nơi tuyến đầu”
và “Thời khắc khó quên” với giải thưởng tổng cộng là 500 triệu đồng.
Sở Văn hoá và Thể thao Thành phố Hồ Chí Minh mở
cuộc vận động sáng tác, dàn dựng và phổ biến các tác phẩm văn học, nghệ thuật với
chủ đề “Chung một niềm tin chiến thắng,”. Ban Dân vận Thành ủy phối hợp Ban
Tuyên giáo Thành ủy tổ chức Cuộc thi viết “Tình người nơi tuyến đầu phòng, chống
dịch COVID-19”.
Theo ý kiến của một số anh chị em văn nghệ sĩ
cũng như nhiều người dân. Trong tình hình đau thương và chết chóc đang diễn ra
hàng ngày trên thành phố, những cuộc thi mang tính phong trào và tuyên truyền
như thế này không nên tổ chức. Bởi các tác phẩm cũng sẽ có nội dung tuyên
dương, cổ vũ, phản ánh chỉ được một mặt.
Phần còn lại của cơn đại dịch như cảnh thiếu
cơm của tầng lớp lao động, nỗi bi thương của những gia đình tan nát, những cái
chết không có lễ nghi đưa tiễn, những xe lạnh chứa xác người, những hàng dài áo
quan xếp hàng chờ đến lượt thiêu, những giây phút đau đớn cuối cùng của bệnh
nhân sắp lìa đời, những khó khăn, gian truân của những người lao động nhập cư
trên đường về quê, những thân phận của những người sống vỉa hè…, chắc chắn sẽ
không hiện diện trong các tác phẩm hay sẽ không được trao giải. Và như thế sẽ
không có tác phẩm nào phản ánh được một cách trung thực cơn đại dịch ở đất Sài
Gòn.
Có gì vui đâu mà thi với cử. Có gì hay đâu mà
phát động phong trào ngợi ca. Dùng tiền thưởng đấy góp phần mua máy thở hay
thêm gạo cho dân nghèo có lẽ hợp lý hơn.
No comments:
Post a Comment