Phản
đòn của Mỹ trong cuộc chiến công nghệ với Trung Quốc
Phạm
Mạnh Hùng - VietnamNet
23/09/2021 10:25
https://diemtin.vn/phan-don-cua-my-trong-cuoc-chien-cong-nghe-voi-trung-quoc-5112649.html
Mỹ kỳ vọng hưởng phần lớn miếng bánh công nghệ
cao béo bở ở thị trường khổng lồ này còn Trung Quốc chỉ “làm thuê” cho Mỹ và
phương Tây. Nhưng thực tế không diễn ra như vậy. Trung Quốc đang lăm le vượt Mỹ
cả về kinh tế và công nghệ, xung đột sâu sắc với Mỹ về giá trị cốt lõi, ý thức
hệ và mô hình phát triển.
Thị trường Trung Quốc khổng lồ nhưng các đại
gia công nghệ cao của Mỹ như Facebook, Google, YouTube đều bị gạt ra, các công
ty khác thì phải chấp nhận đánh đổi chuyển giao công nghệ để thâm nhập thị trường.
Nguồn cơn và trả
đũa
Ngôi vị bá chủ công nghệ Mỹ nắm giữ trong suốt
gần 1 thế kỷ qua đang bị Trung Quốc thách thức. Kể từ sau thế chiến thứ 2, Mỹ
luôn tiên phong trong hầu hết các công nghệ then chốt, tạo nên một hệ sinh thái
công nghệ toàn cầu và tận hưởng những lợi thế to lớn cho phát triển kinh tế,
quân sự và xác lập vị thế chính trị.
Huawei là một trong
những công ty Trung Quốc chịu ảnh hưởng nặng nề nhất vì lệnh trừng phạt của Mỹ.
Ảnh: AP
Nhưng đến nay, số lĩnh vực công nghệ Mỹ duy
trì khoảng cách rõ rệt với Trung Quốc ngày càng giảm. Mỹ cáo buộc Trung Quốc
chơi xấu và viện dẫn lý do “an ninh quốc gia” để trừng phạt các gã công
nghệ khổng lồ Trung Quốc. Ngay từ năm 2012, chính quyền Barack Obama đã cáo buộc
về rủi ro an ninh đối với Huawei, ZTE và cản trở Huawei xâm nhập thị trường Mỹ.
Nhưng phải đến chính quyền Donald Trump thì Mỹ
mới xác định Trung Quốc là đối thủ cạnh tranh chiến lược trong Chiến lược an
ninh quốc gia năm 2017. Hành động kiềm chế công khai đầu tiên là từ tháng
1/2018, khi Mỹ ép tập đoàn AT&T rút khỏi thỏa thuận phân phối điện thoại
thông minh cho Huawei.
Sau đó, kể từ tháng 8/2018, Nhà Trắng dồn dập
tung đòn trừng phạt các gã công nghệ khổng lồ Trung Quốc. Thậm chí khi chỉ còn
2 ngày là mãn nhiệm, Tổng thống Donald Trump vẫn tung cú đấm bồi vào Huawei với
việc ký lệnh thu hồi giấy phép và từ chối hàng chục giấy phép cung cấp linh kiện
cho Huawei. Chính quyền Trump đã hành động quyết liệt với một loạt chính sách cứng
rắn.
Khi ông Joe Biden lên cầm quyền, công nghệ
được nâng tầm trở thành trọng tâm trong chiến lược ứng phó với Trung Quốc, với
quan điểm Mỹ lãnh đạo thế giới bằng sức mạnh công nghệ tiên tiến nhất, không chỉ
bằng sức mạnh quân sự.
Do vậy, Mỹ có sự điều chỉnh về tư duy với một
bộ chính sách có mục tiêu, toàn diện và chịu chi, tập trung hơn, hợp tác mật
thiết với đồng minh cùng đối tác. Chính quyền của ông Biden vừa tiếp nối chính
sách cứng rắn thời ông Trump vừa tăng cường tham vấn và hợp tác chặt chẽ với đồng
minh và đối tác trong kiềm chế sự phát triển công nghệ cao của Trung Quốc.
Mỹ đồng thời tung ra các gói nghìn tỷ USD và mức
giảm thuế khủng nhằm nhanh chóng xốc lại nền công nghệ cao, đảm bảo tự chủ
và duy trì lợi thế dẫn đầu.
“Tẩy chay” 5G
Trung Quốc
Công nghệ 5G không chỉ quan trọng với ngành viễn
thông và mạng di động mà còn là nền tảng cho các công nghệ thế hệ tiếp theo như
trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn và Internet vạn vật… Bởi thế, quốc gia nào thắng
trong cuộc đua 5G thì cũng có cơ thắng trong các lĩnh vực khác và mang lại ảnh
hưởng lớn trên toàn cầu.
5G quan trọng như vậy nhưng Mỹ lại chậm chân
trong khi Trung Quốc chiếm ưu thế. Thiết bị 5G Trung Quốc chiếm hơn 40% thị phần
toàn cầu, len sâu vào cả cơ sở hạ tầng viễn thông các nước đồng minh của Mỹ.
Cuộc chiến công nghệ
Mỹ - Trung Quốc mới chỉ là khúc dạo đầu
Mỹ hiểu rằng một khi các nước đã sử dụng thiết
bị 5G của Trung Quốc thì đồng nghĩa với việc Mỹ bị loại khỏi cuộc chơi dài hạn,
chưa kể những hệ lụy sẽ rất lớn đối với kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh
của Mỹ và đồng minh. Bởi vậy, Mỹ bằng mọi cách ghìm Trung Quốc phát triển 5G đồng
thời đẩy mạnh phát triển 6G nhằm lật ngược tình thế.
Năm 2018, Mỹ khởi động chiến dịch nhằm loại
các công ty Trung Quốc thực hiện mạng 5G và loại thiết bị 5G Trung Quốc khỏi cơ
sở hạ tầng viễn thông của Mỹ và các nước đồng minh với lý do nguy cơ mất an
ninh. Có một số nước loại hẳn 5G Trung Quốc, tiên phong là Australia, rồi Nhật
Bản, Anh và New Zealand.
Mỹ cho các nước đang phát triển vay tiền để
mua thiết bị 5G của Ericsson, Nokia và Samsung Electronics, cung cấp các khóa
đào tạo, làm cuốn cẩm nang giúp các nhà hoạch định chính sách ở Trung Âu, Đông
Âu và các nước đang phát triển xây dựng mạng 5G không dùng thiết bị 5G Trung Quốc.
Chốt chặn chip
tiên tiến
Con chip ra đời năm 1958 được sử dụng trong
tên lửa hạt nhân. Ngày nay, nó là chìa khóa để một quốc gia dẫn đầu về công nghệ
với vai trò then chốt trong mọi sản phẩm điện tử, từ điện thoại thông minh đến
ô tô, tàu vũ trụ, các công nghệ mới nổi như 5G, trí tuệ nhân tạo…
Mỹ có lợi thế nắm giữ thiết bị và công cụ sản
xuất chip tiên tiến trong khi Trung Quốc không chỉ tụt hậu mà phụ thuộc Mỹ và đồng
minh về thiết bị, công cụ sản xuất chip tiên tiến. Mỹ khoét sâu vào “tử huyệt”
để kiềm chế Trung Quốc với các biện pháp chủ yếu:
Kiểm soát chặt thiết bị và công cụ sản xuất
chip tiên tiến không rơi vào tay Trung Quốc, điển hình là việc thuyết phục
thành công hãng ASML Hà Lan không bán cỗ máy quang khắc tia cực tím EUV trị giá
150 triệu USD cho Trung Quốc. Như vậy, trong ngắn hạn, Trung Quốc không thể sản
xuất được dòng chip tiên tiến thế hệ 7nm.
Cấm các công ty gồm cả công ty nước ngoài có sử
dụng thiết bị hoặc công cụ của Mỹ trong sản xuất chip bán sản phẩm chip cho những
công ty Trung Quốc bị liệt vào danh sách đen.
Tăng cường giám sát các hoạt động mua lại hoặc
đầu tư vào các công nghệ bán dẫn, hạn chế sự tham gia nghiên cứu và phát triển
chung về học thuật giữa các công ty, phòng thí nghiệm, tổ chức giáo dục của Mỹ
và Trung Quốc. Như vậy, với chốt chặn chip tiên tiến, Mỹ khiến cho đường tới “tự
chủ công nghệ bán dẫn” của Trung Quốc càng trở nên khó khăn gấp bội và dài
hơn.
Đồng thời, Mỹ hợp tác với các quốc gia và vùng
lãnh thổ xây dựng chuỗi cung ứng chip tiên tiến toàn cầu không Trung Quốc, khôi
phục vị thế ngành sản xuất chip tiên tiến của Mỹ nhằm đảm bảo tự chủ và phát
triển năng lực sản xuất chip tiên tiến.
Nhằm tăng tỷ lệ sản xuất chip nội địa, Mỹ một
mặt thúc đẩy mở rộng sản xuất nội địa, mặt khác, thu hút đồng minh đặt nhà máy
sản xuất chip ở Mỹ và bước đầu đã đạt kết quả đáng kể.
Ngày 23/3, Intel quyết định xây dựng 2 nhà máy
sản xuất chip tại tiểu bang Arizona với kinh phí dự kiến từ 60-120 tỷ USD. Mỹ
cũng đã lôi kéo thành công 2 hãng sản xuất chip tiên tiến nhất thế giới là TSMC
và Samsung Electronics đặt nhà máy ở Mỹ. TSMC cam kết đầu tư 12 tỷ USD, Samsung
Electronics cam kết đầu tư 17 tỷ USD. Các nhà máy này dự kiến hoạt động năm
2023, sản xuất các dòng chip thế hệ tiên tiến nhất.
Đến nay, cuộc chiến công nghệ Mỹ - Trung Quốc
mới chỉ là khúc dạo đầu, tiếp tục leo thang và kéo dài.
Xét tổng thể, dù không còn ưu thế tuyệt đối
nhưng Mỹ vẫn ở thế “cửa trên” với những vũ khí lợi hại cùng lợi thế như
các trường đại học hàng đầu, nhiều tập đoàn công nghệ hùng mạnh, văn hóa cởi mở
để thu hút và giữ chân nhân tài toàn cầu.
Phạm Mạnh Hùng
----------------------------------------------------------------------
.
.
Kế sách soán ngôi bá
chủ công nghệ của Trung Quốc
Phạm
Mạnh Hùng - VietnamNet
21/09 06:03
https://diemtin.vn/ke-sach-soan-ngoi-ba-chu-cong-nghe-cua-trung-quoc-5110223.html
Hậu thuẫn các cánh
chim đầu đàn
Kế hoạch Made in China 2025 thực hiện từ năm
2015 ưu tiên phát triển 7 cánh chim đầu đàn về công nghệ thông tin và viễn
thông thế hệ mới với nhiệm vụ xác định. Alibaba về thương mại điện tử,
tài chính, điện tử và thanh toán điện tử. Tencent về trò chơi điện tử,
thương mại điện tử, tài chính. Baidu về công cụ tìm kiếm trực tuyến,
công nghệ viễn thông và các trò chơi trực tuyến.
Huawei về công nghệ thông tin,
công nghệ cao, phần mềm, điện thoại di động và chip điện tử. Xiaomi về phần cứng
công nghệ thông tin, điện thoại di động. Byte Dance về mạng xã hội. ZTE
về chip điện tử, chất bán dẫn, công nghệ số…
Để đạt mục tiêu trên, Trung Quốc dùng đủ chiêu
thức, phổ biến là trợ cấp tài chính, tiếp cận nguồn đất đai giá rẻ, giảm thuế, gạt
các đối thủ nước ngoài, điển hình như việc gạt Facebook, Google, YouTube ra khỏi
thị trường Trung Quốc, cưỡng ép các công ty nước ngoài chuyển giao công nghệ để
được tiếp cận thị trường, nới lỏng quy định cho các doanh nghiệp công nghệ cao
Trung Quốc tự do phát triển…
Việc này được các doanh nhân tầm cỡ, tham vọng
và tài năng của Trung Quốc phát huy triệt để. Do vậy, những doanh nghiệp ưu
tiên lớn nhanh như thổi, nhanh chóng trở thành các “ông vua nội địa” với sứ mệnh
tiên phong tiến ra chiếm lĩnh thị trường toàn cầu. Điển hình là Huawei.
Được thành lập năm 1987, năm
2001 Huawei bắt đầu tiến ra toàn cầu bằng việc lập công ty con tại
Plano, Mỹ. Với sự hậu thuẫn của nhà nước, Huawei nhanh chóng vượt mặt các đối
thủ lâu đời như Nokia và Ericsson, trở thành "nhà vô địch" trong cuộc
đua 5G.
Ngay cả năm 2020, dù bị Mỹ và đồng minh
trừng phạt rất nặng nhưng với sự hậu thuẫn của nhà nước trong việc bố trí các dự
án lớn ở thị trường nội địa, Huawei vẫn dẫn đầu về thị phần thiết bị 5G toàn cầu
với 31,7%.
Các cánh chim đầu đàn khác cũng gặt hái thành
công lớn. Xiaomi thành lập năm 2010 nhưng đến năm 2019 đã đứng thứ 4 thế giới về
sản xuất smartphone, năm 2020 vươn lên thứ 3, quý 2 năm nay đứng thứ 2. Alibaba
thành lập năm 1999 và nhanh chóng trở thành “ông vua nội địa” về thương mại điện
tử, thanh toán điện tử… Bytedance với mũi nhọn là mạng xã hội Tiktok đã thu hút
được hơn 2 tỷ người trên thế giới theo dõi…
Xây dựng Con đường
tơ lụa kỹ thuật số
Trung Quốc khởi xướng Con đường tơ lụa kỹ thuật
số năm 2015 nhằm nhân rộng mô hình kỹ thuật số ra toàn cầu, lập “vùng ảnh hưởng
độc quyền” với tiêu chuẩn, quy tắc và luật chơi của họ.
Dưới sự dẫn dắt và hoạt động tích cực của các
gã công nghệ khổng lồ, nước này đang dần lấp đầy các “khoảng trống” kỹ thuật số
rộng khắp thế giới, trải dài 3 châu lục Á - Âu - Phi, trong đó trọng tâm là
Đông Nam Á, Trung Á, Trung Âu, Đông Âu và Đông Phi, tập trung vào các nước đang
phát triển nhưng cũng gồm cả nước phát triển.
Gian trưng bày điện
thoại và máy tính bảng tại đại hội thế giới di động ở Thượng Hải, Trung Quốc. Ảnh:
THX
Trung Quốc đã xây dựng hơn 30 tuyến cáp quang
đất liền xuyên biên giới và hơn 10 tuyến cáp ngầm dưới biển quốc tế, đi đầu
trong phát triển thành phố thông minh ở nhiều nơi trên thế giới, bao gồm ở
Trung Á và Nga, châu Phi, Trung Đông… Họ còn vươn tới cả lĩnh vực không gian.
Thương mại điện tử cũng được xúc tiến mạnh mẽ,
Trung Quốc ký kết hợp tác xây dựng thương mại điện tử với 19 nước ở khu vực Á -
Âu - Phi tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp công nghệ Trung Quốc dễ dàng thay
thế Nokia, Ericsson ở Ethiopia, Nigeria, Séc, Pakistan, Mông Cổ…
Đến nay, Trung Quốc dần lấp đầy các “khoảng trống”
kỹ thuật số rộng khắp thế giới, đã phần nào lập được “vùng ảnh hưởng độc quyền”,
nắm trong tay hệ thống cáp quang, hệ thống định vị vệ tinh Bắc Đẩu, các trung
tâm dữ liệu, nền tảng ứng dụng thương mại. Nước này dễ dàng kiểm soát và tạo ảnh
hưởng đối với các đối tác, giám sát dòng trao đổi thông tin trên Internet, từ hệ
thống cáp quang, truy cập các kho dữ liệu địa phương…
Con đường tơ lụa kỹ thuật số là cách Trung Quốc
tái cấu trúc trật tự quốc tế theo lợi ích và ý thức hệ của họ.
Thiết lập tiêu chuẩn
công nghệ toàn cầu
Trung Quốc ý thức rất rõ rằng "ai thiết lập
tiêu chuẩn sẽ giành được cả thế giới”. Năm 2020, nước này ban hành Kế hoạch
tiêu chuẩn Trung Quốc 2035 đưa ra đường hướng và kế hoạch chi tiết 15 năm để
thiết lập các tiêu chuẩn toàn cầu cho thế hệ công nghệ tiếp theo, tập trung vào
các công nghệ mới nổi như công nghệ 5G, trí tuệ nhân tạo, Internet vạn vật, điện
toán đám mây, dữ liệu lớn...
Con đường tơ lụa kỹ thuật số khởi xướng năm
2015 là một kênh quan trọng để Trung Quốc quốc tế hóa tiêu chuẩn công nghệ,
công nghiệp quốc gia. Một phương thức phổ biến là các viện trợ và các dự án
phát triển cơ sở hạ tầng kỹ thuật số đều có ràng buộc mua công nghệ của công ty
đại lục, trực tiếp tích hợp hệ thống theo chuẩn công nghệ của Trung Quốc vào
các quốc gia tiếp nhận viện trợ.
Trung Quốc gia tăng ảnh hưởng của ở các diễn
đàn quốc tế then chốt về thiết lập tiêu chuẩn công nghệ và quản trị.
Các gã công nghệ khổng lồ Trung Quốc với vị thế
đi đầu và ảnh hưởng mạnh mẽ trên thị trường toàn cầu về các công nghệ mới nổi tạo
thuận lợi lớn trong thiết lập tiêu chuẩn toàn cầu.
Gần đây, Trung Quốc cũng đã đề xuất những sửa
đổi sâu rộng đối với Internet thông qua giao thức Internet mới; thúc đẩy nghị
trình về lĩnh vực thành phố thông minh và không gian….
Tóm lại, Trung Quốc ngày càng gia tăng ảnh hưởng
và có tham vọng lớn trong thiết lập tiêu chuẩn toàn cầu, nhất là ở các công nghệ
mới nổi. Dẫu vậy, để với tới ngôi vị bá chủ, Trung Quốc còn một chặng đường dài
phía trước với nhiều chông gai.
Nền công nghệ Trung Quốc có gót chân Achilles
không dễ khắc phục một sớm một chiều, phụ thuộc vào Mỹ và đồng minh về công nghệ
cốt lõi. Chưa kể, các nước rất cảnh giác với công nghệ Trung Quốc.
* Kỳ 3: Phản đòn của Mỹ trong cuộc chiến
công nghệ với Trung Quốc
Phạm Mạnh Hùng
.
---------------------------------------------------------------
.
.
Hành trình xưng bá công nghệ
của Trung Quốc
Phạm
Mạnh Hùng - VietnamNet
19/09 22:09
https://diemtin.vn/hanh-trinh-xung-ba-cong-nghe-cua-trung-quoc-5107897.html
Giấu mình chờ thời
Ngay khi tiến hành cải cách, mở cửa năm 1978,
nhà lãnh đạo Trung Quốc Đặng Tiểu Bình xác định khoa học và công nghệ là 1
trong 4 hiện đại hóa, yếu tố then chốt để đưa đất nước tới “thịnh vượng và quyền
lực”.
Lãnh đạo Trung Quốc đã tiến hành cải cách đột
phá về thể chế khoa học và công nghệ, thực hiện chính sách “tôn trọng trí thức,
tôn trọng nhân tài”. Họ làm mọi cách để tăng nhanh số lượng cá nhân ưu tú
đến Mỹ và các nước phát triển học tập nhằm “bù đắp cho hàng thập kỷ mất mát” bởi
cách mạng Văn hóa, nhanh chóng bắt kịp tiến bộ khoa học và công nghệ thế giới.
Công nhân làm việc
tại một nhà máy ở tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc. Ảnh: Reuters
Đến cuộc khủng hoảng tài chính thế giới năm
2007-2008, Trung Quốc đạt được bước tiến lớn nhưng vẫn chỉ được biết đến là
“công xưởng thế giới”, quốc gia “đạo nhái”, bị xem thường là chỉ giỏi sao chép,
“làm thuê” cho Mỹ và phương Tây.
Nhưng ngay khi đó, Trung Quốc đã chớp thời cơ
Mỹ và phương Tây loay hoay thoát khủng hoảng, tung ra chương trình Ngàn nhân
tài đột phá nhằm chiêu mộ người Trung Quốc xuất chúng thành danh ở nước ngoài.
Đích nhắm là Mỹ, để nhanh chóng có được công
nghệ cao nhằm một mặt tự chủ, không phụ thuộc vào công nghệ cao của Mỹ và đồng
minh, mặt khác, cạnh tranh với Mỹ và đồng minh ở tầm toàn cầu, nhất cử lưỡng tiện
tăng sức mạnh cho mình trong khi làm suy yếu đối thủ.
Bắt đầu từ đó, làn sóng nhân tài Hoa kiều dồn
dập đổ về Trung Quốc, dòng kỹ sư và nhà khởi nghiệp trở về từ thung lũng
Silicon đã góp phần tạo nên xu hướng phát triển bùng nổ của các công ty công
nghệ cao.
Công nhân sản xuất
tại một phân xưởng ở Quảng Châu, Trung Quốc. Ảnh: THX
Nắm bắt thời cơ
Khi ông Tập Cận Bình lên nắm quyền năm 2012, Trung
Quốc thấy mình đã “đủ lông đủ cánh”, không cần “giấu mình chờ thời” nữa mà cần
nắm bắt thời cơ tiến tới mục tiêu “giấc mộng Trung Hoa” vào năm 2049.
Cách mạng công nghiệp 4.0 được cho là cơ hội
hiếm có để Trung Quốc thay thế vị trí lãnh đạo toàn cầu của Mỹ và vượt Mỹ về
công nghệ cao. Bởi vậy, Trung Quốc hạ quyết tâm, dồn lực đột phá vào công nghệ
cao, nhất là những công nghệ mới nổi.
Trung Quốc tin rằng với việc phát huy các ưu
thế vượt trội của mình, họ sẽ sớm thay thế vị trí lãnh đạo công nghệ toàn cầu của
Mỹ với những lợi thế hơn Mỹ gồm:
Thể chế chính trị tập trung quyền lực giúp
Trung Quốc nhanh chóng huy động các nguồn lực nhà nước, xã hội và thị trường
trong thực hiện các chính sách công nghiệp để đạt tham vọng công nghệ.
Trung Quốc hiểu rất rõ rằng để tạo nên sự bứt
phá về công nghệ thì không thể phó mặc hoàn toàn cho khu vực tư nhân và thị trường
mà cần có sự hỗ trợ đắc lực từ khu vực công và nhà nước, nhất là về cơ chế
chính sách và đầu tư.
Mỹ có năng lực đổi mới sáng tạo vượt trội
nhưng lợi thế đó khó có thể phát huy nếu thiếu năng lực sản xuất. Sự phụ thuộc
của Mỹ vào năng lực sản xuất của Trung Quốc, cùng với việc Trung Quốc có số lượng
kỹ sư lớn và sự hỗ trợ đắc lực của nhà nước mang lại những lợi thế cạnh tranh
dài hạn cho Trung Quốc.
Trung Quốc ngày càng có ảnh hưởng lớn trong
thiết lập tiêu chuẩn toàn cầu, nhất là ở các công nghệ mới nổi như 5G, trí tuệ
nhân tạo, Internet vạn vật, điện toán đám mây, dữ liệu lớn...
Ba đại kế
Ba đại kế chủ yếu được Trung Quốc thực hiện để
phát huy các lợi thế nhằm “đi tắt đón đầu” để sớm thay thế vị trí lãnh đạo công
nghệ toàn cầu của Mỹ.
Kế hoạch đột phá 10 năm mang tên Made in China
2025 thực hiện từ năm 2015 nhằm tự chủ về công nghệ cao với 3 điểm nhấn. Đó là:
Ưu tiên phát triển 10 ngành công nghệ cao; ưu tiên tạo nên 7 “ông vua nội địa”
về công nghệ thông tin và viễn thông thế hệ mới với sứ mệnh tiên phong tiến ra
chiếm lĩnh thị trường toàn cầu; tăng cường mua quyền sở hữu trí tuệ để bắt kịp
và vượt sức mạnh công nghệ của Mỹ.
Khởi xướng Con đường tơ lụa kỹ thuật số năm
2015 nhằm nhân rộng mô hình kỹ thuật số ra toàn cầu, giúp Trung Quốc dẫn đầu
toàn cầu về những công nghệ mới nổi và kỹ thuật số.
Tiêu chuẩn Trung Quốc 2035 ban hành cuối năm
2020 nhằm quốc tế hóa tiêu chuẩn quốc gia, thiết lập tiêu chuẩn toàn cầu đối với
các công nghệ thế hệ tiếp theo.
Thành quả và tiềm
lực
Bất chấp những hoài nghi, Trung Quốc đã bứt
phá thần tốc về công nghệ cao, nhanh chóng bắt kịp, thậm chí vượt Mỹ và tiên
phong ở một số lĩnh vực.
Trung Quốc sánh ngang với Mỹ và đồng minh ở những
công nghệ mới nổi như trí tuệ nhân tạo, điện toán lượng tử, xe điện. Hệ thống định
vị vệ tinh Bắc Đẩu của họ được cho là ngang ngửa, có thể thay thế hệ
thống định vị vệ tinh toàn cầu GPS của Mỹ, thậm chí còn được đánh giá là có độ
chính xác hơn. Trung Quốc còn tiên phong đưa vệ tinh liên lạc lượng tử vào
không gian và dẫn đầu thế giới về hệ thống vệ tinh 5G.
Trung Quốc đã vượt Mỹ ở một số lĩnh vực, năm
2016, vượt Mỹ về số bài báo khoa học tự nhiên, năm 2019 vượt về số bằng sáng chế
và số startup. Họ cũng đã vượt Mỹ về thanh toán di động, thương mại điện tử, nhận
dạng khuôn mặt, công nghệ giám sát.
Đặc biệt, Trung Quốc chiếm ưu thế hơn hẳn Mỹ về
công nghệ 5G và kỹ thuật số. Họ bỏ xa Mỹ cả về quy mô, tốc độ phủ
sóng 5G cũng như ứng dụng 5G trong sản xuất công nghiệp. Đến nay, Mỹ vẫn loay
hoay thử nghiệm 5G trong sản xuất công nghiệp, Trung Quốc đã có hệ sinh thái 5G
mạnh, doanh nghiệp đã vận hành 5G đầy đủ, cảng Hạ Môn tự động hóa hoàn toàn năm
2020 với mạng 5G.
Thiết bị 5G Trung Quốc phổ dụng, chiếm hơn 40%
thị phần toàn cầu, len sâu vào cả cơ sở hạ tầng viễn thông của các nước đồng
minh của Mỹ. Trung Quốc còn đang dần lấp đầy các “khoảng trống” kỹ thuật số,
“vùng ảnh hưởng độc quyền” với luật chơi của họ trải rộng khắp
thế giới.
Giờ đây, Trung Quốc đang trên hành trình vươn
tới mục tiêu bá chủ công nghệ vào năm 2035 với nhiều thách thức to lớn nhưng tiềm
lực không hề nhỏ. Đáp trả sự trừng phạt khốc liệt của Mỹ, họ đang quyết
chạy đua phát triển chip tiên tiến, các công nghệ cốt lõi khác và các công nghệ
mới nổi để trở thành "một siêu cường công nghệ tự lực cánh sinh” với bệ đỡ
khá vững về kinh tế, nhân lực, nhân tài cùng khí thế và sự tự tin hơn bao giờ hết.
Trung Quốc có 1,41 tỷ dân, thu nhập bình quân
đầu người trên 10.000 USD, mức tăng trưởng kinh tế cao, tổng nguồn lực huy động
là cực lớn. Nước này có đội ngũ 1,87 triệu nhà nghiên cứu - lớn hơn Mỹ (1,43
triệu người), số tiến sĩ kỹ thuật và kỹ sư cũng nhiều hơn Mỹ. Trung Quốc còn có
tầm nhìn dài hạn, chiến lược rất rõ ràng trong thu hút nhân tài toàn cầu, nhất
là nhân tài Hoa kiều - chìa khóa phát triển công nghệ cao.
Trung Quốc và cá nhân ông Tập Cận Bình có quyết
tâm và ý chí quyết đưa Trung Quốc lên đỉnh cao công nghệ toàn cầu, hiện thực
hóa “giấc mộng Trung Hoa”.
* Kỳ 2: Kế sách soán ngôi bá chủ công
nghệ của Trung Quốc
Phạm Mạnh Hùng
No comments:
Post a Comment