Sunday, September 12, 2021

LÁ CẢI, MỘT NGÀN CÂU CHUYỆN (Phan An)

 


LÁ CẢI một ngàn câu chuyện    

Phan An

12/09/2021

https://books.phanan.net/l/lacai

 

Tải bản xem thử

 

===

 

Lacai.org (Lá Cải) được tôi thành lập vào ngày 16/1/2011, lấy cảm hứng từ trang Viet-Studies của Giáo sư Trần Hữu Dũng. Mục đích của Lá Cải, như tên gọi của nó, là phô bày và đả kích sự lá cải hóa trắng trợn của hệ thống báo mạng Việt Nam. Hình thức của Lá Cải rất đơn giản: Với mỗi tin tức lá cải được dẫn từ báo mạng, tôi thêm vào một hoặc vài câu bình luận theo kiểu bông đùa, giễu cợt. Dần dần, từ chỗ là một dự án thuần túy cá nhân, Lá Cải trở thành một điểm đến khá nổi tiếng, thu hút hàng chục nghìn lượt xem mỗi ngày, góp phần tạo nên một làn sóng cảnh tỉnh và phản tỉnh ở độc giả và những người làm báo trong một vài năm sau đó.

 

Ngày 1/4/2013, tôi quyết định đóng cửa Lá Cải. Lí do thì có một vài, nhưng tựu trung thì cũng đơn giản: Trong suốt hai năm theo đuổi dự án này, mỗi ngày tôi đều phải đọc hàng chục, hàng trăm tin tức về cướp giết hiếp, những chuyện đồi trụy và sa đọa, những thứ lố bịch và kệch cỡm, và càng lúc tôi càng mỏi mệt, càng nhận ra rằng đây là một cuộc chiến đơn độc và vô vọng, và rằng tôi nên dành thời gian vào những công việc lành mạnh hơn, đẹp đẽ hơn.

 

Đầu năm 2021, tôi nhận ra là đã mười năm kể từ ngày tôi bắt đầu làm Lá Cải. Thế là tôi quyết định làm một việc mà tôi đã trì hoãn từ lâu: Thu thập các tin tức và bình luận mà cá nhân tôi tâm đắc nhất để đóng thành sách [...] Thành quả sau mấy tháng lao động của tôi chính là cuốn sách này đây.

 

–––– Trích Lời giới thiệu, Phan An

 

Lá Cải: Một ngàn câu chuyện là tập hợp các tin tức và bình luận từ trang web lacai.org, do chính Phan An, người sáng lập và điều hành Lá Cải, tuyển chọn. Sách được chia làm mười ba chương, mỗi chương gồm một lời đề từ và các mẩu tin xoay quanh chủ đề của chương đó:

 

·         Chuyện vụ án Lê Văn Luyện

·         Chuyện cụ Rùa, cụ Cây, cụ Cá

·         Chuyện showbiz

·         Chuyện tình dục, dâm đãng, đồi trụy

·         Chuyện cướp giết hiếp

·         Chuyện Trung Quốc

·         Chuyện Triều Tiên

·         Chuyện quan chức và phát ngôn của quan chức

·         Chuyện ngoại giao, biển đảo

·         Chuyện giáo dục, thể thao, kinh tế, y tế, xã hội…

·         Chuyện tào lao mía lau

·         Chuyện thủ dâm, ru ngủ

·         Và những thứ dốt nát, ẩu tả khác

 

Sách được bán theo ba gói:

 

·         Gói cơ bản, bao gồm các file sách điện tử thông dụng (PDF, EPUB, MOBI). 

 

·         Gói có chữ kí tác giả. Do đặc thù của sách điện tử, đây sẽ là chữ kí dạng hình ảnh được áp vào trang lót của từng cuốn sách

 

·         Gói đặc biệt: Bạn có thể đăng kí một cuộc gọi trực tuyến (video call) 1:1 có thời lượng tối đa 30 phút để trò chuyện với Phan An với chủ đề không hạn chế (tuy nhiên tác giả giữ quyền từ chối chủ đề nếu cần thiết). Trong vòng 60 ngày sau khi mua sách, vui lòng liên hệ với tác giả qua email để sắp xếp thời gian.

 

===

 

Toàn bộ số tiền bán sách cho đến hết ngày 31/11/2021 (GMT+7) sẽ được dùng để giúp đỡ các nạn nhân COVID-19 tại Việt Nam. 

.

================================================

.

.

Sau khi đọc “Trời hôm ấy không có gì đặc biệt” của Phan An

Trần Hữu Dũng

(5/1/2013)

http://www.viet-studies.net/THDung/THD_DocPhanAn.htm

 

Lời giới thiệu viết cho Phan An

 

Dù đã nghe một số bạn bè nói về Phan An với nhiều cảm tình, và đôi khi có viếng website lacai.org  mà Phan An cho biết (một cách không cần thiết!) là lấy cảm hứng từ website viet-studies của tôi, tôi chưa hề gặp và quen biết Phan An. Thật là một vinh hạnh cho tôi vì, không biết vì lý do nào, Phan An gởi cho tôi xem trước bản thảo cuốn tiểu thuyết đầu tay này của Phan An.

 

Tôi ngạc nhiên và thán phục.

 

Hãy đọc Trời Hôm Ấy Không Có Gì Đặc Biệt như xem một cuốn album của một người thợ ảnh trẻ, nhưng cực kỳ tinh nhạy và tài ba.  Độc giả cùng thế hệ với Phan An sẽ nhận ra chính mình trong đó.  Còn những người nhiều tuổi hơn (hay... rất nhiều tuổi hơn, như tôi) thì sẽ thấy lại trong quyển này những mảnh vụn của một thuở thanh xuân mà mình đã mất.  Mĩm cười và thương mến.  Nhưng chẳng phải vậy thôi, bởi vì tôi nghĩ nó cũng là những dấu vết của tuổi trẻ Việt Nam hôm nay: Một tuổi trẻ thông minh và nghịch ngợm (như mọi nơi, mọi thời) nhưng đã trải nghiệm (với không ít buồn thảm, đớn đau) vô số biến động lịch sử và xã hội.  Lắm khi thất vọng với thế hệ đi trước (và ai lại không thông cảm sự thất vọng ấy?) tuổi trẻ của Phan An nhìn về tương lai với không ít xao xuyến, âu lo. Có cái gì bất ổn (dường như họ cảm thấy như vậy) ở tương lai ấy. Nhưng họ vẫn lạc quan. Đọc kỹ Phan An sẽ thấy bàng bạc điều này: Ngay trong cái vẻ bất cần chua chát của thế hệ Phan An là sự tin tưởng ở một ngày mai tươi sáng hơn.  

 

Nhiều lúc, Phan An làm tôi nhớ đến nhân vật Holden Caulfield trong quyển The Catcher in the Rye[1] tác phẩm kinh điển của nhà văn Mỹ J.D. Salinger.  Song, không như Caulfield mà sự trưởng thành là đi vào Kiếp Người (tôi viết hoa) với một sự cô đơn và chán chường khó tả, giai đoạn trưởng thành giao tiếp của Phan An ở đây là đi vào một xã hội Việt Nam mới, hoà nhập và vươn lên.

 

Nhiều độc giả sẽ cho rằng tiểu thuyết này hơi còn xanh, chưa được “chín” cho lắm.  Không sao.  Bởi lẽ, nhìn một cách khác, tác phẩm này chỉ một người trẻ như Phan An mới viết đựợc.  Có thể nó chưa đi vào chiều sâu như nhiều người kì vọng ở một tác giả nhiều tuổi đời hơn, nhưng chúng ta nên hoan nghênh tuổi trẻ của Phan An, và, nói riêng cho mình, tôi ganh tỵ với Phan An và tuổi trẻ ấy. 

 

Trần Hữu Dũng
Dayton, 30-10-2012

 


[1] Dường như đã có người dịch là “Bắt trẻ đồng xanh”

 

 Những bài khác của Trần Hữu Dũng

 

5-1-13




No comments: