Bài
phát biểu của Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Kishi Nobuo tại Việt Nam
12/09/2021
(Phát biểu tại Cục Đối ngoại Bộ Quốc phòng Việt
Nam ngày 12.9.2021. Dịch nhanh từ bản tiếng Anh của Bộ Quốc phòng Nhật Bản).
Xin chào. Rất vui được gặp các bạn, tôi là
Kishi Nobuo, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Nhật Bản.
Tôi rất vinh dự được đến thăm Việt Nam trong
chuyến thăm nước ngoài đầu tiên trên cương vị Bộ trưởng Bộ Quốc phòng. Trước
tiên, tôi xin chân thành cảm ơn Trung tướng Vũ Chiến Thắng, Cục trưởng Cục Đối
ngoại, Bộ Quốc phòng Việt Nam và tất cả những người tham dự ngày hôm nay đã cho
tôi cơ hội này.
Hợp tác quốc phòng Việt Nam – Nhật Bản rất mạnh
mẽ và có nhiều tiềm năng phát triển. Hôm nay, tôi có mặt ở đây để nói lên những
suy nghĩ của mình về cách chúng ta có thể phát triển hơn nữa mối quan hệ đối
tác này vì hòa bình và ổn định của khu vực và cộng đồng quốc tế. Vì lý do đó,
tôi muốn thẳng thắn nêu quan điểm của mình, kể cả những vấn đề mà chúng ta, Việt
Nam và Nhật Bản, có thể không cùng quan điểm.
Nhân cơ hội này, tôi muốn kể về những kỷ niệm
đặc biệt của tôi tại Việt Nam. Trước khi trở thành nghị sĩ Quốc hội, tôi đã đi
chu du thế giới khi làm việc cho một công ty thương mại. Tôi đã làm việc ở Việt
Nam trong một năm rưỡi từ mùa hè năm 2000. Tôi đã lang thang ở Hà Nội, Thành phố
Hồ Chí Minh, Cần Thơ ở lưu vực sông Cửu Long, Cà Mau ở cực nam, Phan Thiết ở cạnh
biển, cao nguyên Đà Lạt và những ngọn núi gần biên giới với Trung Quốc.
Vào thời điểm “Chính sách Đổi mới” bắt đầu được
thực hiện, tôi nhớ mình có cảm giác rằng con người và thành phố này đang bùng nổ
và đất nước đang thực sự phát triển. Và hôm nay, tôi tiếp tục chứng kiến sự
phát triển của Việt Nam, một quốc gia lãnh đạo mạnh mẽ trong khu vực.
Tôi nhớ rất rõ lần trò chuyện với một đồng
nghiệp Việt Nam hào phóng và tốt bụng. Lúc đó, tôi đã có một cuộc cãi vã về
công việc, và khi tôi phàn nàn “sao trước đây anh nói anh có thể làm được mà?”,
anh ấy đã cười mà trả lời, “Ông Kishi, nếu lúc đó tôi nói tôi không làm được,
ông sẽ rất buồn. Tôi không muốn nhìn thấy khuôn mặt ủ rũ của ông”. Tôi không
còn lựa chọn nào khác ngoài việc bỏ qua cho anh ấy.
Anh ấy không chỉ dễ tính và hài hước mà còn rất
chăm chỉ. Chúng tôi có thể hiểu ý nhau và xây dựng một mối quan hệ tin cậy tốt
đẹp, ngay cả khi chúng tôi cãi vã vì sự khác biệt trong suy nghĩ. Việt Nam, nơi
tôi đã làm việc chăm chỉ với nhiều người, thật đặc biệt đối với tôi. Đây là lý
do tại sao tôi chọn Việt Nam là điểm đến trong chuyến thăm nước ngoài đầu tiên
của tôi trên cương vị Bộ trưởng Bộ Quốc phòng.
Tôi tin rằng chính nhờ người dân Việt Nam mà
chúng ta có thể phát triển hơn nữa quan hệ hợp tác quốc phòng giữa hai nước. Niềm
tin này đã không thay đổi kể từ khi tôi đến thăm nơi đây với tư cách Thứ trưởng
Bộ Quốc phòng vào năm 2009.
“Giúp đỡ lẫn nhau khi khó khăn”. Đây là một đức
tính mà người Nhật đã ấp ủ từ lâu. Bạn bè giúp đỡ nhau lúc khó khăn. Trong thử
thách chưa từng có của đại dịch và để cùng nhau đương đầu với khó khăn này như
một người bạn, Nhật Bản đã cung cấp khoảng 3 triệu liều vắc xin cho nhân dân Việt
Nam, những người mà chúng tôi có một tình bạn lâu đời và sâu sắc.
Nếu chúng ta nhớ lại, 10 năm trước, vào tháng
3 năm 2011, sau trận động đất ở Nhật Bản – một thảm họa thiên nhiên chưa từng
có – Nhật Bản đã nhận được một số lượng lớn các khoản quyên góp và lời chia buồn
chân thành từ nhiều người dân Việt Nam. Chúng tôi nhận được sự ủng hộ nồng nhiệt
dưới nhiều hình thức khác nhau như thư từ, bài viết và tranh vẽ. Nhật Bản sẽ
không bao giờ quên điều này!
“Gian nan mới biết bạn hiền”, người Nhật chúng
tôi thấy cảm phục và được khích lệ biết bao bởi những đức tính được thể hiện
trong câu nói tiếng Việt này. Tôi xin cảm ơn một lần nữa! Và đây cũng là cơ hội
để chúng ta ở Nhật Bản và Việt Nam một lần nữa nhận ra chúng ta cùng chia sẻ đức
tính giúp đỡ bạn bè khi gặp khó khăn và mối quan hệ của chúng ta bền chặt như
thế nào. Quan hệ song phương giữa Nhật Bản và Việt Nam tiếp tục phát triển. Kể
từ khi được nâng lên thành “Đối tác chiến lược toàn diện” (“sâu rộng”?) vào năm
2014, quan hệ Nhật Bản – Việt Nam đã và đang phát triển mạnh mẽ trên tất cả các
lĩnh vực.
Điều này mở rộng sang lĩnh vực quốc phòng. Dựa
trên những thành tựu tích lũy của nhiều hợp tác và trao đổi cho đến nay, khi
tôi gặp Bộ trưởng Quốc phòng Giang vào tháng 6 năm nay, ông ấy đã đề xuất nâng
hợp tác quốc phòng giữa hai nước lên một “Cấp độ mới”.
Tôi muốn coi chuyến thăm này là một cột mốc
đánh dấu sự khởi đầu của quan hệ hợp tác quốc phòng Việt Nam – Nhật Bản chuyển
lên một “Cấp độ mới”.
Lúc nãy, tôi đã đề cập rằng chúng ta, Nhật Bản
và Việt Nam, có chung đức tính cam kết giúp đỡ bạn bè khi gặp khó khăn. Và theo
như đức tính này, chúng ta chia sẻ những giá trị phổ quát khác có vai trò thiết
yếu để điều chỉnh các mối quan hệ quốc tế. Một trong số đó là “sự thượng tôn
pháp luật” trên biển.
Điều đã kết nối Nhật Bản và Việt Nam từ thời
xa xưa chính là vùng biển rộng lớn và phong phú. Từ thế kỷ 16 đến thế kỷ 17,
các thương nhân Nhật Bản tự do đi lại từ Biển Hoa Đông đến Biển Đông trên tàu
“Goshuinsen”, tàu buôn của Nhật Bản, tìm kiếm sự giao thương rộng rãi với các
nước Đông Nam Á. “Raienbashi” hay còn gọi là “Nihonbashi” vẫn còn ở phố cổ Hội
An, quê hương của Chủ tịch Nguyễn Xuân Phúc, gợi nhớ về mối quan hệ giao lưu
sôi nổi giữa Nhật Bản và Việt Nam thời bấy giờ. Biển tự do và rộng mở đã là nền
tảng cho sự thịnh vượng của chúng ta từ thời cổ đại.
Giới luật mà Nhật Bản tiếp tục vận động trên
biển rất đơn giản và cơ bản. Nhật Bản luôn đề cao “sự thượng tôn pháp luật”
ngay cả trên biển. Sự thịnh vượng của chúng ta sẽ không thể thành hiện thực nếu
không có tự do hàng hải, hàng không và sự an toàn của các tuyến đường biển.
Việt Nam, có vị trí địa chính trị nằm ở vị trí
giáp ranh giữa Đông Nam Á và Đông Á, có vai trò quan trọng trong khu vực. Chúng
tôi, Nhật Bản, đánh giá cao vai trò lãnh đạo của Việt Nam trong khu vực trong
khuôn khổ ADMM+ đồng thời nhấn mạnh giá trị phổ quát của “sự thượng tôn pháp luật”.
Ai trong chúng ta, những người chia sẻ các giá trị, đều có sứ mệnh chung là bảo
vệ hòa bình và ổn định của khu vực.
Hiện chúng ta đang phải đối mặt với một thực tế
nghiêm trọng chưa từng có, kể cả trong lĩnh vực an ninh, bên cạnh những khó
khăn khi đối phó với COVID-19.
Đặc biệt là trên vùng biển và vùng trời của Biển
Hoa Đông và Biển Đông, có những trường hợp nơi mà các hành động đang được thực
hiện dựa trên những khẳng định một chiều không phù hợp với trật tự quốc tế hiện
hữu.
Quyền tự do hàng hải và tự do hàng không không
thể bị vi phạm quá mức. Để đạt được điều đó, phải liên tục đề cao tầm quan trọng
của “sự thượng tôn pháp luật” và nguyên tắc cơ bản của việc giải quyết hòa bình
các xung đột và trên hết là đưa nó vào thực tiễn.
Ở Biển Hoa Đông, các nỗ lực thay đổi hiện trạng
bằng cưỡng ép vẫn tiếp tục, bao gồm cả vùng biển xung quanh quần đảo Senkaku, vốn
là lãnh thổ cố hữu của Nhật Bản. Tình hình ngày càng trở nên nghiêm trọng, liên
tiếp xảy ra các vụ tàu thuộc lực lượng Hải cảnh Trung Quốc xâm phạm lãnh hải,
áp sát tàu cá Nhật Bản.
Trên Biển Đông, Trung Quốc tiếp tục quân sự
hóa các địa hình tranh chấp, thường xuyên tiến hành tập trận quân sự và được
cho là đã phóng tên lửa đạn đạo, leo thang hành động của họ. Nhật Bản cực lực
phản đối các nỗ lực đơn phương thay đổi hiện trạng bằng cưỡng ép và bất kỳ hoạt
động nào gây căng thẳng, đồng thời chia sẻ quan ngại với Việt Nam.
Tháng 2 năm nay, Luật Hải cảnh Trung Quốc có
hiệu lực. Luật này bao gồm các quy định có vấn đề về tính nhất quán với luật quốc
tế, chẳng hạn như áp dụng luật đối với các khu vực biển không rõ ràng và liên
quan đến thẩm quyền sử dụng vũ khí. Các quyền chính đáng của tất cả các quốc
gia liên quan, bao gồm cả Nhật Bản và Việt Nam, không bao giờ được làm suy yếu
do Luật Hải cảnh và chúng ta không bao giờ có thể dung thứ cho bất cứ điều gì
có thể làm gia tăng căng thẳng trên biển, chẳng hạn như ở Biển Hoa Đông và Biển
Đông.
Ngoài ra, Đài Loan nằm ở nơi liên kết giữa Biển
Hoa Đông và Biển Đông, là điểm then chốt đối với an ninh hàng hải trong khu vực.
Hòa bình và ổn định ở eo biển Đài Loan có ý nghĩa quan trọng đối với cả khu vực
và cộng đồng quốc tế. Lập trường nhất quán của Nhật Bản là mong đợi rằng sự việc
sẽ được giải quyết một cách hòa bình thông qua các cuộc đối thoại trực tiếp của
các bên liên quan.
Hơn nữa, có một thực tế khó khăn là có nhiều
thách thức khác nhau để đảm bảo hòa bình và ổn định của khu vực Ấn Độ Dương –
Thái Bình Dương.
Thứ nhất, việc Triều Tiên phóng tên lửa đạn đạo,
bất kể tầm bắn của chúng, là vi phạm các nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp
Quốc, điều này không chỉ đe dọa hòa bình và ổn định của khu vực mà còn là một vấn
đề nghiêm trọng đối với cộng đồng quốc tế nói chung. Nhật Bản đang làm việc với
các nước liên quan để thực hiện đầy đủ các nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên
Hiệp Quốc về việc giải trừ hoàn toàn, có thể kiểm chứng và không thể đảo ngược
chương trình vũ khí hạt nhân của Triều Tiên – và hợp tác với Việt Nam là rất
quan trọng.
Về tình hình ở Myanmar, Nhật Bản đang mạnh mẽ
yêu cầu chấm dứt ngay lập tức bạo lực đối với dân thường, trả tự do cho các bên
bị giam giữ và sớm khôi phục hệ thống chính trị dân chủ, với sự hợp tác của cộng
đồng quốc tế. Nhật Bản coi “Năm đồng thuận” là bước đầu tiên hướng tới một bước
đột phá, và hoan nghênh việc bổ nhiệm Ngài Erywan, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao thứ
hai của Brunei, làm đặc phái viên của ASEAN. Trong tương lai, điều quan trọng
là đạt được những kết quả cụ thể bằng cách thực thi sáng kiến.
Việc ứng phó với các vấn đề toàn cầu như an
ninh mạng và sự lây lan của vi rút corona mới cũng cần thiết.
Khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, nơi
chúng ta đang sống, là trung tâm sức sống của thế giới. Và do đó, hòa bình và ổn
định của khu vực là điều cần thiết cho sự thịnh vượng của thế giới.
Những nỗ lực nhằm thay đổi hiện trạng bằng
cách cưỡng ép mà chúng ta đang đối mặt có thể ảnh hưởng không chỉ đến khu vực
này mà còn toàn bộ cộng đồng quốc tế và cần được coi là một thách thức toàn cầu
đe dọa trật tự quốc tế hiện hữu.
Tuy nhiên, có những giới hạn tự nhiên đối với
những gì chúng ta có thể làm với tư cách là một quốc gia. Điều quan trọng là sử
dụng tất cả các mối quan hệ đối tác để giải quyết vấn đề này.
Trên hết, chúng ta cần làm việc cùng nhau để
duy trì và củng cố trật tự quốc tế dựa trên luật lệ, tự do và cởi mở, điều đã
mang lại cho chúng ta sự thịnh vượng. Trong hoàn cảnh đó, những gì chúng ta
đang chứng kiến hiện nay là các quốc gia cùng chí hướng chia sẻ tầm nhìn này về
khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương phải trở nên như thế nào, cùng quan tâm
và nỗ lực hướng tới hòa bình và ổn định khu vực. Đó là thứ mà chúng tôi đang cố
gắng củng cố hơn bao giờ hết.
Các nước là đối tác chủ chốt của Nhật Bản cũng
đang dành sự quan tâm cho Việt Nam. Từ Hoa Kỳ, Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd J.
Austin đã đến thăm khu vực này vào cuối tháng Bảy và Phó tổng thống Kamala D.
Harris đã đến thăm khu vực này vào tháng Tám. Cả hai quan chức cấp cao đều chọn
dừng chân tại Việt Nam trong chuyến công du của họ. Điều này chứng tỏ rõ ràng rằng
Hoa Kỳ nhận thấy tầm quan trọng chiến lược của Việt Nam.
Và năm nay, mối quan tâm đặc biệt là sự tham
gia ngày càng tăng của các nước châu Âu trong khu vực. Bộ trưởng Quốc phòng
Vương quốc Anh Ben Wallace, người đã đến thăm Nhật Bản vào tháng 7, đã đến thăm
Hà Nội lần đầu tiên trên cương vị Bộ trưởng Quốc phòng Anh. Việc đưa ra chính
sách “Nghiêng về Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương” là một bước đột phá đối với
Anh.
Để thúc đẩy mạnh mẽ tầm nhìn của Nhật Bản về “Ấn
Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và rộng mở”, hợp tác với các nước châu Âu – có
chung tham vọng duy trì “sự thượng tôn pháp luật” là không thể thiếu. Kể từ khi
nhậm chức Bộ trưởng Quốc phòng, tôi đã tích cực làm việc để biến cam kết của
châu Âu đối với khu vực này trở nên mạnh mẽ hơn và lâu dài.
Năm 2019, Việt Nam cùng với tất cả các nước
ASEAN khác đã công bố “Tầm nhìn ASEAN về Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương (AOIP)”
như con đường của riêng mình. Trong đó, sự thượng tôn pháp luật, cởi mở, tự do,
minh bạch và bao trùm được đề cao như những nguyên tắc hành động. Nhật Bản hoàn
toàn ủng hộ AOIP, vốn có chung các nguyên tắc thiết yếu với FOIP. Trong thời
gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục khuyến khích các nỗ lực hợp tác, hữu hình để hiện
thực hóa AOIP, đồng thời ủng hộ vai trò trung tâm và thống nhất của ASEAN.
Việc mở rộng quan hệ đối tác ở Ấn Độ
Dương-Thái Bình Dương sẽ giúp đảm bảo hòa bình và ổn định trong khu vực.
Những người bạn không thể thay thế, Nhật Bản
và Việt Nam, nên làm gì trong bối cảnh mở rộng quan hệ đối tác toàn cầu?
Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản hiện đóng góp vào
việc duy trì và củng cố” Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương Tự do và Mở rộng”, và sự
tồn tại của Quân đội Nhân dân Việt Nam hùng mạnh – lực lượng tiếp tục tăng cường
hơn nữa khả năng của mình – trở thành điều cần thiết để duy trì hòa bình và ổn
định trong khu vực. Trước thực tế rõ ràng của môi trường an ninh xung quanh
chúng ta, sự hợp tác của chúng ta phải hướng tới những tầm cao hơn nữa.
Nói cách khác, trên tinh thần “Giúp đỡ lẫn
nhau khi khó khăn” và “Gian nan mới biết bạn hiền”, chúng ta là những người bạn
chung tay giúp đỡ những bạn bè khác gặp khó khăn trong khu vực và trong cộng đồng
quốc tế. Chúng ta nên nói rằng chúng ta đã bước vào giai đoạn đó.
Ở đây hôm nay, tôi muốn xác định lại rằng hợp
tác quốc phòng Nhật Bản và Việt Nam nhằm mục đích đóng góp tích cực hơn vào hòa
bình và ổn định của không chỉ hai nước chúng ta mà còn cho khu vực và cộng đồng
quốc tế. Đây là ý định của hợp tác quốc phòng Nhật – Việt trong “giai đoạn mới”
mà tôi đã đề cập trước đó.
Cả Nhật Bản và Việt Nam sẽ hợp tác để giải quyết
các vấn đề an ninh khác nhau trong khu vực, đồng thời nhấn mạnh “sự thượng tôn
pháp luật”. Chúng ta sẽ hợp tác chặt chẽ không chỉ trên phương diện song phương
mà còn với các nước trong khu vực và ASEAN vì lợi ích của tất cả các nước.
Chúng ta muốn mang lại sự an tâm lâu dài cho cộng đồng địa phương và quốc tế. Đối
với Nhật Bản, cần phải nói rằng Việt Nam là một trong những quốc gia quan trọng
mà chúng tôi cùng chung con thuyền.
Với sự hợp tác đạt đến “Cấp độ mới” này, chúng
ta hãy tăng cường hợp tác quốc phòng Việt Nam – Nhật Bản hơn nữa đồng thời hướng
sự chú ý của chúng ta sang hòa bình và ổn định của Ấn Độ Dương – Thái Bình
Dương và thế giới.
Bây giờ chúng ta có một công cụ mới cho điều
đó. Đó là Thỏa thuận chuyển giao công nghệ và thiết bị quốc phòng Nhật – Việt
được ký ngày hôm qua.
Trong tương lai, theo thỏa thuận này, chúng ta
sẽ đẩy nhanh các cuộc thảo luận hướng tới việc thực hiện chuyển giao thiết bị hữu
hình, chẳng hạn như hợp tác trong lĩnh vực tàu thuyền đóng góp vào an ninh hàng
hải khu vực.
Và chúng ta sẽ mở rộng phạm vi hợp tác sang
các lĩnh vực chưa từng có và các không gian mới. Chẳng hạn, ứng phó với các mối
đe dọa trong không gian mạng là một thách thức an ninh toàn cầu cấp bách. Tháng
12 năm ngoái, tôi đã công bố nỗ lực nâng cao năng lực an ninh mạng với các nước
ASEAN. Chúng tôi sẽ hợp tác chặt chẽ với Việt Nam để cải thiện an ninh mạng
trong khu vực để sáng kiến này sẽ là một điển hình cho hợp tác quốc phòng ASEAN
giữa Nhật Bản và Việt Nam ở “Cấp độ mới”.
Sự lây lan toàn cầu của vi rút corona cũng có
tác động lớn đến an ninh. Tại hội nghị từ xa của Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam
– Nhật Bản vào tháng 11 năm ngoái, chúng ta đã nhất trí thúc đẩy hợp tác trong
lĩnh vực kiểm soát bệnh truyền nhiễm.
Trước những diễn biến này, các cơ quan quốc
phòng Nhật Bản và Việt Nam sẽ tiếp tục phối hợp ký kết biên bản ghi nhớ trong
hai lĩnh vực quan trọng này, nhằm thúc đẩy hợp tác trong lĩnh vực an ninh mạng
và quân y.
Hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên Hiệp Quốc
cũng là một lĩnh vực đáng chú ý của hợp tác Nhật – Việt. Để nâng cao năng lực của
các quân nhân gìn giữ hòa bình, Nhật Bản đã khởi động Dự án Đối tác Tam giác của
Liên Hiệp Quốc (UNTPP) với Liên Hiệp Quốc vào năm 2015. Cho đến nay, Bộ Quốc
phòng Nhật Bản và Lực lượng Phòng vệ đã cử tổng cộng khoảng 230 hướng dẫn viên,
và đào tạo khoảng 360 quân nhân – từ 17 quốc gia ở châu Á và châu Phi – cho các
phái bộ của Liên Hiệp Quốc.
Kể từ năm 2018, với sự hợp tác toàn diện của
Quân đội Nhân dân Việt Nam, các huấn luyện viên của Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản
đã đào tạo quân nhân các nước châu Á ở Hà Nội, dưới ngọn cờ của Liên Hiệp Quốc.
Sự hợp tác như vậy giữa Nhật Bản và Việt Nam ủng hộ mạnh mẽ các hoạt động gìn
giữ hòa bình của Liên Hiệp Quốc.
Ngoài ra, Nhật Bản và Việt Nam đã đồng chủ trì
Nhóm công tác của các chuyên gia ADMM+ về hoạt động gìn giữ hòa bình kể từ năm
nay và đã tổ chức cuộc họp đầu tiên vào tháng 4. Trong ba năm tới, chúng ta sẽ
dẫn dắt các cuộc thảo luận mang tính xây dựng giữa các nước tham gia và các
chuyên gia gìn giữ hòa bình.
Sự hợp tác như vậy giữa hai nước chúng ta cho
thấy ý chí mạnh mẽ mà cả hai nước chúng ta cùng chia sẻ để đóng góp tích cực
vào hòa bình và ổn định của cộng đồng quốc tế. Chúng ta sẽ tiếp tục thúc đẩy hợp
tác hơn nữa trong thời gian tới.
Hôm nay, tôi có một tầm nhìn lớn và đầy tham vọng
về hợp tác quốc phòng Nhật Bản-Việt Nam ở một “giai đoạn mới.” Một số bạn đã
nghe nguyện vọng này có thể thắc mắc: “Liệu nó có thực sự khả thi không?”.
Nhưng tôi rất tin tưởng. Với những con người
Việt Nam kiên định mà tôi biết, tôi tin chắc tôi sẽ có thể vượt qua nhiều thử
thách và đạt được mục tiêu to lớn và cao cả này.
Ngày nay, khi các mối quan hệ đối tác mạnh mẽ
hơn bao giờ hết ngày càng mở rộng ở khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, Nhật
Bản và Việt Nam sẽ hợp tác cùng nhau để nuôi dưỡng các kết quả tích cực. Hơn nữa,
với sự hợp tác của các quốc gia liên kết, chúng ta sẽ cùng nhau giải quyết các
vấn đề chung và đóng góp vào hòa bình và ổn định trong khu vực và cộng đồng quốc
tế.
Cảm ơn các bạn!
=====================================
.
.
PHÁT
BIỂU CỦA BỘ TRƯỞNG QUỐC PHÒNG NHẬT BẢN KISHI NOBUO TẠI BỘ QPVN
https://www.facebook.com/permalink.php?story_fbid=3048278485497368&id=100009457401127
CHÚNG TA CÙNG CHUNG CON THUYỀN.
PHÁT BIỂU CỦA BỘ TRƯỞNG QUỐC PHÒNG NHẬT BẢN KISHI
NOBUO TẠI BỘ QPVN.
(Phát biếu của ông Kishi rất dài liên quan đến
nhiều lĩnh vực quốc tế, gã xin lược trích những gì gã cho là bạn đọc quan tâm
lúc này).
.
==================================
.
.
Bộ trưởng Quốc
phòng Nhật ở Hà Nội, sẽ bán thiết bị
BBC
Tiếng Việt
11 tháng 9 năm 2021
https://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-58530593
Hai bên vào ngày 11/9 đã ký một thỏa thuận cho
phép xuất khẩu thiết bị và công nghệ quốc phòng do Nhật Bản sản xuất sang Việt
Nam.
No comments:
Post a Comment