Tân
tổng thống Iran: Vực dậy kinh tế và thoát khủng hoảng ngoại giao
Anh
Vũ -
RFI
Đăng ngày: 05/08/2021 - 14:48
Hôm nay, 05/08/2021, ông Ebrahim Raissi, nhân vật cực kỳ bảo thủ
theo đường lối cứng rắn và thân cận với giáo chủ Khamenei, chính thức nhậm chức
tổng thống. Tổng thống Raissi lên lãnh đạo Cộng Hòa Hồi Giáo Iran giữa lúc đất
nước này bên trong thì kinh tế suy sụp, bên ngoài thì lún sâu vào khủng hoảng
ngoại giao.
Tân tổng thống
Ebrahim Raisi tại cuộc họp báo ở Teheran, Iran, ngày 21/06/2021, sau khi vừa đắc
cử. AP - Vahid Salemi
Ông Ebrahim Raissi từ khi tranh cử cho đến khi
đắc cử liên tục đưa ra những cam kết cải thiện tình hình kinh tế đất nước đang
ngày càng khủng hoảng trầm trọng, hậu quả của việc Hoa Kỳ rút khỏi thỏa thuận hạt
nhân và tăng cường các biện pháp trừng phạt, bao vây kinh tế Iran.
Ưu tiên hàng đầu của chính quyền Raissi lúc
này hiển nhiên là vực dậy nền kinh tế đang suy sụp. Mục tiêu cấp bách đó có
liên quan trực tiếp đến quan hệ giữa Teheran với thế giới bên ngoài, mà gần đây
ngày càng trở nên tồi tệ. Ông Ebrahim Raissi nhậm chức tổng thống giữa lúc Iran
đang rơi vào một cuộc khủng hoảng ngoại giao mở rộng với các nước trong khu vực,
cũng như với các nước phương Tây.
Tân tổng thống Iran đã tuyên bố chính phủ mới
của ông sẽ tìm cách gỡ bỏ các trừng phạt « áp bức »,
nhưng « sẽ không gắn điều kiện sống của dân tộc với ý muốn của ngoại
bang ». Ông Ebrahim Raissi muốn ám chỉ đến các lệnh trừng phạt của
Washington đối với Teheran, sau khi Hoa Kỳ dưới thời tổng thống Donad Trump năm
2018 rút ra khỏi thỏa thuận hạt nhân. Trong tuyên bố đầy cứng rắn này, người ta
thấy rõ thông điệp đó là phải gỡ bỏ trừng phạt thì mới có thể phát triển kinh tế.
Nếu như có tìm được một thỏa hiệp nào đó
về hồ sơ hạt nhân, « điều đó cũng chưa chắc gì bảo đảm các nhà đầu
tư phương Tây sẽ nhanh chóng trở lại thị trường Iran », theo phân
tích của nhà nghiên cứu Clément Therme, thuộc Viện Đại học Châu Âu, trên
l’Express. Để có được việc đó, « bình thường hóa ngoại giao giữa
Teheran và Washington dường như là điều kiện không thể thiếu », chuyên
gia Therme nhận định thêm.
Thế nhưng, lãnh tụ tinh thần tối cao, giáo chủ
Ali Khamenei, người quyết định cuối cùng về đường lối cho mọi chính quyền ở
Iran cho đến giờ thì lại luôn không chấp nhận bất kỳ sự xích lại gần với
con « quỷ Satan » Hoa Kỳ, theo cách gọi của ông.
Ông Ebrahim Raissi nhậm chức giữa lúc vừa nổ
ra vụ việc mới, khi Hoa Kỳ, Anh và Israel lên tiếng cảnh cáo Iran về trách nhiệm
trong vụ tấn công chiếc tàu dầu ngoài khơi vịnh Oman tuần vừa qua, dù Teheran vẫn
phủ nhận mọi cáo buộc.
Với ông Ebrahim Raissi, có thể Teheran sẽ dành
ưu tiên cho quan hệ với các nước gần gũi trong vùng, nhưng tiến tình bình
thường hóa với Ả Rập Xê Út, đối thủ lớn của Iran trong khu vực, cũng còn nhiều
trắc trở, theo nhiều chuyên gia. Nếu cải thiện được quan hệ với Ryad, đó sẽ
là thành công lớn của chính quyền mới, vì « trên bình diện
kinh tế, chiến lược này nhằm củng cố mạng lưới kinh tế Iran, hạn chế ảnh hưởng
tiêu cực của các lệnh trừng phạt kinh tế của Mỹ », chuyên gia
Therme nhấn mạnh.
Các trừng phạt của Washington với với Teheran
từ 2018 là một trong những nguyên nhân chính khiến nền kinh tế Iran suy sụp,
khi lượng dầu xuất khẩu, nguồn thu ngoại tệ chính của Iran, bị sụt giảm 80%,
thêm vào đó hàng loạt các nhà đầu tư lớn của phương Tây đã phải rút khỏi nước
này. Từ đó đến nay, giữa
Iran và phương Tây, dẫn đầu là Hoa Kỳ, là một cuộc đọ sức trường kỳ. Bên
này, Iran không ngần ngại phá vỡ các ràng buộc nghĩa vụ trong thỏa thuận hạt
nhân, bên kia, Hoa Kỳ và phương Tây gia tăng trừng phạt, gây sức ép để Teheran
lùi bước. Bên nào cũng lấy điều kiện của mình đặt ra là tiên quyết để đối
phương nhượng bộ. Cùng lúc, Iran công khai thể hiện sức mạnh của mình tiến hành
các hoạt động can thiệp chính trị và cả quân sự tại Syria, Irak, Liban và
Yemen.
Sau khi lên nắm quyền tháng Giêng năm nay, tổng
thống Joe Biden đã tỏ ý muốn đưa Hoa Kỳ trở lại thỏa thuận hạt nhân Iran. Nhiều
bước đi theo hướng này đã được khởi động và đôi lúc đã làm lóe lên chút hy vọng
dưới thời tổng thống Rohani. Từ tháng Tư đến hôm 20/06 vừa qua, 6 vòng đàm phán
nhằm nối lại thỏa thuận hạt nhân Iran đã diễn ra không mà mang lại kết quả gì.
Trong khi đó, lãnh đạo tối cao Iran Ali
Khamenei hôm 04/08 khẳng định lại rằng kinh nghiệm của chính phủ mãn nhiệm
trong việc đàm phán với các cường quốc và Hoa Kỳ chỉ cho thấy « tin
tưởng vào phương Tây là không ổn ». Việc giải quyết hồ sơ hạt nhân Iran, yếu
tố mấu chốt trong quan hệ của Teheran với phương Tây, vốn dĩ đã hết sức khó
khăn giờ lại càng trở nên phức tạp với một chính quyền cực kỳ bảo thủ và đầy
thù hằn phương Tây ở Iran.
No comments:
Post a Comment