Tuesday, June 2, 2020

HOA KỲ HÃY CAN ĐẢM CÔNG NHẬN ĐÀI LOAN (Jianli Yang & Aaron Rhodes - The Hill)




Jianli Yang & Aaron Rhodes
Minh Nhật biên dịch
Chủ nhật, 31/05/2020

Những sự kiện gần đây đã xác thực một cách sống động rằng Hoa Kỳ nên thiết lập quan hệ ngoại giao chính thức với Đài Loan hay còn gọi là Trung Hoa Dân Quốc (Cộng hòa Trung Hoa). Trong khi Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa do Đảng Cộng sản lãnh đạo đã để cho cuộc khủng hoảng sức khỏe cộng đồng toàn cầu xảy ra, nỗ lực che đậy đại dịch Covid-19, và thao túng Tổ chức Y tế Thế giới WHO một cách rõ ràng, thì phản ứng của Đài Loan đối với virus là minh bạch, có trách nhiệm, nhân đạo và hiệu quả nhất trên thế giới.

Vậy mà Trung Quốc đã chặn không cho Đài Loan tham gia vào Hội đồng Y tế Thế giới WHA và đã cố gắng kiếm lợi từ cuộc khủng hoảng bằng cách bán các sản phẩm y tế kém chất lượng. Nhà cầm quyền Trung Quốc còn đe dọa những người chỉ trích, thậm chí còn giận dỗi tấn công một sinh viên Úc vì sinh viên này đã chỉ trích trường đại học nơi anh ta theo học, rằng trường khúm núm trước những yêu cầu của Trung Quốc.

Việc không công nhận Đài Loan đã trở thành một mâu thuẫn không thể dung thứ và không có lương tâm, làm suy yếu sự chính trực và uy tín của Hoa Kỳ. Chính sách thời Tổng thống Jimmy Carter dựa trên tiền đề rằng việc công nhận Trung Quốc sẽ giúp biến đổi chế độ cộng sản thành một đối tác đáng tin cậy và có trách nhiệm đối với Hoa Kỳ và các quốc gia khác, và rằng cả hai phía Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa và Trung Hoa Dân Quốc đều không thể được công nhận vì những tranh chấp của họ về chủ quyền ở Đài Loan và đại lục.

Thực tế đã cho thấy chính sách này sai lầm. Việc tấn công đánh cắp dữ liệu nghiên cứu vắc-xin của các quốc gia khác chỉ là một sự kiện mới nhất trong chuỗi các hành động bất lương của Trung Quốc trong đại dịch, cho thấy quốc gia này đã thất bại trong việc hội nhập vào trật tự thế giới, và đã phá hoại sự toàn vẹn của các chuẩn mực quốc tế và các tổ chức quốc tế. Hãy nghĩ về vụ thảm sát những người biểu tình ôn hòa tại Quảng trường Thiên An Môn ; về những trại tập trung người Duy Ngô Nhĩ ; về việc Trung Quốc thu hoạch nội tạng từ người sống ; về sự đàn áp đối với những người bất đồng chính kiến ; về nạn kiểm duyệt thông tin quy mô lớn ; và một loạt các vụ việc xâm phạm đạo đức trắng trợn khác. Bắc Kinh ép buộc những cộng đồng khác giữ im lặng về họ trên các diễn đàn quốc tế, xâm chiếm các hòn đảo thuộc chủ quyền của nước láng giềng, và từ chối đàm phán.

Trung Quốc đã trở thành, hoặc vẫn luôn luôn là một quốc gia đểu giả ; một nhà nước cảnh sát cưỡng chế dựa trên bạo lực, chứ không phải dựa trên sự đồng thuận ; một nhà nước không tương thích với những lý tưởng của thế giới hiện đại ; một nơi ngấm ngầm làm xói mòn những lý tưởng đó bằng việc truyền cảm hứng và hỗ trợ những kẻ cai trị độc tài khác.

Trong khi đó, Đài Loan là một xã hội dân chủ hàng đầu và là cường quốc kinh tế và khoa học, đồng thời là đồng minh chủ chốt của Hoa Kỳ, với giao thương hàng hóa và dịch vụ trị giá gần 100 tỷ đô-la. Đất nước này tiếp đón 200 nhà ngoại giao Mỹ trong một khu phức hợp đồ sộ mới mà chúng ta lại không thể gọi đó là một đại sứ quán. Và Đài Loan ngày nay tự nhận họ là một quốc gia có chủ quyền, và không hề có tham vọng kiểm soát đại lục.

Chỉ có một vài quốc gia nhỏ chống lại sự bắt nạt của Trung Quốc bằng cách công nhận Đài Loan, và khi một số cuối cùng phải khuất phục trước sức ép của Trung Quốc – như chính nước Mỹ đã từng làm vào 41 năm trước – thì Washington lại lớn tiếng quở trách họ. Chẳng hạn, tháng 9 năm ngoái, khi Quần đảo Solomon chuyển từ việc công nhận Đài Bắc sang công nhận Bắc Kinh, Phó Tổng thống Pence đã từ chối gặp lãnh đạo Quần đảo Solomon để thảo luận về quan hệ đối tác phát triển, và đánh giá lại sự trợ giúp của Hoa Kỳ đối với quốc gia này.

Bắc Kinh cảnh báo – hay đe dọa – rằng việc công nhận Đài Loan "sẽ phản tác dụng" tại cộng đồng quốc tế. Washington từ lâu đã bị tê liệt về vấn đề Đài Loan vì sợ chọc phải sự "nhạy cảm tế nhị" của Đảng cộng sản Trung Quốc và làm tổn hại quan hệ Mỹ-Trung. Nhưng đại dịch đã phá vỡ tất cả cục diện của thế giới : Sự phân tách đang diễn ra, phản ứng thái quá của Bắc Kinh đang phản tác dụng và Trung Quốc ngày càng bị cô lập, trong khi chính họ cần nhờ cậy vào hầu hết các thị trường xuất khẩu và đối tác ngoại giao để khôi phục nền kinh tế và lấy lại uy tín quốc tế.

Chúng ta đang sống trong một thời đại mà những ảo tưởng đang bị tiêu trừ một cách đau đớn khỏi chính trị quốc tế. Việc Trung Quốc tuyên bố chủ quyền đối với Đài Loan là một trong những ảo tưởng như vậy, và Trung Quốc, cũng như Đài Loan và cộng đồng quốc tế, sẽ trở nên dễ chịu hơn khi ảo tưởng đó không còn. Cựu cố vấn an ninh quốc gia Hoa Kỳ, ông John Bolton đã viết 20 năm trước, rằng công nhận cả Đài Loan và Trung Quốc chỉ đơn giản là công nhận sự thật. Đảng cộng sản Trung Quốc chưa bao giờ đại diện cho người dân Đài Loan, và vĩnh viễn sẽ không bao giờ.

Hơn thế nữa, Hoa Kỳ cũng sẽ không bao giờ cho phép Đài Loan bị sáp nhập vào Trung Quốc bằng vũ lực. Một cuộc tấn công quân sự vào Đài Loan sẽ khởi đầu cho cuộc chiến tàn khốc giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ, và sẽ phá hủy Đài Loan. Việc công nhận Đài Loan đơn giản là để chính thức hóa sự thật, từ nền tảng đó mà Trung Quốc và Hoa Kỳ có thể tiếp tục phát triển mối quan hệ ngoại giao. Trung Quốc và Hoa Kỳ đang trở nên cởi mở và trung thực hơn về những khác biệt giữa hai nước sau đại dịch, và Hoa Kỳ sẽ lợi nhiều hại ít trong một chính sách duy thực và thành thật.

Hoa Kỳ muốn kết bạn với người dân của cả Trung Quốc và Đài Loan. Hoa Kỳ muốn Trung Quốc là đối tác thương mại và là đối tác phát triển xã hội và quốc tế, nhưng đó là một Trung Quốc tuân thủ các quy tắc và tôn trọng quyền của người dân trong và ngoài nước. Bình thường hóa quan hệ với Đài Loan sẽ là liều thuốc giao hảo bền chặt giúp Trung Quốc từ bỏ thất bại trong việc kiểm soát Đài Loan – một mục tiêu mà họ không thể đạt được – và đi tiếp.

Có lẽ nếu Hoa Kỳ và các nền dân chủ khác đối xử với Trung Quốc như một người trưởng thành phải tự có trách nhiệm, thì nó rất có thể sẽ trưởng thành thật sự. Và nếu điều đó xảy ra, thế giới sẽ là một nơi an toàn và lành mạnh hơn.

-----------------
Jianli Yang là người sáng lập và chủ tịch của Sáng kiến ​​Quyền lực Công dân vì Trung Quốc, là người sống sót trong vụ thảm sát Thiên An Môn và là một cựu tù nhân chính trị ở Trung Quốc.

Aaron Rhodes là chủ tịch của Diễn đàn Tự do Tôn giáo Châu Âu, biên tập viên nhân quyền của Tạp chí Dissident, đồng thời là tác giả của cuốn “The Debasement of Human Rights” (Sự tụt dốc của quyền con người).

*
NGUỒN :
 By Jianli Yang and Aaron Rhodes
05/20/20 02:00 PM EDT





No comments: