Thursday, February 1, 2018

NHÀ HOẠT ĐỘNG TRƯƠNG MINH TAM ĐI "TỊ NẠN CHÍNH TRỊ' Ở HOA KỲ (Người Việt)



January 31, 2018

HÀ NỘI, Việt Nam (NV) – Nhà hoạt động Trương Minh Tam vừa từ phi trường quốc tế Nội Bài lên đường đi tị nạn chính trị ở Hoa Kỳ.

Ông Trương Minh Tam. (Hình: Facebook Trương Minh Tam-Ngày Mới)

Chiều 31 Tháng Giêng, sau khi đã quá cảnh ở Đài Bắc, Đài Loan, ông Tam công bố tin ông đi tị nạn trên trang Facebook cá nhân với sự sắp đặt của nhân viên Tổ Chức Di Trú Quốc Tế (IOM).

Dường như ông Tam rời khỏi Việt Nam không phải với hộ chiếu trong tay, vì ông viết rằng “nhân viên IOM trao cho tôi túi IOM – chiếc túi chứa đựng toàn bộ số phận tương lai của tôi và nó có giá trị như một tấm visa đặc biệt để vào Hoa Kỳ khi trong tay tôi không có bất kỳ giấy tờ gì chứng minh tôi là tôi.”

Ông Tam cũng viết thêm: “Tôi lần đầu đáp xuống phi trường Đài Bắc. Cơn mưa nhẹ nhàng thanh thản và tôi đứng ngắm nó. Phía sau lưng tôi là Việt Nam, tôi đã rời nó không biết ngày nào trở về. Nhưng lòng tôi lúc này như cơn mưa. Tôi băn khoăn nhưng tôi không hận thù về quá khứ.”

“Tôi không sao quên quá khứ khi tôi đã từng bị bốn nhân viên công vụ của nhà nước Việt Nam làm nhục tôi ở trại giam Hoả Lò và công an Hà Tĩnh khi tôi là người đồng tính. Tôi không quên nhưng tôi chỉ nhớ để hiểu rằng tôi đang sống giữa nhân gian này thật nhỏ bé, bất lực, khổ đau, hạnh phúc… Nhưng điều đó ăn nhậu gì khi tôi vẫn sống đây với tất cả sự bình thản như khói như mây!”
Bộ hồ sơ do IOM trao cho ông Trương Minh Tam. (Hình: Facebook Trương Minh Tam-Ngày Mới)

Hồi Tháng Năm, 2016, ông Trương Minh Tam (sinh năm 1970), thành viên của phong trào Con Đường Việt Nam, bị công an bắt giam sáu ngày cùng lúc với Chu Mạnh Sơn. Hai ông này bị cáo buộc “xúi giục hàng ngàn người đi biểu tình vì môi trường hôm 1 Tháng Năm, 2016.”

Thời điểm đó, ông Tam cho hay chính quyền phải thả ông sau vài ngày giam giữ vì “không có đủ bằng chứng để truy tố, cũng như một phần do áp lực từ công luận.”

Tháng Tư, 2016, ông Tam được ghi nhận xuất hiện tại Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh, để đưa tin về vụ cá chết hàng loạt tại vùng biển miền Trung trước thời điểm Hà Nội công bố thảm họa này do công ty Formosa gây ra.

Hồi năm 2017, ông Tam bị báo điện tử VOV của Đài Tiếng Nói Việt Nam đưa cáo buộc “nhận tiền của các tổ chức phản động để thu thập thông tin, phát tán hình ảnh trên mạng Internet nhằm kích động người dân, gây phức tạp tình hình an ninh chính trị.”

Báo Công An Nghệ An hồi Tháng Mười Một, 2017 viết: “Trương Minh Tam thường xuyên được tổ chức Con Đường Việt Nam – một tổ chức ngoại vi của Việt Tân hỗ trợ, trả lương khoảng $400/tháng để hoạt động theo chỉ đạo của chúng. Trương Minh Tam và những người khác đã hoạt động dưới sự chỉ đạo của tổ chức phản động, móc nối, cấu kết với nhiều đối tượng cực đoan, kích động quần chúng tổ chức các cuộc tuần hành, biểu tình phản đối Formosa ở Nghệ An và Hà Tĩnh thời gian qua.” (T.K.)


*


Nhật ký ngày rời Việt Nam:

Gia đình chúng tôi lên sân bay khi trời còn chưa sáng. Chuyến xe do các nhân viên công vụ Hà Nam đã thống nhất cùng tôi nhiều ngày trước. Trời hôm nay gió lạnh. Cha con chúng tôi nhìn nhay trong bóng tối và sự bình lặng của những người đàn ông. Đêm qua, tôi gõ máy tính khuya như mọi hôm ngay sát phòng cha đang ngủ yên. 

8 giờ. Chúng tôi có mặt ở cột 8 ga đi Quốc tế Nội Bài như hẹn của nhân viên IOM. Gió mùa hôm nay lạnh. Các nhân viên công vụ Việt Nam và nhân viên IOM trao đổi với nhau để thống nhất việc làm thủ tục rời Việt Nam cho tôi. Tôi không khen nhân viên IOM về sự chuyên nghiệp bởi đó là công việc của họ nhưng tôi rất thích thú thái độ rõ ràng của họ về việc họ phải hoàn thành công việc đưa tôi đi an toàn. Họ nói, họ không thể làm khác được khi đó là công việc của họ. Cuối cùng thì chúng tôi cũng thống nhất được với nhau rằng tôi sẽ làm việc với các nhân viên công vụ không có mặt của nhân viên IOM. Sau đó nhân viên IOM làm những thủ tục cuối cùng tiễn tôi ra khu vực chờ bay và trao cho tôi túi IOM- chiếc túi chứa đựng toàn bộ số phận tương lai của tôi và nó có giá trị như một tấm visa đặc biệt để vào Hoa Kỳ khi trong tay tôi không có bất kỳ giấy tờ gì chứng minh tôi là tôi.

Chúng tôi ( nhân viên công vụ và tôi) có với nhau chừng 2 giờ 30 phút trò chuyện. Nhân viên IOM ngồi chờ.

10 giờ 30. Các nhân viên công vụ và tôi chụp ảnh kỷ niệm. Nhân viên IOM trao tôi chiếc túi và vẫy tay chào.

10 giờ 45. Tôi bay. Hà Nội hôm nay nắng nhẹ. Tôi không buồn, không vui. Tôi cũng không nhớ bố, mẹ và những người thân. Với bố mẹ, họ đã già và tôi đã làm đám ma cho họ rồi để tôi và họ cùng bình yên chia tay nhau. Với anh em cũng thế, họ phải sống cuộc sống của họ và tôi sống cuộc sống của tôi. Chúng tôi trao cho nhau sự tự do thoải mái nhất dù chúng tôi rất thương nhau. Có chút nước mắt của chị tôi rơi. Có chút trau mày lo lắng của anh tôi nhưng tôi gạt đi trong sự thanh thản và bước vào phòng cách ly. Lúc đó tôi chỉ nhớ người yêu của tôi.

15 giờ (GMT+8) Tôi lần đầu đáp xuống phi trường Đài Bắc. Trời mưa. Cơn mưa nhẹ nhàng thanh thản và tôi đứng ngắm nó. Phía sau lưng tôi là Việt Nam, tôi đã rời nó không biết ngày nào trở về. Nhưng lòng tôi lúc này như cơn mưa. Tôi băn khoăn nhưng tôi không hận thù về quá khứ. Tôi không sao quên quá khứ khi tôi đã từng bị 4 nhân viên công vụ của nhà nước Việt Nam làm nhục tôi ở trại giam Hoả Lò và công an Hà Tĩnh khi tôi là người đồng tính. Tôi không quên nhưng tôi chỉ nhớ để hiểu rằng tôi đang sống giữa nhân gian này thật nhỏ bé, bất lực, khổ đau, hạnh phúc… Nhưng điều đó ăn nhậu gì khi tôi vẫn sống đây với tất cả sự bình thản như khói như mây!

*
*

Nhật ký ngày đầu tiên quay trở lại Mỹ:
Từ trên không tôi nhìn thấy một nước Mỹ biển xanh ngắt và dãy núi Rocky chạy sát biển. Nước Mỹ không xanh yêu thương như Việt Nam quê hương tôi. Đấy là California đấy. Nếu tôi bay hơn 4 giờ nữa, tôi sẽ tới cái nơi mà một người Trung Quốc đã viết: “Nếu bạn yêu anh ta, xin hãy đưa tới New York vì nơi ấy là thiên đường. Nếu bạn ghét anh ta, xin hãy đưa anh ta tới New York vì nơi ấy là địa ngục” Thế thì làm quái gì có cái gọi là “giấc mơ Mỹ...

13 giờ ngày 31/1/2018. Tôi đặt chân tới Los Angeles. Nước Mỹ đón tôi với trời xanh, mây trắng và phố xá nhộn nhịp. Tôi hoà vào dòng người nhập cư Mỹ và biến mất như một con chó già vô dụng. Tôi đi và chả để lại dấu vết gì bởi tôi vừa mới sinh ra ở đây. Một đứa trẻ đỏ hỏn chả biết gì và chả nghĩ gì. Nó quan sát. Nó sống. Và cả nó chưa từng tồn tại thì phải. Nhưng tình cờ, tôi gặp một gia đình người Chăm ở Bình Thuận hôm nay cũng tới đây. Họ đi theo diện đoàn tụ. Người bố bảo lãnh cho người con lai. Người con lai mang theo hai đứa con, để lại ngườ vợ và ba đứa con lớn đã có gia đình lại Việt Nam. Tôi nhỏ hơn anh ấy hai tuổi. Tôi đi một mình và tôi cũng đành để lại ở Việt Nam một bạn tình mà chưa biết đến ngày nào chúng tôi mới gặp lại nhau…
California, 15 giờ 49 ngày 31/1/2018

------------------------------

LIÊN QUAN :

RFA  -  8/5/2016

RFA  -  13/6/2015

Việt Báo  -  13/06/2015













No comments: