Ý nghĩa lịch sử của
THƯ NGỎ
THƯ NGỎ
GỬI CÁC NHÀ LÃNH ĐẠO VIỆT NAM
VỀHIỂM HOẠ NGOẠI BANG VÀ SỨC MẠNH DÂN TỘC
HồBạch Thảo
Ðọc sử Việt Nam, chúng ta không khỏi có những lúc hồi hộp lo âu, vì vận nước hiểm nguy tưởng chừng không có phương cứu vãn; nhưng rồi như có một phép lạ, quân dân ta vùng lên với tinh thần bất khuất, một lòng đoàn kết keo sơn, tạo nên sức mạnh dị thường,đánh tan kẻ thù lớn hơn ta hàng chục lần:
Cuối đời nhà Ðinh [980] quân Tống trên đường xâm lăng nước ta. Khi triều đình đang bàn kế hoạch xuất quân, thì Ðại tướng Phạm Cự Lạng cùng các tướng quân mặc áo trận đi thẳng vào nội phủ tuyên bố nội dung vua còn nhỏ, không đủ sức coi việc nước, xin tôn lập Thập đạo tướng quân Lê Hoàn lên làm vua. Quân sĩ nhiệt liệt ủng hộ, đồng loạt tung hô “vạn tuế”. Thái hậu nhà Ðinh thấy được chúng tâm hướng về Lê Hoàn, bèn lấy áo Long Cổn khoác lên mình, rồi tôn lên ngôi Hoàng đế hiệu là Lê Ðại Hành. Quyết định của Thái hậu giải quyết được cuộc khủng hoảng chính trị, khiến lòng quân dân nô nức; nên chưa đầy 1 năm sau, quân ta đánh bại quân Tống, chém tướng chỉ huy là Hầu Nhân Bảo, khiến nhà Tống phải giảng hòa.
Vào hậu bán thế kỷ thứ 13, quân Mông Cổ sang xâm lăng nước ta. Mông Cổ là đế quốc kiêu hùng vào bậc nhất thời bấy giờ. Dưới vó ngựa trường chinh bách chiến bách thắng, đế quốc Mông Cổ đã chiếm cứ tổng số đất đai lớn hơn cả đế quốc La Mã. Thế lực Mông Cổ so với nước ta bấy giờ, quả thực như trứng chọi với đá! Tuy nhiên vương hầu nhà Trần biết cách đương đầu với kẻ cường địch, bằng cách đề cao truyền thống yêu độc lập, cùng hô hào đoàn kết toàn dân. Sự đoàn kết bắt đầu từ anh em nhà vua, Trần Thái Tông và Trần Liễu; giữa các vương hầu, như Trần Hưng Ðạo và Trần Quang Khải. Rồi rộng ra đến toàn dân, với hội nghị Diên Hồng, các bô lão đồng tâm quyết đánh; hội nghị Bình Than quân đội trên dưới một lòng. Quân sĩ chứng tỏ quyết tâm diệt giặc, khắc hai chữ “sát thát” vào cánh tay. Lòng yêu nước căm thù giặc như sóng triều dâng, lớn mau như Phù Ðổng Thiên Vương, tạo nên sức mạnh dời non lấp bể, ngoài sức tính toán của những đầu óc bình thường. Dồn dập chiến thắng Chương Dương, Hàm Tử, Vạn Kiếp, Bạch Ðằng; giết tướng Toa Ðô, bắt sống Ô Mã Nhi, tổng chỉ huy Trấn nam vương Thoát Hoan hai lần tháo chạy thoát lấy thân; đạo binh bách chiến bách thắng Mông cổ rước lấy hoàn toàn thất bại.
Riêng về khởi nghĩa chống quân Minh thì thực gay go, Tiến sĩ Trịnh Vĩnh Thưòng, Giáo sư đại học Ðài Loan, đã làm bản liệt kê với 64 cuộc nổi dậy (1), có nghĩa là 63 cuộc đã bị chìm trong biển máu, chỉ riêng cuộc khởi nghĩa của vua Lê Lợi thành công.
Buổi đầu cuộc kháng Minh, Lê Lợi và các nghĩa binh nếm mật nằm gai, trải qua những ngày tháng cam go thử thách:
Khi Linh Sơn lương hết mấy tuần,
Lúc Khôi huyện quân không một lữ
Lúc Khôi huyện quân không một lữ
Càng gian lao tấm gương nghĩa khí càng sáng ngời, đủ làm gương soi cho cả nước. Ngay cả con cháu tôn thất nhà Trần, như Trần Nguyên Hãn, hoặc Nguyễn Trãi, cháu ngoại Tư đồ Trần Nguyên Ðán, cũng đều lặn lội đến xin làm bầy tôi. Lòng dân qui phụ được thể hiện qua việc thanh niên trai tráng tình nguyện chiến đấu dưới cờ; phụ lão, dân quê tụ tập dâng bò rượu, lương thực để ủy lạo quân sĩ (2). Và từ đây thế lực quân ta lớn lên như một phép lạ, với sức tấn công mạnh bạo như chẻ tre, liên tiếp dành chiến thắng này đến chiến thắng khác; đánh tan hai lần viện binh của Vương Thông, Liễu Thăng, Mộc Thạnh; rồi cuối cùng giặc lâm vào cảnh thế cùng lực kiệt, đành phải xin giải hòa để rút quân về nước.
Những sử liệu nêu trên là bằng chứng hùng hồn về sức mạnh dân tộc. Sức mạnh chỉ đến được khi nhà cầm quyền biết coi trọng và vun bồi tinh thần yêu nước, cùng ra sức thực hiện đoàn kết toàn dân. Bởi lý do đó nên trong Thư Ngỏ, chúng tôi đã bày tỏ sự ủng hộ bản Tuyên Cáo ngày 25 tháng 6/2011 và Kiến Nghị ngày 10/7/2011 của nhân sĩ trí thức trong nước, cùng đặt vấn đề với chính quyền về trách nhiệm huy động sức mạnh dân tộc và những điều kiện để thực hiệnđược trách nhiệm ấy.
Cũng cần nhấn mạnh thêm, sách lược của Trung Quốc đời nối đời,đều chủ trương chia rẽ nước ta. Các triều Minh, Thanh liên tiếp đòi hỏi triều đình nước ta phải duy trì họ Mạc tại Cao Bằng. Một thời nhà Mạc bị đánh chạy sang tỉnh Quảng Tây, thì chính vua Khang Hy sai Khâm sai Lý Tiên Căn đến nước ta [1669] tuyên đọc thánh chỉ mệnh trả lại cho Mạc Nguyên Thanh đất Cao Bằng. Phải đợi đến khi vua nhà Lê có được bằng chứng họ Mạc đã giúp cho phản thần nhà Thanh là Ngô Tam Quế; lợi dụng kẽ hở này, nhà Lê mang quân đánh Mạc, thì nhà Thanh không còn lý do để phản đối. Thời Thanh Càn Long mang quân sang đánh nước ta, vị vua này đã có kế hoạch sau khi chiến thắng, sẽ khôi phục tàn dư Chiêm Thành, rồi giao cho họ đất miền Trung nước ta (3). Cái điều đối phương hằng mong đợi, ta quyết không làm; bởi vậy xét tình hình đất nước hiện tại, việc đoàn kết dân tộc thành một khối là điều bức thiết.
Lịch sử bang giao Trung Việt cho biết Trung Quốc nhiều lần lật lọng, tay phải chìa tay ra bắt, thì tay trái lại lấy dao đâm; như việc Minh Thái Tông gửi sắc dụ hứa giao chức quan cho Giản Ðịnh Ðế, thì cùng lúc vị vua này sai Mộc Thạnh mang quân đi đánh dẹp (4). Vậy không thể tin họ và dùng lời nói khéo để kêu xin; điều khả thi là làm tốt nội bộ, diệt tham nhũng, đoàn kết toàn dân, cùng thực hiện điều 2 trong Thư Ngỏ là tiếp tục củng cố và phát triển quan hệ hợp tác với thành viên ASEAN cũng như những nước then chốt khác. Một khi làm tốt những điều nêu trên, thì tự nhiên sẽ gặt hái thắng lợi ngoại giao với Trung Quốc.
Thể theo lời cổ nhân “Ôn chuyện xưa để biết chuyện ngày nay”, nội dung Thư Ngỏ phần lớn dựa vào lịch sử Việt Nam, mong được đồng bào trong, ngoài nước đón nhận.
Hồ Bạch Thảo
Chú thích:
1.Trịnh Vĩnh Thường, Chinh chiến dũ khí thủ_ Minh đại Trung Việt nghiên cứu, trang 84, Ðài Loan thị: Quốc Lập Thành Công đại học xuất bản, 1998.
2.Ðại Việt Sử Ký Toàn thư,bản kỷ quyển 13.
3.Thanh Thực Lục, bản dịch của HồBạch Thảo, văn bản số 10.
4.Minh Thực Lục, bản dịch của HồBạch Thảo, văn bản số 272, 275.
-----------------------------------
BÀI LIÊN QUAN :
.
Nhân một bài viết của Ông Trần Phong Vũ
.
Trần Phong Vũ - Posted by basamnews on 12/09/2011
.
Posted by basamnews on 30/08/2011
.
.
.
No comments:
Post a Comment