Monday, September 5, 2011

XẤU HỔ (Nguyễn Liệu)




Nguyễn Liệu - Mộc Lan DCVOnline giới thiệu
23-08-2011

Mộc Lan - Xấu hổ là cảm giác đau buồn trước lỗi lầm hay sự thua kém của mình. Những ngày này, người Việt trong và ngoài nước cảm thấy xấu hổ vì bất lực trước cảnh đất nước bị Trung Cộng xâm lấn khắp mọi lãnh vực còn nhà nước Việt Nam thì không hề tỏ một dấu hiệu phản kháng rõ ràng nào. Dường như mỗi người chúng ta đều băn khoăn tự hỏi: “Không lẽ Việt Nam tương lai sẽ LÀ một tỉnh lỵ của Tàu?”

Mời bạn đọc theo dõi những giòng suy nghĩ của Nguyễn Liệu, một người đã sống qua nhiều chế độ, đã nhiều lần cảm thấy xấu hổ; và cũng đã nhiều lần xắn tay áo, hành động thay vì ngồi yên xấu hổ.

------------------------------------

Làm dân của một nước có khi rất hãnh diện rất tự hào, nhưng cũng nhiều khi cảm thấy xấu hổ. Người Việt nam sống ở triều Lý, triều Trần nhất là dưới triều vua Quang Trung, dù có nghèo khổ cũng hãnh diện. Một dân tộc may mắn lắm mới có những giai đoạn làm cho dân chúng hãnh diện tự hào, phần nhiều cảm thấy xấu hổ, bất mãn.

Riêng cá nhân tôi, sinh vào năm 1932, chưa bao giờ có lúc làm cho tôi đỡ xấu hổ, đừng nói đến hai chữ hãnh diện. Không riêng gì tôi mà cả thế hệ chúng tôi, nếu dám nói thật, đều cảm thấy xấu hổ.

Năm 1945, mới 13 tuổi, lại ở nhà quê, không có một phương tiện truyền thông, không báo chí, không radio, không … cái gì cũng không. Thay vào đó mỗi tuần ít nhất cũng có một cuộc mít ting (chữ mít tinh nhập vào dân làng từ ngày đó) để phổ biến những tin tức thắng lợi. Những cuộc mít tinh ban đầu nghe còn lý thú, nhưng rồi những lần kế tiếp vẫn những bài diễn văn đo đọc đi đọc lại mãi. Bài nào cũng có ba phần rõ ràng. Và bài nào cũng một câu mở đề, “Qua 80 năm trời nô lệ”. Cán bộ xã, cán bộ huyện, cán bộ tỉnh, cán bộ liên khu khi đại diện chánh quyền nói với dân chúng câu đầu tiên đề là “Qua 80 năm trời nô lệ”. Đến nổi khi một cán bộ bước ra đứng trên cái ghế cao để thấy dân chúng đang chen chúc ngồi nơi bãi cát bờ sông, chúng tôi là thiếu nhi được ngồi trong cùng gần cái ghế của diễn giả, cán bộ vừa rút tờ giấy in sẵn trong tuí áo ra, lập tức chúng tôi la lớn “tám mươi năm trời nô lệ”, và đúng y chang ông ta hét lớn, “Qua 80 năm trời nô lệ”.

Phần thứ nhất của bài diễn văn là chửi bọn phong kiến bọn địa chủ bóc lột. Phần thứ hai chửi thực dân Pháp và phát xít Nhật. Phần thứ ba, đại thắng lợi của cách mạng. Mười bài như một, trăm bài như một, đều một câu mở đề đó, và ba phần đó.

Tội nghiệp cho dân chúng, trong đó có tôi, phải ngồi nghe mãi một bài nói chuyện như thế. Một ông đại diện cho huyện kêu gọi dân chúng đi đào kênh mà cũng mở đề, “Qua 80 năm trời nô lệ”. Chúng tôi còn nhỏ nhưng đã thấy cán bộ không biết gì hết, không có một chút trí óc, và hình như họ cũng không hiểu câu “Qua 80 năm trời nô lệ.’ Thường thường sau khi đọc xong bài nói chuyện thì họ kể cho nghe về nước Liên Xô và bác Hồ.
Bác Hồ là người giỏi nhất thế giới, người biết nhiều thứ tiếng gần như tiếng nước nào bác cũng biết, người có 4 con ngươi nên thấy rất sáng suốt, người yêu nước nhất thế giới. Bác Hồ rất tài giỏi làm cho tướng Tàu quân phiệt tướng Lư Hán mà phải khóc vì thấy bác già khúm núm bợ một mâm lễ vật vào mừng tuổi tướng Lư Hán, làm cho ông tướng cảm động phát khóc… trên thế giới này không có ông chủ tịch nước nào tài giỏi như vậy. Còn bên Liên xô thì muốn ăn thịt có thịt, muốn ăn cá có cá, muốn ăn mấy bữa cũng được, còn làm việc thì tùy sức khoẻ mà làm không ai ép buộc. Dân chúng đói khổ đều mơ Liên Xô, một nước quá sung sướng.

Năm 1946, cuộc bầu cử quốc hội đầu tiên. Lúc đó dân chúng đi dự mít tinh hàng đêm chứ không phải hàng tuần và nghe phát chán ngấy cái câu “Sau 80 nô lệ”. Cha tôi quá mừng vì thấy ở làng chánh quán Vạn An có người ra ứng cử với cái thành tích kinh khủng, đó là ông Võ Đình Chư, có bằng đíp lôm, (diplôme, bằng trung học, thời đó rất có giá trị) làm nhân viên hỏa xa đã tham gia vụ phá đường rầy âm mưu giết toàn quyền Đông Dương và vua Bảo Đại. Võ Đình Chư lãnh án tử hình, nhưng chánh phủ Pháp tha chết còn án chung thân đày đi côn đảo. Cha tôi và tôi đi từng nhà yêu cầu bỏ phiếu cho Võ Đình Chư người có thành tích chống thực dân và phong kiến.

Dân chúng rất phấn khởi dồn phiếu cho Võ Đình Chư, nhưng khi tuyên bố kết quả không thấy tên Chư mà lại thấy Ông Đồng , ông Tính, ông Trí ông Duân, ông Long, ông Lược. Dân chúng thuộc lòng các tên đó khi đến thùng phiếu. Đồng tức Phạm Văn Đồng, vì để tang cụ Phan mà bị vài năm tù [1929 Phạm Văn Đồng vào Nam hoạt động trong Tổng bộ Việt Nam Thanh niên Cách mạng Đồng chí Hội. Tháng 7 cùng năm bị Pháp bắt đầy ra Côn Đảo 10 năm - DCVOnline], còn các tên khác thì vô danh tiểu tốt ở nhà quê, ông thì làm thợ hớt tóc, ông thì làm thầy hốt thuốc Nam ngoài chợ, ông thì làm thầy đồ đói khổ ở nhà quê. Dân chúng xầm xì bảo rằng cụ Hồ bảo bỏ phiếu cho những người đó.

Còn nhỏ chưa biết đảng Cộng sản là thứ gì, nhưng biết việc gian lận trong cuộc bầu cử đầu tiên đó, nên tôi đã thấy được chánh quyền và cụ Hồ là người gian lận, không tôn trọng lá phiếu của người dân, và tôi biết cụ Hồ không quí mến Võ Đình Chư, vì Võ Đình Chư về thành tích tranh đấu hơn cụ và phe cụ quá xa. Thực sự tôi cảm thấy xấu hổ phải ở trong một nước mà người lãnh đạo là một người gian lận và đầu óc phe phía.

Khi lên trung học, tôi học trường Lê Khiết trường lớn bậc nhất của liên khu V và khu VI. Những ông thầy kính mến của tôi bỗng nhiên bị bắt xiềng tay dẫn vào nhà lao, trong lớp thầy mới đến đó có thầy Lê Trí Viễn. Một ông thầy nói giọng Bắc, nhỏ thó, chuyên mặc quần sọt (short), luôn luôn có một khăn lót dưới cổ áo cho đỡ dơ cổ áo. Đúng là cái mốt bần cố nông, vì thời đó những người tiến bộ và muốn mau tiến bộ, đều bắt chước cho đúng người bần cố nông, nghĩa là quần áo phải giản dị, dơ dáy càng tốt. Ngôn ngữ phải bắt chước ngôn ngữ của bần cố nông, cụ thể là thường nói đến những việc làm ruộng, cấy gặt, ủ phân, v.v… Thầy Lê Trí Viễn về trường làm một cuộc cách mạng văn hóa. Tại phòng giáo sư không còn nghe nói đến thơ Nguyễn Du, thơ Tản Đà, không còn nghe nói đến công thức Descartes, Newton mà chỉ nghe cách bắt rầy ăn lúa, cách ủ phân Bắc (cứt người), cách làm phân xanh, cách ấp trứng…

Người chỉ huy trong trường không phải thầy hiệu trưởng (khi đó thầy Lê Học, người Quảng Nam làm hiệu trưởng) mà anh thư ký chưa có bằng tiểu học, anh Trần Văn Thận. Tôi biết anh thư ký kiêm bí thư này vì tôi ở trọ nhà anh. Mỗi khi có việc các thầy khúm núm sợ sệt vừa nghe vừa chép lia lịa những huấn thị của anh bí thư dốt nát này. Chúng tôi phần lớn học sinh lúc đó thấy cảnh đó chán nản vô cùng và chính tôi cảm thấy xấu hổ.

Để tránh những cảnh dị hợm, của các cấp cán bộ chánh quyền, của các thầy Lê Khiết, tôi trốn ra Đà nẳng, vùng Pháp tạm chiếm, nhưng đi không được bị bắt bị ra toà án gọi là tòa ánh nhân dân liên khu V. Đúng là một sự hành hình, từ chánh án đến bồi thẩm và các cò mồi trong dân chúng dự phiên toà … toàn chửi và chửi không nói đến một từ ngữ về luật. Tôi bị một trận xấu hổ khủng khiếp.

Hiệp định Genève ký kết. Tôi về vùng quốc gia tự do miền Nam. Tôi nghĩ rằng thoát được sự xấu hổ của xã hội vô sản chuyên chính về với xã hội tự do dưới sự lãnh đạo của nhà chí sĩ Ngô đình Diệm. Chúng tôi say mê cái huyền thoại Ngô chí sĩ đã từng rũ áo từ quan, bôn ba ra nước ngoài, nay trở về lãnh đạo nửa phần nước Việt để đối đầu với cộng sản cai trị miền Bắc. Nhưng không quá một năm, những điều tốt đẹp về Ngô chí sĩ đổ vỡ.

Tôi lại cảm thấy xấu hổ, vì thứ nhất, tư cách của một ông vua đáng lẽ qua một biến cố lớn năm 1945 làm ông phải thoái vị và trốn ra nước ngoài, làm cho ông khôn hơn tỉnh táo hơn để lo việc nước… nhưng vẫn như cũ, vẫn là một ông vua lấy việc ăn chơi làm mục đích chính. Vì thứ hai, cụ Ngô muốn củng cố địa vị, việc đầu tiên bắt chước Hồ Chí Minh, làm cho dân chúng suy tôn lên ngang bực thánh. Miền Bắc bọn bồi bút của đảng cộng sản thi đua sáng tác , thơ, nhạc, văn, ca tụng bác Hồ là người cha già của dân tộc. Miền nam dân chúng phải hát bài suy tôn Ngô Tổng thống mỗi khi chào quốc kỳ.

Quá xấu hổ trong vùng cộng sản tôi chạy về vùng tự do lại bị sự sùng bái ép buộc không thua miền Bắc. Bắc thì đảng cộng sản thô bạo, Nam thì gia đình trị di hợm. Chạy đi đâu cũng xấu hổ. Rồi tiếp theo việc gia đình trị của tổng thống Ngô đình Diệm. Tà tâm hẹp hòi của em tổng thống là cố vấn Ngô Đình Nhu, bắt chước đảng cộng sản. Ngô Đình Nhu đàn áp các đảng phái đối lập thủ tiêu các nhân vật đối lập nguy hiểm, tổ chức đảng Cần Lao độc đảng cai trị. Bà Ngô Đình Nhu , Trần Lệ Xuân, một người đàn bà ít học (là con gái của luật sư Trần văn Chương) nhưng làm chủ tịch quốc hội (ai bầu?) Bà Nhu ăn nói hỗn láo hách dịch tuyên bố bậy bạ. Chúng tôi bịt tai ngó mặt xuống đất khi lỡ nghe bà đọc diễn văn trong quốc hội. Con gái bà tên Ngô Đình Lệ Thủy làm tư lệnh lực lượng bán quân sự phụ nữ cũng giống mẹ như đúc về ăn nói hỗn hào. [Ngô Đình Lệ Thuỷ sinh năm 1945, 18 tuổi khi Tổng thống Diệm bị đảo chánh và giết chết cùng em là ông Ngô Đình Nhu – tg không đưa tham khảo về vài trò “tư lệnh lực lượng bán quân sự phụ nữ” và những lời “ăn nói hỗn hào”. Thời gian 1960-1963 tác giả đang ngồi tù ngoài Côn Đảo. – DCVOnline].

Còn nữa, Ngô Đình Cẩn, em út tổng thống Ngô Đình Diệm, giống Hồ Chí Minh ở điểm chưa bao giờ bước vào trường trung tiểu học, rất tàn ác, lộ liễu làm lãnh chúa miền Trung. Trời ơi, lúc bấy giờ ngồi ở đâu cũng xấu hổ. Chịu hết nổi, tôi tham gia lực lượng chống đối, bị kết án 5 năm tù đày Côn đảo. Vào tù mới hết xấu hổ. Nói như ai rất đúng “Trong một xã hội lưu manh chỗ ngồi của người đứng đắn là nhà tù”.

Năm 1963 chánh quyền Ngô Đình Diệm bị lật đổ. Ông Diệm, ông Nhu bị ám sát, ông Cẩn ra tòa lãnh án tử hình. Bà Nhu được cho ra nước ngoài [Bà Ngô Đình Nhu và Ngô Đình Lệ Thủy đang ở Hoa Kỳ khi xẩy ra cuộc đảo chánh và ám sát Tổng thống Diệm và ông Nhu – DCVOnline] , Giám mục Ngô Đình Thục về La Mã tu tiếp. Tướng lãnh lên nắm chánh quyền.

Tôi ra khỏi tù lại sống dưới sự cai trị của đám tướng lãnh có ba đặc điểm, thứ nhất, từ nhỏ đã theo nghiệp binh nên thiếu học hành; thứ hai, được thực dân Pháp đào tạo nên thiếu lòng yêu nước; thứ ba vì thiếu học, thiếu lòng yêu nước, nhưng thừa óc địa vị, bè phái và tham nhũng. Đó là nguyên nhân chính yếu , sâu xa của sự mất miền Nam vào ngày 30 tháng tư năm 1975.

Cố nhiên dưới chế độ Hồ Chí Minh đã xấu hổ chịu hết nổi chạy vào miền Nam tự do nhưng vẫn bị xấu hổ, rồi tiếp tục xấu hổ dưới sự cai trị của đám tướng lãnh bất tài tham nhũng. (Xem cuốn “Việt Nam nhân chứng” của Trần văn Đôn thì thấy rõ những điều tôi nêu trên).

Nhưng theo tôi sự xấu hổ của tôi kể trên không sánh được sự xấu hổ một cách đau đớn của những người nhất là lớp trẻ có học hiện tại ở Việt nam. Bởi vì chưa có một chánh quyền nào trong lịch sử Viêt nam sa đọa, xấu xa, dị hợm và tội ác như nhà cầm quyền Việt Cộng hiện tại.

Việt Cộng, nhà cầm quyền hiện tại, về dốt nát thì thuộc vào loại quán quân, về tham nhũng thì vô tiền khoáng hậu, về phản quốc thì không có thời đại nào bằng, cho nên làm xấu hổ cho lớp người còn nghĩ đến tổ quốc, còn nghĩ đến đạo đức, còn nghĩ đến con người văn minh.

Muốn bớt, muốn đỡ xấu hổ, các bạn hãy làm như chúng tôi đã làm trên cuộc đời, chống đối chánh quyền, nếu lật đổ được thì thành lập một chánh quyền tốt hơn có lợi cho dân chúng, nếu không lật đổ được, thì vào tù ngồi cho đỡ xấu hổ.




Vài nét về tác giả - Nguyễn Liệu sinh năm 1932 tại làng Long Phụng , Quảng Ngãi. Từ 1947–51 học trường Trung Học Lê Khiết (vùng Cộng sản).
-1952 tổ chức nhóm học sinh chống Cộng. Bị bắt ra tòa án nhân dân Liên Khu 5.
-1954 tổ chức thanh niên chống Cộng đảng , trốn ra vùng Pháp chiếm đóng , tham gia lập chính quyền Quốc Gia tiếp thu tỉnh Quảng Ngãi.
-1955 vào Sài Gòn đi học lại và dậy tại Trung Học Nguyễn Đình Chiểu Mỹ Tho và các tư thục ở sài gòn từ 1958-1960.
-1960 tham gia đảo chánh trong Mặt trận Đại đoàn kết Quốc dân. Bị tòa án quân sự đặc biệt kết án 5 năm đày Côn Đảo cùng với Phan Khắc Sửu , Phan Quang Đán, Phạm Đình Nghị,… 1963 ra tù sau cuộc chính biến lật đổ Tổng thống Ngô Đình Diệm.
-1964 tốt nghiệp cử nhân đại học Văn Khoa Sài Gòn , nhập ngũ khóa 20 Thủ Đức nhưng rời quân trường về giúp việc cho Quốc trưởng Phan Khắc Sửu.
-1965 tổ chức chiến dịch Về Làng tại Quảng Ngãi đưa dân tản cư về làng cũ .
-1965-1966 Quận trưởng quận Mộ Đức.
-1966-1967 Tỉnh Đoàn trưởng Xây Dựng Nông thôn Quảng Ngãi , phát động phong trào dân chúng diệt tham nhũng lấy Quảng Ngãi làm thí điểm.
-1968 trở lại trường Bộ Binh Thủ Đức khóa 27. Là sĩ quan thanh tra Quân đoàn 3 của Trung Tướng Phan Trọng Chinh.
-1970-1975 sáng lập và hiệu trưởng Quảng Ngãi Nghĩa Thục, trung học miễn phí dành cho học sinh nghèo .
- 3/1975 tù Cộng sản đến 3/1983
- 4/ 1985 vượt biển. Hiện định cư tại San Jose, Hoa Kỳ.

(Mộc Lan DCVOnline)

.
.
.

No comments: