Vũ Quí Hạo Nhiên
September 16, 2011 by Hao-Nhien Vu
Mấy hôm nay báo Người Việt mở chuyên mục Wikileaks trên báo giấy cũng như trên mạng. Tớ sẽ lần lượt post những bài do tớ viết lên blog này. Có nhiều người thắc mắc, mấy tài liệu này là gì, tại sao Wikileaks có được – bộ nó là thánh hay sao làm chiếm được – rồi lại có người đọc xong một số công điện thì thấy, ủa, sao tình báo kiểu gì mà ngộ zậy?
Câu trả lời ngắn gọn là: “Tài liệu này là công điện ngoại giao. Không, Wikileaks không phải là thánh. Cho là ‘tình báo’ ngộ, vì thật ra tài liệu này không phải tin tình báo.”
Còn đây là câu trả lời dài hơn:
Wikileaks là…
Wikileaks, tại địa chỉ wikileaks.org, là một cơ sở bất vụ lợi có mục đích đòi hỏi chính quyền phải minh bạch, bằng cách công bố các tài liệu mật do các nguồn nặc danh cung cấp. Wikileaks bắt đầu nổi tiếng với những tiết lộ bí mật về chiến tranh Iraq, kể cả một đoạn phim trong đó lính Mỹ tưởng phóng viên Reuters mang vũ khí và nã súng bắn họ.
Nhưng phải tới tháng 10 năm 2010, Wikileaks mới thật sự nổi tiếng và ai cũng biết tên. Ðó là lúc Wikileaks loan tin lấy được 260,000 công điện ngoại giao của Hoa Kỳ và tuyên bố sẽ bắt đầu công bố những công điện này.
Những tài liệu này là…
Ðây là những công điện do các tòa đại sứ, lãnh sự của Mỹ từ khắp nơi gởi về Bộ Ngoại Giao. Trong Bộ Ngoại giao có những ban bệ phụ trách các loại đề tài ngoại giao, và họ cần biết chuyện gì đang xảy ra ở khắp nơi. Họ lấy thông tin về những gì đang xảy ra ở Việt Nam chẳng hạn, qua ngoại giao đoàn ở Việt Nam. Nếu tòa đại sứ Việt Nam ở Mỹ gọi vô Bộ Ngoại giao càm ràm là “tối hôm qua bà Dân biểu Loretta Sanchez xông tới thăm BS Nguyễn Đan Quế” chẳng hạn, thì người ở Bộ Ngoại giao phải biết là, à, hôm qua bà Sanchez có xông đi đâu ở Sài Gòn không. Nếu bà Clinton có nhu cầu nhắc đến blogger các nước bị cầm tù, và cần tên một blogger ở Việt Nam, bà muốn có tên một người mà không nhất thiết phải gọi điện thoại qua Hà Nội để hỏi. Và nếu báo chí tự dưng gọi hỏi văn phòng Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ về việc Trung Quốc đào mỏ bauxite ở Việt Nam, nhân viên ở đó không thể bị chưng hửng không biết chuyện bauxite là gì.
Tài liệu này để giới ngoại giao xem với nhau, nên ngôn ngữ rất là … không ngoại giao. Khác với lúc “làm ngoại giao” với người ngoài, khi viết công điện nhân viên ngoại giao không có nhu cầu phải nói khéo, nói dịu, khi viết công điện. Mà vì viết cho đồng nghiệp, họ có nhu cầu nói thẳng, nói thật, nói không giấu diếm.
Đó chính là giá trị của công điện trong Wikileaks. Và cũng vì vậy nó làm cho nhiều người không happy.
Wikileaks không phải là thánh, mà chôm công điện bằng cách…
Sau vụ khủng bố 11 tháng 9, chính phủ Tổng Thống George W. Bush ra lệnh cho các cơ quan quân đội, ngoại giao, tình báo phải chia sẻ tài liệu mật cho nhau, mục đích là để các cơ quan chính quyền có đầy đủ thông tin chống khủng bố.
Tuân lệnh tổng thống, họ bèn đặt tài liệu lên một mạng lưới tài liệu mật của quân đội Mỹ, gọi là “SIPRnet.” Tuy nhiên, một tác dụng ngược của nó là khiến hàng ngàn quân nhân bỗng có thể đọc được công điện mật của ngành ngoại giao.
Một trong hàng ngàn quân nhân đó là Trung sĩ Bradley Manning, sau này bị giáng lon xuống binh nhì. Manning tải toàn bộ công điện mật của bộ Ngoại Giao về máy mình, rồi chuyển qua cho Wikileaks. Manning đang bị truy tố tội tiết lộ bí mật quốc gia.
Công điện ngoại giao không phải…
Nếu mí bác đã có dịp nhậu nhẹt quàng vai bá cổ với đám ngoại giao phương Tây, các bác sẽ hiểu một điều, là dân ngoại giao có một niềm tự hào, là họ tự hào họ không phải gián điệp.
Họ biết sẽ có lúc họ phải làm việc với tình báo. Họ hiểu tầm quan trọng của tình báo. Nhưng họ tự hào họ là những nhà ngoại giao, những diplomat, những người phục vụ quyền lợi quốc gia bằng cách đặt cầu nối với thế giới.
Khác với cái “bọn tình báo” – họ không nói thế nhưng rõ ràng là họ nghĩ thế trong đầu.
Tất cả thông tin trong các công điện, đều lấy được một cách công khai. Họ gặp ai, công khai, họ kể lại. Họ đi đâu, họ đi công khai. Có được phép của Bộ Ngoại giao Việt Nam, họ mới đi. Đúng nguyên tắc thế.
Họ gặp các nhà đấu tranh, họ gặp công khai. Họ gặp LM Nguyễn Văn Lý chẳng hạn, là họ gặp công khai trong những chuyến đi có sự đồng ý của Bộ Ngoại giao Việt Nam. Nhiều cuộc gặp đó có sự hiện diện của nhân viên Sở Ngoại vụ địa phương hay của viên công an khu vực, và họ ghi lại chi tiết đó trong công điện.
Điều đó khác với nhân viên tình báo, muốn gặp ai là gặp không cần xin phép xin tắc, thậm chí cố tình gặp lén đừng cho ai biết.
Cho nên ai gọi những công điện này là tin tình báo, là sai.
.
.
.
No comments:
Post a Comment