Friday, September 16, 2011

VỀ NHỮNG LỜI "BÀN THÊM về THƯ NGỎ" (Trần Phong Vũ)



15-09-2011

Vài suy nghĩ tiếp sau lời “Bàn thêm về Thư Ngỏ” của ông Lê Xuân Khoa
Trần Phong Vũ

Trước hết, tôi ghi ở đây lời cám ơn ông Lê Xuân Khoa(1) vì mặc dầu trong bài trước tôi không chính thức gửi cho ông, nhưng ông đã thẳng thắn “hồi âm”. Hơn thế, ngay trong phần mở đầu cho những lời “bàn thêm”, ông còn nhận “đây là một bài phản biện của một trí thức có tư cách, đặt vấn đề thảo luận ‘trong tinh thần tương kính và xây dựng.’”

Cho nên khi quyết định viết tiếp những suy nghĩ này, tôi xin các bạn đọc đừng vội nghĩ đây là một cuộc tranh cãi –hay tệ hơn, một cuộc bút chiến – giữa những người muốn “ăn thua đủ” với nhau. Xin tất cả coi những giòng này như những trao đổi cần thiết giữa hai cá nhân, dù có những cách nhìn, cách nghĩ, cách phản ứng khác nhau đối với những vấn đề đất nước, nhưng vì ích lợi chung, vạn bất đắc dĩ vẫn phải nói lên tiếng nói lương tâm của mình để mong được thông chia –không phải chỉ giới hạn giữa hai người trong cuộc, nhưng với tất cả đồng bào trong và ngoài nước.

Trong tinh thần ấy, tôi xin ghi tiếp những suy nghĩ của tôi


Điểm thứ nhất – Đề cập quan điểm của tôi về nội dung Thư Ngỏ, ông Lê Xuân Khoa (LXK) đã tỏ ra trung thực khi viết, “Về nội dung của Thư Ngỏ, ông Trần Phong Vũ cho biết là ông đồng thuận một số điểm được trình bày trong Thư Ngỏ”. Tuy nhiên, điều đáng tiếc (có thể vì sơ ý trong khi diễn đạt ý tưởng), ngay ít giòng sau đó tác giả lại suy diễn, “Như vậy thì có thể nói là ông đồng ý với toàn thể nội dung của Thư Ngỏ”.

Trộm nghĩ “một số điểm” trong nội dung hẳn không thể được hiểu là “toàn thể nội dung”!

Mời ông Khoa và quý độc giả khi đọc lại những suy nghĩ sơ khởi của tôi về nội dung Thư Ngỏ, xin chú ý tới hai câu sau đây:

1. “Chúng tôi đồng thuận một số quan điểm của các thức giả được trình bày trong Thư Ngỏ”.

2. “Thư Ngỏ (…) cũng phản ánh được phần nào quan điểm chung của tập thể tị nạn, trong đó có cá nhân người viết những giòng này”

Điểm thứ hai – Cũng như một số bạn bè tôi, ông Khoa đã sớm nhận ra là tôi “đếm sai” số nhân sĩ trí thức ký tên trong Thư Ngỏ. Thay vì 36, tôi ghi 34 vị (không phải một lần mà tới 4, 5 lần trong một bài viết ngắn!) Xin quý vị đọc lại những lời thưa trước của tôi, trong đó tôi thẳng thắn tỏ bày lòng kính trọng đặc biệt đối với hai ông Doãn Quốc Sỹ (DQS) và Vũ Quốc Thúc (Đây cũng là lý do khiến tôi phải bỏ thì giờ, công sức trình bày những suy nghĩ rời của mình trong một bài viết nghiêm chỉnh, thay vì chỉ trả lời ngắn gọn qua những cuộc điện đàm hay qua điện thư hỏi ý kiến của bằng hữu).

Xin thưa, khi nhìn thấy sự kiện này trong bài viết, ban đầu tôi không khỏi ngạc nhiên tại sao lại có sự ghi lầm như thế. Nhưng chỉ một thoáng sau, tôi biết mình không đến nỗi hồ đồ khi cảm nhận chắc chắn. Nó là kết quả của tiếng réo gọi từ vô thức như nhắc nhở tôi không nên gói hai vị mà tôi quý mến vào trong đó. Trong những ngày vừa qua, khi được đọc những ý kiến của ông DQS và thân nhân anh về sự kiện tên anh xuất hiện trong Thư Ngỏ, tôi không khỏi cảm thấy tự hài lòng với mình.

Điểm thứ ba, Chính danh và “chính nghĩa” – Để làm sáng lên quan điểm của các vị ký tên trong Thư Ngỏ (hay ít nữa là của ông LXK), trong lời “bàn thêm”, tác giả đã phân biệt rách ròi hai từ chính danh (legality, légalité)(2) và “chính nghĩa” (legitimacy, (légitimité)(3) nhằm đánh đồng với từ “chính đáng” mà tôi đã dùng trong câu:

“Phải chăng đây là một cách của những người sớm quên căn cước “tị nạn chính trị” của mình để công khai nhìn nhận tính chính đáng của một thứ nhà nước đang bị toàn dân coi là “bè lũ cướp ngày?”

Cho dù tự tin là có đủ luận cứ để bảo lưu ý riêng khi dùng cụm từ “tính chính đáng”, nhưng vì thiện chí, tôi thấy cần ngừng lại để thảo luận trong chốc lát cách diễn giải của tác giả (LXK) bài “bàn thêm” về “tính chính danh” của cơ chế quyền lực ở Hà Nội.

“CHXHCNVN là một thực thể được quốc tế nhìn nhận là một thành viên của Liên Hiệp Quốc, được ASEAN nhận làm hội viên, được Hoa Kỳ và tất cả những quốc gia dân chủ khác thiết lập quan hệ hợp tác trên nhiều lãnh vực. Như vậy, về mặt bang giao quốc tế, CHXHCNVN là một thực thể pháp lý có tính chính danh.”

Với tiền đề gói ghém trong nhận định dựa vào “tính chính danh” trên đây, tác giả những lời “bàn thêm về Thư Ngỏ” viết:

“Họ, và chỉ có họ, mới có quyền tham gia và triệu tập các hội nghị thượng đỉnh. Chỉ có họ mới có quyền thảo luận và ký kết thỏa ước với các chính phủ.” (Người trích nhấn mạnh).

Danh xưng “Họ” nếu được hiểu là những nhà lãnh đạo của một chính quyền hợp pháp, không những được quốc tế nhìn nhận, mà hơn thế, lại là của dân, do dân, vì dân, và trong thời gian tại vị luôn chứng tỏ thiện chí, khả năng và quyết tâm phục vụ nhân dân, luôn lắng nghe tiếng dân và luôn bảo vệ những quyền lợi thiêng liêng của dân, của nước thì quả thật chỉ có “họ” không những “có quyền tham gia và triệu tập các hội nghị thượng đỉnh… có quyền thảo luận và ký kết thỏa ước với các chính phủ”…mà còn đảm bảo cho những người dân do “họ” đại diện luôn có được niềm tin và sự an tâm là sẽ không bị phản bội trong khi “họ” “đem chuông đi đấm xứ người”, hay nói rõ hơn là khi “họ” đặt bút ký kết vào những thỏa ước song phương hoặc đa phương với các quốc gia khác. Thí dụ như những thoả ước về biên giới về lãnh hải chẳng hạn.

Nhưng nếu danh xưng “Họ” là những kẻ đang nắm giữ một chính quyền kiểu CHXHCNVN (*) ở Hà Nội hay Bình Nhưỡng thì cho dẫu về phương diện biểu kiến được cả trăm quốc gia trên thế giới nhìn nhận, thì trên thực tế đối với quảng đại quần chúng Việt Nam hay Bắc Hàn, nó chỉ là con số không, là hiện thân của tai ương, phản bội, của máu và nước mắt mà thôi!

Đọc những lời phán quyết chắc nịch này, hẳn có người sẽ không khỏi vội vàng kết án người viết là “quá khích”, là “chống cộng cực đoan”. Khi viết như vậy, tôi không chỉ bằng vào những sự thật đau đớn của dân tôi trong quá khứ qua những kinh nghiệm đẫm máu và nước mắt: từ vụ Ôn Như Hầu, trong đó hàng loạt thủ lãnh, đảng viên các chính đảng quốc gia đã bị Việt Minh CS lừa đảo, thủ tiêu… cho tới những vụ án Nhân Văn Giai Phẩm, Cải Cách Ruộng Đất, các biến cố Mậu Thân, Mùa Hè Đỏ lửa… mà cụ thể trước mắt là những gì đang diễn ra trên đất nước tôi hôm nay.

Tôi xin nhắc lại, “hôm nay”. Nó không chỉ là những vết hằn, nhưng nỗi đau năm ngoái hay thế kỷ trước. Mà là ngay bây giờ, lúc này.

Kinh nghiệm về sự phản bội của những kẻ mặt người dạ thú đã trở thành chuyện dài. Nó có lớp có lang. Nó được lập đi lập lại hoài hoài từ hơn nửa thế kỷ qua cho đến nay.

Nếu có thể chấp nhận sự tha hóa trở thành vô cảm để tự đặt mình ra ngoài những đớn đau, hệ lụy mà 90 triệu đồng bào tôi đã và đang tiếp tục phải gánh chịu trên quê hương, hẳn rằng tôi sẽ dễ dàng bị thu hút bởi những lý luận trên đây của tác giả.

Nhưng may mắn là tôi vẫn chưa đến nỗi mất tính người, người Việt Nam.

Điểm thứ bốn – Trong một đoạn kế, tác giả đã bộc lộ một cái nhìn trung thực khi viết:
“Tuy nhiên, một chính quyền có chính danh không đương nhiên là một chính quyền có chính nghĩa, vì vậy trong khi hợp tác với Việt Nam, chính phủ Hoa Kỳ, Liên hiệp Châu Âu và các nước dân chủ khác vẫn không ngừng đòi hỏi chính quyền độc tài ở Việt Nam phải tôn trọng nhân quyền và các quyền tự do căn bản của người dân.

Đối với cộng đồng người Việt ở hải ngoại, chính quyền độc tài cộng sản Việt Nam không có chính nghĩa và cũng không có chính danh. Nhưng vì chính quyền này đang nắm giữ vận mệnh của dân tộc nên người Việt hải ngoại không thể không đặt vấn đề trách nhiệm lịch sử với thực thể pháp lý này.”

Đọc những dòng chữ trên đây, phải ghi nhận là ông Lê Xuân Khoa đã thành thật với chính mình, cho dẫu khi công nhiên nhìn nhận như vậy, lý do giản dị vì ông bị du vào thế không thể làm khác khi mục tiêu chính của những lời “bàn thêm” là để biện giải cho việc chọn đối tượng Thư Ngỏ mà ông là một trong vài người khởi xướng và chấp bút.

Không ai chối cãi là chính phủ Hoa Kỳ, Liên hiệp châu Âu và các nước dân chủ khác từng lên tiếng đòi nhà cầm quyền độc tài ở VN phải tôn trọng nhân quyền, chấm dứt những hành vi đàn áp những người đấu tranh cho dân chủ. Tuy nhiên sự kiện này không giúp ích gì vào việc củng cố cho điều tác giả lời “bàn thêm” khẳng quyết là, “người Việt hải ngoại không thể không đặt vấn đề trách nhiệm lịch sử với thực thể pháp lý này.”

Kinh nghiệm cho thấy sự lên tiếng hoặc đòi hỏi kể trên của các cơ chế quyền lực quốc tế thường chỉ mang tính nguyên tắc, cho có lệ, hơn là có giá trị thực tiễn. Nó là da (4), là những cái gì ở ngoài ta, không phải là ta. Cho nên không lạ khi những lời lên tiếng, vận động, đối kháng của nước này, xứ nọ không được đáp ứng, cũng không mấy khi được họ quan tâm theo dõi. Nhưng với người Việt Nam chúng ta thì khác. Mỗi khi lên tiếng hoặc đòi hỏi điều gì cho đất nước, dù tắc trách đến đâu chúng ta cũng không thể không xét tới hiệu quả và tính thực tế của nó.

Viết đến đây tôi không thể không lập lại một lần nữa câu trả lời cho câu hỏi cái gọi là “thực thể pháp lý này” là gì và cụ thể là ai? Đó chính là cái cơ chế quyền lực mang tên CHXHCNVN gồm những kẻ mà Hà Sĩ Phu Nguyễn Xuân Tụ mệnh danh là đã ở vào giai đoạn “hết thuốc chữa” của căn bệnh “kiêu ngạo cộng sản”, hay nói dễ hiểu hơn là những kẻ điếc. Điếc nặng, vô phương cứu vãn, đến nỗi cả văn thư góp ý của những khuôn mặt một thời được coi à “đại công thần chế độ” như “ngài” Đại tướng Võ Nguyên Giáp cũng bị “họ” vứt vào sọt rác!

Nhận định của tác giả lời “bàn thêm” quả không sai khi cho rằng “chính quyền này đang nắm giữ vận mệnh của dân tộc”. Có điều tuồng như ông quên là “họ” cũng lại chính là những kẻ đã và đang nhẫn tâm, cúi mặt tự nguyện trao vận mệnh dân tộc cho kẻ thù truyền kiếp của chúng ta là Trung Hoa Cộng Sản ngày nay. Đây không còn là điều suy đoán, diễn dịch, mà là một sự thật hiển nhiên dưới ánh mặt trời.

Và khi đối tượng Thư Ngỏ là những kẻ mang sẵn não trạng và hành vi như thế thì dù được coi là “chính danh” liệu còn có điều gì để bàn thêm nữa không?

Điểm thứ năm, Thư Ngỏ hay Kiến Nghị? – Ở một đoạn khác, ông Khoa biện minh “Thư Ngỏ” không phải là “Kiến Nghị” Ông viết tiếp, “Đúng như tên của nó, Thư ngỏ không gửi riêng cho đối tượng mà được mở cho toàn thể mọi người, trong và ngoài nước.”

Đấy là lời thanh minh của ông Khoa. Lẽ ra tôi không có ý kiến, giản dị vì trong bài trước tôi không đề cập vấn đề này. Nhưng nay vấn đề đã được người trong cuộc đặt ra công khai, tôi xin được bày tỏ vài suy nghĩ bất chợt.

Theo thiển kiến, một Văn Thư hay một Kiến Nghị nếu tác giả muốn cho công luận cùng đọc thì ở cuối, ngoài địa chỉ chính, vẫn có thể ghi thêm một câu đại loại như: “Văn Thư, (Kiến Nghị) này xin được phổ biến rộng rãi tới mọi người”. Tôi thành thực nghĩ rằng, một lá thư dù là thư riêng gửi cho lãnh đạo một chính phủ hay thư ngỏ, được phổ biến chung cho công luận, nó vẫn có thể được coi à một Kiến Nghị, nếu nội dung chứa đựng những ngôn từ ý tưởng của một văn bản nhằm cùng một mục đích: mục đích đề nghị hay đạo đạt ý kiến, nguyện vọng.

Với sự hiểu biết riêng, tôi thấy nội dung Thư Ngỏ của một số nhân sĩ, trí thức hải ngoại gửi các lãnh tụ đảng và nhà nước CSVN vừa qua hội đủ những yếu tính của một Kiến Nghị, cho dù tên gọi có khác. Thông thường, trong một Kiến Nghị gồm có hai phần: Phần 1: nêu ra những nhận định chung. Phần 2: trình bày những điều tác giả muốn đạo đạt tới đối tượng của Kiến Nghị.

Đọc qua Thư Ngỏ, tôi thấy ngoài những câu dạo đầu, trong phần 1, chủ nhân Thư Ngỏ nêu lên ba nhận định. Sau đó, chuyển qua phần 2, căn cứ vào những nhận định trên, là những kiến nghị được gói trong 15 chữ cần (**) quy vào 4 điểm. Dù thay thế bằng một từ ngữ nhẹ nhàng, vô thưởng vô phạt, nhưng do những đề nghị, gợi ý, đòi hỏi bám theo những chữ “cần” này, hiển nhiên ai cũng hiểu là chúng hàm ẩn một mong mỏi, một nguyện vọng hay một yêu sách nào đó rồi.

Điểm thứ năm , Vấn đề hòa hợp hòa giải – Đây cũng là vấn đề tôi không có cơ hội đề cập trong bài trình bày những suy nghĩ sơ khởi. Nhưng vì ông Khoa đã lên tiếng biện giải trong một bài viết mà ngay phần mở đầu ông đã công khai nói là “hồi âm” cho tôi. Vì thế, tôi thấy có trách nhiệm suy nghĩ tiếp.

Ông viết:
Nếu trong Thư Ngỏ có sáu dòng chữ nói về vấn đề hòa giải và hòa hợp dân tộc, một vấn đề được lãnh đạo Việt Nam nêu ra, thì tất cả đều là những điều kiện cụ thể: tái thiết Nghĩa trang Biên hòa, tìm kiếm hài cốt những người đã bỏ mình trong các trại tù cải tạo, và không ngăn cản việc xây dựng bia tưởng niệm thuyền nhân ở Đông Nam Á, như những bước đầu tiên cần thiết để có thể thực hiện những bước hòa giải tiếp theo.
Khi nhấn mạnh “sáu dòng chữ nói về vấn đề hòa hợp hòa giải” ý hẳn tác giả muốn làm nhẹ tính quan trọng khi Thư Ngỏ đụng chạm đến vấn đề nhạy cảm này. Cũng như trong bài trình bày những suy tư sơ khởi, ở đây, tôi sẽ không lấy đấy như một chủ điểm để bàn thảo.

Điều tôi muốn giãi bày là những “râu ria” bám theo vấn đề nhạy cảm ấy. Đó là vấn đề Nghĩa trang Biên Hòa, là chuyện tìm kiếm hài cốt tù nhân, là chuyện bia tưởng niệm thuyền nhân. (Tưởng cần mở dấu ngoặc ở đây để làm sáng tỏ về hai tiếng “râu ria”. Quả thật dưới mắt tôi dù những sự kiện mang tính thiêng liêng ấy không bao giờ có thể quên được, nhưng đó vẫn chỉ là những chuyện nhỏ giống như hạt cát giữa sa mạc, giọt nước giữa đại dương mệnh mông chất chứa những nỗi oan khiên chất ngất mà đồng bào tôi đã và đang phải gánh chịu từ cái ngày oan nghiệt khi chủ nghĩa cộng sản lên ngôi. Trong một diễn đàn Paltalk mà tôi hân hạnh được các bạn trẻ mời chia sẻ suy nghĩ về Thư Ngỏ lúc 7 giờ tối (giờ California) hôm 13-9-2011, khi có người hỏi về những chuyện “râu ria” này, tôi đã xúc động nói lên những ý nghĩ của tôi:
Cho dẫu những người cộng sản VN đã có những hành vi man rợ như triệt hủy Nghĩa Trang Biên Hòa, vùi giập nắm xương tàn của các chiến sĩ Quốc gia tại các nhà tù mệnh danh trại cải tạo hay vận động các quốc gia Mã Lai, Nam Dương đập bỏ những tấm bia tưởng niệm thuyền nhân… thì họ cũng không làm chúng ta lãng quên được những di tích chất chứa nhiều kỷ niệm vừa thiêng liêng vừa đau đớn ấy… Và khi vì cảnh ngộ phải bỏ nước ra đi tán lạc khắp bốn phương trời hải ngoại, thì mỗi người tị nạn chúng ta vẫn còn giấu tất cả những hình ảnh yêu thương ấy trong trái tim của mình, không ai lấy đi được.)
Cho nên, mai ngày nếu Hà Nội có đoái hoài tới việc thỏa mãn những “râu ria” được ông Khoa cho là “những điều kiện cụ thể” thì với tuyệt đại đa số đồng bào tôi hiện đang sinh sống ở hải ngoại, có cả tôi, vẫn không thể coi là biểu hiện một thái độ thành tâm hòa hợp, hòa giải.

Theo suy nghĩ riêng, nếu quả thật đảng và nhà nước CSVN muốn bày tỏ tinh thần HH&HG thì trước hết phải thỏa mãn ước nguyện thẳm sâu của 90 triệu đồng bào ta là hãy lập tức trả lại cho toàn dân quyền được tự do bầu chọn một chính quyền chân chính mà từ lâu họ hằng mong ước. Khởi đầu cho việc làm này là dẹp bỏ hệ thống báo chí “lề phải”; mở cửa nhà tù, trả tự do cho tất cả những tù nhân lương tâm hiện đang bị giam giữ; giải tán toàn bộ cơ chế “công an, cảnh sát trị”; xét lại toàn bộ thỏa ước về biên giới, về biển đảo, những hợp đồng cho Trung cộng khai thác Beauxit ở cao nguyên, cho thuê rừng đầu nguồn, mở cửa biên giới cho dân lao động Tàu tràn vào lập nghiệp, xây dựng khu cư trú riêng biệt, sinh con đẻ cái trên lãnh thổ Việt Nam. Nhất là công khai hỗ trợ các giới đồng bào trong những cuộc biểu tình chống lại chủ trương xâm lược thô bạo của Bắc Kinh hiện nay.

Một vài suy nghĩ bên lề

Vì không muốn đi sâu vào chi tiết, trong bài viết trước tôi chỉ nêu lên một vài suy nghĩ rời rạc chợt đến trong đầu. Nay nhân lời “bàn thêm” của ông Lê Xuân Khoa, ngoài những điểm trên, tôi xin có một vài suy nghĩ bên lề khi đọc lại Thư Ngỏ.

Cần sửa đổi Hiến pháp

Một trong những điều Thư Ngỏ cho là CẦN được đảng và nhà nước CSVN cứu xét là “sửa đổi Hiến Pháp”. Tuồng như những vị ký tên trong Thư Ngỏ, trong số có ông Khoa, có thể vì không theo dõi hoặc vì một lý do sâu xa, riêng tư nào đó, nên đã không để ý đến bản tin gần đây phát xuất từ trong nước cho hay CHXHCNVN dự tính sẻ sửa đổi HP của họ vào năm 2013.

Sự kiện này cho phép tôi nêu lên hai điều.

Thứ nhất, quý vị đã đẩy một cánh cửa đã mở. Nói cách khác: yêu sách của quý vị mang tính chất yểm trợ hoặc phụ họa thêm cho chủ trương của đối tượng Thư Ngỏ.

Thứ hai, quý vị không nhận ra hoặc muốn quên một kinh nghiệm khá hiển nhiên là ngay trong cái gọi là Hiến Pháp hiện tại của CHXHCNVN đã ghi rõ trên giấy trắng mực đen về quyền tự do báo chí, tự do bầu cử, ứng cử, tự do tôn giáo… Nhưng trên thực tế, đảng và nhà nước CSVN đã và đang tiếp tục “ngồi xổm” trên những quyền năng căn bản mà chính họ đã long trọng cam kết ấy qua những gì vừa xảy ra trên đất nước chúng ta mà những người theo dõi thời cuộc gần đây ai cũng thấy rõ.

Một câu hỏi đặt ra: việc sửa đổi Hiến Pháp của CHXHCNVN trong điều kiện như thế sẽ mang lại ích lợi gì? Câu trả lời xin dành cho tất cả.

Tôi nhớ một lãnh tụ cộng sản nào đó đã nói một câu bất hủ, đại khái: cộng sản là một thứ gì không thể sửa đổi hay chữa trị… mà phải loại bỏ, phải thay thế.(5)


Vài nguồn dư luận đáng quan tâm

Trên diễn đàn Paltalk tối 13-9, một người hội thoại cho hay là ông biết rõ một vài khuôn mặt trong số những người ký tên trong Thư Ngỏ từng đi về Hà Nội gặp gỡ, giao lưu với những lãnh tụ cộng sản nhiều lần. Mỗi lần về như thế đương sự đều được lưu trú tại nhà Quốc Khách của nhà nước. Lại cũng có những người từng về làm việc với chế độ.

Thật ra, cá nhân tôi cũng đã hơn một lần nghe nói về những dư luận tương tự từ lâu, nhưng tôi không để tâm vì không coi là quan trọng. Nhưng trong trường hợp những người đã có “thành tích” như thế mà lại công khai ký tên trong một Thư Ngỏ nhân danh giới trí thức Việt Nam ở hải ngoại gửi cho đảng và nhà nước CSVN, thì quả là điều không thể bỏ qua.

Cũng trong diễn đàn Paltalk kể trên, khi bàn về ảnh hưởng tai hại của Thư Ngỏ, có ý kiến cho rằng đây là một kịch bản do Hà Nội dàn dựng nhằm chia xé cộng đồng Việt Nam tị nạn ở hải ngoại. Khi đã là một kịch bản thế tất phải có những diễn viên, gồm cả những vai hề.

Tôi không có dữ kiện để xác định câu chuyện trên đây thật đến đâu và nhất là nó sẽ tác hại tới sự đoàn kết của cộng đồng người Việt tị nạn như thế nào. Tuy nhiên, trước mắt, ít nhất nó cũng đã tạo nên những mối bận tâm cho không ít người.


Điểm cuối cùng

Trong lời “bàn thêm về Thư Ngỏ” ông Lê Xuân Khoa đã quảng đại vinh danh tôi là “một trí thức” lại là “một trí thức có tư cách”. Thêm một lần nữa tôi xin cám ơn hảo ý kể trên của ông mà tôi tin là rất thành thực.

Nhiều ngày qua tôi tự vấn xem tôi có xứng đáng với lời vinh danh ấy không?

Bây giờ tôi xin trả lời. Về tư cách, nhìn lại 80 năm sống và làm việc, có thể tôi có những sai lỗi không thể tránh, nhưng có một điều chắc chắn là lúc nào tôi cũng cố gắng vươn tới sự Thiện, nhất là luôn nỗ lực để sống xứng đáng với tư cách làm người, cách riêng, người Việt Nam.

Nhưng về nhãn hiệu “trí thức”, tôi xin được trả lại ông Lê Xuân Khoa. Vì tôi tự xét trên tất cả mọi phương diện, mọi đòi hỏi, dễ thấy nhất là đòi hỏi về học vị, tôi hoàn toàn không xứng với danh vị cao sang ấy.

Kết thúc những suy nghĩ này, tôi tự cho phép mình được coi như bài viết hôm nay là bài viết chót liên quan tới Thư Ngỏ. Mai ngày, dù có ai đưa ra những bài viết tán thưởng hay phản biện những suy nghĩ của, tôi, dứt khoát tôi sẽ không viết thêm gì nữa.

Trân trọng.

© DCVOnline

DCVOnline :
(1) Tác giả viết “GS …” DCVOnline biên tập là “ông …”
(2) Legality: Being in conformity with the law; lawfulness. Observance of law. (Sự hợp pháp; tính hợp pháp).
(3) Legitimacy: lawfulness by virtue of being authorized or in accordance with law. Undisputed credibility (Tính hợp pháp, tính chính đáng; tính chính thống)
(4) Tác giả dùng hai chữ “bì phu” (
)
(5)
Communism cannot be changed. Communists may change, but not communism.” (Chế độ cộng sản không thể thay đổi. Người cộng sản có thể đổi nhưng chế độ cộng sản thì không.) Milovan Djilas, người Yugoslavia, một chính khách, lý thuyết gia và tác giả cộng sản trả lời phỏng vấn của Richard Hornik (tạp chí TIME ngày 19 tháng Hai, 1990). Đọc thêm tại đây: http://www.time.com/time/magazine/article/0,9171,969443,00.html#ixzz1Y2hwYPUz


Chú thích của tác giả
(*) Một chính quyền mà ngày 14/09/ 1958, người đứng đầu là thủ tướng Phạm Văn Đồng đã ký vào một Công Hàm gửi cho Chu Ân Lai nhìn nhận Hoàng Sa không phải của Việt Nam mà là của Trung cộng! Sự liên tưởng cũng khiến người ta nghĩ tới những gì thứ trưởng ngoại giao Hồ Xuân Sơn và thứ trưởng quốc phòng Nguyễn Chí Vịnh ký kết với người đồng nhiệm của họ ở Bắc Kinh mới đây. Kết quả là ngay sau đó những cuộc biểu tình chống Trung cộng của những thanh niên, trí thức yêu nước đã bị dập tắt, kẻ bị đạp mặt, người bị khủng bố, bắt bớ, giam cầm!
(**) Tôi đích thân đếm được trong phần thứ hai Thư Ngỏ

------------------------------------

BÀI VIẾT LIÊN QUAN :

Trần Bình Nam   -    Gửi cho BBCVietnamese.com từ Hoa Kỳ  -   09:20 GMT - thứ tư, 14 tháng 9, 2011

Hồ Bạch Thảo
Cập nhật : 13/09/2011 13:01

Nhân một bài viết của Ông Trần Phong Vũ
Lê Xuân Khoa   -     Posted by basamnews on 11/09/2011
.
Trần Phong Vũ   -   Posted by basamnews on 12/09/2011
.
Lê Quốc Trinh    -    12:01:am 01/09/11
.
Posted by basamnews on 30/08/2011

.
.
.

No comments: