Tuesday, September 13, 2011

UKRAINA - KHI STALIN BIẾN CON NGƯỜI THÀNH KẺ ĂN THỊT ĐỒNG LOẠI (Fanny Facsar)


Phương Tôn biên dịch
Theo Ukraine - Als Stalin die Menschen zu Kannibalen machte - Fanny Facsar
12 tháng 09 năm 2011

Sau khi vượt trên ngàn cây số, xuyên qua đất nước Hungary với những „tấm thảm lúa vàng“ chín mọng chạy dài đến tận chân trời hút mắt, đặt chân lên xứ Romania để rồi cuối cùng, chúng tôi cũng đạt đích cuối là một ngôi làng nhỏ xa xôi „tận cùng thế giới“ nằm trong khu vực ngã ba biên giới Hungary, Romania và Ukraina. Nhằm đúng vào những đêm trăng tròn nóng bức, sau một ngày lao động, đám đàn ông thường tụ dưới những giàn nho sai trái ,bên lò thịt nướng „Mici“ quốc hồn quốc túy và dĩ nhiên không thiếu những chai bia „Noroc“ 2,5lit chứa trong chai nhựa trông không „bắt mắt“ chút nào của Romania, trò chuyệm râm ran cho đến khi trời mát dịu mới chịu đi tìm một góc nào đó trong vườn để dỗ giấc ngủ.

Vào một tối khuya, khi những „thảm lúa“ vàng óng của Hungary và Romania vô tình được nhắc đến cùng người chủ nhà lớn tuổi. Ông ta chắc lưỡi cho biết, ruộng đất của Romania nhưng bắp lúa lại là của nông dân người Ý, người Pháp, người Đức sang khai thác: „Người dân hậu Cộng Sãn chúng tôi lấy tiền đâu ra mà đầu tư trồng trọt, làm ăn lớn như vậy!“. Ông tiếp lời: „ Nhưng như vậy cũng còn chưa ăn nhằm gì so với khi xưa. Cái xứ Ukraina đất đai màu mỡ bên cạnh đây lại xảy ra trận đói giết vô số người“. Ngụm Bia „Noroc“ bổng nghẹn ngang họng, trở nên khó nuốt khi một vài chi tiết về trận chết đói được ông chủ nhà kể lại. Cơn ớn lạnh chạy dọc theo xương sống,  „da gà“ nỗi lên không hiểu do cái mát lạnh đêm khuya hay do nỗi sợ hãi xâm chiếm?

Những gì ông chủ nhà kể lại cũng chỉ là „lời nghe kể lại“. Dù gây cảm xúc mạnh nhưng chưa đủ sức thuyết phục. Trở lại nhà, lùng sục trong Internet tìm kiếm về „trận đói Ukraina“. Một bài viết của cô Fanny Facsar chứng thực lời kể của ông chủ nhà. Bài viết phân tích về nguyên nhân và hậu quả „trận đói Ukraina“ thật rõ ràng với những chứng cớ khó tranh cãi cho thấy thêm tội ác của Stalin. Đây không phải là tội ác đầu tiên và cũng không phải là tội ác cuối cùng của Stalin tuy nhiên „trận đói Ukraina“ lại gợi nhớ đến „trận đói năm Ất Dậu“ của Việt Nam. Cũng là thảm nạn chết đói nhưng một bên do quân xâm lăng Phát Xít Nhật gây ra và một bên do đám người tự mệnh danh là quân giải phóng, vì một Thế Giới Đại Đồng.  

Bài viết của Fanny Facsar còn gây liên tưởng đến nhà thơ Tố Hữu và những gì xảy ra trong thời gian „Cải Cách Ruộng Đất“ tại miền Bắc Việt Nam:
Vào tháng ba 1953 khi nghe tin Stalin, Đại nguyên soái Liên Bang Sô Viết qua đời, nhà thơ Tố Hữu làm bài thơ "Stalin! Stalin!" để đời… nguyền rủa. Từ đó đến nay đã có nhiều bình phẩm về giá trị sáng tạo văn chương và tư cách của nhà thơ bồi bút này. Ngày nay, cô nhà báo Fanny Facsar đưa thêm tài liệu về bộ mặt thật của Stalin. Đọc bài „Khi Stalin biến con người thành kẻ ăn thịt đồng loại“, ta có thêm cái nhìn về Tố Hữu. Tư tưởng và trí sáng tạo lố bịch của ông ta chỉ có thể được nhào nặn ra trong cuộc đấu tranh giai cấp mù quáng đi theo chỉ đạo của Stalin. Thử hỏi, còn lố bịch, tàn nhẫn nào hơn khi Tố Hữu đứng trên hàng triệu xác người dân Ukraina chết đói vì bị tước quyền tư hữu ruộng đất, để khóc và ca tụng tên „kiến trúc sư“ gây nên thảm họa đói, một tội đồ nhân loại, đã đem lại cơm no áo ấm cho người dân Việt Nam?

Bữa trước Ngày xưa khô héo quạnh hiu
Có người mới có ít nhiều vui tươi
Ngày xưa đói rách tơi bời
Có người mới có được nồi cơm no
Ngày xưa cùm kẹp dày vò
Có Người mới có tự do tháng ngày
Ngày mai dân có ruộng cày…

* * *

Đầu tiên họ ăn lá cây rồi đến chó đến mèo. Một vài người thậm chí còn ăn cả thịt người. Cách đây 70 năm, Stalin hành hạ người dân Ukrain qua một trận đói khủng khiếp. Hàng triệu người tử nạn nhưng hàng thập niên qua cho đến nay, “Holodomor” là một đề tài nhạy cảm cấm kỵ không được nêu ra.

Khi nghe đến chữ "Holodomor", Natalia Mikitiwna Nidzelska bà cụ 86 tuổi tuôn tràn nước mắt. Người đàn bà mảnh mai, yếu đuối cư ngụ trong ngôi làng nhỏ Pilipi nằm về phía tây Ukraina đấm vào ngực, gào lên trong nỗi đau tận cùng: “Đau đớn quá, người ta phải chết thật dã man!” Holodomor – chữ tiếng Ukraina có nghĩa là nạn đói, nghe gần giống như „Holocaust”.

Người ta ăn lá ăn chồi cây, ăn chó ăn mèo, ăn khoai tây thối, dành nhau xác chết thú vật – Cuối cùng khi không còn gì để ăn, người ta ăn cả xác người, giết người để ăn. Những người sống sót qua thảm họa đói tại Ukraina trong khoảng thời gian 1932 đến 1933 vẫn còn nhớ rõ từng chi tiết “rợn người”. Tuy nhiên mãi cho đến bây giờ họ vẫn không nói ra một cách công khai.

Natalia Mikitiwna Nidzelska trải qua trận Holodomor. Vào năm 1991 bà xin di dân sang Hungary. Tại đây bà có thể tự do kể về trận đói này. Bà cho biết:” Tại quê hương Ukraina của bà, cho mãi đến ngày gần đây không ai dám nhắc đến chuyện này vì sợ những đứa Cộng Sản”. Nidzelska không thể quên được cảnh người ta chịu đày ải vào thời đó để có được mảnh bánh mì, cảnh tượng hàng ngày người ta phải chiến đấu để sống sót, cảnh những người hàng xóm trở thành những kẻ ăn thịt đồng loại.

Cảnh tượng kinh hoàng vẫn còn mãi trong trí nhớ các nạn nhân, Miklos Kun, nhà sử học người Hungary biết điều đó: "Trí nhớ tổng quan không thể bị xóa được. Đây là vụ giết hàng triệu người có tổ chức, có hệ thống trong lúc Stalin đang đi nghỉ dưỡng tại vùng Biển Đen”, Kun cho biết. Trong hơn hai thập niên qua, ông đã nghiên cứu tất cả hồ sơ lưu trữ trên khắp thế giới để tìm kiếm nguyên nhân và hậu quả của thảm họa để phá vỡ luận điệu thô bỉ của những tên Cộng Sản Nga và Ukraina cho rằng, Holodomor chẳng qua chỉ là hậu quả của thiên tai mà thôi.

Chết hàng loạt sau hàng loạt vụ tước quyền tư hữu đất ruộng
Tài liệu từ những kho chứa tài liệu tại Ukraina xác nhận những gì mà các nhà sử học cũng như những người sống sót đã từng thố lộ. Thảm nạn đói là do chính quyền Stalin từ Moskau chủ đạo tổ chức, được thi hành qua đám dân nghèo Ukraina (tạm gọi là đám thừa hành, LND) bị mua chuộc. Mục đích là để đánh gục sức đề kháng của nông dân Ukraina chống lại việc cưỡng bức tập thể hóa và bị đe dọa tước quyền tư hữu ruộng đất.

Nga chính thức phủ nhận nạn đói đã từng xảy ra và tảng lờ khi nhắc đến vai trò của Stalin. Chỉ lấp liếm cho rằng, chẳng qua chỉ là vụ mùa thu hoạch kém. Nhưng theo sử gia Kun: “Đó là luận điệu trơ trẽn. Ai cũng biết Ukraina được xem là mảnh đất nông nghiệp màu mỡ, từng nuôi ăn phần lớn Liên Bang Sô Viết.”

Ngày nay tại Ukraina sự thật về trận đói năm nào không còn là đề tài tối cấm kỵ. Vào cuối năm 2006 Tổng Thống Viktor Juschtschenko đệ trình một dự luật ra trước quốc hội, cho phép  trừng phạt những ai phủ nhận, nhạo báng trận đói. Mức án vẫn chưa được đề ra nhưng bộ luật là một bước tiến ngàn dặm trong sinh hoạt chính trị tại Ukraina. Người chết hàng loạt do bị tước quyền sở hữu ruộng đất cách đây 75 năm nay được quốc hội chính thức công nhận là Tội Ác Diệt Chủng chống lại người dân Ukraina.

Những năm khổ đau bắt đầu tại một vài khu vực ngay từ cuối năm 1930. Một vài thông tin còn cho thấy trận đói bắt đầu từ năm 1929. Vào giai đoạn đó, những tên Cộng Sản tại Moskau quyết định tập thể hóa tại Ukraina. Kế hoạch dự trù hoàn tất trong vòng hai năm nhằm đưa Sô Viết tiến nhanh hơn trong chương trình kỹ nghệ hóa. Đây lại là cái giá mà người nông dân bị cướp ruộng đất phải trả.

Juri Krawtschenko, 44 tuổi có Ông Nội là người sống sót sau trận đói tại Petriwka thuộc miền Nam Ukraina, kể lại những gì đã xảy ra: “Đầu tiên là Kulaken (những người nông dân giàu có), sau đến những người nghèo khó trong làng. Những ai không tự nguyện gia nhập vào Kolchosen ( một hình thức Hợp tác xã nhà nước theo lối Sô Viết), bị xem kẻ thù của đất nước. Họ không có công ăn việc làm cũng như bị cưỡng bức tước quyền tư hữu ruộng đất. Bảy anh chị em ông Nội của Krawtschenko chết trong trận Holodomor. “Những ai tự nguyện gia nhập vào Kolchosen thì được trả cho ít tiền, về sau thì chỉ được một nhúm thức ăn.”
Làng Petriwka ngày nay đã bị xóa tên. 90% tổng số 300 dân làng chết đói một cách đau đớn.

Trẻ con săn tìm nòng nọc và chim sẻ
Thời gian trước những năm thảm nạn, gia đình của Natalia Nidzelskas thuộc vào hàng trung lưu .”Chúng tôi ăn ngày ba bữa. Cha tôi là người thợ rèn duy nhất tại Pilipi nên ông có đủ việc làm”, Nidzelska hồi tưởng lại. "Năm 1931 những tên thừa hành đầu tiên vây chặt các làng mạc. Mọi người phải tự hiến đất ruộng rồi gia nhập vào Kolchosen. Sau đó thì họ tịch thu bò và thực phẩm dự trữ cho đến khi chúng tôi không còn gì trong tay. Cha tôi lại phải giao nộp toàn bộ dụng cụ hành nghề.” Đặc biệt những làng xóm như làng Pipili với 1500 dân cư nằm về phía Tây và Nam Ukraina chống đối mạnh việc cưỡng bức tập thể hóa, bị nạn đói hoành hành nặng nhất. Ngay cả dầu đốt và những que diêm cũng bị tịch thu.

Bốn anh chị em Nidelszka và cha mẹ sống sót được là nhờ vào họ còn có đủ sức để làm việc. “Anh em trai của tôi tìm cách bắn chim sẻ, bắt nòng nọc để ăn. Tôi và đứa em gái chẳng săn bắt gì được. Đói quá làm đôi chân của chúng tôi nặng cứng như cùm. Mẹ phải lén lút thêm cho chúng tôi nhiều hơn một ít cháo bột so với anh em trai của tôi. Thế rồi chúng tôi bị buộc ra đồng để làm việc.” Nidzelska kể lại. Trên đường về nhà, cô bé 12 tuổi vào thời đó phải gặm nhắm mẩu bánh mì lớn bằng hộp diêm, đây chính là lương ngày của cô bé. Vì nếu không, một khi những người hàng xóm đang đói thấy được họ sẽ nhào đến cướp hết. “Mẹ tôi phải nấu bột từ vỏ khoai, nấu nước vào đêm khuya để hàng xóm không thấy khói bốc lên”, bà kể với giọng còn run rẩy.

Tình trạng càng trở nên tồi tệ không lối thoát, đặc biệt với những gia đình đông người. Sang năm 1933 lại càng tệ hại hơn nữa. Tài liệu vào thời gian này chứng minh rõ, Stalin và Wjatscheslaw Michailowitsch Molotow, sau này trở thành bộ trưởng ngoại giao ban lệnh cấm nông dân chạy trốn vào tỉnh thành.

Nhiều gia đình tìm cách đưa con nhỏ vào Kiew và Charkow, thuở đó còn là thủ đô của Ukraina với hy vọng có ai đó sẽ cho chúng một ít thức ăn. Tuy nhiên bọn thừa hành lại tống chúng trở lui, liệng chúng ra ngoài đồng ruộng để rồi chúng phải quằn quại chết đói.

Buôn bán áo quần cũ hoặc những vật dụng quý giá thu giấu được cũng bị cấm. Tuy nhiên Mẹ của Nidzelska và nhiều người khác cũng liều lĩnh ẩn trốn trên nóc tàu lửa để đem vật dụng vào thành phố lân cận xin đổi lấy một miếng bánh mì. Cha của Nidzelska coi sóc máy gặt, lén lút lấy từng hạt lúa nằm trong góc kẹt của máy dù ông cũng biết đấy chính là án tử hình.

Các bà mẹ ăn thịt con cái của họ
Chết đói hàng loạt cũng xảy ra trong khu định cư người Ukraina tại Sibiria. Krawtschenko nhớ lại những câu chuyện do bà Cố của anh kể lại: „Trong các làng mạc, người ta dùng xe đẩy chở xác người chết để vất vào những hố chôn tập thể”. Dưới thời Stalin, người Ukraina bị xem là kẻ thù của Sô Viết. Họ được xem là loại “hàng lãng phí” của Sô Viết.

Tài liệu cho thấy, con số người chết phỏng chừng lên đến bảy triệu, trong đó ba triệu là trẻ em.
Cuối cùng cái đói cũng phá nát cái đạo đức cuối cùng của con người. Một vài bà mẹ đã ăn xác con cái bị chết hoặc giết chúng để ăn thịt. Nidzelska nhớ lại một trường hợp ăn thịt người xảy ra trong làng: „Tôi hết sức sợ khi nghe chuyện bà hàng xóm giết hai đứa con để ăn thịt trong lúc chồng bà đi làm thợ xẻ gỗ tại Sibiria. Cái đói đã mạnh hơn bản năng làm Mẹ của bà ấy. Tuy nhiên rồi bà cũng không sống sót được.“

Hàng thập niên qua chuyện kinh dị này được giữ kín . Một „Holocaus đói“ như những người sống sót đặt tên, là chuyện tuyệt đối cấm kỵ không được nói ra. „Người ta đã câm miệng quá lâu“, sử gia Kun tuyên bố, „Trong khi việc truy đuổi người Do Thái dưới thời Đức Quốc Xã được thế giới biết đến thì vẫn còn rất ít người biết về Holodomo này.“ Juri Krawtschenko hy vọng, việc chính thức xác nhận Tội Ác Diệt Chủng chống lại người dân Ukraina dẫn đến việc Nga sẽ cho mở kho hồ sơ nạn đói Ukraina, qua đó „toàn bộ sự thật sẽ được phơi bày ra ánh sáng.“

Phương Tôn biên dịch
Theo Ukraine - Als Stalin die Menschen zu Kannibalen machte - Fanny Facsar

.
.
.

No comments: