Monday, September 12, 2011

TRUNG QUỐC : ĐE DỌA NÀO CHO VIỆT NAM ? (Nguyễn Văn Huy)



Nguyễn Văn Huy
Thứ hai, 12 Tháng 9 2011 11:15

Trong suốt hai tháng hè vừa qua, không những dư luận trong và ngoài nước Việt Nam mà cả dư luận quốc tế đã rất quan ngại trước những tham vọng của Bắc Kinh trên vùng Biển Đông.

Tàu thuyền quân sự và dân sự của Trung Quốc đã liên tục xâm nhập vào hải phận của các quốc gia Đông Nam Á, đặc biệt là khu vực độc quyền lập trường (EEZ-Exclusive economic zone) của hai nước Philippines và Việt Nam. Không những thế, các tàu tuần dương và tàu đánh cá của Trung Quốc còn xông vào cắt cáp dò tìm lòng đại dương của tàu thuyền Việt Nam và đổ dụng cụ xây dựng trên các hải đảo ngoài khơi Philippines. Những hành vi côn đồ này tuy có bị dư luận quốc tế lên án trong những hội nghị ASEAN cấp cao, nhưng Bắc Kinh đã không những không nhìn nhận sai trái của mình mà còn đưa thêm tàu quân sự vào tuần tra trên các vùng biển đang tranh chấp, đặc biệt là cho hạ thủy chiếc hàng không mẫu hạm đầu tiên, Thị Lang, ngày 11/8 vừa qua như để răn đe quốc gia nào dám cản trở tham vọng bành trướng của họ trên Biển Đông.

Dư luận Việt Nam đã rất quan ngại trước áp lực này, nhiều cuộc xuống đường biểu tình chống Trung Quốc đã xảy ra trong suốt hai tháng hè vửa qua và chưa có dấu hiệu nào sẽ suy giảm, mặc dầu bị ngăn cản bởi các chính quyền địa phương. Không những người dân trong nước mà cả các cấp chính quyền từ trung ương đến địa phương đều rất lo sợ bị Trung Quốc tấn công bằng quân sự.

Sự sợ hãi này là chính đáng vì Trung Quốc quá lớn và quá mạnh so với Việt Nam, số người thiệt mạng và tài sản bị hư hại trong các cuộc xung đột võ trang trên đất liền và ngoài biển cả sẽ rất cao, như đã từng xảy ra trong những năm 1979-1980 tại Lạng Sơn và Cao Bằng. Nhưng thực tế đã không đúng như vậy, các cấp chính quyền cộng sản Việt Nam kể cả quân đội sợ khi xảy ra chiến tranh với Trung Quốc, họ sẽ mất cơ hội làm ăn với các công ty, xí nghiệp Trung Quốc, lợi tức của họ sẽ giảm đi.

Tuy nhiên đe dọa bằng quân sự của Trung Quốc là một sự kiện có thực nếu chỉ nhìn vào số lượng những trang thiết bị hiện đại mà báo chí trong và ngoài nước cho biết. Kinh phí quân sự hàng năm của Trung Quốc được ước lượng khoảng 130 tỷ USD (ngang bằng ngân sách hàng năm của Việt Nam), đứng hạng hai thế giới, sau Hoa Kỳ. Một cách khách quan, trang bị quân sự của quân đội Trung Quốc ngày nay được xếp ngang hàng với những quốc gia phát triển nhất thế giới, nghĩa là được hiện đại hóa một cách đáng kể. Trung Quốc có hàng ngàn chiến đấu cơ, hàng ngàn tàu chiến, gần 100 tàu ngầm đủ loại, đó là chưa kể những binh chủng thiện chiến chính quy đang được đào tạo gấp rút trong những năm qua. Nếu xảy ra chiến tranh, với những trang thiết bị hiện nay, Việt Nam không phải là đối thủ của Trung Quốc.

Nhưng Trung Quốc có dám đánh Việt Nam không? Câu hỏi có ngay câu trả lời: Không! Trung Quốc sẽ không có lợi gì khi đánh Việt Nam. Thứ nhất sẽ bị dư luận thế giới lên án và bị cô lập về chính trị và ngoại giao; thứ hai hàng hóa của Trung Quốc sẽ bị tẩy chay trên các thị trường quốc tế để phản đối, điều này sẽ gây nhiều thiệt hại cho nền kinh tế Trung Quốc; thứ ba là sự đề kháng của dân tộc Việt Nam mà thiệt thòi nhất là những cơ sở và cư dân gốc Hoa đang sinh sống tại Việt Nam, và sau cùng là không đủ khả năng tài chánh duy trì áp lực quân sự trên toàn lãnh thổ Việt Nam.

Hơn nữa Trung Quốc sẽ không tìm ra được lý cớ nào để đánh Việt Nam, vì Việt Nam không hề xâm phạm lãnh thổ và lãnh hải của Trung Quốc. Thái độ của các cấp lãnh đạo cộng sản Việt Nam hiện nay là im lặng, nhẫn nhục chịu đựng để bão táp qua đi.
Thái độ của Philippines cũng không khác. Manila muốn giải quyết mọi tranh chấp trong hòa bình, nhiều buổi hội họp cấp cao giữa ASEAN và Trung Quốc đã được tổ chức trong suốt nhiều ngày qua. Phe nào cũng biết không có giải pháp cho một cuộc đụng độ võ trang trên Biển Đông.

Biển Đông tranh chấp

Vậy thì tại sao Bắc Kinh cứ tiếp tục gây hấn và làm áp lực với các quốc gia đang có tranh chấp về lãnh hải ? Đó là một câu hỏi cần phải trả lời một cách dài dòng, vì không giản dị. Chính Trung Quốc đang bị đe dọa chứ không phải những quốc gia nhỏ bé lận cận.

Quyết tâm bành trướng trên Biển Đông và phô trương lực lượng của Bắc Kinh chỉ nhằm che giấu một sự thật: Trung Quốc đang có nguy cơ bị tan rã. Bắc Kinh tung ra những đòn hỏa mù để đánh lừa dư luận quốc tế nhằm che đậy những khó khăn mà các cấp chính quyền trung ương và địa phương Trung Quốc đang phải đối phó: Trữ lượng ngoại tệ suy giảm, tổng số nợ khó đòi quá cao, nạn khan hiếm năng lượng, lỗ hỗng ngân sách quốc phòng, hỗn loạn xã hội và nạn sứ quân.

Trong suốt 30 năm qua, Trung Quốc đã đạt đến tỷ lệ phát triển cao hơn 10% nhờ gia tăng tốc độ sản xuất công nghiệp. Để đạt được con số 10% đó, nền sản xuất Trung Quốc cần rất nhiều nguyên nhiên vật liệu mà Trung Quốc không có. Tất cả đều phải nhập khẩu với giá cao. Tình trạng này không thể tiếp tục vì trữ lượng ngoại tệ của Trung Quốc đang suy giảm vì mất giá.

Số ngoại tệ dự trữ của Trung Quốc hiện nay lên đến hơn 2000 tỷ USD, hơn 2/3 được dùng để mua công khố của Hoa Kỳ. Cũng nên biết Trung Quốc hiện nay đang giữ trong tay khoảng 22% tổng số công phiếu của Hoa Kỳ (1268 tỷ trên tổng số 5763 tỷ USD), nếu kể thêm số công phiếu do Hồng Kông nắm trong tay, cả Trung Quốc giữ 25% tổng số công nợ của Mỹ, khoảng 1900 tỷ USD. Chỉ riêng trong tháng 8 vừa qua, khi hay tin Hoa Kỳ không đủ khả năng trả nợ, tổng trị giá công khố phiếu Hoa Kỳ do các ngân hàng Trung Quốc nắm giữ mất trắng 300 tỷ.

Bên cạnh đó là tổng số nợ khó đòi hiện nay của các ngân hàng Trung Quốc đã vượt trên 350 tỷ USD, tương đương với 5% GDP năm 2010. Khoảng tiền này được cấp để những công ty xí nghiệp xây dựng lớn hoàn tất các dự án xây cất cao ốc vào các dịp Thế Vận Hội Bắc Kinh 2008 và Hội Chợ Thượng hải 2010. Chi phí bảo trì những cao ốc không có văn phòng và người ở (40% diện tích xây dựng) rất cao, nhiều tòa nhà đang bị hư hỏng vì thiếu bảo trì. Thêm vào đó, những người vay tiền để mua phòng ốc không dùng để ở mà để đầu cơ. Bong bóng địa ốc trong các thành phố lớn đang sắp bùng nổ, đây là mối lo mà những nhà lãnh đạo cấp cao Trung Quốc đang muốn giấu.

Quan trọng hơn là nạn khan hiếm nguyên nhiên vật liệu cho nền sản xuất công nghiệp và quốc phòng. Chính sự khan hiếm này đã buộc Bắc Kinh tìm mọi cách chiếm hữu các nguồn trữ lượng dầu khí trên Biển Đông. Đây là nguồn năng lực chính để duy trì tốc độ phát triển cao và sự hùng mạnh của quân đội. Cũng nên biết Trung Quốc ngày nay là cường quốc kinh tế thứ hai, sau Hoa Kỳ và trước Nhật Bản; ngoài than đá tổng số nhiên liệu cần cho một ngày hơn 100 triệu tấn dầu thô. Thêm vào đó, vì chưa làm chủ được nguồn năng lương nguyên tử, hệ thống quốc phòng Trung Quốc lệ thuộc hoàn toàn vào nguồn dầu khí. Nếu xảy ra tranh chấp hay chiến tranh ngay trong lúc này và các đường vận chuyển năng lượng bị khóa, lực lượng tác chiến Trung Quốc không thể cầm cự quá một tháng vì thiếu nhiên liệu. Đây là mối lo chính của các cấp lãnh đạo đảng, dân sự lẫn quân sự. Chính vì thế, những hù dọa của Trung Quốc trên Biển Đông và biển Đông Á không làm ai sợ, trừ đảng cộng sản Việt Nam.

Một sự thật khác là ngân sách quốc phòng hiện nay là một lỗ hỗng không đáy, đổ bao nhiêu tiền vào cũng không đủ vì tham vọng của đảng cộng sản vượt quá khả năng thực hiện. Cũng nên biết nền quốc phòng Trung Quốc sẵn sàng chi tiêu bất cứ giá nào để thụ đắc những kỹ thuật quân sự mới. Quân đội Trung Quốc hiện nay được trang bị đủ loại vũ khí hiện đại nhưng công nghiệp quốc phòng chưa thiết kế hay sáng chế các loại động cơ, dù chạy bằng diesel hay nguyên tử, tất cả đều phải mua lại bằng sáng chế của nước khác. Không cần biết giới hạn của mình, các cấp lãnh đạo Trung Quốc còn muốn tranh đua với Hoa Kỳ ngôi vị lãnh đạo thế giới về quốc phòng với những kế hoạch sản xuất hàng không mẫu hạm, tàu ngầm nguyên tử, máy bay và tàu chiến tàng hình, và trong chương trình phóng vệ tinh hướng dẫn định vị (GPS). Không phải tình cờ Hoa Kỳ đứng đầu thế giới về các lãnh vực này, mỗi năm chính phủ Hoa Kỳ đã chi cho các chương trình này vài trăm tỷ USD, và sự tài trợ này đã kéo dài trong suốt 50 năm qua.

Một nỗi lo khác là bất ổn xã hội. Hiện nay những chu kỳ xây dựng cao ốc, nhà cửa đã hoàn tất, các ngành xuất khẩu hàng hóa đang sút giảm, các công ty, xí nghiệp Trung Quốc sa thải công nhân hàng loạt, đa số là những thanh niên từ nông thôn ra thành thị tìm việc. Khi mất việc không ai chịu trở về lại nông thôn. Nếu không tìm được việc làm ở nước ngoài, những thanh niên này ở lại thành phố, sống lây lất ngày này qua tháng nọ trong những khu nhà ổ chuột chờ tim một công việc khác. Trước kia thời gian tìm việc mới nhanh nhất từ một đến ba tháng, nay kéo dài đến 6, thậm chí 9 tháng. Trong suốt thời gian chờ đợi này, không ai biết cái gì sẽ xảy ra nếu những thanh niên này trở nên bất mãn. Đó là ở thành phố, còn ở thôn quê sự nổi dậy của nông dân dữ dội hơn, họ sẵn sàng chiếm đóng đồn bót, xung đột với cảnh sát. Theo dự trù, trong năm 2011 này có đến 300 000 vụ nổi dậy của dân chúng nông thôn chống lại chính quyền.

Nhưng sự tan vỡ của Trung Quốc không đến bởi những khó khăn về kinh tế, tài chánh hay khan hiếm nguyên nhiên vật liệu và bất mãn của dân chúng, nó đến từ sự bất mãn giữa những tỉnh duyên hải phát triển và giàu có phía Đông và những tỉnh lục địa chậm tiến và nghèo khó phía Tây. Chính quyền trung ương đã làm nhiều cố gắng để san bằng hố cách biệt này nhưng không thành công, những quan chức đến từ trung ương đã không những không giúp đỡ dân chúng địa phương mà còn thẳng tay đàn áp. Thực trạng này đã xảy ra tại Tân Cương, Tây Tạng và nay đang diễn ra tại Vân Nam và Quảng Tây. Các cấp chỉ huy các quân khu duyên hải sẵn sàng sử dụng bạo lực để duy trì trật tự, nhưng tình trạng này sẽ không thể tiếp tục kéo dài lâu. Sự khác biệt về văn hóa và tôn giáo giữa các sắc dân thiểu số và người Hán đã quá sâu rộng khiến không thể hàn gắn vì bất mãn chất chứa từ nhiều đời và nhiều thế hệ. Bất mãn giữa các địa phương với trung ương hiện nay đã lên cao, chỉ cần một que diêm xuất phát từ một cấp chỉ huy có tài lôi kéo là bạo loạn sẽ liển xảy ra, và nạn sứ quân là điều không tránh khỏi.

Trước những khó khăn này, Trung Quốc sẽ không dám gây chiến với bât cứ quốc gia nào. Tất cả những phô trương và áp lực nói trên chỉ nhằm hù dọa những cấp lãnh đạo yếu bóng viá như Việt Nam mà thôi. Mặc dù Bắc Triều Tiên lệ thuộc vào Trung Quốc đủ mọi mặt, Bắc Kinh đã không sai khiến nỗi đàn em cứng cổ này.

Mối đe dọa về quân sự của Trung Quốc đối với Việt Nam coi như khó thực hiện. Nỗi lo sợ Trung Quốc hiện nay ở chính trong lòng các cấp lãnh đạo đảng và nhà nước cộng sản Việt Nam chứ không phải từ Trung Quốc. Đây là một sự thật. Nếu không biết quản lý đất nước một cách thông minh, Việt Nam sẽ không sớm thì muộn sẽ trở thành một hậu phương mờ nhạt của Trung Quốc. Tại sao ?

Tại vì với những khó khăn trước mắt, Trung Quốc không phải là mối đe dọa trực tiếp của Việt Nam. Muốn gây hấn với Việt Nam hay một quốc gia nhỏ bé nào đó như Lào, Miến Điện hay Thái Lan, Trung Quốc bị thiệt hại nhiều hơn là có lợi. Mối đe dọa chính của các quốc gia nhỏ bé lân bang với Trung Quốc đến từ văn hóa và kinh tế. Đe dọa này không có mùi vị thực dân hay bành trướng, nó đến vì chính người dân bản địa muốn.

Nhìn lại sinh hoạt văn hóa Việt Nam trong suốt 30 năm qua, tất cả bị bao trùm bởi văn hóa Trung Hoa. Lúc đầu đến từ Hồng Kông, Đài Loan, sau đó đến từ cộng đồng người Hoa hải ngoại rồi Trung Quốc. Trước năm 1975, dân chúng miền Nam say với với tiểu thuyết kiếm hiệp Kim Dung của Đài Loan và phim chưởng của Hồng Kông. Sau 1975, dân chúng Việt Nam say sưa với những truyện phim kiếm hiệp hay xã hội nhiều tập của Trung Quốc. Các trường đại học ngoại ngữ có đông sinh viên học tiếng Quan Thoại hơn tiếng Anh hay tiếng Pháp. Áo quần và thời trang tại Việt Nam hiện nay bắt chước theo Trung Quốc.

Cũng từ văn hóa, các cấp lãnh đạo địa phương tại Việt Nam chấp nhận dễ dàng sự hiện diện của người Hoa trên những địa bàn nhạy cảm nhất của Việt Nam như các khu vực biên giới, sắc tộc ít người và các trục lộ giao thông vận chuyển chính để khai thác kinh tế. Quan sát kỹ hơn, không một địa phương nào, không một vùng trọng điểm nào không có sự hiện diện của người Trung Quốc, kể cả những vùng hẽo lánh nhất trên dãy Truờng Sơn tại Thanh Hóa, Quảng Bình, Quảng Trị và Tây Nguyên. Khi ký những hợp đồng với các công ty xí nghiệp Trung Quốc, các cấp chính quyền địa phương không những được quà cáp mà còn được mời sang Trung Quốc tham quan miễn phí. Đó cũng là trường hợp của những hợp đồng xây dựng các hệ thống hạ tầng cơ sở như đường xá, cầu cống, bến cảng, phi trường, trường học, nhà cửa, v.v. Chính vì thế hơn 90% các hợp đồng kinh tế và đầu tư quốc tế đều do các công ty Trung Quốc nắm giữ, sinh hoạt kinh tế Việt Nam đang nằm trong tay người Trung Quốc.

Về công nghiệp, gần như tất cả các ngành sản xuất công nghiệp và bán công nghiệp đều nằm trong các công ty xí nghiệp Trung Quốc. Khi viếng thăm những thành phố dọc khu vực biên giới với Trung Quốc, du khách cứ tưởng là một thành phố của Trung Quốc, đó là trường hợp của các thành phố Quảng Ninh, Đông Hưng, Cao Bằng, Lạng Sơn, Sapa, v.v.

Văn hóa và kinh tế là mối đe dọa trực tiếp có thể làm mất bản thể Việt Nam mà các cấp chính quyền cộng sản hiện nay không thấy, hay thấy mà không biết phải làm gì. Đây là trách nhiệm của những cấp lãnh đạo mới.

Nguyễn Văn Huy

.
.
.

No comments: