Monday, September 5, 2011

SUY NGHĨ VỀ MỘT NGÀY 2-9 VỪA ĐI QUA . . . (Song Chi)




Song Chi
Saturday, September 03, 2011 6:34:39 PM

2 tháng 9, 2011. Tôi không còn ở VN, nhưng có thể hình dung vào ngày này từ các thành phố lớn cho đến nông thôn, vùng sâu vùng xa... sẽ lại tràn ngập sắc đỏ của những lá cờ, khẩu hiệu, biểu ngữ mừng ngày quốc khánh, Tết độc lập. Ở các thành phố lớn cũng sẽ không thiếu những hoạt động chào mừng khác như diễu hành, sân khấu ca nhạc ngoài trời...

Một người biểu tình chống Trung Quốc bá quyền căng biểu ngữ ở Hà Nội ngày 21 tháng 8, 2011 có hình Mao Trạch Ðông được mô tả giống như nhà độc tài Adolf Hitler của nước Ðức thời Ðệ Nhị Thế Chiến. (Hình: AP/Margie Mason)

Báo chí sẽ lại có những bài ngợi ca giá trị nền độc lập mà dân tộc VN đã giành được cũng như “những thành tựu vĩ đại, to lớn trong suốt 66 năm qua, dưới sự lãnh đạo tài tình của đảng ta, nhà nước ta.” Các đài TV lại phát lại những hỉnh ảnh của ngày 2 tháng 9, 1945 và những bài hát cách mạng suốt cả mấy ngày lễ.

Còn người dân?
Tôi cho rằng tâm lý của đa số người dân đối với ngày 2 tháng 9 đã khác rất nhiều so với vài chục năm, thậm chí chỉ vài năm trước.
Với những người thuộc tầng lớp trung lưu, khá giả trở lên và không quan tâm đến chính trị, đơn giản đây chỉ là một ngày nghỉ để đi vui chơi, bù khú. Với dân thường, dân nghèo, chiếm đa số trong xã hội, ngày nghỉ cũng phải lo kiếm ăn. Mà mấy năm nay kinh tế VN lạm phát phi mã, vật giá leo thang từng ngày, chạy ăn cũng đủ bở hơi tai cộng thêm muôn ngàn nỗi lo âu căng thẳng, vui vẻ gì mà lễ lạt.
Còn với những người quan tâm trăn trở với vận mệnh đất nước thì ngày 2 tháng 9 năm nay là một dịp để ngồi nghĩ lại chặng đường 66 năm đã qua. Cả dân tộc này đã được những gì? Giá trị thật sự của những khái niệm tự do độc lập. Ðặc biệt là trong bối cảnh VN đang đứng trước thử thách về nhiều mặt từ trong ra ngoài, trong đó lớn nhất là nguy cơ vẹn toàn lãnh thổ.

Ngay trước dịp 2 tháng 9 năm nay là hàng loạt cuộc biểu tình phản đối sự bành trướng, gây hấn của TQ trên biển Ðông kéo dài hơn 2 tháng qua tại Hà Nội. Những cuộc biểu tình đồng thời cũng phản ánh nỗi lo ngại của người dân trước chính sách ngoại giao quá yếu mềm, thụ động của Hà Nội với Bắc Kinh lâu nay.
Hỗ trợ cùng với người dân trong nước là những cuộc biểu tình chống TQ của người Việt ở khắp nơi.
Tiếp theo, một số trí thức hải ngoại lại vừa có Thư ngỏ gửi các nhà lãnh đạo VN về hiểm họa ngoại bang và sức mạnh dân tộc.

Trong nước, báo Tiền Phong tổ chức một cuộc trao đổi với các nhà nghiên cứu về độc lập và chủ quyền dân tộc trên cả 3 lĩnh vực lãnh thổ-lãnh hải, kinh tế và văn hóa. Trên báo Thanh Niên ngày 2 tháng 9, nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình nói đến sức mạnh nội lực là nền tảng của độc lập chủ quyền. Nhiều nhà cách mạng lão thành cũng nhắc đến hai khái niệm này. Còn trên báo chí người Việt ở nước ngoài, các diễn đàn độc lập, blog cá nhân, những khái niệm được nói đến nhiều hơn là tự do, dân chủ đi cùng với độc lập.

Có nghĩa là trừ những người không quan tâm đến tình hình hoặc quá lạc quan tếu, ai cũng trăn trở trước thực trạng đất nước, cuộc sống của người dân.

So với nhiều quốc gia khác, nền độc lập của VN phải trả bằng một giá đắt hơn rất nhiều. Sẽ là vô ích khi bây giờ lại đặt ra câu hỏi nếu VN chọn lựa một con đường khác, vẫn có thể giành được độc lập, thống nhất đất nước mà không hao tốn xương máu nhân dân. Không làm cho đất nước kiệt quệ, lòng người ly tán cho mãi đến hôm nay. Cũng sẽ là vô ích nếu cứ ngồi nghĩ mãi về quá khứ, sai lầm đã qua.

Câu hỏi thiết thực hơn là sau 66 năm, VN hiện nay và tương lai sắp tới sẽ như thế nào. VN đã thực sự là một quốc gia độc lập chưa - tính trên mọi lĩnh vực từ quốc phòng, chính trị, kinh tế, văn hóa và xã hội. Hay thực sự VN đang bị TQ thao túng, lũng đoạn về mọi mặt?

Nhìn ra bên ngoài thì VN hiện nay đang đứng ở đâu, hơn kém thế nào so với các nước láng giềng chứ chưa nói đến các nước phát triển khác? Những tầng lớp công nhân, nông dân, dân nghèo, thành thị cho đến trí thức lương thiện đang sống ra sao trong khi một bộ phận nhỏ thì giàu có, quyền lực vô biên?

Người dân VN đã thực sự được hưởng những quyền tự do dân chủ cơ bản của công dân như tự do bầu cử, hội họp, biểu tình, tự do ngôn luận... chưa, nhân quyền ở VN đã được coi trọng chưa. Hay bộ máy chính quyền từ cán bộ nhà nước, giới công an, an ninh, quan chức... luôn luôn có cách hành xử coi dân như cỏ rác. Truyền thông báo chí cho đến tòa án, luật pháp cũng chỉ là công cụ trong tay đảng, người dân chỉ là phận con sâu cái kiến mà thôi.

Ngoài thực tế đau lòng là sự tụt hậu của VN và sự thiệt thòi của người VN về nhiều mặt so với người dân đang sống trong một quốc gia dân chủ, văn minh, tiến bộ, cái nguy cơ lớn nhất là sự lệ thuộc, thậm chí mất nước trước tham vọng bành trướng đã quá rõ ràng của TQ trên cả vùng biển Ðông.

Người dân càng có cơ sở để lo lắng gấp bội bởi sự mềm yếu, khiếp nhược của nhà nước VN với TQ. Bởi thực chất của mối quan hệ “đồng chí, anh em, láng giềng” đã bị phản bội, bị “chơi xấu” rất nhiều lần, đã phải trả giá đắt từ sinh mạng nhân dân cho đến lãnh thổ lãnh hải.

Hiện nay TQ vẫn tiếp tục chơi trò hai mặt với VN. Tiếp tục khẳng định mối quan hệ tốt giữa hai bên, cam kết giữ vững ổn định hòa bình, giải quyết mọi chuyện không bằng vũ lực. Mặt khác hết sức rắn trên biển Ðông, lâu lâu lại giở trò cắt cáp tàu thăm dò dầu khí của VN, điều tàu đến Hoàng Sa hay tập trận ngay sát biên giới để hù dọa. Thậm chí đe dọa các nước khác như Hoa Kỳ, Ấn Ðộ khi VN muốn nhích lại gần những quốc gia này.

Mục tiêu chính là giữ VN trong vòng kiềm tỏa của TQ, đồng thời làm mọi cách để VN suy yếu và lệ thuộc nhiều mặt vào TQ.

Ðáp lại, VN cũng chơi trò nhiều mặt: vừa quỵ lụy Tàu, vừa chào mời Mỹ, vừa mua vũ khí Nga, thân thiết với Ấn. Nhưng các nhà lãnh đạo VN thừa biết cái thế của VN với TQ cũng như cái thế khác nhau giữa VN và TQ trên thế giới. Càng hiểu rõ thì càng khiếp nhược.

Ngày xưa người cộng sản đánh thắng Pháp, Mỹ, ngoài nhiều yếu tố khách quan và sự giúp đỡ của Liên Xô và Trung Quốc, còn là do họ không sợ Pháp, Mỹ. Còn ngày nay họ sợ và bắt cả dân tộc phải sợ theo. Mà nếu dân không sợ, muốn vùng lên phản đối TQ thì họ sẽ bịt mồm, đàn áp.

Trong khi đó, Bắc Kinh cũng chả lạ gì cái trò đu dây của VN. Một trận đánh chiếm VN trong trước mắt sẽ chưa xảy ra. Nhưng ép được VN vào bàn đàm phán song phương, không quốc tế hóa vấn đề biển Ðông coi như đã đạt được một phần mục đích của TQ trong kế hoạch lâu dài đánh chiếm Trường Sa, lấn chiếm cả biển Ðông.

Trở ngại lớn nhất để VN thực sự là bạn, đồng minh của các nước dân chủ vả ngược lại, chính là ở mô hình thế chế chính trị của VN. Trở ngại lớn nhất để VN thoát khỏi mối đe dọa của TQ, thực sự phát triển, vươn lên thành một con rồng của Châu Á, khai phóng hết tiềm năng của dân tộc và đất nước...Cũng chính từ mô hình thế chế chính trị, sự lãnh đạo độc đảng độc tài cùng với đường lối đối nội đối ngoại của nhà nước cộng sản VN.
Người VN phải nhìn thẳng vào sự thật này.

Nếu không, đến năm sau, nhiều năm sau nữa, mỗi lần vào ngày 2 tháng 9, chúng ta lại tự vấn lương tâm mình - VN đang đứng ở đâu, đi về đâu, dân tộc VN được gì mất gì. Và liệu có bao giờ ngay cả nền độc lập nửa vời đó cũng không còn?
.
.
.

No comments: