Monday, September 5, 2011

ĐỚI BỈNH QUỐC SANG VIỆT NAM LÀM GÌ ? (Nguyễn Nghĩa)




Từ 5/9/11 đến 9/9/11, Đới Bỉnh Quốc, kiến trúc sư ngoại giao của chủ nghĩa bành trướng Trung Quốc, kẻ đã tuyên bố “đường lưỡi bò” là “lợi ích cốt lõi của Trung Quốc” trên Biển Đông, sẽ sang Việt Nam hội đàm với chóp bu Đảng Cộng Sản Việt Nam. Hội đàm này nhằm thống nhất những nội dung cho tuyên bố chung của Nguyễn Phú Trọng và lãnh đạo Trung Quốc trong cuộc đi thăm Trung Quốc sắp tới của Tổng bí thư Đảng cộng sản Việt Nam.

Chúng ta nhắc lại rằng các tuyên bố chung giữa 2 Đảng cộng sản Việt Nam và Trung Quốc những năm 2001, 2006, 2008, do Nông Đức Mạnh và lãnh đạo cao cấp Trung Quốc ký, đều nhấn mạnh đến triển khai dự án boxit Đắc Nông Tây Nguyên.

Đến hôm nay thì đã ró mười mươi: Boxit Tây Nguyên không có hiệu quả kinh tế cho Việt Nam. Nghĩa là Đảng cộng sản Việt Nam đã bán rẻ tài nguyên của Tây Nguyên cho Trung Quốc.

Đây là mối họa an ninh lãnh thổ, ô nhiễm môi trường mà Đảng cộng sản Việt Nam rước về cho dân tộc, tổ quốc Việt Nam.

Lần này Đảng cộng sản Việt Nam sẽ thảo luận gì với Đới Bỉnh Quốc, sẽ nhất trí gì với Đới Bỉnh Quốc, sẽ rước họa gì nữa cho dân tộc Việt Nam ?

Mỗi một người Việt Nam quan tâm đến vận nước, đều biết vấn đề gai góc của 2 Đảng cộng sản Việt Nam, Trung Quốc hiện nay là chủ quyền Hoàng Sa, Trường Sa.

Đối với Trung Quốc thì họ không có một tí chủ quyền nào trên Biển Đông. Nhưng tham vọng bành trướng thôi thúc Trung Quốc xâm chiếm bằng được 2 quần đảo này của Việt Nam hòng làm chủ Biển Đông và khai thác nguồn tài nguyên khoáng sản, dầu hỏa to lớn mà Biển Đông đang dự trữ.

Trung Quốc đã chiếm đoạt Hoàng Sa của Việt Nam năm 1974 và một số đảo ở Trường Sa năm 1988.

Nay họ công nhiên coi 2 quần đảo này là thuộc chủ quyền Trung Quốc.

Trung Quốc sát nhập Hoàng Sa, Trường Sa thành huyện đảo Tam Sa trực thuộc Hải Nam.

Trung Quốc cấm ngư dân Việt Nam đánh cá trên các bãi cá truyền thống của ngư dân Việt Nam quanh Hoàng Sa, Trường Sa.

Hệ lụy của việc Đảng cộng sản Việt Nam dễ dãi dâng Hoàng Sa, một số đảo Trường Sa cho Trung Quốc; hệ lụy của những đấu tranh yếu ớt của nhà nước Việt Nam trên lĩnh vực quốc tế cho chính nghĩa chủ quyền của Việt Nam trên Biển Đông, đã dẫn tới việc Trung Quốc ngày càng ngang ngược trong đòi hỏi chủ quyền của họ tại Biển Đông.
Trung Quốc đòi thảo luận tranh chấp Biển Đông chỉ thảo luận song phương.

Họ cũng không chịu thảo luận để trả lại Việt Nam chủ quyền Hoàng Sa, mặc dù Trung Quốc ăn cướp trắng trợn Hoàng Sa của Việt Nam năm 1974.

Hệ lụy quan trọng đầu tiên của bành trướng Trung Quốc ra Biển Đông là sự việc Trung Quốc cắt cáp tầu Bình Minh 2, tầu Viking II của Việt Nam, khi 2 tầu này đang hoạt động thăm dò trong lãnh hải Việt Nam. Việc Trung Quốc ngang ngược tuyên bố các địa điểm cắt cáp là thuộc lãnh hải Trung Quốc đã đặt 2 nước trong tình trạng đối đầu nguy hiểm.

Đới Bỉnh Quốc sang Việt Nam làm gì? giở mưu mẹo gì ở đây?

Chắc chắn là một mưu kế mới nhằm vào giới lãnh đạo cộng sản Việt Nam : trên thì hữu nghị 16 chữ, 4 tốt; trên thì hữu ái giai cấp, cùng nhau khai thác, cùng nhau tiến tới Chủ nghĩa xã hội; để cho dưới thì cắt cáp tầu Việt Nam, bắt ngư dân Việt Nam như một lũ cướp biển… Tiến xa hơn nữa, Trung Quốc còn đe dọa tầu Ấn Độ là xâm phạm lãnh hải Trung Quốc trong khi chiếc tầu này mới đây vừa thăm Việt Nam và đang còn trong hải phận Việt Nam, cách bờ biển Việt Nam chỉ 42 hải lý.

Ta thử giải mã những thảo luận sắp tới của Đới Bỉnh Quốc với lãnh đạo Việt Nam.

1. Sau những ngày căng thẳng tháng 6, 7/2011, Trung Quốc có vẻ như đỡ hiếu chiến hơn, như muốn hòa bình giải quyết tranh chấp Biển Đông hơn?
Những ngày gần đây các lãnh đạo Trung Quốc thay nhau nói về giải quyết hòa bình các tranh chấp trên Biển Đông, rằng họ sẽ tôn trọng Hướng dẫn Tuyên bố chung của các bên liên quan tại Biển Đông đã bắt đầu từ khi ký DOC năm 2002 DOC, và đi đến Quy tắc Ứng xử của các bên tại Biển Đông (COC) có tính ràng buộc pháp lý…Có phải Trung Quốc quan tâm đến công lý và sẵn sàng giải quyết các tranh chấp bằng thương lượng không?
Không, điều làm Trung Quốc phải chùn lại là họ không có chính nghĩa, họ sợ Hoa Kỳ đục nước béo cò. Hoa Kỳ can thiệp càng sâu vào các tranh chấp Biển Đông thì khả năng Trung Quốc độc chiếm Biển Đông sẽ càng nhỏ lại. Con đường tiến lên để khống chế Ấn Độ dương và Thái Bình Dương sẽ gặp khó khăn, khó vượt qua.
Đới Bỉnh Quốc sang Việt Nam để vỗ về lãnh đạo Việt Nam lòng thành thật của Trung Quốc, không quan tâm đến lãnh thổ Việt Nam.
Đúng là Trung Quốc hiện nay không cần quan tâm đến lãnh thổ, đất đai của Việt Nam. Có một chính phủ tham hối lộ trung quốc, bảo sao nghe vậy thì cần gì gây chiến tranh cho phí tiền của, công sức. Khi Trung Quốc thích Bôxit Tây Nguyên, thì Nguyễn Tấn Dũng khéo léo bịt phản biện của trí thức Việt Nam bằng tuyên bố : Đây là chủ chương lớn của Đảng và Chính phủ Việt Nam.
Khi Trung Quốc muốn đào công sự trên các vùng biên giới Việt Nam thì chỉ cần hối lộ tí ti cho các chủ tịch tỉnh, phó chủ tịch tỉnh.. . là có hàng trăm hec ta rừng để đào công sự, ém quân chờ đợi.
Tư thương Trung Quốc len lỏi, mua bán không cần xin phép, đóng thuế.
Người dân Việt Nam năm 2010 cung cấp cho Trung Quốc hơn 12 tỷ đô la nhập siêu hàng hóa kém phẩm chất của Trung Quốc. Các gói thầu EPS thì 90% giao cho các nhà thầu Trung Quốc…
Như vậy thì cần gì đưa quân Trung Quốc sang Việt Nam, để thế giới phản đối.
Đới Bỉnh Quốc sang Việt Nam để khẳng định quyết tâm hữu nghị của lãnh đạo Trung Quốc theo tinh thần 16 chữ và 4 tốt. Đồng thời ông ta cũng khẳng định quyết tâm đàm phán tay đôi, song phương của Trung Quốc với các nước có tranh chấp. Đàm phán song phương để dễ lấn áp các nước nhỏ. Đàm phán song phương để nhử lợi các nước nhỏ như Trương Nghi nhử lợi nước Sở.

2. Đới Bỉnh Quốc sang Việt Nam để tạo thế Liên hoành Trung Quốc- Việt Nam, phá hoại đoàn kết Hợp tung của Việt Nam-Philippin, 2 nước đang tranh chấp gắt gao chủ quyền trên Biển Đông với Trung Quốc.
Thời Thất hùng Chiến quốc, Tô Tần chủ trương Hợp tung 6 nước Chư hầu chống lại nước Tần hung bạo. Lợi ích chống lại xâm lăng của Tần đã liên kết các nước Ngụy, Yên, Tề, Triệu, Tống, Sở thành một liên minh Hợp tung.
Trương Nghi dùng thuyết Liên hoành phá thuyết Hợp tung. Thuyết Liên Hoành của Trương Nghi chủ yếu dùng thủ đoạn bày cái lợi trước mắt cho từng nước Chư hầu riêng biệt. Các nước Chư hầu đều vì tham cái lợi trước mắt mà không tính đến hậu quả lâu dài, bội ước Hợp tung với nhau.
Điển hình trong thủ đoạn của Trương Nghi là việc lừa Sở Hoài Vương. Trương Nghi sang Sở, hứa với vua Sở, nếu Sở bỏ liên minh với Tề thì Tần sẽ cắt 600 dặm đất Thượng Ư của Tần cho Sở. Tham lợi, Sở tuyệt giao với Tề. Nhân cơ hội đó, Tần tiến hành liên minh với Tề. Sau khi bội ước với Tề, Sở Hoài Vương đòi 600 dặm đất Thượng U, khi đó Trương Nghi trở mặt, nói rằng chỉ có thể dâng cho Sở Hoài Vương 6 dặm đất riêng tư của mình. Sở Vương tức giận mang quân đánh Tần. Tần và Tề cùng đánh Sở. Sở thua to, tổn thất nặng nề. Hợp tung vì thế mà tan.
Trương Nghi dùng thủ đoạn này thuyết phục được các nước Tề, Triệu, Yến, Ngụy, liên hoành với nước Tần, như vậy liên minh Hợp tung 6 nước do Tô Tần kiến tạo nên đã bị Trương Nghi phá tan, đặt cơ sở vững chắc cho nước Tần tiến tới thống nhất Trung Quốc.
Đới Bỉnh Quốc sẽ bắt chước thủ đoạn Trương Nghi lừa nước Sở, mà câu lợi hão riêng cho Việt Nam, nhằm gieo nghi ngờ của các nước muốn hợp tung với Việt Nam, chống bành trướng của Trung Quốc. Cái lợi hão “600 dăm đất Thượng U” là gì trong trường hợp này, sẽ tòi ra trong thời gian ngắn sắp tới.

3. Đới Bỉnh Quốc sang Việt Nam để câu lợi riêng cho Trung Quốc như kiểu Bôxit Tây Nguyên: Trung Quốc đưa người vào địa bàn chiến lược của Việt Nam, được boxit mang về Trung Quốc.
Tây Nguyên hứng chịu hệ lụy về môi trường.
Chính phủ Việt Nam không thu dược hiệu quả kinh tế, nhưng các quan chức cao cấp hưởng lợi từ hỏa hồng trung quốc.
Tại sao Thủ tướng Việt Nam bất chấp phản đối của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, của trí thức Việt Nam, cứ tiến hành dự án Bôxit Tây Nguyên?
Trả lời câu hỏi này phải sử dụng trí thông minh phương tây: “Cứ ở đâu logic bình thường không lý giải được, thì ở đấy có đồng tiền ẩn náu”.
Lần này chắc chắn là lợi ích cho Trung Quốc đến từ dầu hỏa Biển Đông.
Trung Quốc đang muốn đưa giàn khoan 981 trị giá gần 1 tỷ đô la vào Biển Đông khai thác.
Muốn làm được điều này, cần có đồng thuận tối thiểu của Việt Nam, Phillipin…
Những khiếm khuyết khác xuất hiện trong tương lai sẽ được họng súng Trung Quốc giải quyết.
Quá khứ ta đã chứng kiến mẹo “vô trung sinh hữu”: công hàm chủ quyền của Chu An Lai ngày 4/9/1958 được Phạm Văn Đồng đồng tình ngày 14/9/1958.
Đối với Trung Quốc thế là đủ.
Những việc còn lại họng súng Trung Quốc đã giải quyết: chiếm Hoàng Sa 1974, chiếm 7 đảo Trường Sa 1988.
Dàn khoan 981 trị giá 1 tỷ đô la đang chờ các diệu kế của Đới Bỉnh Quốc để đi vào hoạt động.

4. Kết luận

Nếu Đảng cộng sản Việt Nam đặt lợi ích dân tộc lên trên hết, lắng nghe phản biện của trí thức Việt Nam thì không mưu kế trung quốc nào qua mặt được họ, không dọa dẫm nào của Trung Quốc làm dân tộc Việt Nam nao núng.
Ngược lại, nếu lãnh dạo cộng sản Việt Nam chỉ chăm chắm tìm lợi riêng cho cá nhân, lợi riêng cho chóp bu cộng sản qua các hội đàm với Trung Quốc, thì dân tộc Việt Nam sẽ gặp họa to: họa mất quần đảo, mất Biển Đông.

Giá trị của một Đảng cầm quyền là biết đặt lợi ích đất nước lên trên lợi ích đảng phái.
Giá trị một chính trị gia hàng đầu là biết đặt lợi ích dân tộc lên trên lợi ích cá nhân mình.
Giờ của sự thật đang đến với lãnh đạo Việt Nam, với Đảng cộng sản Việt Nam.

© Nguyễn Nghĩa
© Đàn Chim Việt
.
.
.

No comments: