Monday, September 26, 2011

ẤN ĐỘ TRỰC TIẾP XEN VÀO XUNG ĐỘT GIỮA VIỆT NAM & TRUNG QUỐC (Virendra Sahai Verma, The Economic Times)



Virendra Sahai Verma
The Economic Times   25-09-2011

Trúc An dịch
Posted by basamnews on 27/09/2011

Đôi lời: Việc Trung Quốc ngăn cản công ty ONGC Videsh của Ấn Độ hợp tác thăm dò dầu khí ở hai lô 127 và 128, nằm trong vùng đặc quyền kinh tế Việt Nam, đã gây ra nhiều tranh cãi trong những ngày gần đây. Bài viết này thể hiện quan điểm của tác giả, ông Virendra Sahai Verma, là một học giả và là cựu sĩ quan tình báo quân đội Ấn Độ. Mặc dù phản đối các hành động của Trung Quốc, nhưng tác giả không ủng hộ Ấn Độ hợp tác với Việt Nam chỉ vì lo ngại sẽ bị Trung Quốc trả đũa.

———–

Thăm dò dầu khí Biển Đông của ONGC: Ấn Độ trực tiếp xen vào xung đột giữa Việt Nam và Trung Quốc

DELHI: Tuần trước, một ngày sau khi phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc tuyên bố, chính phủ nước này “phản đối bất cứ quốc gia nào tham gia thăm dò dầu lửa ở những vùng biển thuộc quyền thực thi pháp lý của Trung Quốc“, một bài xã luận trên “Hoàn Cầu Thời báo”, một tờ báo của Đảng Cộng sản Trung Quốc, cảnh báo Ấn Độ về “sự khiêu khích chính trị nghiêm trọng” sẽ “đẩy Trung Quốc đến giới hạn“.

Có vẻ “sự khiêu khích” là các kế hoạch đã thông báo của ONGC Videsh Ltd về việc thăm dò hai lô dầu ngoài biển mà Việt Nam khẳng định thuộc vùng đặc quyền kinh tế của nước này ở Biển Đông. Căng thẳng đã dấy lên một thời gian. Vào ngày 22 tháng 7, một tàu Ấn Độ, INS Airavat, nhận được liên lạc qua kênh radio từ một người gọi tự nhận là “hải quân Trung Quốc” và nói rằng “các bạn đang tiến vào lãnh hải Trung Quốc” khi tàu này chạy từ cảng Nha Trang của Việt Nam tới Hải Phòng.

Chính phủ Ấn Độ không chỉ xác nhận rằng con tàu đang thực hiện chuyến thăm hữu nghị tới Việt Nam, mà Bộ Ngoại giao nước này còn khẳng định “Ấn Độ ủng hộ tự do hàng hải ở vùng biển quốc tế, gồm Biển Đông, và quyền đi lại theo đúng quy tắc của luật pháp quốc tế đã được thừa nhận. Những quy tắc này phải được tất cả các nước tôn trọng“.

Nhưng thực tế phức tạp hơn nhiều. Biển Đông trải dài 3.500.000 km từ Eo biển Malacca tới eo biển Đài Loan. Vùng biển này có rất nhiều cá và được tin là chứa hơn 50 tỷ tấn dầu thô cùng hơn 20 nghìn tỷ mét khối khí tự nhiên. Tập đoàn China National Offshore Oil Corporation (CNOOC), thuộc sở hữu của nhà nước Trung Quốc, dự kiến sẽ dành 30 tỷ USD cho các hoạt động khoan dầu ở vùng biển này trong kế hoạch 5 năm lần thứ 12 (2011-2016).

Biển Đông nằm ở vị trí chiến lược nối Ấn Độ Dương với Thái Bình Dương – một huyết mạch sống còn của thương mại thế giới. Vùng biển nửa kín này là không thể thiếu đối với chiến lược hạt nhân của Trung Quốc. Trung Quốc còn muốn thống trị những vùng biển đó để bảo vệ căn cứ tàu ngầm hạt nhân dưới nước của họ ở đảo Hải Nam.

Trong năm 2010, Trung Quốc đã tuyên bố các vấn đề liên quan tới Biển Đông là “lợi ích sống còn“, do vậy coi trọng vùng biển này ngang với Tây Tạng, Tân Cương và Đài Loan. Các tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc trên khắp Biển Đông tạo thành một khu vực hình chữ U chồng lấn tất cả các tuyên bố chủ quyền khác vì nó bao trùm 1,7 triệu km2. Tất cả các nước trong khu vực đều viện dẫn Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOC) để bảo vệ tuyên bố của mình.

Luật pháp đòi hỏi sự chiếm giữ và kiểm soát liên tục và hiệu quả để tuyên bố sở hữu. Về phương diện pháp lý, rất nhiều trong số những tuyên bố này là không thể bảo vệ được. Các bên tuyên bố tranh chấp liên tục thông báo về sự đụng độ giữa các tàu hải quân. Gần đây, Trung Quốc và Việt Nam lớn tiếng hơn về các tuyên bố của họ.
Năm 2002, Trung Quốc và ASEAN đã đồng ý về một “Tuyên bố Ứng xử của Các bên trên Biển Đông (DoC)” để giải quyết tốt hơn những căng thẳng do tranh chấp. Các bên cũng nhất trí về các biện pháp xây dựng lòng tin (CBM). Trong khi Trung Quốc muốn giải quyết song phương vấn đề này thì các quốc gia ASEAN lại muốn hành động tập thể chống lại Trung Quốc.

Ngay cả sau 9 năm, Trung Quốc và ASEAN vẫn chưa thi hành DoC và CBM. Kể từ năm 2007, Trung Quốc đã theo đuổi nhiều thủ đoạn hiếu chiến hơn như cắt cáp các tàu thăm dò, cài đặt cột mốc ở các dải đá ngầm trống, và quấy rối các tàu cá nước ngoài.

Mặt khác, Hải quân Mỹ đã tăng cường sự hiện diện và đẩy mạnh việc xây dựng năng lực của các quốc gia trong khu vực có các tuyên bố lãnh thổ chồng lấn với Trung Quốc. Ngoài ra, nhiều tập đoàn dầu lửa phương Tây cũng đang hoạt động tích cực trong khu vực. Trong năm 2008, Exxon Mobile (Mỹ), BP (Anh) và Talisman Energy (Canada) đã hợp tác với Petro Việt Nam (Việt Nam) về khoan dầu ở Biển Đông. Trước mối đe dọa trả thù của Trung Quốc, Exxon và British Petroleum đã trì hoãn các hoạt động của họ; BP quyết định bán phần của mình khi ONGC quan tâm đến việc tham gia dự án thăm dò dầu khí.

Mặc dù Ấn Độ ủng hộ một giải pháp thông qua đàm phán phù hợp với luật pháp quốc tế, vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, nơi ONGC đang có kế hoạch thăm dò cũng bị Trung Quốc tuyên bố chủ quyền. Điều này trực tiếp đặt Ấn Độ vào cuộc xung đột giữa Việt Nam và Trung Quốc. Một sự cố nhỏ cũng có thể đe dọa các mối quan hệ Trung – Ấn như chúng ta đã liên tục chứng kiến trong thời gian gần đây. Bên cạnh đó còn có một vấn đề cần bàn về việc đảm bảo an ninh cho ONGC. Liệu Ấn Độ sẽ dựa vào Mỹ về mặt này?

Quan điểm dùng Biển Đông như một chiến lược phản công nhằm ngăn chặn các dự án của Trung Quốc ở vùng Kashmir do Pakistan kiểm soát có vẻ rất nhạy cảm. Phía Trung Quốc không có vai trò (*) gì ở Jammu và Kashmir, và Ấn Độ cũng không có vai trò ở Biển Đông. Việc can thiệp vào công việc nội bộ của nhau chỉ khiến cho mọi thứ rối tung.

Tác giả là cựu sĩ quan tình báo quân sự Ấn Độ và là giảng viên thỉnh giảng tại Viện Nghiên cứu Trung Quốc, Delhi.
————-

(*) Nguyên văn từ tiếng Latin là: locus standi, nghĩa là “a place for standing”: chỗ đứng, vai trò.
Bản tiếng Việt © Ba Sàm 2011

.
.
.

No comments: