Sunday, September 11, 2011

NHỮNG PHẦN TỬ XẤU (Người Buôn Gió)



Người Buôn Gió
Sep 11, '11 10:39 AM

Sáng chủ nhật như vài chủ nhật gần đây, tôi lên đồn để gặp cảnh sát khu vực. Cà fe, thăm hỏi, chuyện phiếm và đến lúc tôi giã biệt bạn cảnh sát khu vực để đi vào Chương Mỹ- Hà Tây cũ, cùng với các bạn của mình để thăm trao quà cho hai cháu Thảo và Hiệp, hai cháu nhỏ đứa lên 8, đứa lên 3 con của chị Nguyễn Thị Liễu. Người nữ công nhân đã bị sát hại trong cuộc đình công đòi tăng chất lượng bữa ăn trưa ở nhà máy Giai Đức.

Đây là Trung Thu đầu tiên mà các cháu không có mẹ, và cả nhiều trung thu sau này nữa, các cháu sẽ không còn được những mùa Trung Thu ấp ám trong sự chăm sóc của người mẹ trẻ. Khi đi qua công ty Giai Đức thấy nhà máy này vẫn hoạt động bình thường, sân nhà máy nơi người mẹ trẻ nằm chết trong vũng máu tươi mấy tháng trước giờ thản nhiên người qua lại. Cái chết của chị Liễu không còn chút dư âm nào nơi đây, nhưng cách đó 10 cây số, trong căn nhà lụp xụp, nghèo nàn của chị còn lại hai đứa con thơ ngơ ngác dưới ban thờ mẹ. Chúng thơ thẩn vào cái ngày mà những đứa trẻ như chúng đang ngập tràn hạnh phúc.Không có bánh nướng, bánh dẻo, không có đồ chơi đó là những điều xót xa đầu tiên chúng tôi tận mắt nhìn thấy ở chúng. Tiếp nữa là sự thiếu vắng hơi mẹ, Thảo và Hiệp ùa vào lòng những người phụ nữ trong đoàn, nhìn chúng ôm chị Minh Hằng, em Kim Tiến mới hiểu chúng thiêu hơi mẹ làm sao. Rồi chúng vồ vập lấy đống đồ chơi, thử cái này, mân mê cái kia.

Chúng tôi ngồi chơi ở nhà chị Liễu, hỏi han và an ủi gia đình. Bỗng nhiên một đoàn 5 người đàn ông vào nhà, họ bê một cái hộp ghi chữ quà Trung Thu cho của Ủy Ban- Mặt Trận- Hội Đồng...cái hộp các tông lấy từ đâu đó, hình như hộp đựng giấy thì phải và 1 tờ giấy in vội dán bên ngoài. Chả lẽ những người này vội vàng đến mức phải mang một hộp quà như cái thùng hàng đến cho các cháu.

Những người đàn ông này ngồi trên ghế, trong khi một số chúng tôi đã đứng dậy khỏi chiếu nhường chỗ cho họ. Từ trên ghế họ ngồi nhìn chúng tôi, một người trong số họ giở máy ảnh ra chụp chúng tôi. Người khác hỏi chúng tôi là đoàn nào, từ đâu tới.

Bác Trai người cao tuổi nhất đi cùng chúng tôi trả lời
- Chúng tôi là những cá nhân, ở trong chúng tôi không ai đại diện cho ai cả. Chúng tôi đọc báo thấy hoàn cảnh của hai cháu thương tâm thì đến thăm.

Người kìa nói
- Chúng tôi là công an, an ninh ở đây , chúng tôi phải nắm bắt tình hình, vì thấy có đoàn vào địa phương. Vì ở đây thanh niên say rượu, làm nhiều điều không nói trước được.

Chúng tôi không nói gì nữa, tản ra ngoài sân. Những cán bộ kia ra về, lát sau có hai người đến xưng là công an huyện và phó trưởng công an xã, họ lại hỏi chúng tôi những điều loanh quanh. Đến lúc này tôi phải cất lời.
- Chúng tôi là những người quen biết với gia đình, thấy hoàn cảnh hai cháu thương tâm, đến chia sẻ. Thực sự chúng tôi cũng là người làm cha, làm mẹ muốn mang chút ít tình cảm chia sẻ cho các cháu, nhưng những câu hỏi của các anh từ này đến giờ với chúng tôi rất thiếu thiện cảm, các anh khiến một việc tình cảm trở nên mất tình cảm. Chúng tôi về là thôi, nhưng các cháu nhỏ sẽ mãi ám ảnh vì sao những người mà các cháu rất quý đến thăm các cháu lại bị chính quyền hạch hỏi nhiều như vậy. Tôi nghĩ nên chấm dứt chuyện này ở đây.

Hai người công an lặng thinh, rồi họ đứng lên đi về.

Trưa chúng tôi đi sang nhà ông trẻ hai cháu ăn cơm , cách nhà hai cháu vài trăm mét. Đang ăn bỗng một đoàn người kéo vào xưng là hội chữ thập đỏ đến tặng hai cháu quà. Chủ nhà thắc mắc là tặng qùa đến nhà hai cháu, sao lại sang đây. Họ cứ nhăn nhở cười kêu vào đây cũng được, trong lúc họ nói thì một người trong số họ mang máy ảnh chụp chúng tôi lia lịa. Chúng tôi hỏi chụp làm gì, phía họ bảo chụp làm kỷ niệm. Chúng tôi bảo chụp kỷ niệm thì đứng chung với nhau mà chụp cho đàng hoàng, đừng như chụp như kiểu cướp giật thế. Họ đành miễn cưỡng chụp chung với chúng tôi.

Chúng tôi bỏ bữa ăn, sang nhà hai cháu để chào ra về, đến đây đã thấy vài người đàn ông có mặt. gia chủ nói họ là công an huyện, xã sang hỏi thăm gia đình. Thấy chúng tôi một công an dùng điện thoại chụp lia lịa lấy được
Lại những câu hỏi về chúng tôi, chị Minh Hằng hỏi thế ở đâu đi làm từ thiện, thăm hoàn cảnh khó khăn cũng bị công an hỏi thế này à. Người công an nói tùy từng trường hợp.

Chúng tôi cười nhạt, thế là quá rõ, chẳng muốn nói gì nữa, chúng tôi ra về mà đằng trước ngõ, sau ngõ dày đặc những thanh niên trẻ khỏe. Không biết đây có phải là những thanh niên '' hay uống rượu và gây gổ làm nhiều điều mà không nói trước được'' như lời anh công huyện không.

Khi hỏi người dân, họ nói đó là công an ở đây. Thật may họ là công an, nhưng đáng tiếc họ lại mặc áo thường phục như những thanh niên '' hay uống rượu và gây gổ, làm nhiều điều không nói trươc được'' . Giá như họ mặc cảnh phục đàng hoàng thì người lạ đến yên tâm hơn, nhất là khi nghe lời công an huyện nói về tình hình địa phương như vậy.

Khi chúng tôi về vội, gia đình hai cháu nhỏ cũng lấy làm bức xúc vì nhưng cuộc viếng thăm bất chợt và liên tiếp của các cơ quan chính quyền, cộng thêm sự xâm nhập chỗ ở tùy tiện, chụp ảnh khắp nhà không xin phép. Chủ nhà lên hỏi ủy ban, công an thì được nhận câu trả lời
- Đấy là những phần tử xấu, không thể nói hết với gia đình được, chúng tôi phải làm thế.

Gia đình hai cháu bác bỏ với lý lẽ chân quê
- Họ xấu thế nào chúng tôi không biết, chỉ biết họ đến thăm hai cháu, động viên, cho quà thế là tốt với gia đình tôi. Các anh chụp ảnh như vậy là xâm phạm đời tư cũng như chỗ ở riêng công dân, đề nghị trả lời rõ.
Chưa biết phía chính quyền xã Tân Tiến trả lời sao

Tôi đã từng đọc những tác phấm về thân phận con người , những tác phẩm kinh điển của các nhà văn lớn trên thế giới như Đốt với Những Kẻ Tủi Nhục, Vich To Huy Gô với Những Người Khốn Khổ.

Hôm nay từ miệng chính quyền xã Tân Tiến nói về Những Phần Tử Xấu, xấu đến mức không thể nói hết, nói rõ với gia đình, xấu nhưng phải giữ bí mật cơ đấy. Tôi nghĩ có lẽ các nhà văn Việt Nam có thể dùng những từ này để đặt tên cho một tác phẩm viết về xã hội, con người Việt Nam ngày nay. Biết đâu nền văn học Việt Nam sẽ có tác phẩm thế giới với cái tựa là
Những Phần Tử Xấu

TB: hôm nay trong đoàn có chị Tuyết và bạn chị Tuyết ủng hộ cho hai cháu 6 triệu đồng. Trần Thịnh và chị Thùy Linh mỗi người 500. Số còn lại ủng hộ bao nhiêu không công bố ở đây.
.
.
.

No comments: