Wednesday, September 14, 2011

NHỮNG MÀN bIỂU TÌNH GÂY SỐC (Trần Việt Trình)



Trần Việt Trình
14 tháng 9 năm 2011

Những màn biểu tình “sốc” nhưng không lạ
Những màn biểu tình không lạ nhưng “sốc”

Để cất lên tiếng nói bảo vệ thú vật, một số phụ nữ không ngại lấy chính cơ thể của mình để làm vũ khí biểu tình. Một trong những tổ chức được biết đến nhiều nhất trên thế giới sử dụng phương thức biểu tình này có tên gọi là PETA (People for the Ethical Treatment of Animals). Họ tranh đấu cho quyền động vật, bảo vệ súc vật. Họ được biết tới qua những cuộc biểu tình “khó đỡ” nhất bằng phương thức cởi đồ công khai ở chốn đông người. Dưới đây là một bức ảnh tiêu biểu từ những cuộc biểu tình của tổ chức này.

Những màn biểu tình “cởi” và gây “sốc” như vậy ngày nay không còn xa lạ gì. Trong khi đó thì ở Việt Nam, có những người không “cởi” và cũng lấy thân mình để tranh đấu, để cất lên tiếng nói chính đáng của mình, lối biểu tình cổ điển này không xa lạ gì, lại gây “sốc” trên toàn thế giới.
Dưới đây là một vài hình ảnh cảnh lực lượng an ninh hùng hậu thẳng tay trấn áp người biểu tình:


Nhìn hình ảnh lực lượng an ninh sử dụng vũ lực đàn áp người biểu tình mà “sốc”! Động cơ biểu tình của những người dân này rõ ràng là phản đối các hành động ngang ngược của nước ngoài đối với quyền tự chủ độc lập của đất nước. Họ từ lòng yêu nước nồng nhiệt mà bộc phát ra. Nhân dân, nhất là những công dân trẻ tuổi của đất nước sẽ nghĩ gì về chế độ, khi công cụ bạo lực của chế độ thẳng tay trấn áp người đi biểu tình? Các quốc gia khác sẽ nhìn về VN như thế nào khi lực lượng công cụ của chính quyền trấn áp dân mình? Bỗng dưng, ai cũng thấy được rằng, người VN ở các nước khác được quyền biểu tình, và được cảnh sát bảo vệ. Nhưng ngay trên chính đất nước mình, thì lại không được phép, thậm chí còn bị ngăn chặn và đàn áp. Nhiều người ở trong nước bỗng nghiệm ra một điều: Chính quyền là của ai? Chính quyền có là đại diện cho toàn dân hay không?

Biểu tình là một hành động hợp hiến và hết sức thông thường ở xã hội văn minh. Ở các nước văn minh người ta văn minh đến độ lấy thân mình gióng lên tiếng nói chỉ để bảo vệ cho súc vật. Ở nước ta, mang tiếng là “Tự Do, Độc Lập và Dân Chủ” mà người dân gióng lên tiếng nói chính đáng của mình để cảnh báo nhà nước về một nguy cơ mất nước thì lại bị đàn áp, bắt bớ và bỏ tù.

Biểu tình là biện pháp hữu hiệu để người dân giải tỏa ức chế và bảo vệ quyền lợi chính đáng của mình. Biểu tình cũng là một việc làm hợp lý để người dân bày tỏ chính kiến, thúc đẩy sự tiến bộ của xã hội và góp phần xây dựng nước nhà. Bản chất cốt lõi của các cuộc biểu tình chính là những tiếng chuông cảnh báo nhà nước, nhắc nhở nhà nước quan tâm và hành xử trách nhiệm giải quyết một vấn đề nào, không chỉ trong lãnh vực chính trị, mà ngay cả kinh tế và xã hội.

Điều 50 Hiến pháp 1992 của nhà cầm quyền VN quy định rằng “các quyền con người về chính trị, dân sự, kinh tế, văn hoá và xã hội được tôn trọng, thể hiện ở các quyền công dân và được quy định trong Hiến pháp và luật”. Điều 69 lại quy định “Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí; có quyền được thông tin; có quyền hội họp, lập hội, biểu tình theo quy định của pháp luật”. Quyền này lại được quy định theo pháp luật, có nghĩa là phải được quy định trong một luật biểu tình. Nhưng luật biểu tình thì lại chưa được ban hành. Hiến pháp đã có từ năm 1992. Thậm chí kể từ khi chính phủ CSVN tuyên bố “độc lập” từ năm 1946 đến giờ, vẫn chưa ban hành luật biểu tình.

Không những chỉ luật biểu tình, mà các luật khác nếu liên quan đến quyền công dân của VN cũng cần phải được ban hành, bởi VN đã long trọng tuyên bố, đó là các quyền công dân phù hợp với tiêu chuẩn quốc tế, các khế ước mà VN đã tham gia.

Nói đúng ra, các quyền công dân của VN đã được ghi đầy đủ trong Hiến pháp của nhà nước CSVN, khá giống nhiều nước trên thế giới, nhưng lại không được thực hiện. Có nhiều quyền tuy được ghi đầy đủ nhưng lại thòng thêm một câu là “theo quy định của pháp luật”.

Cho đến nay cụm từ “theo quy định của luật pháp” vẫn được chính quyền CSVN giải thích một cách gian trá, tùy tiện theo sự cho phép hay cấm đoán của chính quyền.

Đó chính là sự biểu hiện rõ nhất của một thể chế công an trị.

Ở VN ngày nay, dưới chế độ Đảng trị, ai cũng thừa hiểu theo luật “bất thành văn” thì biểu tình đồng nghĩa với phạm pháp. Người tham gia biểu tình dễ dàng bị quàng cho cái tội “gây rối trật tự công cộng”.

Trên thực tế, những cuộc biểu tình ở VN trong thời gian vừa qua đã diễn ra một cách rất ôn hòa và trật tự. Sở dĩ người tổ chức và người tham gia biểu tình dễ dàng bị chụp mũ bởi nhiều tội danh là vì biểu tình tuy hiến pháp đã cho phép nhưng chưa hề được luật hóa. Phía chính quyền thì coi các cuộc biểu tình là cố tình gây rối, thậm chí là do các thế lực thù địch tổ chức hoặc kích động, nên nếu có biểu tình thì chính quyền có quyền giải tán, có quyền bắt bớ. Trong hệ thống pháp luật với một rừng luật nhưng chỉ xài luật rừng của CSVN không có điều khoản nào quy định và hướng dẫn thế nào là biểu tình hợp pháp cả. Do vậy, hiến pháp cho phép nhưng luật lại chưa được quy định rõ ràng nên chuyện biểu tình ở VN bị “đặt ngoài vòng pháp luật” thật quả đúng như đã quy định trong luật … “bất thành văn”.

Tưởng cũng cần nhắc lại là vào thời điểm trước 30 tháng 4 năm 75, mọi cuộc biểu tình ở Sài Gòn đều được Hà Nội ca ngợi là các hoạt động tiến bộ và thường được ngấm ngầm khuyến khích, nếu không muốn nói là xách động, để trở thành những phong trào rộng lớn. Giờ thì Hà Nội đã nắm quyền rồi, biểu tình không còn được coi là các hoạt động tiến bộ nữa, nhà cầm quyền đã không khuyến khích mà còn ra sức đàn áp và quyết dẹp bỏ.
Nói cho cùng thì sống trong chế độ độc tài độc đảng của CSVN, làm gì có cái quyền biểu tình mà đòi hỏi!?

Đứng trước những vấn đề hệ trọng đụng chạm đến chủ quyền, đến tinh thần dân tộc, thì bất kỳ người VN nào cũng giao động và căm phẫn. Lòng người bất ổn. Số người tham gia biểu tình vẫn tiếp tục tìm cách biểu tình và phía lực lượng an ninh chắc chắn cũng không khoan nhượng rồi mức độ trấn áp sẽ gia tăng. Sẽ có nhiều chuyện đau lòng và đáng tiếc hơn nữa xảy ra. Phải chăng đã đến lúc toàn dân phải cùng gióng cao tiếng nói của mình? Bằng những bước chân rộn rã đồng loạt xuống đường? Bằng ý chí bất khuất và niềm tự hào dân tộc?

Trần Việt Trình
14 tháng 9 năm 2011
.
.
.

No comments: