Wednesday, September 14, 2011

NHÀ NƯỚC PHÁP QUYỀN - QUYỀN & BỔN PHẬN (Nguyễn Hưng Quốc)




Nguyễn Hưng Quốc
Thứ Tư, 14 tháng 9 2011

Ở Việt Nam, người ta hay nói đến chữ “nhà nước pháp quyền”. Người sử dùng chữ này nhiều nhất không chừng là bà Nguyễn Phương Nga, phát ngôn viên của Bộ Ngoại Giao. Hình như bất cứ khi nào bị phóng viên ngoại quốc hạch hỏi về tình trạng vi phạm nhân quyền trầm trọng ở Việt Nam là bà lại xào lại món ăn cũ: “Việt Nam là một nhà nước pháp quyền!”

Tôi đã có dịp chuyện trò với một số phóng viên ngoại quốc từng làm việc ở Việt Nam. Hỏi cảm tưởng của họ khi nghe những câu trả lời như thế, ai cũng cười. Và người Việt Nam chúng ta cũng cười, dĩ nhiên, với ít nhiều cay đắng.

Người bộc trực cho những lời như vậy là những lời nói dối trắng trợn. Người hiền lành và nhiều thiện chí thì nghĩ có thể cách hiểu của Việt Nam về chữ pháp quyền (rule of law) khác với thế giới. Nhưng cách nghĩ như thế, thật ra, chỉ là một sự tự lừa dối.

Một trong những đặc điểm lớn nhất của thời đại chúng ta là toàn cầu hóa. Một trong những khía cạnh quan trọng nhất của toàn cầu hóa là sự thống nhất của các bảng giá trị và khái niệm căn bản, trong đó có hai vấn đề chính: nhân quyền và pháp quyền. Cách đây mấy chục năm, một số lãnh tụ ở châu Á cũng từng nhân danh các giá trị truyền thống của châu Á để bẻ cong các định nghĩa về nhân quyền và pháp quyền như thế. Tuy nhiên, ngày nay, những lập luận như thế đã thưa thớt hẳn. Ai cũng thấy đó chỉ là những sự ngụy biện.

Thuật ngữ pháp quyền chỉ ra đời ở châu Âu từ thế kỷ 17 nhưng mầm mống của nó thì đã manh nha từ thời cổ đại Hy Lạp khi Aristotle quan niệm: một xã hội tốt đẹp là một xã hội được cai trị bởi luật pháp chứ không phải bởi bất cứ một cá nhân nào. Nếu một cá nhân nào đó được cử lên để nắm quyền thì người đó nên đóng vai trò của những kẻ bảo vệ và thực thi luật pháp mà thôi. Một chính khách nổi tiếng khác thời cổ đại La Mã, Cicero, cũng quan niệm như vậy: Tất cả chúng ta đều là nô lệ của luật pháp để tất cả chúng ta đều được tự do.

Cần chú ý là ngày xưa, ở Trung Hoa, cũng có tư tưởng pháp trị với những đại biểu lớn như Thân Bất Hại, Thương Ưởng và Lý Tư. Tuy nhiên, đó chỉ là pháp trị (rule by law) chứ không phải là pháp quyền (rule of law). Theo tư tưởng pháp trị cổ điển, nhà vua cần dùng luật pháp để trị dân, nhưng bản thân vua thì lại ở trên luật pháp. Tiêu biểu nhất là một câu chuyện liên quan đến Thương Ưởng, người chủ trương pháp trị.
"Có lần thái tử phạm phép nước. Thương Ưởng bảo: Mọi người chẳng kể sang hèn, đều bình đẳng về pháp luật. Nhưng thái tử sẽ kế ngôi vua, không thể bắt chịu tội, mà hai viên sư phó dạy thái tử phải chịu tội thay vì không làm tròn trách nhiệm dạy dỗ. Dân trong nước lại càng sợ lệnh của Thương Ưởng; chỉ trong mười năm của rơi ngoài đường không ai dám lượm, tại rừng núi cũng không còn trộm cướp." (Giản Chi và Nguyễn Hiến Lê, Đại Cương Triết Học Trung Quốc, quyển hạ, Cảo Thơm xuất bản tại Sài Gòn năm 1966, tr. 586.)

Như vậy, tuy Thương Ưởng nổi tiếng cứng rắn, ông vẫn còn một nhân nhượng: vua, từ vua tại vị lẫn vua trong tương lai. Với ông, vua ở trên, ở ngoài và được miễn trừ bởi luật pháp. Cái gọi là "bình đẳng" trước pháp luật của ông, do đó, là một sự bình đẳng có giới hạn, áp dụng cho mọi người, trừ những người trong hoàng tộc.

Ở Tây phương ngày xưa, vua cũng được đặc quyền như thế. Bởi vậy mới có câu: "Vua là luật" (rex lex / the king is the law). Năm 1644, Samuel Rutherford (1600-1661) mới đổi lại thành: "luật là hoàng đế" (Lex, rex / the law is king). Sau đó, từ John Locke (1632-1704) đến Montesquieu (1689-1755) tiếp tục khai triển ý tưởng ấy. Ở Mỹ, năm 1776, Thomas Paine (1737-1809) viết trong cuốn Common Sense: "Ở Mỹ, luật pháp là vua" (in America, the law is king). Năm 1780, John Adams (1735 –1826) đúc kết thành công thức sau này sẽ là nguyên tắc chính của mọi nền pháp quyền: "một chính phủ của luật pháp chứ không phải của con người".

Từ đó đến nay, quan niệm pháp quyền được giải thích theo nhiều cách khác nhau. Tựu trung, có ba quan điểm chính: một, hình thức luận (formal/thin approach): không cần biết đến nội dung, chỉ cần mọi luật lệ đều phải rõ ràng, bình đẳng, cố định và phổ quát; hai, bản chất luận (substantive/thick approach): mọi luật lệ đều nhằm bảo vệ một số hoặc toàn bộ quyền của con người; và ba, chức năng luận (functional approach): một xã hội được xem là có tính pháp quyền cao nếu nhân viên chính phủ có ít khả năng tự tung tự tác; ngược lại, sự tự tung tự tác càng cao thì tính pháp quyền càng yếu và ít.

Dù cách diễn dịch có khác nhau đến mấy thì bản chất của cái gọi là pháp quyền trên thế giới, tự bản chất, cũng giống nhau ở một số điểm căn bản:

Thứ nhất, phải có một hiến pháp và luật pháp phù hợp với những nguyên tắc căn bản về nhân quyền, trong đó hai quyền căn bản là quyền tự do và bình đẳng của mọi công dân phải được tôn trọng.
Thứ hai, không có bất cứ cá nhân nào, dù đang nắm giữ bất cứ chức vụ nào, có thể đứng trên hay đứng ngoài pháp luật.
Thứ ba, các điều khoản trong hiến pháp và luật pháp, dù có tính chát phổ quát, vẫn không quá mơ hồ để có thể bị lợi dụng (ví dụ cái đuôi "theo khuôn khổ luật pháp" ở Việt Nam, trong đó, ngay cả một bản thông báo không có người ký tên - như bản thông báo cấm biểu tình ở Hà Nội ngày 18/8 vừa qua - cũng được xem là "pháp luật" để dựa theo đó công an thẳng tay đàn áp những người xuống đường chống Trung Quốc).

Những điều vừa nêu, thật ra, là những kiến thức thông thường. Điều tôi muốn nhấn mạnh trong bài viết này là:
Một, trong việc bảo vệ một nền dân chủ pháp quyền, vai trò quan trọng nhất thuộc về cơ chế: Nếu không có sự phân lập về quyền bính, chủ yếu giữa ba quyền: lập pháp, hành pháp và tư pháp, sự độc lập của quân đội và công an cũng như sự tự do của truyền thông, không có bất cứ một chế độ nào có thể nói được là thực sự dân chủ và pháp quyền. Bởi ở đó luôn luôn có nguy cơ con người sẽ lấn át luật pháp, sử dụng luật pháp như một công cụ để bảo vệ quyền lợi của mình mà thôi.
Hai, phải có những lãnh đạo dũng cảm và tự trọng, có tinh thần thượng tôn pháp luật, biết đặt quyền lợi của đất nước lên trên quyền lợi của cá nhân, những lợi ích lâu dài trên các lợi ích trước mắt.
ba, theo tôi, quan trọng không kém, việc bảo vệ tính pháp quyền không hoàn toàn tùy thuộc ở cơ chế hay nhà cầm quyền mà còn tùy thuộc ở người dân. Khi người dân có ý thức và có dũng cảm đứng lên đòi hỏi nhà cầm quyền phải tôn trọng các quyền được ghi nhận trong hiến pháp và luật pháp, chính phủ mới tự hạn chế những ý định lạm dụng quyền lực của mình.

Nền dân chủ pháp quyền ở các quốc gia phát triển trên thế giới không tồn tại như một phép mầu. Những người lãnh đạo phải tự đặt vào khuôn khổ của pháp luật thường không phải vì lòng tốt mà vì bị bắt buộc. Ai bắt buộc? Trên lý thuyết: hiến pháp và luật pháp. Nhưng trên thực tế, chính là dân chúng. Dân chúng đóng vai trò kiểm tra, kiếm soát thường xuyên. Bất cứ sự vi phạm nào của giới lãnh đạo cũng đều bị phản đối ngay tức khắc. Bằng biểu tình. Bằng kiến nghị. Và quan trọng nhất, bằng lá phiếu.

Ở Việt Nam, gần đây, tôi đã thấy manh nha việc một số người dân biết sử dụng quyền công dân của mình để đòi hỏi nhà nước phải tôn trọng tính pháp quyền. Chúng thể hiện ở việc kiện đài truyền hình và truyền thanh Việt Nam xuyên tạc và bôi nhọ những người biểu tình chống Trung Quốc. Việc yêu cầu chính quyền Hà Nội phải giải thích về bản thông báo cấm biểu tình ngày 18/8. Tôi cho, ngoài 11 cuộc biểu tình ở Hà Nội từ đầu tháng 6 đến giữa tháng 8 vừa qua, những đơn khiếu nại và kiện tụng ấy là những dấu mốc rất đáng kể trong việc xây dựng một nền pháp quyền ở Việt Nam hiện nay. Xây từ dưới lên.

---------------------------

Nguyễn Hưng Quốc
Thứ Ba, 13 tháng 9 2011

Xã hội nào cũng được xây dựng trên hai trụ cột chính: quyền và bổn phận. Tuy nhiên, sự phân phối giữa hai yếu tố này hầu như chưa bao giờ thực sự quân bình và hợp lý. Lúc nào chúng cũng ở trạng thái tranh chấp. Chính những sự tranh chấp ấy đã vẽ nên tấm bản đồ và cũng là lịch sử của các nền chính trị trên thế giới.

Nói một cách tóm tắt, đặc điểm nổi bật nhất của các chế độ chuyên chế là giành phần quyền về phía giới thống trị và đổ hết phần bổn phận xuống cho những người bị trị. Ví dụ, ngày xưa, vua chúa, nhất là vua, hầu như nắm trong tay mọi thứ quyền. Quyền được coi tài sản của cả nước là tài sản của mình. Quyền được hưởng thụ, kể cả hưởng thụ một cách trụy lạc, bất chấp mọi nguyên tắc luân lý được chính họ truyền dạy. Quyền được ra lệnh, dù là những mệnh lệnh cực kỳ ngu dốt. Quyền sinh sát đối với mọi người. Không ai dám đòi hỏi bổn phận gì từ vua cả. Bổn phận được xem là chuyện của dân chúng. Bổn phận phải đóng thuế, phải phục dịch và phải vâng lời. Vâng lời trong mọi trường hợp, kể cả lúc nhà vua, trong một cơn say rượu nào đó, ra lệnh mình…tự thắt cổ chết: “Quân sử thần tử, thần bất tử bất trung”.

Chế độ dân chủ, ngược lại, nhấn mạnh vào quyền. Không phải quyền của những người cai trị mà là của những người bị trị. Không phải ngẫu nhiên mà các chế độ dân chủ đầu tiên trên thế giới hầu như ra đời cùng lúc với các bản tuyên ngôn về nhân quyền, trong đó, những quyền được xem là căn bản nhất là: quyền sống một cách tự do và bình đẳng. Những quyền căn bản này cũng là những quyền tối thượng: chúng thuộc về con người trước khi là công dân, do đó, chúng có tính chất phổ quát và bất khả xâm phạm. Chúng được áp dụng cho mọi người bất kể màu da, tôn giáo, đẳng cấp và phái tính. Chúng trở thành nền tảng của mọi thứ quyền khác và cũng là nền tảng để xây dựng một chế độ thực sự dân chủ. Càng ngày các thứ quyền ấy càng được cụ thể hóa và thiết chế hóa, bao gồm nhiều lãnh vực khác nhau, từ chính trị đến kinh tế, văn hóa và xã hội. Nhìn vào các thứ quyền ấy, điều nổi bật và dễ thấy nhất là phần lớn chúng đều gắn liền với ý niệm tự do: tự do phát biểu, tự do tụ tập, tự do hội họp, tự do tín ngưỡng, tự do đi lại, tự do ứng cử, tự do làm ăn buôn bán, v.v…

Dĩ nhiên, quyền đi liền với bổn phận. Các bổn phận thường được nhắc nhở nhất là bổn phận đối với đất nước, với xã hội, với gia đình, bao gồm cả bổn phận nuôi dạy con cái ở tuổi vị thành niên (độ tuổi thay đổi theo từng nước). Bao trùm lên tất cả là bổn phận tuân thủ luật pháp: Có thu nhập thì phải đóng thuế; đi ra đường (kể cả đi bộ!) thì phải giữ đúng luật đi đường; đến ngã tư, thấy đèn đỏ thì phải dừng xe lại cho dù có cảnh sát hay không, v.v…
Điều cần chú ý là, ở Tây phương, hai khái niệm quyền và bổn phận thường có quan hệ mật thiết với nhau. Không có quyền nào lại không gắn liền với một bổn phận nhất định. Ví dụ: quyền tự do tụ tập. Ở Tây phương, ai cũng có thể rủ bà con, anh em, bạn bè về nhà mình ăn nhậu, hát hò thoải mái thâu đêm suốt sáng. Chẳng cần phải xin phép công an khu vực như ở Việt Nam ngày trước. Tuy nhiên, ở đây, người ta phải có bổn phận với người khác: sau 10 giờ tối thì mọi âm thanh đều phải điều chỉnh lại cho… vừa đủ nghe để không làm phiền đến giấc ngủ của hàng xóm. Ồn quá, người ta có thể gọi cảnh sát. Ngay cả việc biểu tình cũng vậy. Muốn chống ai thì cứ việc xuống đường biểu tình. Tự do. Nhưng mọi người lại có bổn phận không gây trở ngại cho việc giao thông của người khác. Để hòa giải giữa hai thứ quyền này (quyền biểu tình và quyền giao thông), cảnh sát thường đòi hỏi những người tổ chức biểu tình phải đăng ký trước là vì thế. Để họ có thể tái phối trí các hướng giao thông hầu bảo đảm trật tự và an ninh cho mọi người. Vậy thôi.

Nói đến bổn phận mà không nói đến quyền là độc tài. Nói đến quyền mà không nói đến bổn phận là ích kỷ về phương diện đạo đức, vô chính phủ về phương diện chính trị, và thật ra, vô nghĩa cả về phương diện luận lý lẫn phương diện thực tiễn.

Một xã hội lành mạnh là xã hội kết hợp cả quyền lẫn bổn phận. Giữa xã hội này và xã hội khác chỉ khác nhau ở sự cân đối. Có một số xã hội nhấn mạnh vào khía cạnh bổn phận (duty-centred society) và có một số xã hội nhấn mạnh vào quyền (right-centred society). Phần lớn các quốc gia phát triển nhất ở Tây phương hiện nay, đứng đầu là Mỹ, đều là những xã hội nhấn mạnh vào quyền. Không phải ai cũng hài lòng về điều đó. Người ta nhận thấy việc quá nhấn mạnh vào quyền cũng gây khá nhiều vấn đề: ở đâu cũng có kiện cáo và ý thức trách nhiện với cộng đồng bị sút giảm nghiêm trọng.

Đó là những chuyện trên lý thuyết và đặc biệt ở Tây phương. Còn ở Việt Nam thì sao?
Thì quyền vẫn là chuyện của giới lãnh đạo.
Và bổn phận vẫn là chuyện của quần chúng.
So với thời vua chúa ngày xưa, trên rất nhiều phương diện, quan hệ giữa quyền và bổn phận cũng chẳng có thay đổi bao nhiêu. Trừ trên giấy tờ.

-----------------------------------
* Blog của Tiến sĩ Nguyễn Hưng Quốc là blog cá nhân. Các bài viết trên blog được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.

.
.
.

No comments: