Saturday, September 10, 2011

LUẬT CHỐNG KHỦNG BỐ XỨ NGƯỜI & LUẬT VÌ "AN NINH QUỐC GIA" XỨ TA (Nguyễn Hoàng Lan)

Nguyễn Hoàng Lan

Thứ Bảy, 10/09/2011
http://danluan.org/node/9906

Nói lan man là có lý do, vì tớ chuyên đi nghe chuyện xứ người nhưng tâm trí thì mơ mộng về... nhà.

Hôm nay tớ đi nghe thuyết trình về 10 năm sự kiện 11/9 và luật chống khủng bố ở các nước tự do dân chủ (1). Các chuyên gia chỉ trích luật của họ vi phạm nhân quyền mà chẳng giúp tăng cường an ninh (2). Các thẩm phán nói lên vai trò của tư pháp độc lập trong việc bảo vệ quyền tự do của người dân trong thời đại chính quyền nhìn đâu cũng thấy khủng bố (3).

Không biết diễn đạt cảm giác của tớ thế nào cho mọi người hiểu.

Thứ nhất, chuyên gia nước mình ko có cái quyền xa xỉ ngồi chỉ trích nhà nước một cách tự do độc lập (4).
Thứ hai, về mặt vi phạm quyền và coi thường quy trình pháp luật bảo vệ quyền, luật chống khủng bố của họ ăn thua gì so với luật hình sự Việt Nam về an ninh quốc gia. Thường các luật chống khủng bố với các điều khoản khắt khe, trao nhiều quyền cho hành pháp và cảnh sát hành động theo ý họ, được coi là ngoại lệ. Việt Nam ta thì tuy được coi là "ổn định chính trị" và sống trong thời bình, nhưng luật về an ninh quốc gia và các tội liên quan đến an ninh quốc gia thì vẫn trao nhiều quyền độc đoán cho Viện kiểm sát và chính phủ, và các luật đó tồn tại thường trực, chứ không phải ngoại lệ. Ơ hay, vậy dân ta đang sống trong thời gì? Sao ta vẫn tự khen "ổn định chính trị" mà lúc nào cũng lo sợ nơm nớp còn hơn mấy anh đế quốc sợ khủng bố?

Thế nhưng, thứ ba, cái này đau khổ nhất: nhà mình không có tư pháp độc lập để bảo vệ nhân quyền trong các vụ án riêng biệt. Pháp luật chống khủng bố thường được thông qua một cách vội vã, giữa không khí căng thẳng ngay sau một vụ tấn công khủng bố, vì vậy thường không được thảo luận thấu đáo và có xu hướng coi nhẹ quyền con người vì lý do an ninh. Thế nhưng, các luật đó sau này có thể bị thách thức trước Tòa án Tối cao hoặc Tòa án Hiến pháp khi một vụ án cụ thể được đưa ra trước tòa. Các Tòa án này có thể vô hiệu hóa luật, hoặc đề nghị Lập pháp sửa luật, hoặc giải thích điều luật theo hướng thân thiện với quyền con người. Nghe bà Chánh án Canada nói chuyện rất hay về nguyên tắc proportionality (tỷ lệ giữa mục tiêu và biện pháp) trong việc áp dụng và phán xử các luật chống khủng bố, mặt tớ méo xẹo: chưa có tòa án độc lập thì không thể có due process (quy trình tố tụng bảo đảm nhân quyền), lại càng không thể đôi co về nguyên tắc án lệ proportionality với ông chính phủ được.

Mà ai cũng biết, để có được một hệ thống tòa án độc lập là cả một quá trình đấu tranh chính trị, nâng cao khả năng và đạo đức nghề nghiệp của ngành pháp lý, và một ý thức tôn trọng quyền tự do của con người. 2 điểm sau tớ không lo lắm. Còn điểm đầu tiên, quá trình đấu tranh chính trị - bao nhiêu người sẵn sàng chơi cuộc chơi này đây? Nói "đấu tranh chính trị" không nhất thiết phải đối đầu về chính trị, nhưng tư duy và thái độ chính trị phải rõ ràng, nhất là với những người làm việc trong ngành luật: Không thể có tòa án độc lập và nhân quyền được bảo vệ trong thể chế độc đảng.

Và, ai cũng đã thấy, an ninh quốc gia đã chẳng khá hơn mặc dù các luật vi phạm nhân quyền với lý do an ninh quốc gia được thông qua ngày càng nhiều. Các thứ luật vì an ninh quốc gia đã không giúp ta lấy lại biển đảo, mà trái lại còn tiếp tay cho những hành động đàn áp những người lên tiếng vì an ninh quốc gia! Vì vậy, viện dẫn luật an ninh quốc gia nhiều khi cũng là trò đùa, trò giễu cợt coi thường nhân dân. Nói an ninh quốc gia trong chế độ độc đảng này thực ra là bảo đảm quyền lực của thế lực lãnh đạo mà thôi. Quân tử không lập lờ, chịu chơi thì hãy nói thẳng: an ninh đảng, bảo vệ đảng.

Nhưng nói vậy thôi, nếu lãnh đạo Việt Nam mà còn có người quân tử, chắc ta đã có dân chủ đa nguyên lâu rồi. Vì quân tử không bịt miệng những người không cùng chính kiến.
09/09/2011
_________________

(1) (Úc, Canada, Mỹ, Anh - từ tự do dân chủ dịch từ liberal democracies).
(2) Hội thảo này được tổ chức bởi các học giả độc lập từ các trường đại học hay Tòa án ở Úc.
(3) Khách mời có cả Chánh án tòa án tối cao Canada (Chief Justice McLauchlin)
(4) Vụ IDS và nghị quyết 97 là ví dụ điển hình của việc coi khinh giới trí thức và ngăn cản sự độc lập trong nghiên cứu học thuật.

.
.
.

No comments: