Monday, September 5, 2011

KHẢO SÁT CON ĐƯỜNG DẪN ĐẾN SỰ THỊNH VƯỢNG (Otaviano Canuto)




Otaviano Canuto

Phạm Nguyên Trường dịch
Ngày 05 tháng 9 năm 2011

WASHINGTON, D.C. – Những cỗ máy tăng trưởng trên thế giới đã chuyển hướng. Các nền kinh tế đang phát triển hiện đã tạo ra trên một nửa tăng trưởng GDP toàn cầu. Kết quả là sự quan tâm đương nhiên được chuyển sang vấn đề mới: Có nguy cơ là một số hay nhiều nước đang phát triển có thể trở thành miếng mồi ngon của “cái bẫy thu nhập trung bình” hay không?

“Bẫy thu nhập trung bình” đã và đang níu kéo nhiều nước đang phát triển: họ đã thoát khỏi mức thu nhập thấp – tính theo đầu người – nhưng sau đó thì có vẻ như đã dẫm chân tại chỗ, họ đánh mất động lực trên con đường tiến lên mức thu nhập cao ngang bằng với các nền kinh tế tiên tiến. Đấy là kinh nghiệm mà hầu hết các nước Mĩ Latin đã trải qua trong những năm 1980, và trong những năm gần đây các nước có thu nhập trung bình ở các nơi khác cũng sợ rằng họ có thể lạc vào con đường tương tự như thế. Có phải là càng lên cao thì cái thang thu nhập càng khó leo hơn không?

Trong đa số trường hợp, quá trình phát triển làm nền tảng cho sự chuyển hóa từ mức thu nhập thấp lên mức thu nhập trung bình là khá giống nhau. Thường thì, có rất nhiều người lao động không có tay nghề được chuyển từ những công việc với thu nhập chỉ đủ sống qua ngày sang những ngành sản xuất hay dịch vụ hiện đại hơn – cần vốn đầu tư lớn hơn và công nghệ cao hơn – mà không cần phải nâng cao tay nghề cho những người lao động này.
Những ngành công nghệ đó đã có sẵn trong các nước giàu có hơn và dễ dàng thích ứng với hoàn cảnh địa phương. Hiệu quả tổng hợp của công việc chuyển giao đó – thường đi kèm với quá trình đô thị hóa – là sự gia tăng đáng kể “năng suất lao động toàn xã hội”, dẫn tới sự gia tăng GDP, mà nếu chỉ sử dụng những tác nhân như việc làm gia tăng, tiền vốn gia tăng và những tác nhân vật chất khác thì không thể nào giải thích được.

Không chóng thì chày, việc gặt hái lợi ích từ những loại “hoa quả ở cành thấp” như thế – hiểu theo nghĩa cơ hội tăng trưởng – sẽ gặp phải giới hạn, sau đó tốc độc tăng trưởng có thể chậm lại, làm cho nền kinh tế rơi vào bẫy thu nhập trung bình. Bước ngoặt xảy ra khi lực lượng lao động không có tay nghề có thể chuyển nghề đã chuyển hết hoặc là, như trong một số trường hợp cho thấy, khi những hoạt động thu hút nhiều lao động đã đạt đến cực đỉnh mà số lao động không có tay nghề vẫn còn.

Sau bước ngoặt vừa nói, sự gia tăng năng suất lao động toàn xã hội và giữ tốc độ phát triển GDP cao phụ thuộc vào khả năng của nền kinh tế trong việc chuyển sản xuất, dịch vụ và nông nghiệp theo hướng hoạt động cần nhiều công nghệ phức tạp hơn, vốn con người có chất lượng cao hơn, và hướng đến những tài sản vô hình như thiết kế và năng lực tổ chức. Tiếp theo, việc thiết lập các định chế trợ giúp cho đổi mới và chuỗi phức tạp các giao dịch trên thương trường có vai trò vô cùng quan trọng.

Bây giờ thách thức không còn là nắm được những công nghệ đã có mà là tạo ra tạo ra năng lực và những định chế nội địa, tức là những thứ không thể nhập khẩu hoặc sao chép một cách dễ dàng được nữa. Có một nền giáo dục và cơ sở hạ tầng phù hợp là điều kiện cần thiết tối thiểu.

Hiện nay các nước có mức thu nhập trung bình ở Mĩ Latin đã thấy quá trình chuyển lao động từ những công việc có thu nhập chỉ đủ sống qua ngày sang những công việc có thu nhập cao hơn đang chậm lại, trong khi số lao động dư thừa vẫn còn. Đấy là do sai lầm trong quản lí kinh tế vĩ mô và nền sản xuất hướng nội trước những năm 1990 đã thiết lập quá sớm giới hạn cho quá trình dịch chuyển này. Tuy nhiên, có một số người đã có vị trí vững vàng trong chuỗi giá trị toàn cầu (ngành nông nghiệp công nghệ cao, khả năng khoan dầu ở biển sâu và công nghiệp hàng không của Brazil là một thí dụ.)

Ngược lại, các nước đang phát triển ở châu Á lại dựa chủ yếu vào thương mại quốc tế nhằm đẩy nhanh quá trình dịch chuyển lao động bằng cách tự mình tham gia vào những lĩnh vực cần nhiều lao động trong chuỗi giá trị toàn cầu. Những tiến bộ trong công nghệ thông tin liên lạc và cước vận chuyển rẻ cũng như hàng rào thương mại quốc tế giảm đã tạo nhiều thuận lợi cho xu hướng này.

Con đường từ thu nhập thấp (tính theo đầu người) lên mức trung bình và sau đó là lên mức cao đồng nghĩa với việc gia tăng tỉ lệ dân chúng chuyển từ những công việc chỉ đủ sống qua ngày sang những công việc đơn giản của thời hiện đại và sau đó là sang những công việc phức tạp hơn. Ngành thương mại quốc tế đã mở rộng cửa cho con đường này, nhưng những thay đổi trong lĩnh vực định chế, nền giáo dục chất lượng cao và việc tạo ra những tài sản vô hình tại chỗ là vấn đề then chốt cho sự tiến bộ bền vững trong một thời gian dài. Nam Hàn là thí dụ rõ nhất về việc một nước biết tận dụng cơ hội để leo lên trên các nấc thang thu nhập cao hơn.

Muốn giữ được tốc độ tăng trưởng cao trong các nước đang phát triển thì số người có thu nhập thấp ở nông thôn và số lao động bán thất nghiệp ở khu vực đô thị trong các nước có mức thu nhập thấp và trung bình vẫn là nguồn lực chưa được khai thác nhằm gia tăng năng suất lao động toàn xã hội thông qua việc chuyển nghề. Muốn thu được thành công trên bình diện toàn cầu thì các nước có mức thu nhập trung bình đã bước vào quá trình này phải vượt qua các rào cản trên con đường dẫn tới thu nhập cao hơn và bằng cách đó, tạo ra nhu cầu và mở ra cơ hội cung cho quá trình chuyển dịch lao động trong những nước đang phát triển còn đứng ở những nấc thang thu nhập thấp hơn.

Các nước có mức thu nhập trung bình nhưng giàu tài nguyên trực diện với con đường riêng của mình, một con đường đã được mở rộng ra nhờ sự tăng giá các nguyên vật liệu trong một thời gian dài, kèm theo sự dịch chuyển trong cơ cấu GDP toàn cầu. Khác với các quốc gia sản xuất, sử dụng nguồn tài nguyên thường có những tính chất đặc thù, tạo cơ hội cho việc hình thành năng lực mang tính địa phương trong những hoạt động khai thác phức tạp, với những thách thức tương ứng cho việc phát triển một cách bền vững.

Trong khi phần lớn các nước tiến từ trạng thái thu nhập thấp lên thu nhập trung bình đều đi qua một con đường nói chung là giống nhau thì những giai đoạn tiếp theo của họ cho ta thấy một loạt những kinh nghiệm khác nhau, dưới dạng những thay đổi về mặt định chế và tích lũy tài sản vô hình. Căn cứ vào triển vọng phát triển không lấy gì làm tốt đẹp của những nền kinh tế tiên tiến, động lực của nền kinh tế thế giới hiện nay sẽ phụ thuộc vào các bước đi của những nước đã từng thành công trong quá trình trèo lên cái thang thu nhập sẽ diễn ra như thế nào.

Otaviano Canuto, là phó chủ tịch ban giảm nghèo và quản lí kinh tế của Ngân hàng thế giới (the World Bank’s Vice-President for Poverty Reduction and Economic Management), đồng tác giả cuốn: Một ngày sau ngày mai: Sổ tay về chính sách kinh tế trong tương lai trong thế giới đang phát triển (The Day After Tomorrow: A Handbook on the Future of Economic Policy in the Developing World).

.
.
.

No comments: