Tuesday, September 20, 2011

KẾT LIÊN MINH : VẤN ĐỀ SINH TỬ CỦA QUỐC GIA (Bùi Tín)



Bùi Tín viết riêng cho VOA
Thứ Hai, 19 tháng 9 2011

Hiện nay vấn đề bạn thù, vấn đề lựa chọn liên minh của nước ta đang là vấn đề nóng bỏng, hệ trọng, có thể coi là sinh tử giữa một thế giới đang đổi thay nhanh chóng.

Trên thực tế, nhóm lãnh đạo hiện nay đang buộc chặt nước Việt Nam theo chế độ xã hội chủ nghĩa kiểu mác-xít với Trung Quốc cũng theo chế độ xã hội chủ nghĩa độc đảng. Tuy chưa chính thức gọi là “liên minh”, nhưng với những mỹ từ: “tình hữu nghị đặc biệt”, “mối quan hệ chiến lược, toàn diện, truyền thống keo sơn”, với mối tình hữu nghị “16 chữ vàng” và mối “quan hệ Bốn Tốt” chưa từng có với nước nào, có thể nói đây là mối liên minh đặc biệt như môi với răng, đến mức như không còn biên giới, “bên nay biên giới là nhà, bên kia biên giới cũng là quê hương”.

Trong hành động cụ thể, nhóm lãnh đạo trong nước hiện nay đã từ bỏ chủ quyền quốc gia, để cho nước đàn anh tha hồ vùng vẫy, lũng đoạn đất nước như trên lãnh thổ một thuộc quốc, một thuộc địa kiểu mới của họ. Các công ty lớn nhỏ Trung Quốc lộng hành, công nhân Trung Quốc cắm cờ 5 sao tại các vùng khai thác bauxite trên địa bàn chiến lược Tây Nguyên, hàng vạn lao động phổ thông Trung Quốc xâm nhập không giấy tờ, hàng hóa Trung Quốc phần lớn là hàng trốn thuế, hàng nhái, hàng lậu, hàng độc hại tràn qua biên giới, tỏa ra khắp nước, giấy bạc nhân dân tệ Trung Quốc xâm nhập ngang nhiên.

Trong mối liên minh đặc biệt này, mỗi năm có đến hơn 300 đoàn cán bộ đảng và chính quyền Việt Nam sang Trung Quốc để học hỏi kinh nghiệm về mọi mặt, đáng chú ý nhất là những đoàn cao nhất của tổng bí thư, chủ tịch nước, chủ tịch Quốc hội, thủ tướng, các Bộ Quốc phòng, Công an, Tổng cục An ninh, Ban Tổ chức, Ban Tuyên huấn, Bộ Tổng tham mưu, Tổng cục Chính trị…

Tuy phía Việt Nam luôn rêu rao rằng coi mọi nước đều là bạn bè, rằng Việt Nam không liên minh quân sự với một nước nào, không để cho nước nào có căn cứ quân sự trên đất Việt Nam, nhưng trên thực tế, quan hệ Việt Nam – Trung Quốc gắn bó còn hơn là một liên minh quân sự tay đôi. Cứ xem một vài sự kiện mới. Một thứ trưởng quốc phòng sang tận Bắc Kinh để báo tin là nước mình đã đàn áp các cuộc xuống đường chống bành trướng, còn hứa hẹn không để xảy ra trong tương lai, rồi một đoàn đại biểu quân sự do chủ nhiệm Tổng cục Chính trị cùng 5 chính ủy quân khu, các cục trưởng tổ chức, tuyên huấn sang làm việc tại Bắc Kinh…chứng tỏ mối liên minh quân sự đã quá sâu đậm, vì chính trị là nền tảng cơ bản nhất về tinh thần của quân đội. Đây là sự phụ thuộc tuyệt đối, tiêu biểu cho sự thống trị của một láng giềng nguy hiểm, một bạn bè độc ác, một đồng chí phản trắc, một đối tác tham lam.

Từ 22 năm nay, nước ta đã mất dần chủ quyền dân tộc, mất từng mảng đất liền, mất từng vùng biển rộng, mất nhiều đảo giàu tài nguyên, mất chủ quyền trên 30 vạn hécta rừng, mất tiền của không sao tính hết vì buôn bán không bình đẳng, nhập gấp 20 lần xuất, lao động Trung Quốc lập vùng dân cư tàu, làng mạc tàu, khu phố tàu, với thái độ cao ngạo trây lỳ, không giấy tờ, đuổi không đi, hàng tàu tràn ngập ngoài Bắc trong Nam, con buôn họ còn dở trò hứa hẹn thu mua khoai và sắn giá hời để tàn phá lâu dài nền nông nghiệp truyền thống lúa nước của ta. Vậy mà nhóm lãnh đạo và những cái loa của họ cứ nói lấy được không chút ngượng ngùng rằng không có gì quý hơn là có được tình hữu nghị son sắt với nước láng giềng khổng lồ phương Bắc.

Họ chỉ có một luận điệu để chống chế, đó là ta cần biết thân phận nhược tiểu của mình, nhún nhường để yên thân, học tập ông cha ta luôn sống hòa hiếu, xử nhũn, còn triều cống hậu hĩ triều đình phương Bắc. Đây là sự nguỵ biện trơ tráo, vì ông cha ta luôn tỏ thái độ kiên cường bất khuất, luôn biết huy động cao nhất lòng yêu nước của toàn dân, giáng trả đích đáng mọi hành động xâm lược rồi sau đó mới tỏ thái độ hòa hiếu. Ông cha ta không bao giờ khúm núm, lũ lượt sang trình diện thiên triều từ những vị trí cao nhất, luôn khẳng định vị thế độc lập – Hoàng đế nước Nam hùng cứ phương Nam, làm chủ một quốc gia độc lập, bình đẳng, tự lực tự cường, một khối đồng thuận dân tộc vững chãi.

Cho nên hiện nay không có gì quan trọng, cấp bách hơn là giải tỏa gấp mối liên minh nguy hiểm đã gắn bó lãnh đạo 2 nước hơn 22 năm nay, mang tai họa chồng chất cho dân ta, cởi trói cho đất nước ta khỏi những mỹ từ tệ hại “16 chữ Vàng” và “Bốn Tốt” lừa bịp. Càng hiểu rõ tư tưởng kiên cường bất khuất, khôn khéo thông minh của tổ tiên, toàn dân ta cần tỏ rõ ý chí sớm cởi trói của ách bành trướng, giành lại độc lập hoàn toàn, trong khi giữ quan hệ láng giềng bình thường lịch thiệp với nước láng giềng lớn, không khiêu khích gây sự với ai, thắt chặt hữu nghị với nhân dân Trung Quốc. Việc gỡ thoát ra khỏi ách Bắc thuộc không chút dễ dàng, nhưng không thể bỏ qua, trách nhiệm của nhóm lãnh đạo, của quốc hội rất lớn, nếu không hành động theo hướng ấy, đảng Cộng sản sẽ tự mất chính danh cầm quyền, mất hết uy tín trước nhân dân, ổn định chính trị sẽ tiêu tan vì lòng dân không yên, xã hội không sao ổn.

Một vấn đề đi cùng với việc từ bỏ liên minh bất bình đẳng cũ, nước ta cần tìm một số bạn tốt để thành lập liên minh mới. Sao lại không? Đây cũng là vấn đề hệ trọng, cấp bách, là vấn đề sinh tử của dân tộc ta hiện nay. Mỗi dân tộc ở vào mỗi thời điểm lịch sử cần suy tính để tìm bạn tốt, lập liên minh có lợi nhất cho toàn dân, cho đất nước.

Đã có những tấm gương về thắt chặt và thay đổi liên minh. Pháp và Đức thù địch suốt hàng chục thế kỷ nay trở thành 2 đồng minh trụ cột của khối Liên Âu. Nhật Bản và Hoa Kỳ là 2 tử thù của nhau trong Thế chiến 2 nay thành đồng minh cực kỳ tin cậy.

Ba Lan, Tiệp Khắc, Hungary, Đông Đức…vốn liên minh với Liên Xô cũ, nay là những thành viên năng động của khối Liên Âu sau khi trả tự do cho công dân nước mình, xây dựng nền dân chủ đa đảng, xã hội phát triển hài hòa vững chắc, là tiêu biểu cho thay liên minh tiến bộ.

Thời cơ đang gợi ý cho toàn dân ta thực hiện những liên minh mới. Bản đồ chính trị - quân sự - kinh tế châu Á - Thái Bình Dương đang biến động lớn. Cả khu vực này sẽ là trọng tâm của thế giới mới, với các vùng đất rộng, biển mênh mông, dân số đông, tài nguyên vô tận.

Hoa Kỳ đã trở lại vùng này trên thế mạnh áp đảo về quân sự, đông đảo đồng minh tin cậy.

Trung Quốc tuy to xác nhưng chế độ chính trị lạc hậu, lạc lõng, hạnh kiểm xấu, đang bị ngăn chặn và cô lập. Trung Quốc phát triển về bề nổi, nhưng để cho dân nước mình nghèo khổ, mức sống tính theo đầu người ở dưới hơn một trăm nước trên thế giới. Trung Quốc càng thêm bẽ bàng khi “tỉnh nhỏ Đài Loan” không hề khuất phục mẫu quốc, riêng một chế độ dân chủ làm mẫu cho đại lục, còn liên minh quận sự đàng hoàng với Hoa Kỳ, mua vũ khí hiện đại của Hoa Kỳ, làm tấm gương bất khuất cho nhóm lãnh đạo Việt Nam. Bắc Kinh vẫn nể sợ hòn đảo nhỏ này, từ Đặng Tiểu Bình, Giang Trạch Dân đến Hồ Diệu Bang chưa ai dám định thời gian cho việc thống nhất toàn Trung Hoa, để thu về một mối, chỉ vì không đủ sức, không đủ gan, lực bất tòng tâm.

Thời gian tới, việc thắt chặt quan hệ và khả năng liên minh toàn diện với Việt Nam được đặt ra rõ ràng trong 10 nước ASEAN, rồi trong 18 nước EAC – East Asia Community - Cộng đồng Đông Á, bao gồm 10 nước Đông Nam Á cộng với 8 nước: Úc, Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản, Nam Triều Tiên, New Zealand, Nga và Hoa Kỳ.

Chưa bao giờ Việt Nam có cơ hội tốt hơn như hiện nay để thắt chặt quan hệ thân thiết với các nước dân chủ ở Đông Nam Á như: Indonesia, Thái Lan, Philippines, Malaysia, Singapore…, trong đó Philippines, Malaysia và Indonesia cùng có tranh chấp ở Biển Đông với Trung Quốc.

Cũng chưa bao giờ Việt Nam có thời cơ thắt chặt quan hệ chiến lược, thậm chí liên minh toàn diện với Ấn Độ bằng lúc này, khi ngoại trưởng Ấn Ðộ S.M. Krishna đến Hà Nội để cùng phía Việt Nam chủ tọa cuộc họp của Ủy ban hỗn hợp Việt - Ấn về hợp tác chiến lược toàn diện giữa 2 nước. Việc này càng hệ trọng sau khi tàu chiến Trung Quốc gây sự với tàu chiến Ấn Độ ghé thăm hữu nghị cảng Việt Nam. Trung Quốc còn hung hăng chính thức yêu cầu tập đoàn dầu hỏa Ấn Độ ONGC đình chỉ ngay việc thăm dò 2 lô dầu 127 và 128 ở ngoài khơi tỉnh Bình Định và tỉnh Phú Yên. Chẳng lẽ nhóm lãnh đạo Việt Nam lại ù lỳ đến độ bỏ qua thời cơ cực hiếm này?

Ngoài ra cũng còn có những thời cơ khác. Trước hiểm họa bành trướng của Trung Quốc, các cường quốc toàn thế giới đang chú trọng thắt chặt những mối liên minh chiến lược mới trên khắp mọi khu vực. Nổi bật là các mối liên minh Hoa Kỳ - Ấn Độ - Nhật Bản - Úc. Báo chí thế giới đang bàn nhiều về cuộc gặp giữa Bộ trưởng Quốc phòng Leon Panetta cùng Ngoại trưởng Hilary Clinton của Hoa Kỳ với Bộ trưởng Quốc phòng Stephen Smith và Ngoại trưởng Kevin Rudd của Úc tại San Francisco. Đây là một cuộc họp được coi là có ý nghĩa lớn trong việc thắt chặt mối liên hoàn tứ trụ Hoa Kỳ - Ấn Độ - Nhật Bản - Úc liên lục địa, xuyên qua Đông - Tây Thái Bình Dương sang Ấn Độ Dương và cả Đại Tây Dương nữa. Bắc Kinh đang theo dõi sự kiện này với nhiều lo ngại.

Theo chương trình đã định, vào ngày 21-10-2011, tại thủ đô Jakarta của Indonesia sẽ khai mạc hội nghị 18 nguyên thủ các nước EAC với sự tham dự nổi bật của Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama. Trong cuộc họp này các nước liên minh với Hoa Kỳ vượt xa về mọi mặt các nước thân Trung Quốc bành trướng. Việt Nam sẽ ăn nói ra sao trong cuộc họp này, hay vẫn cứ mơ hồ bạn và thù, mờ mờ ảo ảo, do cứ phải tự trói mình với phương Bắc.

Bao nhiều dịp để dư luận nước ta suy nghĩ, bàn luận xem lúc này nước ta có thể tự do từ bỏ liên minh cũ có hại, lập những mối liên minh mới, tìm bạn tốt mà kết thân, với tiền đề là thay đổi cả hệ thống chính quyền của nước mình theo hướng dân chủ đa nguyên, trả lại cho toàn dân quyền xây dựng chế độ dân chủ đích thực, để hòa nhập với thế giới dân chủ tiến bộ.

Một cuộc thảo luận rộng khắp, sôi nổi về từ bỏ liên minh cũ, kết liên minh mới, với một cuộc trưng cầu dân ý công khai toàn quốc sẽ rất bổ ích và thú vị, có lợi cho đất nước, cho hiện tại và mai sau, mở ra sinh lộ tươi sáng cho quê hương đất nước.

-----------------------------------------
* Blog của Nhà báo Bùi Tín là blog cá nhân. Các bài viết trên blog được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.

.
.
.

No comments: