Nguyễn Văn Tuấn
Thứ năm, 01 Tháng 9 2011 10:23
Một trong những nét văn hóa trong các cơ quan công quyền ở trong nước là “văn hóa im lặng”. Giới quan chức nói chung ít khi nào trả lời email hay thắc mắc của người dân, và càng im lặng trước những văn thư của quan chức nước ngoài. Thật khó giải thích thái độ im lặng đó, nhưng vấn đề là nó (sự im lặng) có khi gây tổn hại đến quốc gia …
Cách đây vài hôm tôi nhận được email của bạn đọc (là một sinh viên) phàn nàn rằng khi em gửi email đến thầy cô xin tư vấn thì đều không nhận được trả lời. Ngược lại, em này cho biết khi gửi email đến các thầy cô ở nước ngoài thì đều nhận được trả lời, có khi trả lời rất nhanh nữa. Em này hỏi tôi tại sao có sự khác biệt về thái độ giữa thầy cô ngoại và nội như thế. Tôi còn đang suy nghĩ câu trả lời thì chợt liên tưởng đến những chuyện gần đây. Những chuyện này nói lên cái văn hóa tôi gọi là văn hóa im lặng. Văn hóa này rất phổ biến trong giới quan chức.
Hình như các quan chức trong các cơ quan công quyền có văn hóa im lặng. Các nhân sĩ gửi thư đề nghị giải thích về tuyên bố của Trung Quốc liên quan đến chuyến đi của đặc phái viên Hồ Xuân Sơn. Đáp lại sự quan tâm đó là một sự im lặng dài từ Bộ Ngoại giao. Rồi đến phần lớn các kiến nghị của nhân sĩ cũng rơi vào … không khí. Thư từ thắc mắc của người dân cũng thế: rơi vào im lặng. Có lần nói chuyện với một cựu đại biểu Quốc hội, chị gọi đó là “im lặng đáng sợ”. Đáng sợ hay không thì tôi không rõ, nhưng thái độ đó chẳng những khó hiểu mà có khi còn gây tác hại.
Tác hại thì đã xảy ra. Chúng ta còn nhớ câu chuyện Vietnam Airlines (VNA) thua kiện chỉ vì sự im lặng. Khoảng 5 năm (?) trước, tòa án Ý buộc VNA phải bồi thường cho luật sư Maurizio Liberati gần 5 tỉ lia và đồng thời thanh toán chi phí luật sư gần 60 triệu lia. Sự việc xảy ra chỉ vì VNA khinh thường tòa án, không cử người tham dự phiên tòa. VNA làm ngơ án lệnh. Sự việc dẫn đến tòa án Paris ra lệnh phong tỏa tài khoản VNA. Chẳng biết kết cục câu chuyện ra sao, nhưng đó là một bài học đắt giá cho sự xem thường luật pháp quốc tế.
Hôm qua, đọc được một tin đáng chú ý khác về tai hại nghiêm trọng của văn hóa “im lặng đáng sợ”. Tác giả Nguyễn Duy An (làm việc tại tạp chí National Geographic của Mĩ) thuật lại câu chuyện đằng sau vấn đề bản đồ Hoàng Sa làm tốn nhiều giấy mực và công sức của người Việt vào năm ngoái như sau:
"Để chuẩn bị cho mình một ít kiến thức căn bản về việc làm bản đồ ở National Geographic, tôi liên lạc với một trong những nhân viên kỳ cựu trong nhóm “Bản Đồ” để hỏi về việc “đổi tên” quần đảo Paracel Islands. Ông ấy đã cho tôi biết một chi tiết rất quan trọng là đối với những vùng đất “đang tranh chấp”, ít nhất là 10 năm một lần, những người phụ trách bản đồ khu vực đó sẽ liên lạc với các chính phủ liên quan để xem có gì thay đổi hay không, nếu hai bên vẫn còn tranh chấp thì cứ theo ấn bản cũ như trường hợp quần đảo Falkland Islands giữa Anh Quốc và Argentina. Riêng quần đảo Paracel Islands “Hoàng Sa” thì hơi đặc biệt vì từ hơn một năm trước, nhóm của ông ta cũng gởi thư xin “xác định” tới cả hai chính phủ Việt Nam và Trung Quốc, nhưng họ không hề nhận được trả lời từ Việt Nam; trong khi đó, Trung Quốc thì ngược lại, không những họ “khẳng định chủ quyền” trên quần đảo Paracel Islands mà còn chính thức mời một nhân viên đến tham quan cho biết thực hư. Ông ta bảo tôi: “Anh nghĩ xem, khi anh tận mắt chứng kiến từ phi trường tới hải cảng, từ các văn phòng hành chính đến chợ búa đều do Trung Quốc điều hành, và họ còn dẫn chứng giấy tờ để chứng minh họ là chủ thì anh nghĩ vùng đất đó thuộc về ai? Bây giờ muốn sửa lại, chúng ta cần có tiếng nói chính thức từ chính phủ Việt Nam!”
Đọc những dòng chữ trên, tôi thật sự sốc. Thật khó tưởng tượng nổi tại sao những người có trách nhiệm quá vô cảm trước một vấn đề trọng đại như thế! Với những quan chức vô cảm như thế này thì nguy cơ mất mát và thua thiệt ngoại bang sẽ còn dài dài trong tương lai.
Tôi ngạc nhiên không hiểu tại sao có văn hóa im lặng. Có lẽ không ai biết đích xác lí do tại sao các quan chức ta tiết kiệm lời lẽ, nhưng có thể nghĩ đến một số lí do sau đây:
Thứ nhất là vô cảm. Nhiều quan chức trong nước chẳng quan tâm đến chủ quyền biển đảo. Tôi đã gặp quan chức cấp tỉnh thậm chí còn chẳng biết Hoàng Sa và Trường Sa là của Việt Nam! Thật ra, cũng không trách họ vì họ thiếu thông tin. Những gì báo chí đưa tin không đầy đủ, và những gì phổ biến trong Đảng thì chưa chắc là những thông tin đa chiều. Trong bối cảnh như thế, nếu một quan chức nhận một công văn từ nước ngoài về Hoàng Sa và Trường Sa, có thể họ nghĩ đó là chuyện của… Trung Quốc.
Thứ hai là ngạo mạn và khinh thường. Nhiều quan chức Việt Nam xem người dân như cỏ rác. Thử nhìn qua các quan chức ngồi vào ghế nói chuyện với người dân thì biết. Họ chẳng thèm nhìn mặt dân. Ngôn ngữ thì quát nạt hơn là nói. Có khi còn dùng cả ngôn ngữ tay chân. Còn nhớ một ông phó bí thư (?) tát một bạt tay vào mặt bà cụ khi bà nhờ ông này mua vé. Lại có quan chức nghĩ rằng VN có luật của VN, nên bất chấp luật quốc tế. Có lẽ chính vì suy nghĩ này mà VNA phớt lờ tòa án Ý và phải lãnh đủ hậu quả.
Thứ ba là văn hóa làm thuê. Người làm thuê chỉ nghĩ đơn giản làm cho xong việc và việc đáng với đồng lương. Một suy nghĩ rất phổ biến trong giới quan chức là trả lương đến đó thì làm việc đến đó. Họ không suy nghĩ gì ngoài chuyện cơm áo gạo tiền. Họ không cần phấn đấu (mà phấn đấu có khi lại nguy hiểm vì bị đồng nghiệp dèm pha) và chỉ làm việc như cái máy, cứ như đến hẹn lại lên. Tôi gọi đó là văn hóa làm thuê, và kẻ làm thuê thì chẳng cần quan tâm đến chuyện công chúng, vì đối với họ đất nước này ai quản lí chẳng thành vấn đề; vấn đề là có cơm ăn áo mặt cái đã. Đối với những quan chức loại này thì không mong gì họ có lòng với quê cha đất tổ và sự im lặng của họ hoàn toàn có thể hiểu được.
Thứ tư là do sợ trách nhiệm. Trong bối cảnh chức vụ đi đôi đặc quyền và đặc lợi, thì có thể hiểu được các quan chức cần bảo vệ chức vụ của mình. Một cách an toàn là không phát biểu gì đụng chạm, hay tốt hơn nữa là … im lặng. Đó là chưa kể tình trạng chồng chéo về trách nhiệm và quyền lực. Một cơ quan có thủ trưởng nhưng cũng có bí thư. Nếu hai người này là một thì thủ tục còn tin giản, nhưng nếu là hai người khác nhau thì có khi cũng phiền phức. Nếu một quan chức muốn phát biểu họ phải xin phép cấp trên, và cấp trên lại xin phép cấp trên, cấp trên xin phép Đảng ủy, và cứ như thế chẳng ai dám nói gì.
Thứ năm là đá bóng. Nhìn qua cách hành xử của các cơ quan công quyền, họ có xu hướng “đá bóng”. Người này tìm cách biện minh không nằm trong quyền hạn hay trách nhiệm của mình, rồi đề nghị qua người khác; người khác cũng có lí do để nói không thuộc trách nhiệm của mình. Nhất là vấn đề liên quan với nước ngoài, người ta càng dè dặt, dè dặt đến nổi cuối cùng chẳng ai có động thái gì.
Lại có một loại quan chức nghĩ chuyện quốc gia đại sự là chuyện của lãnh đạo, để cho lãnh đạo giải quyết. Còn lãnh đạo thì nghĩ đó là chuyện của lãnh đạo cấp cao hơn. Cuối cùng thì chẳng có ai hành động. Thay vì hành động thực tế thì Việt Nam có những đề nghị và chỉ thị (rất nhiều chỉ thị). Mà khi đã có hàng tá đề nghị lên và chỉ thị xuống thì sự việc coi như “đã rồi”, chẳng còn cứu vãn được tình thế.
Thứ sáu là vấn đề tiếng Anh. Phải ghi nhận rằng các quan chức rất kém tiếng Anh. Do đó, đứng trước một văn bản tiếng Anh, họ không hiểu, hoặc hiểu nhưng không tốt lắm, và ngay cả hiểu nhưng không biết cách soạn thảo một văn thư trả lời. Ngay cả quan chức Bộ Ngoại giao cũng hạn chế tiếng Anh thì khó trách các bộ và ngành khác. Từ hạn chế về tiếng Anh dẫn đến thiếu tự tin, và hệ quả là … im lặng.
Dù là vô cảm, ngạo mạn, vô trách nhiệm, đá bóng, hay tiếng Anh (hay bất kể lí do gì) thì văn hóa im lặng đáng sợ là không thể chấp nhận được. Ngày nào cái văn hóa đó còn tồn tại thì ngày đó hệ thống hành chính chưa văn minh, người dân vẫn còn khổ, và chủ quyền quốc gia còn bị đe doạ. Người ta có thể cười đùa với quan chức im lặng, nhưng im lặng trước vấn đề chủ quyền tổ quốc bị xâm phạm là một sự phản bội (và người đó không xứng đáng làm người Việt) chứ không phải chuyện đùa được.
Tin liên quan:
.
.
.
No comments:
Post a Comment