Monday, September 19, 2011

HỘI NGHỊ DIÊN HỒNG NGƯỢC (Huỳnh Ngọc Chênh)



Huỳnh Ngọc Chênh
Thứ hai, ngày 19 tháng chín năm 2011

Khi quân Nguyên tàn phá non sông, vua Trần cho vời các vị bô lão về kinh để xin ý kiến: Nên hòa hay nên chiến? Nên chiến! Đó là tiếng trả lời dõng dạc của các vị bô lão đại diện cho các tầng lớp nhân dân.
Hội nghị Diên Hồng lịch sử được vua Trần tổ chức, không những chỉ nhằm vào việc xin ý kiến của các bô lão là những người đại diện cho các tầng lớp nhân dân mà còn nhằm vào mục đích quan trọng hơn là thu hút sự ủng hộ của toàn dân vào công cuộc kháng chiến, tạo ra mối đoàn kết gắn bó giữa nhân dân với nhà cầm quyền trước tình thế hiểm nghèo của đất nước.
Nhờ vào khối đoàn kết bền vững và to lớn ấy mà nhà Trần đã 3 lần tổ chức kháng chiến thành công chống lại quân Nguyên hung hản đã từng gieo rắc kinh hoàng trên vùng đất rộng lớn trải dài từ Trung Hoa đến Châu Âu.
Nhà Hồ đã không làm được điều ấy trước cuộc chiến xâm lược của quân Minh do thiếu sự ủng hộ của toàn dân bởi lòng họ lúc ấy ly tán do bất mản trước việc soán nghịch của họ Hồ.

Một lần nữa, đất nước lại đối mặt với những thách thức to lớn. Cường quốc phương Bắc chưa bao giờ hung hăng và gian trá như hiện nay. Biển Đông đang bị uy hiếp càng ngày càng nặng nề. Việc khai thác tài nguyên khoáng sản trên đất liền phần lớn đang vào tay các công ty TQ. Nền công nghiệp sản xuất lệ thuộc quá nhiều vào máy móc thiết bị và nguyên liệu cái của TQ. Lao động phổ thông không phép của TQ đã đông lên hàng sư đoàn. Chưa một quốc gia còn chủ quyền nào trên thế giới lại cho lao động nước ngoài vào làm lậu trên nước mình dễ dàng và đông đảo đến như vậy...

Lo lắng trước vận nước, các bô lão thời nay đã không thể ngồi yên. Trong vài năm trở lại đây, hàng loạt các góp ý và kiến nghị được gửi lên nhà cầm quyền. Trong hàng ngũ cán bộ cao cấp của Đảng Cộng Sản thì có kiến nghị hoặc góp ý của các ông Võ Văn Kiệt, Trần Độ, Nguyễn Hộ, Võ Nguyên Giáp, Nguyễn Văn An, Nguyễn Trọng Vĩnh...Rồi mới đây hàng loạt kiến nghị ký tên tập thể của các nhân sỹ trí thức trong nước như kiến nghị về vấn đề khai thác Bauxite, Kiến nghị về vụ án Cù Huy Hà Vũ, Kiến nghị về việc cấm biểu tình, Kiến nghị về bảo vệ và phát triển đất nước trong tình hình hiện nay... Mỗi kiến nghị ký tên đến hàng ngàn người trong đó phần lớn là các nhân sỹ trí thức được xã hội kính trọng, có thể kể tên một số ít ra đây như: Nguyên Ngọc, Tống Văn Công, Nguyễn Huệ Chi, Phạm Toàn, Nguyễn Thế Hùng, Nguyễn Đình Đầu, Nguyễn Quang A, Lê Hiếu Đằng, Phạm Xuân Nguyên, Chu Hảo, Tương lai, Hà Sỹ Phu, Bùi Minh Quốc, Huỳnh Tấn Mẫm, Nguyễn Xuân Diện,Trần Quốc Thuận, Đặng Thị Hảo, André Menras Hồ Cương Quyết, Lữ Phương, Lê Đăng Doanh, Phạm Chi Lan, Phạm Đình Trọng, Hoàng Lại Giang, Cao Lập, Hạ Đình Nguyên, Hoàng Tụy, Nguyễn Đình An....

Mới đây nhất là Thư ngỏ gửi các nhà lãnh đạo Việt nam về hiểm họa ngoại bang và sức mạnh dân tộc được ký tên bởi 36 nhân sỹ trí thức hải ngoại. Để có được lá thư nầy, những trí thức đáng kính đó đã vượt qua các định kiến, các ngăn cách và nhiều vật cản, từ tầm nhìn rộng mở của họ, đã rút ruột viết ra những lời góp ý tâm huyết với mong muốn sao cho đất nước vượt qua cơn hiểm nghèo và vươn lên theo kịp thế giới.

Rồi chưa nói hàng ngàn bài viết khác của những người có trách nhiệm trong và ngoài nước đăng trên các phương tiện truyền thông cũng tập trung vào việc góp ý kiến cho các nhà lãnh đạo về các vấn đề bảo vệ và xây dựng đất nước.

Một hội nghị Diên Hồng tự phát, một hội nghị Diên Hồng ngược mà các bô lão thời nay đã tự đứng ra tổ chức để dâng hiến ý kiến lên cho lãnh đạo. Ngày xưa vua Trần phải mời các vị bô lão về kinh để xin ý kiến. Ngày nay ý kiến từ khắp mọi nơi được tập trung dâng lên nhà cầm quyền.

Thế nhưng tất cả đều rơi vào chỗ nín thinh đáng sợ. Mà đáng sợ thật trước vận nước như hiện nay.

Nhà cầm quyền dựa vào ai để lo cho vận nước mà không cần dựa vào dân nhỉ?

.
.
.

No comments: