HỒ SƠ WIKILEADS (13) :
Nam Phương/Người Việt
Thứ Năm - 22 Tháng 9, 2011
WESTMINSTER (NV) - Vụ đàn áp tu viện Bát Nhã/Làng Mai ở tỉnh Lâm Ðồng năm 2009 được đoàn ngoại giao Mỹ theo dõi sát và thường xuyên đối thoại với phía Việt Nam về vụ này, công điện do Wikileaks tiết lộ ra cho thấy.
Chỉ nội trong số công điện bị Wikileaks lấy được, đã có 4 công điện tường trình trực tiếp vụ Bát Nhã: Ba công điện từ tòa đại sứ Mỹ ở Hà Nội vào các ngày 29 tháng 9, 2009; ngày 18 tháng 12, 2009; ngày 15 tháng 1, 2010; và một công điện ngày 3 tháng 12, 2009 của Tòa Tổng Lãnh Sự Mỹ ở Sài Gòn.
Khoảng gần 400 tăng ni sinh và các nhà sư điều hành tu viện Bát Nhã, tu tập theo hệ phái Làng Mai, bị trục xuất ra khỏi tu viện. Sau một thời gian buộc giải tán tu viện Bát Nhã không có kết quả, theo bản tường trình của Tòa Ðại Sứ Mỹ, ngày 27 tháng 9, 2009 “Công an thường phục và đám đông địa phương cưỡng bách 150 tăng ni sinh ra khỏi liêu phòng, phá hủy tài sản vật dụng của họ.” Hai vị tăng sĩ cầm đầu tu viện bị đánh bất tỉnh. Ngày hôm sau, lại cưỡng bách nốt khoảng 230 tăng ni sinh còn lại và chở đến một ngôi chùa gần đó.
Cùng ngày 27 tháng 9, có cuộc họp giữa hai thứ trưởng ngoại giao Mỹ và Việt Nam. Trong cuộc họp này, Ðại Sứ Michael Michalak nêu vấn đề tăng sinh Làng Mai ở Bát Nhã. Cũng ngày này, tăng sinh liên lạc trực tiếp với Tòa Tổng Lãnh Sự Mỹ cho hay họ bị công an đeo mặt nạ tấn công bằng dùi cui.
Công điện ngày 29 tháng 9 viết:
“Tăng ni sinh tu tập theo pháp môn Làng Mai của Thiền Sư Nhất Hạnh đã gọi cho văn phòng tổng lãnh sự vào trưa ngày 27 tháng 9, báo tin rằng công an mặc thường phục nhưng đeo mặt nạ và dùi cui đã tấn công vào tu viện Bát Nhã. Những công an này hành động sát cánh với một đám ‘côn đồ’ địa phương mà các tăng ni sinh từng nhận diện được cho tới thời điểm hôm đó.”
“Ðám côn đồ đã cưỡng bức 150 tăng ni sinh ra ngoài sân, trong khi trời mưa lớn, rồi tiến hành phá phách tài sản của họ bên trong các liêu phòng, phá cửa sổ, đồ đạc, bàn ghế, giường chiếu và đổ nước lạnh nhằm phá hủy các thiết bị điện tử, kể cả điện thoại di động và máy điện toán cá nhân mà tăng ni sinh dùng để liên lạc với truyền thông báo chí, cũng như với dòng thiền mẹ bên Pháp là Làng Mai. Hai nguồn liên lạc của tổng lãnh sự cho biết trong cuộc tấn công này có 2 vị tăng sĩ bị đánh đến bất tỉnh.”
Hai vị tăng sĩ cầm đầu bị bắt đi. Bản công điện cho biết tiếp:
“Lúc công an bắt hai tăng sĩ niên trưởng, nhiều vị tăng sĩ khác đã cố gắng cứu giải, bằng cách nằm dài xuống đường đi ngăn chặn xe bắt người. Hai vị tăng nầy đã bị thẩm vấn cho đến khuya, sau đó bị áp giải về tư gia tại, một ở Nha Trang và một ở Hà Nội.”
Vị bị đưa về Nha Trang trực tiếp cho biết ông bị ép cung. Bản công điện trích lời ông này nói “Trong lúc bị thẩm vấn, công an cố tình ép cung ông tố cáo và thừa nhận Làng Mai đã dính líu tới ‘hoạt động chống chính quyền’. Sau khi ông bị công an áp giải về nhà, vị sư này còn cho biết, công an chụp hình ông và thân phụ của ông, hăm dọa rằng chỉ nên thờ Phật ở nhà và còn nói thêm, ông không nên ‘làm hại đến lý lịch trong sáng của mình,’ và ‘đừng để thân nhân gặp tình huống khó khăn.’”
Phúc trình dựa vào tin truyền thông quốc tế và nhân chứng nói khoảng từ 80 đến 150 tăng ni sinh bị nhà cầm quyền dùng xe buýt chở đi đâu không biết. Những người còn lại thì tới tá túc ở chùa Phước Huệ gần đó.
Chuyện đàn áp này xảy ra chỉ ít ngày trước khi Bộ Ngoại Giao công bố bản phúc trình hàng năm về tự do tôn giáo trên thế giới nên tòa đại sứ xin chỉ thị ứng đối.
Tòa đại sứ đề nghị cập nhật quan điểm về Việt Nam, nhấn mạnh “sự lo ngại sâu sắc về việc gia tăng sách nhiễu và bạo lực chống lại tín đồ và lãnh tụ các tôn giáo, gồm cả sử dụng công an thường phục và côn đồ tại chùa Bát Nhã”. Bản phúc trình tự do tôn giáo sau đó có đưa thêm chi tiết vụ Bát Nhã nhưng vẫn không đưa Việt Nam vào lại danh sách các nước cần quan tâm đặc biệt (CPC).
Bản công điện ngày 3 tháng 12 của tòa tổng lãnh sự tóm tắt 200 tăng ni sinh Làng Mai (tu viện Bát Nhã) còn lại tạm trú ở chùa Phước Huệ tiếp tục bị áp lực trục xuất trong khi công an giám sát chặt chẽ. Thân nhân của tăng ni sinh được đưa tới để thuyết phục con em trở về nhà nếu không chính họ cũng gặp khó khăn.
Theo phúc trình, 21 tăng ni sinh trú ẩn ở chùa Từ Ðức tỉnh Khánh Hòa cũng bị cưỡng bách trục xuất dù hòa thượng Thích Giác Viên cam kết bảo lãnh. 11 ni sinh trốn ở chùa Từ Hiếu, Huế.
Thượng tọa Thích Minh Nghĩa của chùa Toàn Giác ở Ðồng Nai và thượng tọa Thích Viên Thanh của chùa Vạn Hạnh, Ðà Lạt đứng ra bảo lãnh cho các tăng sinh Làng Mai nhưng ban chấp hành Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam (do nhà nước hậu thuẫn) ra tối hậu thư đòi tăng ni sinh Làng Mai hạn chót là 30 tháng 11 phải chấm dứt “tụ tập bất hợp pháp” tại chùa Phước Huệ. Một số nhà ngoại giao đã gặp viên chức Bộ Ngoại Giao, Bộ Công An, Ủy Ban Tôn Giáo Chính Phủ để nêu các mối quan tâm.
Ủy Ban Tôn Giáo ấp úng
Công điện ngày 18 tháng 12 tiết lộ, một phái đoàn EU đã tới tận nơi để quan sát, người cầm đầu phái đoàn là bà Marie Louise Thaning, tham tán chính trị Tòa Ðại Sứ Thụy Ðiển. Bà Thaning nói “Bà rất bị sốc khi chứng kiến đám đông hỗn độn cắt ngang buổi tiếp xúc của phái đoàn Cộng Ðồng Âu Châu với viện chủ chùa Phước Huệ.”
Ðại diện Tòa Ðại Sứ Mỹ và phái đoàn EU đã có cuộc họp với các viên chức Hà Nội và ở Lâm Ðồng. Nhà cầm quyền nhất định đòi các tăng ni sinh của tu viện Bát Nhã phải giải tán dù bị khuyến cáo rằng cư xử vụng về sẽ làm mang tiếng nhà nước về nhân quyền.
Phía nhà cầm quyền vẫn một mực nói vụ đuổi tu viện Bát Nhã chỉ là sự “tranh chấp nội bộ Phật Giáo”. Nhưng trong phiên họp của đại diện Tòa Ðại Sứ Mỹ với Ban Tôn Giáo Chính Phủ, khi bị hỏi tại sao chỉ là “tranh chấp nội bộ” mà Ban Tôn Giáo Chính Phủ lại đứng ra cản trở không cho các cơ sở Phật Giáo ở địa phương giải quyết ôn hòa. Ðến lúc đó, ông Bùi Hữu Dược, vụ trưởng Vụ Phật Giáo, đổi lập trường, không còn vin vào “tranh chấp nội bộ Phật Giáo” nữa mà lên án việc làm của Thiền Sư Thích Nhất Hạnh.
Ông Dược trích một bức thư của thiền sư gởi Chủ Tịch Nguyễn Minh Triết, được Làng Mai công bố trên mạng. Ông chỉ trích lời lẽ bức thư “đề nghị bãi bỏ Ủy Ban Tôn Giáo và công an, rằng Việt Nam nên bỏ chữ ‘Xã Hội Chủ Nghĩa’ trong quốc danh đi”.
Ông Dược cũng tố cáo trang mạng Phusa.info đã “đăng thông tin đầy tính ‘chống chính quyền Việt Nam’, mà ông cho là lỗi của Thiền Sư Thích Nhất Hạnh”.
Rồi ông hỏi, tại sao không một tăng sĩ cao cấp nào của Bát Nhã/Làng Mai liên lạc với Ủy ban Tôn giáo để nhờ giải quyết. Tới đây, công điện viết tiếp:
“Tham tán chính trị lại hỏi rằng ông Dược có gọi cho giới chức thẩm quyền tỉnh Lâm Ðồng ngay khi đám côn đồ khởi sự tấn công tăng thân Làng Mai trong tháng 6 không? Hay ông có gọi cho Bộ Thông Tin Truyền Thông ngay khi cái loa tuyên truyền của Bộ Công An, là tờ Công An Nhân Dân, đăng tải nhiều bài báo đầy lời lẽ mạ lỵ Thiền Sư Thích Nhất Hạnh và tăng thân Làng Mai không? Hay ông có gọi cho công an để tìm xem tại sao có nhiều nhân viên thường phục lại đi dính líu vào vụ bạo hành quấy phá các tu sĩ và xô đẩy trục xuất các vị này ra khỏi tu viện? Không cần phải ngạc nhiên, Dược không trả lời được.”
Bản công điện kết luận là tu sinh Làng Mai cuối cùng đã đành phải phân tán. Công điện nói sự cư xử kém cỏi của nhà cầm quyền, đàn áp người tu hành bằng côn đồ làm xấu thêm thành tích nhân quyền của nhà nước Việt Nam.
Bản công điện cuối cùng đề ngày 15 tháng 1, 2010 của tòa đại sứ tổng kết vụ đàn áp tu viện Bát Nhã. Kết luận của bản công điện này là nhà cầm quyền Hà Nội bị thiệt hại uy tín vì vụ đàn áp tu viện Bát Nhã.
Ðiều đáng để ý là tỉnh hội Phật Giáo Lâm Ðồng cũng như Phật tử địa phương muốn giúp đỡ tăng sinh Bát Nhã nhưng lại bị nhà câm quyền áp lực cấm giúp. Theo lời một nhà sư trong Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam tại Lâm Ðồng, tỉnh hội này “đã gửi thỉnh nguyện thư lên chính phủ, Ban Tôn Giáo Chính Phủ và Trung Ương Giáo Hội (Phật Giáo Việt Nam), cũng như các cấp thẩm quyền trong tỉnh Lâm Ðồng vào ngày 18 tháng 12, yêu cầu những ai quấy nhiễu, bạo hành các tăng ni sinh Làng Mai ở chùa Phước Huệ vào những ngày 10, 11 và 14 tháng 12 phải bị trừng trị”.
Vị thượng tọa này nói nhiều tăng sĩ ở Lâm Ðồng có thể bỏ Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam (do nhà nước điều hành) nếu thỉnh nguyện thư bị làm ngơ.
––-
Liên lạc tác giả: NamPhuong@nguoi-viet.com
.
.
.
No comments:
Post a Comment