Mẹ Nấm
Tue, 09/13/2011 - 05:38 — trandongduc
Lời Blog: Lý Sơn là một hòn đảo ngoài khơi tỉnh Quảng Ngãi. Người dân Lý Sơn bao đời đánh cá trên ngư trường truyền thống là Quần Đảo Hoàng Sa. Lý Sơn cũng chính là nơi lưu giữ di chỉ lịch sử rõ ràng nhất của triều đình nhà Nguyễn về Quần Đảo Hoàng Sa, điều mà Trung Quốc chỉ khai khống nhưng không có bằng chứng nào xác định chủ quyền Hoàng Sa tới cấp "trung ương" trong các triều đình phong kiến bên Tàu trước đây. Sau khi quần đảo Hoàng Sa bị mất, người dân vẫn tiếp tục đánh cá trong khu vực Hoàng Sa. Nhưng do chính sách hung hãn của hải quân Trung Quốc gần đây, quyết không cho ngư dân Việt Nam một con đường sinh nhai trên biển. Cuộc sống của ngư dân Lý Sơn bế tắc vô định.
Xin giới thiệu đến độc giả một phóng sự trực tiếp của blogger Mẹ Nấm đã ra tận đảo xa để tìm hiểu về nghịch cảnh của đồng bào Lý Sơn trước thế lực lang sói Trung Quốc đang hăm he ngoài khơi Quảng Ngãi. Xin cám ơn Mẹ Nấm đã cho phép đăng bài viết này trên blog RFA của Trần Đông Đức.
--------------------------------
AI ĐANG BÁM BIỂN CÙNG NGƯ DÂN???
Tôi đến Lý Sơn vào những ngày đầu tháng 9, thời tiết khá đẹp nên chuyến đi biển lần này thật thuận lợi. Cũng như sự thôi thúc tôi gặp nhân chứng Trường Sa trên đảo Gạc Ma 1988 tại khu Du lịch Suối Lương - Đà Nẵng, thì vấn đề ngư dân Lý Sơn đã phải đối mặt những khó khăn khi mưu sinh tại Hoàng Sa, chịu đựng những mất mát và dám vượt qua những thử thách đó cũng thôi thúc tôi đến thăm huyện đảo tiền tiêu này.
Từ cảng Sa Kỳ, sau hơn hai giờ đi bằng tàu tàu “cao tốc", ấn tượng đầu tiên cho lần đặt chân đầu tiên lên huyện đảo này là : Đẹp! Nếu nói kỳ vỹ thì khách sáo, nhưng khó mà cưỡng nổi trước vẻ đẹp của thiên nhiên tại "hòn đảo cá"- "hòn đảo tỏi" của tỉnh Quảng Ngãi hôm nay.
Mặt trời lên chưa tới con sào, nhưng Lý Sơn đã nắng chang chang. Phía trong đất liền miền Trung đã có chỗ mưa giông, nhưng ở đây từ đầu Thu đến nay chưa hề một giọt.
Người ta biết Lý Sơn không vì chỉ có cá hay hải sản nói chung, cũng không chỉ vì vào siêu thị nhìn thấy sản phẩm có thương hiệu là tỏi Lý Sơn mà biết đến Lý Sơn, hòn đảo của những huyền thoại giữa đời thường. Những “vua đi biển” và những “sấu đào tẩu”. Từ năm 2007 tôi đã được biết việc Trung Quốc bắt giữ ngư dân Việt Nam khi đi đánh bắt cá ở vùng biển Đông. Và tất cả cũng chỉ qua báo chí. Chưa một lần gặp được nhân chứng hay nạn nhân. Tất nhiên, tôi tin rằng người Tàu đã có những hành vi như vậy. Bởi đơn giản như lúc đó tôi nghĩ, họ là người Tàu.
Gặp gỡ nhiều cư dân trên đảo, được nghe kể những câu chuyện về sự khó nhọc của nghề đi biển. Dẫu văn chương nghệ thuật có bao nhiêu thủ thuật cũng không thể “vẽ” nổi những gì mà ngư dân phải chịu đựng, để lột tả cho người không chứng kiến biết rõ được. Trăm nghe không bằng nửa thấy chứ đừng nói chi đến một.
Thử “ngó” qua một chút về nghề đi biển. Ngư dân phải tự sắm sửa, trang bị ngư lưới cụ, phương tiện như tàu, thiết bị dẫn đường, cảnh báo và cả thiết bị chuyên môn như tầm ngư máy phát…Hiện đại hơn, nhưng tất cả là bằng chữ “vay” mà ra. Họ đặt cược tất cả với nghề nghiệp. Sống bám biển và có khi chết cũng trôi về biển. Vâng, gian lao và vất vả để kiếm sống, để đóng góp vào kim ngạch xuất khẩu làm giàu cho đất nước. Đóng thuế xây dựng quê hương. Con số họ đóng góp cho “GDP” đâu có bé nhỏ chút nào!
Nghề đi biển, theo như lời kể và vốn hiểu biết của tôi, ngư dân đem mạng sống của mình ra thử thách với ông trời. Nhưng rồi, có lẽ ông trời cũng thấu. Và chuyện thời tiết thì có thể tránh. Một mối nguy hiểm hơn bất cứ nguy hiểm nào khác luôn rình rập họ, đó là những hành vi của những kẻ mang quốc tịch của nước láng giềng. Người hàng xóm xấu bụng đã mang 16 chữ vàng sang “giao hảo”.
Và cũng theo lời kể của chính những ngư dân Lý Sơn. Việc bị người Tàu bắt giữ, đuổi đánh và cướp hải sản của ngư dân mình xảy ra đã lâu. Trong những năm mà “môi hở răng lạnh” thì chuyện cũng dễ hiểu. Thế nhưng, từ những ngày trao nhau “bốn tốt mười sáu chữ vàng”, chuyện vẫn xảy ra như cơm bữa. Họ - những ngư dân Việt Nam đã xử trí như thế nào?
Rời Lý Sơn, tôi quay về cảng Sa Kỳ, để đến thăm gia đình anh Lê Văn Huy - người đã có cuộc tẩu thoát ngoạn mục khỏi Hoàng Sa, trong một lần bị Trung Quốc bắt giữ (*). Trở về Việt Nam, anh phải bán đi con tàu của mình để chi trả cho các khoản chi phí đã bỏ ra cho chuyến đi biển bất thành trước đó, và còn nợ lại ngân hàng khoản vay 30 triệu Việt Nam đồng.
Ngư dân bị bắt và đòi tiền chuộc. Bao nhiêu vụ được chính quyền các cấp biết đến? Bao nhiêu vụ họ phải tự xoay xở giữa biển khơi? Thông tin liên lạc bị hạn chế, rồi khó khăn khác chất chồng. Những người bị bắt làm món hàng chuộc sống ra sao?
Và rồi, chuyện tưởng chừng như không thể đã xảy ra. Một loại hình “làm ăn” xuất hiện. Môi giới chuộc người bị bắt. Chuyện tưởng đùa, vậy mà có.
Bao nhiêu chuyện trớ trêu cứ thế mà xảy ra với bà con ngư dân mình. Rồi các sự kiện xâm phạm trắng trợn chủ quyền biển đảo xảy ra. Đến lúc không thể giấu nhẹm để “thỏa thuận” nữa. Báo chí lề phải đã lên tiếng. Rồi thì các cuộc biểu tình phản đối và đỉnh điểm là chống Trung Quốc của những người yêu nước xảy ra. Nhà nước nói gì?
Nhà cầm quyền khuyến cáo: Những tranh chấp trên biển đã, sẽ đạt được những thỏa thuận nhờ đường lối ngoại giao mềm mỏng và khôn khéo…
Nhà cầm quyền khuyến cáo: Những tranh chấp trên biển đã, sẽ đạt được những thỏa thuận nhờ đường lối ngoại giao mềm mỏng và khôn khéo…
Ngư dân lấy gì bám biển?
Đóng tàu với chi phí hàng tỷ đồng, mua sắm ngư lưới cụ và các thiết bị hỗ trợ an toàn cũng không thể tính hàng trăm triệu. Thử thống kê xem, có bao nhiêu ngư dân không chịu một khoản nợ vay đầu tư không? Câu trả lời: Không có! Nợ ngân hàng, nợ các tổ chức tín dụng hợp pháp cũng như bất hợp pháp luôn lửng lơ treo trên đầu họ.
Mối hiểm nguy luôn rình rập…
Đóng tàu với chi phí hàng tỷ đồng, mua sắm ngư lưới cụ và các thiết bị hỗ trợ an toàn cũng không thể tính hàng trăm triệu. Thử thống kê xem, có bao nhiêu ngư dân không chịu một khoản nợ vay đầu tư không? Câu trả lời: Không có! Nợ ngân hàng, nợ các tổ chức tín dụng hợp pháp cũng như bất hợp pháp luôn lửng lơ treo trên đầu họ.
Mối hiểm nguy luôn rình rập…
Chính sách khuyến ngư với những biện pháp bảo vệ an toàn cho ngư dân có liên quan như thế nào? Ngư dân đi biển, đánh cá với kinh nghiệm và cái nghiệp của gia đình dòng họ. Trên đồng ruộng, có kỹ sư nông nghiệp, chuyên gia trồng trọt hướng dẫn gieo trồng, thu hoạch.Dưới biển có chuyên gia hướng dẫn đánh bắt - “khai thác tài nguyên” không?
Vậy sự bảo đảm an toàn cho ngư dân nằm ở đâu?
Trên tàu đánh bắt có trọng tải lớn, họ được trang bị như thế nào, những gì?
Chống chọi với thiên tai bằng kinh nghiệm. Chống chọi với “nhân tai” bằng gì?
Ngư dân Việt Nam phải đối mặt với rất nhiều mối lo trước mỗi chuyến ra khơi. Ngoài những hiểm nguy bất trắc đến từ thiên nhiên, họ còn phải khai thác trong nỗi lo vì nguy cơ bị Trung Quốc bắt giữ. Phập phồng lo sợ trước những khoản nợ treo trên đầu nếu như bị buộc phải chuộc tàu, chuộc người.. Tuy nhiên, họ vẫn tiếp tục chọn con đường bám biển vì đối với bao thế hệ trong một gia đình - biển là hơi thở của cuộc sống của họ. Họ không có sự lựa chọn nào khác, ngoài việc tiếp tục ra khơi mang theo niềm tin vào sự may rủi của số phận mình ngay trên chính ngư trường quê hương.
Ai đang bám biển cùng dân? Câu trả lời xin dành cho các bạn, những người đã đọc và sẽ xem đoạn clip chia sẻ của gia đình ngư dân Lê Văn Huy dưới đây.
Mẹ Nấm
.
.
.
No comments:
Post a Comment