Friday, September 16, 2011

DÂN CHỦ MIẾN ĐIỆN ƠI, CHÚNG TÔI NGHE ! (Nguyễn Việt Thuận)


Nguyễn Việt Thuận
Friday, September 02, 2011 1:16:12 PM

Cái lý luận: “Ta sẽ thắng vì ta sống lâu hơn tụi nó” đã trở thành ngọng sau khi thấy con tụi nó đi học ở ngoại quốc về tiếp tục làm cha thiên hạ. Chạy đi tìm câu trả lời cho sự kiện hàng vạn người dám xuống đường, mà lần nào cũng máu chảy thịt rơi thật không dễ. Cái gì đang diễn ra trên đường phố Rangoon lặng ngắt sau 10 giờ đêm? Những người đàn ông quấn váy longin phất phơ kia lấy sức mạnh từ đâu để xuống đường? Chẳng lẽ đi đổ thừa phe dân chủ Miến mạnh vì có một “The Lady” chính gốc Aung San? Hay chẳng lẽ dân Miến uống thuốc liều nhiều hơn dân Việt? Ðược một dịp la to lên “To the Lady” cũng thống khoái vậy sao...

Bà Aung Suu Kyi (giữa), lãnh tụ cuộc đấu tranh cho dân chủ tại Miến Ðiện, tiếp xúc với báo chí tại Yangon, ngày 24 Tháng Tám. (Hình: Soe Than Win/AFP/Getty Images)

Trong bài này theo như cách sử dụng của phong trào dân chủ Miến Ðiện hiện nay, người viết dùng tên quốc gia Miến Ðiện với nghĩa là Burma, dùng Rangoon - không dùng Yangon; bởi đồng tình quan điểm phủ nhận tính hợp pháp của chế độ “bán dân sự.” Việc xác nhận địa danh đúng cũng là cách thể hiện chính kiến và tinh thần ủng hộ đối với anh em dân chủ Miến Ðiện.

Liên Ðoàn Quốc Gia Vì Dân Chủ - National League for Democracy (NLD) ra đời trong máu lửa cuộc nổi dậy 8888, trưởng thành qua 2 đợt xuống đường và quyện sâu vào lòng xã hội Miến Ðiện được 23 năm. Trong lần bầu cử tự do tổ chức năm 1990, NLD thắng cử với khoảng 80% số ghế tại Quốc Hội nhưng bị Hội Ðồng Quân Ðội hủy bỏ kết quả bầu và từ chối bàn giao quyền lực. Hàng loạt thành viên lãnh đạo, kể cả bà Aung San Suu Kyi đều bị tống vào nhà giam không biết ngày ra.

Tiếp tục trò hề bầu cử
Mãi đến năm 2010, tập đoàn quân phiệt Miến mới tổ chức lần bầu cử mới với bản Hiến Pháp: 25% số ghế trong Quốc hội luôn được dành riêng cho quân đội. NLD bị giải tán trước kỳ bầu cử, bởi luật bầu cử đòi NLD phải khai trừ các lãnh tụ của mình. Với sự chuẩn bị quá kỹ đến mức vụng về, cuộc tổng tuyển cử ngày 7 tháng 11, 2010 đã mang lại chiến thắng cho Liên Minh Ðoàn Kết và Phát Triển (USDP) do quân đội hậu thuẫn. Chính phủ mới ra đời hồi tháng 3, 2011 với 3 chức vụ Tổng thống và 2 phó Tổng thống đều là thành viên của đảng USDP. Sau cuộc bầu cử này, tập đoàn quân phiệt đã chuyển giao quyền hành cho một chính quyền gọi là “dân sự,” nhưng thực tế vẫn do giới quân sự kiểm soát. Chính quyền “dân sự” này được tạo thành từ các cựu tướng lĩnh, một số sĩ quan quân đội đang tại ngũ, và một số kỹ nghệ gia. Kẻ ở trong toilet 49 năm ròng, cũng có thể coi toilet là nhà của mình, huống chi đám tướng lĩnh đang nắm trọn quyền sinh sát một quốc gia. NLD đã tỏ ra sáng suốt khi chấp nhận bị giải thể chớ không tiếp tay hợp pháp hóa cuộc bầu cử đểu này.

Dám sống thật và hết mình với cái gì đó cũng không đến nỗi quá khó... Thực ra không dài hơi cho lắm. Dám nói rồi dám làm một chút, làm thêm chút nữa... Chẳng qua nhiều cái “chút nữa” cộng lại theo kiểu góp gió thành bão mà nên. Dân chủ là một công tác được thực hiện hàng ngày. Những gì trước khi diễn ra công khai đều phải có một quá trình chuẩn bị lâu dài. Có thể vài tháng, có khi lên đến cả năm, mươi năm. Câu chuyện này là một bồ xương máu, thấm thía vô cùng. Mùa Xuân Ả Rập không chỉ là mong muốn của người dân Việt, mà còn là một thông điệp bà Suu Kyi phát qua đài BBC trong tháng 6, 2011 thể hiện khát vọng của quần chúng Miến Ðiện.

Bằng cách trao giải Nobel Hòa Bình cho bà Aung San Suu Kyi, Ðức Ðạt Lai Lạt Ma và ông Lưu Hiểu Ba, cộng đồng thế giới đã đáp lại lời kêu gọi của những người Á Châu đang đấu tranh cho dân chủ và nhân quyền bằng phương cách bất bạo động. Nhân quyền là một giá trị phổ quát, không có định nghĩa dựa theo hoàn cảnh quốc gia. Chính phương thức đấu tranh bất bạo động đã làm cho các thể chế độc tài giữ được thái độ bình tĩnh và cư xử có tính người hơn. Tiếng nói của các cường quốc dân chủ trên thế giới trước cảnh khốn khổ của người dân xứ nghèo Châu Á là cực kỳ quan trọng; đối thoại và trừng phạt sẽ tỏ ra hữu hiệu nếu thực thi song hành. Chính quan điểm “trung dung” (moderate), trông chờ sự “đồng thuận,” xem là “chuyện nội bộ” đã dung dưỡng sự tồn tại không ít các bạo chúa, vô tình tiếp tay giết hại hàng ngàn thường dân vô tội. Những cuộc tắm máu chỉ chùn lại khi công lý nhân loại lên tiếng. Giới đương quyền Miến Ðiện không phải là những ngáo ộp. Người dân Miến có quyền hy vọng cách thận trọng về một tiến trình cải cách dân chủ đang được hình thành. Ít ra, các nhà dân chủ Miến lưu vong ở Thái Lan đã nghĩ như vậy.

Hiện nay, lực lượng dân chủ Miến Ðiện đã bị tổn thất nặng nề, hơn 2,000 người đang bị giam giữ. Không phải tất cả các vụ án liên quan “xâm phạm an ninh quốc gia” đều được công khai xét xử, nhất là những người và tổ chức chọn con đường đấu tranh bán công khai. NLD đã bị giải thể từ tháng 9, 2010, tình hình đòi hỏi các nhà lãnh đạo dân chủ Miến phải tổ chức lại hệ thống làm việc. Chuyến đi Bagan tháng 7, 2011 được xem là trắc nghiệm uy tín của bà Suu Kyi đối với người dân Miến Ðiện. Cho dù số người đến gặp bà Suu Kyi không nhiều so với đám đông dày đặc đón tiếp bà vào những năm 2002-2003, nhưng sự xúc động thể hiện qua nét mặt những người vây quanh bà hôm đó cho thấy bà sau 7 năm bị quản chế - vẫn được dân chúng mến mộ. Sau khi thủ lĩnh ở Rangoon lên đường, các đại diện NLD địa phương cũng lần lượt xuất hiện công khai. Về mặt tổ chức, NLD phân cấp thành viên và cảm tình viên. Qua chuyến đi của bà Suu Kyi đến cố đô Bagan miền Trung Miến Ðiện, người ta thấy xuất hiện lực lượng cận vệ NLD hàng chục người tháp tùng theo bà.

Ðối phó với thời sự luôn diễn biến phức tạp, các hình thức đấu tranh của lực lượng dân chủ Miến rất đa dạng, chẳng hạn như trong lãnh vực ngoại giao. Không ai dám nghĩ rằng ông Ngoại Trưởng Úc Kevin Rudd vì quá qưỡn (rảnh rỗi) nên phải lặn lội sang thăm bà Suu Kyi ngày 2 tháng 7, 2011, với đề nghị: chính quyền Miến Ðiện phải đảm bảo an ninh cho nhà đối lập trong chuyến đi vòng quanh đất nước sắp tới, và trả tự do cho 2,000 tù chính trị. Phát ngôn viên Han Thar Myint của NLD cho hãng tin Pháp AFP biết, Ngoại trưởng Úc còn trình bày cách thức mà quốc gia Úc có thể giúp đỡ cho dân chủ Miến Ðiện. Ở đây chẳng thể cho rằng NLD phái người trong nước chạy sang mời ông K. Rudd. Làm sao mà rục rịch đi đâu được, khi suốt ngày có đám chó hai chân cứ chạy theo săn bám... Phải thấy đó là công sức vận động vô cùng to lớn của Miến kiều ủng hộ dân chủ. Sự kiện này có thể hiểu rằng, đấu tranh trong nước luôn là tuyến một và tuyến một chắc chắn sẽ sứt tay gãy gọng nếu phòng tuyến đấu tranh ấy chỉ có... tuyến một. Cơ cấu tiến công phải có tuyến hai bên Úc và tuyến ba... ở Mỹ chẳng hạn. Các Miến kiều đã đóng góp thiết thực cho công cuộc dân chủ, chắc chắn rằng không có mấy Miến kiều xem cuộc đấu tranh chung cho quê hương như đi coi đại nhạc hội hay hát bội, ngồi tréo cẳng ngỗng lên mà vỗ cho rát tay. Tại sao Washington và Bruxelles tỏ ra cứng rắn với Naypyidaw mà lại mềm mỏng với Hà Nội? Vấn đề rất đáng cho tất cả những người yêu dân chủ Việt phải suy nghĩ.

Rốt cuộc Tổng Thống Thein Sein đã gặp bà Suu Kyi tại Naypyidaw vào ngày 19, 8, 2011. Chính phủ Miến Ðiện đương quyền liên tiếp có những động thái nhằm xóa đi hình ảnh một chế độ độc tài, quân phiệt. Họ rất cần sự thừa nhận của các nước trong khu vực và quốc tế, chiếc ghế chủ tịch ASEAN năm 2014 là một mục tiêu phải nắm bắt. Xa hơn, đảng USDP đang nắm quyền lãnh đạo, muốn tạo dựng uy tín trước khi bước vào cuộc tổng tuyển cử năm 2015. Lệnh thả hơn 2,000 tù chính trị bị giam cầm là phép thử về thiện chí của chính quyền mới Naypidaw, bởi hòa hợp dân tộc là bước không thể thiếu trong tiến trình xây dựng dân chủ; nếu không, tất cả chỉ là một trò bịp bợm.

So với các nước đang đấu tranh dân chủ khác, lực lượng đối lập Miến Ðiện có lãnh tụ xứng tầm. Ðiều đáng mừng cho phong trào dân chủ Miến Ðiện, sau lãnh tụ Suu Kyi từng đoạt giải Nobel Hòa Bình còn các nhà hoạt động khác như: Min Ko Naing, Ko Ko Gyi, U Tin Oo... Các phe nhóm đoàn kết hơn, không mâu thuẫn nhiều về hệ tư tưởng; trong và ngoài nước có phối hợp chặt. Thực lực và niềm tin phong trào dân chủ Miến đã trưởng thành qua thựcáchiến. (còn tiếp)

--------------------------

Nguyễn Việt Thuận
Wednesday, September 14, 2011 2:32:34 PM

Nhìn lại chặng đường 23 năm

Những người ở độ tuổi trung niên Miến làm sao quên được cuộc nổi dậy 8888 mà đỉnh điểm được phát động trên toàn quốc ngày 8 tháng 8, 1988.

Lãnh tụ phong trào dân chủ Miến Ðiện Aung Suu Kyi (giữa) được dân chúng chào mừng nhân sinh nhật lần thứ 66 của bà tại trụ sở Phong Trào Quốc Gia Vì Dân Chủ ở Yangon, ngày 19 tháng 6. (Hình: Soe Than Win/AFP/Getty Images)

Rất nhiều lãnh đạo NLD hôm nay thuộc nhóm sinh viên thế hệ 88, là nhóm đã dẫn đầu cuộc nổi dậy rung trời chuyển đất năm xưa. Ðây cũng là thời điểm bà Suu Kyi trực tiếp dấn thân vào chặng đường đấu tranh gian khó của dân tộc mình. 6 tuần lễ diễn ra với sự tham gia của hàng trăm ngàn người diễu hành đòi cải cách dân chủ. Chính quyền quân phiệt Rangoon che dấu sự khiếp nhược bằng hành vi bắn thẳng vào đoàn biểu tình: tính đến cuối tháng 9, 1988, 3.000 người yêu nước Miến Ðiện đã ngã xuống vì tương lai đất nước. Linh hồn họ sẽ sống mãi với lá cờ con công vàng chiến đấu, đúng như bà Suu Kyi ghi trong sổ tưởng niệm ngày 8 tháng 8, 2011: “Tôi mong muốn mọi người nghĩ đến những gì đã xẩy ra và không quên đi.” Thời gian đó có hàng trăm thường dân bị giết mỗi ngày. Binh lính đã bắn bỏ bất kể là giáo viên, tu sĩ, trẻ em hay phụ nữ. Trong một nỗ lực tuyệt vọng để thuyết phục họ tham gia cuộc biểu tình dân sự, đã có người biểu tình cúi xuống hôn lên giày binh sĩ. Nhưng chúng vẫn bắn... Ngày 10 tháng 8, 1988 quân đội tràn vào bệnh viện đa khoa Rangoon, nã đạn vào y tá và bác sĩ đang chăm sóc người bị thương. Xuống đường không hề là những cuộc dạo chơi. Anh hùng tử, chí anh hùng bất tử. Len lỏi giữa những ngọn tháp chùa, văng vẳng đâu đó trên đường phố Rangoon vẫn còn tiếng thét xuống đường xung trận vì dân chủ của thường dân Miến Ðiện.

Ðể có thể hình dung phần nào những gì đã xảy ra, chúng ta cần biết: nhiều sinh viên tham gia phong trào vào năm 1988, hiện vẫn còn bị cầm tù. Cái giá để có được dân chủ là rất đắt, là vô giá ! Quân nhân lấy việc phục tùng mệnh lệnh cấp trên làm thiên chức, xưa hay nay đều giống nhau, nhất là quân đội các nước Châu Á. Do đó chẳng thể cho rằng quân đội bắn hay không bắn theo lệnh cấp trên - mà là bắn nhiều hay bắn ít; và đâu là phương cách khiến quân đội ngừng bắn. Sự kiện có quá nhiều người ủng hộ dân chủ hy sinh năm 1988, rất đáng để suy nghĩ. Chẳng thể đem đánh cược các suy tính bằng sinh mạng nhân dân.

Ngày 15 tháng 8, 2007, chính phủ Miến tăng gấp đôi giá xăng và dầu diesel, còn giá gaz dùng cho xe buýt thì tăng gấp năm lần. Quyết định này không được thông báo trước và cũng không giải thích lý do. Các vụ biểu tình phản đối bắt đầu nổ ra từ ngày 19 tháng 8, 2007. Chùa Shwedagon một lần nữa là tâm điểm các cuộc biểu tình năm 2007. Những người tham gia biểu tình đều biết rằng họ đang thí mạng mình, nhưng họ vẫn dấn thân. An ủi lớn nhất của đời người là bố thí... đại chúng đã giác ngộ chăng. Gần 20 năm, lực lượng dân chủ Miến mới tạo dựng được một cơ hội nổi dậy như vậy. Những người dân nghèo thường có dũng khí để thay đổi xã hội.

Thông qua bắt bớ và đe dọa, chính quyền đã cố hạn chế số lượng và tầm ảnh hưởng những đợt biểu tình, nhưng phong trào phản kháng có thêm sức mạnh khi những nhà sư xuất hiện. Ngày 5 tháng 9, 2007, các tăng ni nhập cuộc. Bất chấp lệnh cấm tụ tập nhiều hơn năm người ở nơi công cộng, vài ngàn tu sĩ Phật giáo đã kéo về khu trung tâm Rangoon, một số người đeo khẩu trang để phòng bị lực lượng an ninh bắn đạn cay. Tại Rangoon, khoảng 1,500 nhà sư Phật giáo đã xuống đường, chân không đạp đất bước trong cơn mưa tầm tã, qua những con đường ngập nước của thành phố Rangoon, đôi khi ngập đến đầu gối. Tâm bồ đề rộng mở độ muôn kiếp chúng sanh. Hàng ngàn nhà sư xuống đường ở Mandalay, Mogok, Sittwe... và nhiều thành thị Miến Ðiện khác. Không cầm nổi nước mắt, hai tay chắp lại theo cung cách Phật tử, bà Suu Kyi bước ra khỏi nhà đúng vào lúc đoàn diễu hành các tu sĩ đi qua số 54, đường University, Rangoon. Ðó là lần đầu tiên bà Suu Kyi xuất hiện trước công chúng kể từ khi bị quản chế từ tháng 5, 2003. Tại sao bà ấy lại khóc nhỉ, có phải đơn giản là tuyến lệ bị khích thích chăng...

Suốt tuần lễ cuối tháng 8, 2007, người biểu tình chống quân phiệt Miến Ðiện lại bị bắn và đánh đập. Ðường phố bị phong tỏa, các lực lượng an ninh chiếm giữ chùa chiền và trường học. Quân lính đã tung hơi ngạt và bửa dùi cui vào đầu các nhà sư và ni cô khi các tu sĩ hô vang lời cầu nguyện cho hòa bình. Nhiều người hy vọng không ai dám tấn công các nhà sư, họ đồn sự kiện máu đổ sẽ làm chia rẽ quân đội. Nhưng sự thật là có quá nhiều đơn vị lính sẵn sàng tuân lệnh các viên tướng. Truyền thông nhà nước nói 2,093 người đã bị bắt sau các vụ biểu tình tháng 8 và 9, 2007. Có rất nhiều người dân bị “mất tích,” nửa đêm lính đến gõ cửa và lôi họ đi. Theo thống kê khác thì có ít nhất 10 người đã thiệt mạng khi lực lượng an ninh dập tắt biểu tình năm 2007. Một lần nữa quân đội Miến tỏ ra không thiếu đạn, nhất là đạn nã vào đồng bào mình. Ðến bây giờ thì không ai biết đích xác là có bao nhiêu người bị giết trong những ngày tuần hành năm 2007, đơn giản là chẳng có người chết nào có thể tự báo danh khi cần điểm số.

Từ năm 1984, Thái Lan cho phép 9 trại tị nạn hoạt động để đón hơn 120,000 người Miến Ðiện, số liệu không chính thức ghi nhận con số cao hơn nhiều. Họ đến sau các biến cố tháng 8, 1988 và tháng 9, 2007.
Nhận xét về sự kiện này, theo ngoại trưởng Úc đương thời Alexander Downer: “Chính quyền quân nhân kiểm soát chặt đất nước tới nỗi trừ phi có một lượng lớn binh sĩ tham gia nổi dậy, còn không thì nói thực ra các cuộc biểu tình kiểu như vậy không thể thành công” (1). Câu trả lời cho nhận định này vẫn còn nằm phía trước, cũng như có thể là quá mơ mộng khi nghĩ về một cuộc cách mạng nhung ở những xứ độc tài Châu Á. Hy vọng chẳng làm người ta đau khổ, một khi tinh thần dân chủ luôn song hành với niềm tin nhân bản. Quyền lực mềm đến từ xã hội, không phải từ chế độ; niềm tin và sức mạnh nhân dân hoàn toàn không phải là thứ có thể đem ra tùy hứng giỡn hớt.

Khác hồi năm 1988, các nhóm truyền thông người Miến lưu vong ở Ấn Ðộ, Thái Lan, Na Uy đã tiếp sức các cộng sự trong nước. Qua các trang đặt địa chỉ ở nơi khác (proxy), Google, YouTube... công nghệ Internet chính là phương tiện chính trị tạo ra sự khác biệt giữa lần này với cuộc nổi dậy 1988. Nhờ các blogger mà thế giới biết được những gì đang diễn ra trên đường phố Rangoon, Mandalay và Pakokku, và muốn biết thêm nhiều thông tin mới. Nhiều blog chuyển thành một dạng thông tấn xã để truyền tin. Một số người vượt tường lửa bằng cách load hình trực tiếp lên các trang mạng lưu trữ thông tin, khó bị phát hiện, thay cho việc gửi email dễ bị nhận dạng. Các camera bằng điện thoại di động cũng giảm thiểu số người hy sinh so với năm 1988 vì các tướng lãnh nhận thức được về chuyện sự kiện sẽ bị quay phim. Năm 2007, công việc truyền thông tiến hành rất chật vật vì lượng người truy cập Internet ở Miến Ðiện vào thời điểm đó chưa vượt quá 1% dân số. Chính bằng chất lượng thông tin khả tín - truyền thông dân chủ mới đủ sức đương đầu cùng khối lượng thông tin áp đảo của chính quyền độc tài. Sức mạnh của báo chí là trình bày những sự kiện có chứng thực, không có chỗ cho biểu diễn cảm giác.

Trong vòng tay bá quyền tiểu khí
Sau năm 1988, quan hệ giữa chính quyền quân sự Miến Ðiện và Bắc Kinh trở nên rất nồng ấm. Bị Tây phương trừng phạt, các tướng lãnh quay sang Trung Quốc tìm hậu thuẫn kinh tế và quân sự. Vào năm 1989, chính Bắc Kinh đứng ra làm trung gian để chính quyền Rangoon ký hiệp ước ngưng bắn với các nhóm sắc tộc nổi dậy. Mặc dù từ nhiều năm trước, chính Trung Quốc cung cấp vũ khí cho các lực lượng sắc tộc này. Càng bị cô lập và bị phê phán vi phạm nhân quyền, Miến Ðiện càng cần vốn và công nghệ Trung Quốc, hoạt động nhiều thành phố Miến Ðiện gần như tê liệt vào dịp Tết Nguyên đán. Bắc Kinh gần như toàn quyền khai thác tài nguyên Miến Ðiện. Hai đường ống dẫn khí đốt và dầu lửa từ cảng Kyaukphyu trong vịnh Bengal, Ấn Ðộ Dương, xuyên ngang Miến Ðiện theo hướng Tây Nam lên Ðông Bắc lên tận Côn Minh dài 1.200 km được khởi công từ năm 2009. Xuất khẩu dầu khí là nguồn thu nhập lớn nhất của chính quyền Miến Ðiện: trên 1.4 tỉ Euro/năm. Cho nên không có gì oan ức khi có người cho rằng giới lãnh đạo Miến là “đần độn” và “ngu dốt,” họ đã “quản lý tồi” các nguồn lực tự nhiên dồi dào quốc gia. Ông Lý Quang Diệu còn ví nói chuyện với chính quyền quân nhân Miến Ðiện chẳng khác gì “nói chuyện với người chết” (2).

Làm chư hầu cho một đại bá tiểu khí, quả thật, không dễ thở. Tuy nhiên, chỉ có đại bá tiểu khí mạt hạng như Trung Quốc mới đủ sức giúp chính quyền độc tài này đối phó với sức mạnh dân chủ nội địa. Giáo trình Trung Quốc về chống lật đổ dạy cho Miến Ðiện gồm cả cách gài mật vụ vào hàng ngũ phong trào, cho phép đoàn biểu tình tuần hành để rồi dùng bạo lực bất ngờ phá vỡ nó, cũng như cách vây bắt những người cầm đầu và qua đó chiếm đoạt số liệu, ngăn chặn thông tin và phòng ngừa biểu tình tái diễn (3). Ðáp lại việc Giả Khánh Lâm sang thăm hồi tháng 4, 2011, mang theo hàng tỷ đô la tín dụng, đồng thời ủng hộ việc Miến Ðiện đòi quyền chủ tịch luân phiên của ASEAN vào năm 2014; Tổng Thống Miến Ðiện Thein Sein đã cam kết hậu thuẫn Trung Quốc trong hồ sơ Biển Ðông (4). Trung Quốc là một biến số với nhiều ảnh hưởng đến toàn cục Miến Ðiện. Ngược lại, dân chủ hóa được Miến Ðiện tức khống chế được mạch máu xăng dầu của con quái vật đại bá kia; chuyện này giống việc góp mặt trong vấn đề biển Ðông vậy.

Kết luận

Hòa giải dân tộc và đối thoại là hai nguyên tắc cốt lõi mà NLD đang thực hiện. Vai trò của mỗi công dân/thành viên xã hội trong Mạng Lưới Dân Chủ Nhân Dân (People's Democracy Network) là một chủ đề quan trọng tại các cuộc thảo luận của NLD. Những người đấu tranh cho tự do và dân chủ Châu Á có thể học hỏi được nhiều điều từ bà Suu Kyi và những người anh em dân chủ Miến Ðiện khác. Khi còn bị quản thúc tại gia, bà Suu Kyi đã nghe đài phát thanh 5 giờ mỗi ngày để khẳng định điều quan trọng nhất đối với thế giới thông tin là thực tế: thực tế phải là sự thật. Theo bà Suu Kyi, không phải bất cứ điều gì mình nói ra đều đúng, nhưng bà luôn luôn đứng bên sự thật. Ðiểm khác nhau là các nguyên tắc và quan điểm. Những người đấu tranh cho nhân quyền và dân chủ phải tham gia với phương tiện truyền thông, làm thế nào để làm việc cùng nhau và đối mặt với phương tiện truyền thông. Những người trẻ NLD cũng được đưa đi đào tạo ở nước ngoài, chẳng hạn như khóa học về khoa học chính trị cho các đảng chính trị và tổ chức dân sự vừa qua (từ 7/8/2011-15/8/2011) được tổ chức tại khách sạn Sena Palace ở Bangkok.
Người ta từng thấy Từ Độc Tài Đến Dân Chủ (From Dictatorship to Democracy) được đọc bằng đèn pin dưới bóng xe tăng tại một quảng trường Cairo, Ai Cập; “vô tình” nằm trên màn hình trong các tiệm Internet ngoài Hà Nội và vài độc giả giật thót mình khi nghe tiếng chó sủa đầu hẻm ở Sài Gòn. Tác giả của Từ Ðộc Tài đến Dân Chủ - Gene Sharp, nay được công nhận là tác giả chiến lược đằng sau cuộc lật đổ chính phủ Ai Cập tháng 2, 2011 (5). Chúng ta cần nhớ tác phẩm bốc lửa này chính là được viết cho phong trào dân chủ Miến Ðiện vào năm 1993, sau khi bà Suu Kyi bị cầm tù. Các vận động trên đường phố không chắc đủ đưa tới thành công, nhưng NLD là một hệ thống chính trị vận hành mở. Những đợt chuyển mình lớn 1988 và 2007 đã để lại hàng loạt kinh nghiệm cho bước tiến 2011, đủ sức khai trương một vận hội lớn đến đất nước Miến Ðiện. Với ý chí sắt thép và khát vọng chiến thắng, nền dân chủ chân chính chắc chắn sẽ xuất hiện ở Miến Ðiện.

-------------------

Chú thích:

Tham khảo:

-Website của Liên Ðoàn Quốc Gia Vì Dân Chủ - National League for Democracy (NLD) http://www.nldburma.org/

.
.
.

No comments: